Sau khi làm việc liên tục từ 7h sáng đến trưa giữa thời tiết nắng nóng cao điểm nhưng chỉ uống nửa lít nước, ông T.T.A ở Hà Nội thấy mệt mỏi, khó chịu, nôn nhiều.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Người nhà cho biết trước khi nhập viện 3 ngày, dù làm việc liên tục dưới trời nắng nóng cả buổi sáng nhưng ông chỉ mang theo nửa lít nước để uống.
Ban đầu, ông A. được gia đình đưa vào cơ sở y tế gần nhà. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng tăng ure, creatinin máu, chẩn đoán suy thận cấp do thiếu nước.
Sau một ngày điều trị, người đàn ông xuất hiện biến chứng của suy thận cấp là tăng kali máu. Kali máu tăng được xác định là khi có nồng độ kali máu >5 µmol/l. Tỷ lệ này nếu >7 µmol/l sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ở bệnh nhân này, thời điểm nhập viện, chỉ số creatinin lên tới gần 800 µmol/l, mức kali máu là 6,7 µmol/l, tiên lượng phải lọc máu, được chuyển đến Khoa Nội thận - Tiết niệu để tiếp tục điều trị.
Lập tức, bệnh nhân được bù nước, điện giải tích cực. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân dần ổn định, chức năng thận có dấu hiệu phục hồi, kali máu về trong giới hạn bình thường, creatinin máu giảm xuống khoảng 400 µmol/l, tránh nguy cơ phải lọc máu.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết bệnh nhân suy thận cấp trong giai đoạn phục hồi sẽ tiểu nhiều hơn, bác sĩ phải theo dõi sát việc này để có kế hoạch bù nước và điện giải phù hợp tránh nguy cơ rối loạn điện giải, mất nước. Nếu tiến triển tốt, bệnh nhân sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Tuyên, nắng nóng khiến cơ thể mất nước nhiều, mất điện giải. Nếu không được bù nước đúng mức sẽ làm giảm thể tích tuần hoàn. Điều này đồng nghĩa với việc giảm cung lượng máu đến mô và các cơ quan, đặc biệt là thận, gây suy thận cấp.
“Trời nắng nóng, nếu làm việc trong môi trường bình thường, không quá nặng nhọc, mỗi ngày chúng ta phải bù 3-4 lít nước. Trường hợp phải làm việc trong môi trường nắng nóng khắc nghiệt như bệnh nhân trên, mức bù nước phải nhiều hơn. Trong khi đó, bệnh nhân chỉ uống 500ml nước trong buổi sáng”, Tiến sĩ Tuyên phân tích.
Thời tiết cao điểm nắng nóng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng bệnh nhân suy thận cấp do mất nước. Năm 2023, chỉ trong 2 tháng cao điểm nắng nóng, khoa Nội thận - Tiết niệu tiếp nhận 5 bệnh nhân gặp tình trạng này.
(Báo VTC New)
Cứu sống cô gái Đan Mạch đa chấn thương do tai nạn giao thông
Cô gái bị tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn tới đa chấn thương, gãy xương đùi, vỡ xương hàm dưới bên phải vừa được các bác sĩ BV Việt Pháp Hà Nội phẫu thuật thành công.
Bệnh nhân tên L.W.N. (19 tuổi, người Đan Mạch) sang Việt Nam du lịch và dự định trở về nước vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, trong một lần di chuyển trên đường cùng bạn bè, cô gái đã gặp phải tai nạn giao thông nghiêm trọng và nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, gãy xương đùi, xuất hiện nhiều mảnh mụn cắm vào mô mềm do vỡ xương hàm dưới bên phải, nguy cơ xuất huyết cao, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Marco Marenaci - Chuyên khoa Chấn thương và Chỉnh hình, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cho biết, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ của bệnh viện đã đánh giá mức độ nghiêm trọng của ca bệnh, xem xét khả năng liên quan đến xuất huyết, từ đó tiềm ẩn nguy cơ gây sốc cho bệnh nhân, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Ngay sau đó, ca mổ cấp cứu cho người bệnh bị đa chấn thương nhanh chóng được thiết lập với sự tham gia, phối hợp của các chuyên khoa Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật kết hợp xương đùi và xương hàm dưới trong cùng một lần gây mê. Theo đó, ca mổ được chia thành 2 ekip: phẫu thuật xương đùi, sau đó tới phẫu thuật xương hàm, tổng thời gian ca mổ kéo dài từ 6 - 7 tiếng.
Bác sĩ Marco Marenaci cho biết thêm: Xương đùi là xương dài nhất và chắc khỏe nhất trong cơ thể. Trường hợp này, người bệnh bị gãy xương đùi là do lực tác động rất mạnh trong vụ tai nạn giao thông. Do đó, người bệnh được chỉ định phẫu thuật xương đùi bằng phương pháp đóng đinh nội tủy kín dưới sự kiểm tra của X-quang.
Theo đó, các bác sĩ đưa đinh nội tủy vào ống xương đã được mở ra từ vết cắt. Quá trình này được hướng dẫn bằng các kỹ thuật chính xác và sử dụng hỗ trợ từ các thiết bị hình ảnh như máy X-quang để đảm bảo vị trí đúng đắn của đinh nội tủy. Phương pháp này giúp tăng cường quá trình phục hồi và giảm thiểu nguy cơ biến dạng xương sau gãy xương cho bệnh nhân.
Ekip mổ phẫu thuật xương hàm kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ do xương hàm dưới của bệnh nhân bị vỡ. Các bác sĩ phẫu thuật phải mất nhiều thời gian loại bỏ rất nhiều mảnh vụn lẫn vào trong phần mềm. Sau quá trình lấy mảnh vụn, bệnh nhân được cố định xương hàm bằng nẹp vít.
Sau một tuần nhập viện điều trị, hiện tại tình trạng bệnh nhân đã ổn định, không xuất hiện biến chứng. Bệnh nhân được chỉ định ra viện sau 1 tuần, nạp hàm cố định trong vòng 5 tuần.
Cũng theo bác sĩ Marco Marenaci, đối với các trường hợp bị tai nạn giao thông dẫn tới đa chấn thương, vỡ, gãy xương thì bệnh nhân cần phải được chẩn đoán và phẫu thuật càng sớm càng tốt, loại bỏ các mảnh vụn do vỡ xương gây ra. Điều này đòi hỏi bệnh viện phải có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao để nhanh chóng đưa ra phương pháp điều trị. Việc làm chủ kỹ thuật trong các cao mổ đa chấn thương, vỡ, gãy xương như trường hợp của bệnh nhân trên một lần nữa tiếp tục khẳng định chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao.
Sau khi ra viện, tình trạng phục hồi sau chấn thương tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và thể trạng của người bệnh. Về nguyên tắc, sau 4 tháng xương gãy sẽ bắt đầu liền và 6 tháng sẽ lành, trường hợp nhẹ có thể nhanh hơn. Đồng thời, để thúc đẩy quá trình này, người bệnh cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ cũng như duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý và dinh dưỡng khoa học để xương nhanh liền.
(Báo VTV)
Hà Nội ghi nhận ca bệnh mắc sán dây chuột
Vừa qua, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi nam (7 tuổi) được chẩn đoán mắc bệnh sán dây nhỏ Hymenolepiasis hay còn gọi sán dây lùn hoặc sán dây chuột.
Qua khai thác bệnh sử 1 tháng trở lại đây, bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng ăn kém, rối loạn tiêu hóa không thường xuyên, gầy, sụt nhẹ cân. Khi tiến hành xét nghiệm phát hiện có trứng sán dây nhỏ Hemynolepis spp đặc hiệu trong mẫu phân.
Theo Ths. BSCKII Văn Thị Thơ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh & Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng trung ương, bệnh sán dây nhỏ Hymenolepiasis có từ lâu do 2 loài sán Hymenolepis nana (bệnh sán dây lùn) và Hymenolepis diminuta (bệnh sán dây chuột) gây nên, và bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm và mắc bệnh.
Tại Việt Nam cũng đã phát hiện nhiều trường hợp trẻ em bị nhiễm sán. Cũng do bệnh diễn biến âm thầm nên thường bị bỏ qua. Trên thế giới có khoảng 20 triệu người mắc, nhưng thường phổ biến tại các quốc gia ôn đới, thường gặp nhất ở những người sống ở khu vực có điều kiện vệ sinh kém và những người sống trong môi trường tập trung.
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Tỷ lệ nhiễm dao động từ 1% ở phía nam của Mỹ đến 9% ở Argentina và 97,3% ở Nga. Bệnh phổ biến hơn ở các vùng nghèo đói và điều kiện vệ sinh kém.
Ths, bác sĩ Văn Thị Thơ cho biết, khi bị nhiễm nguồn lây, bệnh thường diễn tiến âm thầm, tuy nhiên có những trường hợp nhiễm số lượng sán nhiều. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, sút cân, đau đầu, ngứa vùng thân dưới…
“Khi người nuốt phải trứng sán, hoặc ăn phải thực phẩm như mọt cám nhiễm sán dây nhỏ, mầm bệnh sẽ vào dạ dày, khu trú và gây bệnh ở nhung mao của ruột non, hồi tràng phá vỡ nhung mao ruột gây các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng thượng vị, quanh rốn…chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân, ngứa vùng thân dưới… Đôi khi có các dấu hiệu thần kinh như mất ngủ, chống mặt, co giật” bác sĩ Văn Thị Thơ cho biết.
Để phòng tránh bệnh sán dây nhỏ Hymenolepiasis, người dân cần rửa tay bằng nước ấm sau khi đi vệ sinh, thay tã và trước khi chuẩn bị thức ăn; Dạy trẻ tầm quan trọng của việc rửa tay để ngăn ngừa nhiễm trùng; Khi đi du lịch đến các quốc gia có nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cao hơn, hãy rửa, gọt vỏ hoặc nấu tất cả rau và trái cây sống bằng nước an toàn (nước khử trùng, chẳng hạn như nước đóng chai, nước đun sôi hoặc nước lọc) trước khi ăn.
(Báo VOV)
Nguy cơ ngộ độc khi chạy theo các món ăn “hot trend”
Hàng loạt món ăn vặt “hot trend” từng xuất hiện rồi lại đột ngột biến mất. “Sớm nở tối tàn” nhưng một số đồ ăn vặt tạo “trend” có nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu không rõ ràng, cách chế biến mất vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Tuổi thọ ngắn ngủi của món ăn “hot”
Nhờ Facebook, YouTube, TikTok, hiệu ứng từ các nền tảng video, “bản đồ” thức ăn vặt đường phố của Việt Nam nhanh chóng cập nhật những món ăn mới nhất theo trào lưu thế giới. Chủ các cửa hàng bán đồ vặt cũng nhanh chóng phát triển mô hình kinh doanh đồ ăn theo “trend”. Món mới có nhiều nhưng dường như “tuổi thọ” của chúng ngày càng ngắn lại. Nếu như mùa hè năm ngoái, giới trẻ đua nhau cập nhật những món ăn độc lạ như mì cay 7 cấp độ, gỏi măng cụt, trà mãng cầu... thì năm nay, những món này đã không còn được ưa chuộng.
Món bánh đồng xu phô mai “10 won” đã làm mưa làm gió với hàng trăm cửa hàng “di động” xuất hiện tại hầu hết các con phố đón dòng người xếp hàng chờ đợi để ăn thử. Thậm chí, nhiều người không ngần ngại xếp hàng hơn 30 phút chỉ để mua chiếc bánh đồng xu phô mai rồi ghi hình, đưa lên Facebook, YouTube, TikTok “cho bằng bạn bằng bè”. Có một thứ đồ thức uống khiến giới trẻ phải “thử cho bằng được”, ấy chính là món trà chanh giã tay được pha chế với cách thức độc đáo. Đó là giã chanh tươi còn nguyên vỏ thay vì chỉ lấy phần nước cốt như món trà chanh bình thường. Điểm đặc biệt của món này chính là những quả chanh to mọng có xuất xứ từ Trung Quốc, có mùi thơm đặc biệt. Khi pha chế, người ta cạo sơ phần vỏ, giã thật mạnh tay để tạo mùi thơm ấn tượng. Chính cách chế biến này đã làm cho người trẻ tò mò và vô tình biến trà chanh giã tay trở thành thức uống “hot trend”.
Sau khi bánh đồng xu, trà chanh giã tay... thì xúc xích nướng trên sỏi đang là món ăn được nhiều người yêu thích trong mùa hè năm nay. Xúc xích nướng trên sỏi đá, còn gọi là lạp xưởng, có xuất xứ từ Hà Khẩu, Trung Quốc. Loại xúc xích thơm béo ngậy ăn kèm với ớt bột này được nướng trên những viên sỏi là điểm “độc lạ”, khiến thực khách tò mò. Hơi nóng của sỏi giúp xúc xích chín đều, vàng giòn và giữ được độ mềm ẩm bên trong.
Thực tế, những món ăn nói trên thu hút nhiều người tìm mua do tò mò và muốn trải nghiệm thực phẩm mới lạ lại có mức giá khá rẻ - chỉ từ 15.000 - 30.000 đồng/sản phẩm. Khi đã trải nghiệm rồi thì hứng thú không còn và vòng đời món ăn “hot trend” cũng kết thúc. Tuy nhiên, không ít người bán hàng cũng xác định việc buôn bán các món ăn “hot” này mang tính thời vụ, không ngại chuyển sang món ăn khác. Số vốn bỏ ra cho các quầy hàng này thường chỉ từ vài triệu đồng để đặt mua các loại dụng cụ chế biến như máy làm bánh, bếp điện, đá cuội và nguyên liệu. Người mua đa số đều là khách vãng lai, không quá “khắt khe” về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; người bán thức ăn vặt đường phố cũng có tâm lý bán một lần là xong, không cần giữ khách.
Vị ngon dở của những món ăn này tùy vào cảm nhận của mỗi người, tuy nhiên cách chế biến và các loại nguyên liệu có xuất xứ “mập mờ” đang khiến rất nhiều người lo ngại. Bởi hầu hết chủ các cửa hàng chuyên kinh doanh những món ăn “hot” chủ yếu nhập buôn các loại nguyên liệu với mức giá “siêu rẻ” tại một số chợ đầu mối. Ngoài ra, việc chế biến món ăn ngay trên đường phố cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Chẳng hạn, với các món ăn nướng đá, nếu người chế biến tuân thủ quy trình vệ sinh thì phải đun sôi đá, đánh sạch lớp dầu mỡ của lần nướng trước rồi vớt ra, để ráo nước cho lần nướng tiếp theo; đá nướng cần được thường xuyên thay. Tuy nhiên, tại các quầy hàng rong, việc sử dụng đi sử dụng lại lớp đá để nướng lạp xưởng trong thời gian dài là điều không thể tránh khỏi. Lớp đá nướng được sử dụng lâu mà không vệ sinh và thay mới khiến dầu mỡ tích tụ, dễ gây cháy khét, sản sinh độc tố. Hơn nữa, các món xúc xích nướng than đá chủ yếu được bán ở vỉa hè với mật độ xe cộ đi lại nhiều, lớp đá nướng không được che đậy cẩn thận nên không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thực phẩm “bẩn” cũng thành món ăn “hot”
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 với các quận, huyện, thị xã, diễn ra vào chiều 4-6, đại diện Công an Hà Nội đã dẫn chứng về một đường dây buôn bán hơn 10 tấn xúc xích “bẩn”. Đường dây này bị phát hiện bắt đầu từ một hàng quán ở cổng trường học. Sau đó, lần theo dấu vết, lực lượng công an đã tìm được 5 - 6 đầu mối và phát hiện kho hàng có chứa hơn 10 tấn xúc xích “bẩn”. Cơ quan chức năng đã thí nghiệm bằng cách để xúc xích thu giữ được ở ngoài nắng trong 7 ngày. Kết quả, xúc xích không bị ôi thiu, bốc mùi. Lực lượng chức năng nghi ngờ sản phẩm này có sử dụng formol để bảo quản. Tháng 4-2024, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý Thị trường Hà Nội) đã thu giữ 2.000 cây xúc xích có chữ nước ngoài trên bao bì, được tập kết tại khu vực số 1, Km12 đường Ngọc Hồi, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đây là các hàng nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp.
Tiếp đó, đến tháng 5-2024, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) bất ngờ “đột kích” kho hàng tại đường Đồng Tiến, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Lực lượng liên ngành đã phát hiện, thu giữ khoảng 4 tấn xúc xích và cánh gà chế biến sẵn ăn liền không rõ nguồn gốc.
Đây đều là các sản phẩm bán chạy trên thị trường hiện nay và được giới trẻ yêu thích, thường được bày bán tại cổng các trường học, hoặc là nguyên liệu để chế biến những món ăn vặt “hot trend”. Khó có thể tưởng tượng nổi, nếu hàng tấn nguyên liệu thực phẩm “bẩn” này không sớm được phát hiện và xử lý kịp thời thì hậu quả lớn đến mức nào.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các món thịt chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội... đã được đưa vào danh sách Nhóm 1 các tác nhân gây ung thư. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), một bộ phận của WHO đánh giá chỉ ăn 50 gam thịt chế biến sẵn mỗi ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư lên 18%. WHO định nghĩa rằng, thịt chế biến sẵn là các loại thịt đã bị biến đổi thông qua quá trình ướp muối, sấy khô, lên men, xông khói hoặc các quá trình xử lý khác để tăng hương vị thịt và để bảo quản được lâu hơn. Một số loại thịt chế biến sẵn được nhiều người sử dụng là thịt nguội, xúc xích, lạp xưởng, thịt bò muối, thịt bò khô, thịt gà khô, thịt heo sấy khô, thịt đóng hộp, các loại nguyên vật liệu chế biến (chế phẩm) và nước xốt từ thịt...
Nguyên nhân khiến thịt chế biến sẵn tiềm ẩn nguy cơ ung thư là bởi chúng chứa nhiều chất phụ gia, có thể chứa các hóa chất hình thành trong quá trình chế biến hoặc nấu thịt, ví dụ như hợp chất N-nitroso và hydrocarbon thơm đa vòng, gây tổn thương ADN, phát triển ung thư. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ung thư, các loại thịt chế biến sẵn còn ít dinh dưỡng nhưng lại dư thừa quá nhiều muối, nhiều mỡ, natri... Bởi vậy, các loại thịt chế biến sẵn có thể gây tăng cân, tăng nguy cơ cao huyết áp, tim mạch...
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, tư vấn dinh dưỡng cảnh báo: “Những sự sáng tạo về các món ăn “hot trend” có thể tạo ra những công thức có những hợp chất gây vấn đề về tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe, gia tăng lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”. Do đó, thay vì tò mò đua nhau chạy theo những món ăn “hot trend” chế biến sẵn, các bạn trẻ hãy lựa những món ăn gần gũi với thiên nhiên, những món ăn cân bằng, tốt cho sức khỏe.
Kiểm soát chặt chẽ bán thuốc qua thương mại điện tử
Đại biểu Quốc hội đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ quy định bán thuốc thuộc danh mục của Bộ Y tế cho phép theo phương thức thương mại điện tử.
Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Góp ý vào quy định chuỗi nhà thuốc trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, hiện có nhiều chuỗi nhà thuốc đang hoạt động độc lập, Sở Y tế là nơi cấp phép hoạt động cho từng nhà thuốc trong chuỗi. Cần khuyến khích chuỗi nhà thuốc nhưng cũng cần tạo dư địa cho các nhà thuốc độc lập hoạt động, đồng thời chuỗi nhà thuốc cần có trách nhiệm với cộng đồng tại các vùng sâu, vùng xa…
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng cần cân nhắc đưa oxy y tế vào điều chỉnh tại Luật Dược. “Tại sao không đưa khí CO2, NO2, Heli vào quản lý trong Luật dù trong tờ trình cho rằng oxy y tế là thuốc còn các khí khác không phải là thuốc. Việc coi oxy y tế là thuốc sẽ khó khăn cho việc mua bán, bảo quản, thực hiện xuất, nhập hàng khi chưa thực hiện được tiêu chuẩn hóa GMP về sản xuất oxy y tế”, đại biểu nói.
Về vấn đề oxy y tế, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) nhận định, khí y tế nói chung và oxy y tế nói riêng hiện không có văn bản pháp lý nào quy định quản lý. “Khi xảy ra vấn đề liên quan đến oxy y tế hay có sự cố y khoa thì cơ quan nào chịu trách nhiệm”, đại biểu đặt vấn đề. Bên cạnh đó, nếu quản lý oxy y tế như là thuốc thì không có cơ sở sản xuất nào trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu về thực hành tốt sản xuất thuốc GMP đối với oxy, nên nếu quy định trong luật tức là cơ sở sản xuất phải đáp ứng yêu cầu nêu trên; oxy y tế khi lưu hành phải cấp giấy đăng ký lưu hành như đối với các thuốc khác.
“Từ các lý do trên, tôi đề nghị không điều chỉnh sản phẩm oxy y tế tại Luật này; nhưng để tránh tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị Chính phủ ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật để quản lý oxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế”, đại biểu nói.
Đối với quy định về quảng cáo thuốc, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho rằng, hoạt động quảng cáo được rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng riêng đối với thuốc, cần quy định rõ trách nhiệm Bộ Y tế. “Đề nghị ghi rõ trong dự thảo Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội; cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết để phòng tránh”, đại biểu nói.
Về tình trạng mua thuốc theo đơn của “thầy thuốc online”, có đơn và nhà thuốc ship đến tận nhà, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng: Trên thực tế, rất nhiều nhà thuốc chỉ cần ảnh chụp đơn thuốc là chuyển đến tận nhà, do đó nếu cấm cơ học thì không có giải pháp. “Vì vậy tôi đề nghị cho triển khai nhưng phải quy định rõ, bắt đầu từ chính các nhà thuốc và chính các bệnh viện. Với bệnh nhân ba tháng sau khi ra viện, khi mua thuốc thì quy định những nhà thuốc có hồ sơ bệnh án điện tử có thể chuyển thuốc đến tận nhà cho người dân”, đại biểu nói.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Dương (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, việc cho phép bán thuốc qua thương mại điện tử cần được kiểm soát rất chặt chẽ. Mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng và phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sĩ và được tư vấn dược đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc, bên cạnh đó còn vấn đề khác như thu hồi thuốc…
“Đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật có quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này. Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, do vậy cơ sở thương mại điện tử tham gia phải đủ điều kiện kinh doanh dược và chỉ được bán các thuốc thuộc danh mục không kê đơn”, đại biểu Đoàn Tiền Giang nói.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn Đắk Lắk) đề nghị xem xét sửa đổi quy định đối với người có chứng chỉ hành nghề dược được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực, thì thời hạn cập nhật kiến thức chuyên môn tính từ ngày Chứng chỉ hành nghề dược có hiệu lực hoặc Giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất. Đại biểu cho rằng, Luật Dược 2016 yêu cầu phải có Giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn ba năm thì những người có Chứng chỉ hành nghề dược đến năm 2020 đã phải có Giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược và ba năm một lần phải cập nhật lại kiến thức chuyên môn về dược.
(Báo Hà nội mới)
Nắng nóng kéo dài, gia tăng nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ
Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng trên cả nước tiếp tục tăng mạnh, kéo dài, nhiệt độ cao nhất nhiều nơi vượt ngưỡng 42 độ C. Chuyên gia y tế cảnh báo, nắng nóng có thể gây mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi con người tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.
Cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra dự báo, Hà Nội, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nắng nóng vượt 42 độ C kéo dài nhiều ngày. Thời tiết nắng nóng kéo dài là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng, bệnh hô hấp, đột quỵ…
Theo Bộ Y tế, nguy cơ đột quỵ có thể tăng thêm 10% khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C. Do đó, người dân lưu ý khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Học - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, nắng nóng gây cơ thể mất nước, muối nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu bị lưu thông kém. Hậu quả là làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.
Say nắng và sốc nhiệt đều dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Triệu chứng kinh điển của tình trạng này là tăng thân nhiệt trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp. Trong đó, những người có bệnh lý nền thường có nguy cơ gặp phải hậu quả nghiêm trọng hơn.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, vào mùa Hè, nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.
Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng, người bệnh có những biểu hiện ban đầu như: Mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp… sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao (từ 39 - 40 độ C), hôn mê…
Biến chứng thường gặp nhất ở những bệnh nhân sốc nhiệt muộn là: co giật, tiêu cơ vân, suy thận, hôn mê kéo dài, tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục, thậm chí là tử vong. Sốc nhiệt đặc biệt nguy hiểm với người già, trẻ em và các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.
Cách phòng bệnh
GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho hay, việc cấp cứu ban đầu khi phát hiện người bị sốc nhiệt vô cùng quan trọng. Điều này quyết định việc có cứu sống được nạn nhân hay không.
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, có nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ sốc nhiệt. Trong đó nhóm có nguy cơ cao là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh nền và người lao động, hoạt động ngoài trời. Đặc biệt, đối với người vận động thể thao ngoài trời, lao động gắng sức dễ xảy ra tình trạng sốc nhiệt.
Thời gian cấp cứu nạn nhân sốc nhiệt tốt nhất là 30 phút đầu tiên, trong đó, nếu được hạ nhiệt, cấp cứu trong 15 phút đầu tiên sau khi xuất hiện triệu chứng sẽ có cơ hội cứu sống 100%. Trong 30 phút cơ hội cứu sống là 80%. Khi qua 30 phút đầu tiên, cơ hội cứu sống nạn nhân sẽ giảm rất nhanh, chỉ còn khoảng 40% ở phút 60 và sau hơn 1 tiếng chỉ còn 5-10%. Vì vậy, việc cấp cứu tại chỗ vô cùng cần thiết và cấp bách.
Để phòng bệnh đột quỵ, nhất là trong thời tiết nắng nóng gay gắt, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân, đặc biệt là người trẻ nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh; tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường….
Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…), người bệnh cần được đưa ngay đến các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời trong giai đoạn giờ vàng (từ 4 - 6 giờ).
Người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt từ 12 đến 16 giờ. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài, bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Đồng thời, nên mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi; tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5 - 2 lít nước/ngày.
Những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ; hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao; hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy; không sử dụng các loại đồ uống có cồn, cần uống nước đều đặn suốt thời gian làm việc...
(Báo Kinh tế& đô thị)