Trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” xuất hiện từ nhiều năm nay, đặc biệt nổi lên vào năm 2019. Thời điểm đó, với sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, các phương tiện truyền thông đại chúng và dư luận xã hội, trào lưu này được dập tắt. Thế nhưng, thời gian gần đây, trào lưu phản khoa học, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bà mẹ và trẻ sơ sinh đã xuất hiện trở lại trên mạng xã hội.
Đối mặt với nhiều tai biến sản khoa
Xuất hiện từ nhiều năm nay, trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” cổ xúy cho những hành vi phản khoa học như: Không khám thai, không cắt rốn trẻ sau sinh, tự sinh con tại nhà, không tiêm vắc xin cho trẻ... Hậu quả là thời gian qua, nhiều bệnh viện đã phải tiếp nhận các sản phụ hoặc trẻ sơ sinh bị tai biến do trào lưu nguy hiểm nói trên.
Vài năm trước đây, một sản phụ 34 tuổi ở tỉnh Hưng Yên đã chủ động sinh con tại nhà. Sau đó, sản phụ này phải nhập viện cấp cứu do vỡ tử cung, mất nhiều máu. Các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu, cắt tử cung để cứu sống sản phụ.
Còn cách đây vài tháng, Bệnh viện Nhi trung ương đã cấp cứu một bé gái sơ sinh 7 ngày tuổi, được sinh tại nhà và bị nhiễm khuẩn. Dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bé không qua khỏi. Trước đó, mẹ bé từng mang thai và sinh con ở bệnh viện. Tuy nhiên, trong lần mang thai thứ hai này, chị theo đuổi trào lưu sinh con lotus birth (sinh sen) được lan truyền trên mạng xã hội. Tới ngày sinh nở, chị tự sinh con tại nhà. Sau khi sinh, trẻ không được cắt dây rốn, người mẹ giữ nguyên cuống rốn và bánh nhau rồi phủ một lớp muối lên trên, ủ cho tới khi cuống rốn teo quắt và tự rụng. Sau khi cuống rốn rụng, cháu bé bị nhiễm khuẩn, suy hô hấp…
Mới đây, giữa tháng 6-2024, một tài khoản Facebook có tên N.M (ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đăng tải bài viết liên quan đến việc sinh đẻ tự nhiên tại nhà, không qua cơ sở y tế của người thân sinh sống tại tỉnh Đắk Nông. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, người đăng bài đã nhận lỗi, đồng thời viết cam kết và gỡ bài.
Trước thực tế nêu trên, các bác sĩ chuyên ngành sản khoa cảnh báo, nếu trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” tại nhà này được chia sẻ rộng rãi sẽ nguy hiểm đối với cả sản phụ và thai nhi.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Hằng Nga, Bệnh viện Phụ sản trung ương, nếu tự sinh con tại nhà, nguy cơ đầu tiên là với bà mẹ. Nếu đẻ tại nhà, các bà mẹ sẽ phải đối mặt với cơn đau đẻ. Có những cơn đau khiến bà mẹ bị sang chấn tâm lý, suy kiệt nếu không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, của các trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, bà mẹ còn phải đối mặt với nguy cơ chảy máu có thể do rách tầng sinh môn, do sót nhau thai, đờ tử cung hoặc vỡ tử cung… Khi chảy máu nhiều, y khoa chẩn đoán là băng huyết sau sinh. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, băng huyết sau sinh có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được xử trí kịp thời.
Còn đối với thai nhi, bác sĩ Đỗ Thị Hằng Nga cho rằng, khi trẻ được sinh tại nhà, không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, trẻ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra như: Suy thai, trẻ bị sa dây rốn… Đây là những tình huống cấp cứu tối sản khoa, nếu không được xử lý kịp thời thì trẻ sẽ có thể bị tử vong.
Thậm chí, nếu thai hơi to một chút, hoặc khung chậu của mẹ bị giới hạn thì nguy cơ khi đẻ, bé có thể bị mắc vai, gãy xương đòn… Đây là những tình huống thông thường hoàn toàn có thể xảy ra mà người mẹ không thể biết được. Chưa kể, nếu bà mẹ nằm trong nhóm thai kỳ nguy cơ cao như: Tăng huyết áp, tiền sản giật, tim mạch… hay thai bị ngôi ngang, ngôi không thuận, song thai… còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, gây nguy cơ tử vong cho cả mẹ và bé.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Diêm Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội lưu ý, những tai biến sản khoa luôn rình rập và có thể cướp đi sinh mạng của mẹ và bé bất cứ lúc nào nếu nhân viên y tế sơ suất, chứ chưa nói đến việc không được kiểm soát, tự sinh tại nhà…
Cần phải được chấm dứt
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong hơn 30 năm qua, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2023; tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi đều giảm gần 4 lần… Để có được kết quả này, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Y tế cùng các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai nhiều chương trình, đưa ra nhiều giải pháp can thiệp về chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng.
Thế nhưng, trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” được khởi xướng và lan truyền thời gian qua gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời, đe dọa đến các nỗ lực của ngành Y tế và các địa phương trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) nhấn mạnh, trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” phản khoa học, có rất nhiều tác hại đến sức khỏe của mẹ và bé, cần phải được chấm dứt. “Hiện, chúng tôi vẫn theo dõi sát sao, phối hợp các cơ quan liên quan và các địa phương để có những giải pháp, hướng xử lý phù hợp trước sự việc này”, ông Đinh Anh Tuấn nói.
Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, quán triệt đến các đơn vị có liên quan cần tăng cường quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh tại địa phương, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở nhằm hạn chế tối đa tình trạng đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân cố tình cổ vũ, quảng bá phương pháp sinh đẻ phản khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân theo quy định của pháp luật.
Để sinh con an toàn và mạnh khỏe, bác sĩ Đỗ Thị Hằng Nga khuyến cáo, sự can thiệp, hỗ trợ của nhân viên y tế giúp làm giảm tỷ lệ tử vong của sản phụ và trẻ sơ sinh, giúp mẹ và bé mạnh khỏe trong tương lai. Có nhiều vấn đề liên quan đến việc sinh con thuận tự nhiên theo khoa học nên áp dụng, như để trẻ được da kề da với mẹ sau sinh, cho con bú sữa mẹ… Tuy nhiên, tất cả việc sinh nở tại nhà theo trào lưu được giới thiệu trên mạng xã hội không phải là sinh thuận tự nhiên mà là thiếu hiểu biết. Bởi vậy, những sản phụ tuyệt đối không nên tin, nghe theo những lời chia sẻ phản khoa học, tránh gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
(Báo Hà nội mới)
Đề xuất kê đơn, cấp thuốc dài ngày với bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đã điều trị ổn định
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có công văn đề xuất Bộ Y tế kéo dài thời gian kê đơn, cấp thuốc đối với bệnh nhân có bệnh mãn tính điều trị ổn định với số lượng thuốc được kê đơn sử dụng tối thiểu 60 ngày.
Theo BHXH Việt Nam, đơn vị vừa có công văn gửi Bộ Y tế tiếp tục đề xuất kéo dài thời gian kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính; sớm chỉ đạo hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính.
Tại công văn này, BHXH Việt Nam cho biết, trước đó BHXH Việt Nam đã có công văn về việc kéo dài thời gian kê đơn cấp thuốc điều trị các bệnh mạn tính gửi Bộ Y tế, trong đó đề xuất kéo dài thời gian kê đơn, cấp thuốc đối với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính ổn định (như tiểu đường, tăng huyết áp…), với số lượng thuốc được kê đơn sử dụng tối thiểu 60 ngày; trong thời gian uống thuốc điều trị, người bệnh cần đi khám bệnh thì vẫn được hưởng chế độ BHYT.
Nhằm giảm số lần người bệnh phải đến cơ sở khám chữa bệnh để tái khám, giảm tình trạng quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh..., ngày 14/3/2023, BHXH Việt Nam đã đề xuất Bộ Y tế ban hành quy định về việc kê đơn như sau: Với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính ổn định (tiểu đường, tăng huyết áp...), số lượng thuốc được kê đơn đủ sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày. Với bệnh nhân đã điều trị thuốc kháng ARV từ 12 tháng trở lên ổn định, thì số lượng thuốc được kê đơn, cấp thuốc điều trị sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày. Chỉ riêng với trường hợp bệnh nhân điều trị các bệnh mạn tính tại tuyến cơ sở (trung tâm y tế, phòng khám), đề nghị Bộ Y tế cho phép cấp thuốc điều trị không quá 30 ngày.
Hiện nay, trong bối cảnh Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản hướng dẫn hoặc sửa đổi Thông tư số 52, BHXH Việt Nam tiếp tục có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, nêu rõ: Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng cũng phản ánh nguyện vọng của nhiều người bệnh mắc bệnh mạn tính điều trị dài ngày mong muốn được lấy thuốc 2 tháng/lần, nhằm giảm bớt áp lực chờ đợi cho người bệnh, giảm thời gian đi lại cho người bệnh, nhất là người bệnh cao tuổi, sức khỏe yếu, người cô đơn…
Liên quan đến vấn đề này, ngày 20/6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế ) đã họp với BHXH Việt Nam, các bệnh viện tuyến trung ương, Tổng hội Y học Việt Nam, các hội chuyên ngành như Hội Hô hấp, Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam... về đề xuất thời gian kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính của BHXH Việt Nam.
Tại cuộc họp, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận được công văn của BHXH Việt Nam; đồng thời nhận được công văn của Sở Y tế Hà Nội về việc triển khai thí điểm cấp thuốc mạn tính 2 tháng tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, trong đó đề cập kết quả phân tích dữ liệu người bệnh được cấp thuốc mạn tính (tối đa 3 tháng) trong thời gian dịch bệnh COVID-19.
Tại thời điểm dịch bệnh, việc cấp thuốc mạn tính 2 tháng đối với nhóm bệnh mạn tính ổn định thực sự mang lại hiệu quả cho cả người bệnh và bệnh viện, giảm bớt áp lực chờ đợi cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh cao tuổi, sức khỏe yếu.
Trong quá trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đa số người bệnh bày tỏ nguyện vọng được cấp thuốc 2 tháng để giảm thời gian đi lại. Sở Y tế Hà Nội đề xuất cho phép triển khai thí điểm cấp thuốc 2 tháng đối với các trường hợp mắc các bệnh cần điều trị dài ngày bao gồm nhóm bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu có tình trạng ổn định tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn trong năm 2024.
Trước đó, trong giai đoạn dịch COVID-19, năm 2022, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, y tế các bộ, ngành, BHXH Việt Nam đề nghị góp ý về thời gian kê đơn tối đa cho mỗi lần kê đơn thuốc ngoại trú. Thời hạn góp ý là ngày 30/8/2022.
Tính đến ngày 5/9/2022, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận được 269 ý kiến góp ý của các địa phương, đơn vị. Hầu hết Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất việc giữ nguyên quy định về thời gian kê đơn thuốc ngoại trú với thuốc gây nghiện, hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc điều trị bệnh cần chữa trị dài ngày khác (bao gồm thuốc ARV điều trị người bệnh HIV/AIDS).
Các bác sỹ thuộc các chuyên khoa và hội chuyên ngành cũng đề nghị xem xét điều chỉnh thời gian kê đơn đối với một số bệnh mạn tính đã điều trị ổn định, có thể tối đa là 60 ngày hoặc 90 ngày, thậm chí có thể lâu hơn. Tuy nhiên, thời gian kê đơn thuốc trong mỗi trường hợp phải xem xét cụ thể từng bệnh, tình trạng của người bệnh; cần lấy hiệu quả điều trị và an toàn của người bệnh là ưu tiên hàng đầu.
Trong thời gian chờ sửa đổi Thông tư số 52, căn cứ ý kiến của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Hội đồng của Bộ Y tế sẽ xem xét thí điểm kê đơn thuốc dài hơn 30 ngày đối với một số bệnh mạn tính.
(Báo Công an nhân dân)
Cùng nội dung thông tin
https://plo.vn/de-xuat-nang-thoi-gian-ke-don-thuoc-dieu-tri-benh-man-tinh-len-2-3-thanglan-post796764.html
Tưởng tăng cân do tẩm bổ, nữ sinh 15 tuổi phát hiện mắc ung thư
Một nữ sinh 15 tuổi đau bụng kéo dài nhưng gia đình nghĩ em tăng cân do tẩm bổ cho kỳ thi lên cấp 3. Thi xong, bụng thiếu nữ ngày càng to, gia đình đưa em đi khám và bàng hoàng với kết quả, em có u ác tính.
Cụ thể, bệnh nhân là P.T.N, 15 tuổi, quê Bắc Ninh, được đưa đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Mẹ của nữ sinh cho biết, mấy tháng trước, N. kêu đau bụng, mẹ quan sát thấy bụng con to hơn bình thường. Gia đình nghĩ con tăng cân do tẩm bổ nhiều.
Gần đây bụng to lên hơn, N. vẫn kêu đau bụng nên đợi con thi vào lớp 10 xong, gia đình mới đưa con đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thăm khám.
Hình ảnh siêu âm cho thấy buồng trứng phải bệnh nhân có khối âm vang hỗn hợp, kích thước gần 24cm. Chụp cộng hưởng từ (MRI) ghi nhận hình ảnh khối dạng đa nang, đa thùy, các bác sĩ nghĩ đến u quái buồng trứng, nghi ngờ ung thư.
Bệnh nhân được chỉ định đưa vào Khoa Phụ ngoại (A5) để mổ mở và sinh thiết lạnh tại chỗ.
(Báo Sức khỏe &đời sống)
Cao điểm hoạt động truyền thông chính sách Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam
Nhân dịp 15 năm Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam 1/7, đợt cao điểm các hoạt động truyền thông chính sách sẽ tập trung từ ngày 24/6 đến 8/7 với các hình thức phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương.
Bộ Y tế có công văn số 3341/BYT-BH về việc tăng cường truyền thông và tổ chức các hoạt động nhân dịp 15 năm Ngày BHYT Việt Nam
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo sở, ban, ngành liên quan tăng cường thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT nhân dịp 15 năm Ngày BHYT Việt Nam (1/7/2009 - 1/7/2024).
Cụ thể, chủ đề được chọn năm nay là: "Sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại y tế cơ sở”.
Hoạt động tổ chức truyền thông nhân dịp 15 năm Ngày BHYT Việt Nam 1/7/2009-1/7/2024 tập trung trong thời gian từ ngày 24/6/2024 đến ngày 8/7/2024 với các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Cụ thể như mít tinh, tọa đàm, đăng tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng...; tổ chức treo các băng rôn, phướn tuyên truyền về BHYT với các thông điệp truyền thông chủ yếu được Bộ Y tế đề xuất.
Nội dung các thông điệp tập trung chủ yếu về mục đích, ý nghĩa của chính sách; nâng cao chất lượng KCB BHYT tại y tế cơ sở; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả Quỹ BHYT; mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân; thực hiện nghiêm pháp luật về BHYT …
Bộ Y tế giao Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB trên địa bàn thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về BHYT phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở KCB.
Các cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về BHYT; nâng cao chất lượng KCB, quan tâm đến y tế cơ sở; tăng cường thanh kiểm tra phòng, chống hành vi lãng phí, lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả Quỹ BHYT.
15 năm triển khai Ngày BHYT Việt Nam, từ 2009 đến nay, chính sách BHYT đã không ngừng hoàn thiện, quyền lợi người tham gia ngày càng được bảo đảm.
Nếu như năm 2008, toàn quốc mới chỉ có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số thì đến năm 2023, toàn quốc đã có 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ đạt 93,35% dân số.
Hằng năm, bình quân có trên 150 triệu lượt người KCB, quỹ BHYT chi trả trên 100.000 tỷ đồng. Năm 2023 có trên 174 triệu lượt KCB BHYT. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức tốt từ T.Ư đến địa phương, bao gồm các cơ sở KCB công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi cho việc tiếp cận dịch vụ KCB của người có thẻ BHYT.
(Báo Kinh tế& đô thị)
Mô hình bệnh tật thay đổi, hơn 30 triệu người Việt cần phục hồi chức năng
Nhu cầu về phục hồi chức năng của người Việt ngày càng cao do mô hình bệnh tật thay đổi.
Thông tin trên được PGS.TS Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam chia sẻ bên lề Toạ đàm phục hồi chức năng Liên Bang Nga - xu hướng phát triển mới và các thành tựu, do Tập đoàn Y tế Việt - Nga tổ chức chiều 20/6.
Theo chuyên gia, ở nước ta vào thời điểm năm 2019, cứ khoảng 7 người thì có 2 người mắc các bệnh/tật cần phục hồi chức năng, tương ứng với tỷ lệ 30.000/100.000 dân. Ước tính cả nước có trên 30 triệu người cần được phục hồi chức năng, trong đó tỷ lệ bệnh nhân nữ cao hơn so với nam, tập trung nhiều hơn ở độ tuổi 50 – 59 và nhiều nhất thuộc với nhóm mắc bệnh rối loạn cơ xương khớp.
“Nhu cầu phục hồi chức năng của người dân rất lớn nhưng khả năng cung cấp dịch vụ còn nhiều hạn chế, bất cập. Nếu 30 triệu người khuyết tật, gặp các vấn đề về sức khoẻ trên không được phục hồi chức năng thì gần như họ mất hoàn toàn sức lao động, tạo nên gánh nặng cho gia đình và xã hội”, ông Hải nói.
Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng, thời gian qua, Việt Nam có nhiều tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực phục hồi chức năng, cả nước có 1 bệnh viện phục hồi chức năng trung ương, 38 bệnh viện phục hồi chức năng địa phương (trong đó có 10 bệnh viện y học cổ truyền về phục hồi chức năng), khoảng 550 khoa phục hồi chức năng tại các cấp cơ sở khám chữa bệnh từ ban đầu đến chuyên sâu và 25 bệnh viện/trung tâm thuộc y tế các Bộ, ngành.
Tiến sĩ Dương cũng thừa nhận, công tác phục hồi chức năng ở nước ta còn khá nhiều thách thức, đó là mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng phát triển chưa đồng bộ cả ở trong và ngoài ngành y tế, cả y tế cơ sở và tuyến tỉnh của nhiều địa phương.
Nhân lực chuyên khoa phục hồi chức năng vừa yếu vừa thiếu ở các tuyến, đặc biệt tuyến y tế cơ sở và khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hiện có khoảng 0,25 nhân lực phục hồi chức năng/10.000 dân, thấp hơn so với định mức theo khuyến cáo của WHO (0,5 – 1/10.000 dân).
“Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có khoảng 0,5 nhân lực phục hồi chức năng/10.000 dân để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân”, tiến sĩ Dương thông tin.
Theo bác sĩ Vasilev Valery Leonidovich, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Nga, Đa khoa Quốc tế Việt – Nga, tại Việt Nam, nhu cầu về phục hồi chức năng đang ngày càng gia tăng do số vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động và số ca bị thương nặng tăng từ 1,2 đến 2,4 lần so với những năm trước đó. Tỷ lệ người cao tuổi chiếm 12% trong tổng dân số, khí hậu thời tiết nồm ẩm cũng là yếu tố gây ra bệnh đau nhức xương khớp, thoái hóa cơ xương khớp.
Chuyên gia cho rằng, vận động trị liệu là một trong những phương pháp chủ yếu của phục hồi chức năng, dựa trên nguyên lý cơ thể vận động giúp tái tạo, cải thiện và duy trì trạng thái chức năng của cơ - xương - khớp, hệ tim mạch và các hệ thống khác trong cơ thể. Nếu làm tốt phương pháp vận động trị liệu, 95% người bệnh thoát vị đĩa đệm có thể phục hồi mà không cần phẫu thuật.
(Báo VTC New)