Phương pháp phòng bệnh bền vững bao gồm kiểm soát vector (tức kiểm soát vật trung gian lây bệnh là muỗi vằn) và giải pháp mới: dự phòng chủ động bằng vaccine.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong giai đoạn từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có gần 22.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 24-5, thành phố đã ghi nhận 690 ca bệnh tại 30/30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023).
Tại TP. Hồ Chí Minh, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến ngày 9/6 là 3.677 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, Quận 7 và thành phố Thủ Đức.
Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.
Nhiều địa phương trước nay chưa từng là điểm nóng về sốt xuất huyết nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ bùng dịch như Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên. Đơn cử như ở Đắk Nông, so với năm 2023, số ca mắc tăng 5,6 lần, đi kèm theo đó là số ca nhập viện tăng cao. Tỉnh giáp ranh là Lâm Đồng cũng đã phải ra công điện chỉ đạo sau khi có 4 ca chuyển nặng và 1 ca tử vong…
Hiện nay, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, trong năm 2023 tuýp D2 chiếm 88%, năm 2024 tuýp D2 chiếm 70%.
Theo Bộ Y Tế, tuy dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng diễn biến bất thường, tính chất bệnh phức tạp, các biến chứng nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều, thì không ít người dân vẫn còn nhiều nhận thức không đúng về bệnh, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch và hậu quả khôn lường.
Vì thế, trước khi bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết từ tháng 7 đến tháng 11, mỗi người dân cần hiểu rõ về bệnh này để có cách dự phòng, phòng chống bệnh hiệu quả.
(Báo VietnamPlus)
Tây Hồ phát huy hiệu quả tuyến phố an toàn thực phẩm
Thời gian qua, quận Tây Hồ luôn tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm bằng việc tuyên truyền nâng cao ý thức của chủ hộ kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; đồng thời, thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý vi phạm. Đặc biệt, quận đã phát huy hiệu quả các tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm.
Xây dựng thành công 6 tuyến phố an toàn thực phẩm
Theo Chủ tịch UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ) Nguyễn Danh Thụ, trên địa bàn phường có 19 nhà hàng ăn uống đang hoạt động kinh doanh, gần 60 cửa hàng kinh doanh các dịch vụ văn hóa, tâm linh. Các cửa hàng này luôn đông khách, nhất là vào mùa lễ hội đầu năm và các ngày rằm, mùng một hằng tháng. Phường đã thành lập tổ công tác thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh xung quanh phủ Tây Hồ, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm. Cùng với đó, phường đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm; đồng thời dán số điện thoại, đường dây nóng xung quanh phủ Tây Hồ để tiếp nhận phản ánh tình trạng mất an toàn thực phẩm.
Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ Thẩm Ngọc Trung cho biết, trên địa bàn quận hiện có 1.670 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, 97,8% cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; 96% cơ sở đã ký cam kết an toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó, quận hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào sử dụng 5 nhà trạm xét nghiệm tại các chợ Nhật Tân, Phú Gia, Tứ Liên, Xuân La, Yên Phụ. Đặc biệt, quận luôn chú trọng xây dựng tuyến phố an toàn thực phẩm. Đến nay, trên địa bàn quận đã có 6 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, gồm: Tô Ngọc Vân (phường Quảng An), Nhật Chiêu (phường Nhật Tân), Trích Sài (phường Bưởi), Thụy Khuê và Nguyễn Đình Thi (phường Thụy Khuê), Xuân La (phường Xuân La) với 180 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, quận Tây Hồ đã chỉ đạo các đơn vị, 8/8 phường tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức: Trên Cổng thông tin điện tử, qua hệ thống đài truyền thanh quận và các phường; tuyên truyền trong quá trình kiểm tra, lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp, buổi sinh hoạt chuyên đề tại thôn, tổ dân phố…
Cùng với việc xây dựng các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, đẩy mạnh tuyên truyền, quận còn tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn quận kiểm tra được 504 cơ sở, xử phạt 37 cơ sở vi phạm, với số tiền 257,5 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm không bảo đảm vệ sinh…
Tiếp tục tuyên truyền và xử lý vi phạm
Hiện tại, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Tây Hồ vẫn còn một số khó khăn, như: Đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại tuyến phường là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi vị trí. Một số chủ cơ sở thực phẩm chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt, thực hiện các hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Việc xử lý vi phạm ở tuyến phường đã được tăng cường hơn trước, song chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay những cơ sở thực phẩm không an toàn. Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng kinh doanh, vận chuyển gia cầm hoạt động chủ yếu vào ban đêm, lại thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, địa điểm tập kết hàng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, các chỉ tiêu an toàn đối với các sản phẩm, gây khó khăn cho việc hướng dẫn, kiểm tra và gây khó cho tổ chức, cá nhân trong việc tự công bố sản phẩm.
Để khắc phục những khó khăn và tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, quận tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; nhân rộng các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Cùng với đó, quận yêu cầu các phường tăng cường kiểm tra, giám sát vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Quận cũng kiến nghị các sở, ngành thành phố tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại tuyến quận, phường; tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng kiểm tra cho cán bộ tham gia công tác kiểm tra an toàn thực phẩm; bổ sung thêm nhân lực và chế độ đãi ngộ cho công tác an toàn thực phẩm cho tuyến quận và phường; tiếp tục giao cho Ban Chỉ đạo quận tổ chức tập huấn và cấp giấy xác nhận tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
“Các bộ, ngành sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ tiêu an toàn đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc quản lý của ngành để các tổ chức, cá nhân có cơ sở tự công bố và các cơ quan quản lý có căn cứ pháp lý để kiểm tra, hướng dẫn; đồng thời bổ sung quy định hộ sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ cũng thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương đề xuất.
(Báo Hà nội mới)
Thêm 1.200 loại thuốc được Bộ Y tế gia hạn giấy đăng ký lưu hành
Bộ Y tế vừa có các quyết định công bố gia hạn giấy đăng ký lưu hành 1.200 loại thuốc sản xuất trong nước, thuốc nước ngoài, thuốc có chứng minh tương đương sinh học phục vụ nhu cầu mua sắm, đấu thầu thuốc cho điều trị, phòng chống dịch...
Tại các quyết định do TS Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ký ban hành, Cục này đã gia hạn giấy đăng ký lưu hành 1.200 loại thuốc khác nhau, trong đó có 174 thuốc nước ngoài; 102 thuốc có chứng minh tương đương sinh học có thay đổi, bổ sung thông tin thuốc; 906 thuốc sản xuất trong nước; 2 thuốc được gia hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội.
Cục Quản lý Dược cho biết, trong số 174 thuốc nước ngoài được gia hạn đợt này có 155 thuốc được gia hạn trong 5 năm; 19 loại còn lại được gia hạn trong 3 năm;
Trong số 906 thuốc sản xuất trong nước được gia hạn đợt này có 710 loại thuốc gia hạn trong 5 năm; 171 loại gia hạn trong 3 năm và 25 loại còn lại gia hạn đến ngày 31/12/2025.
Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất, nhập khẩu và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.
Chỉ được nhập khẩu, sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
Thực hiện việc cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 04/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Cục Quản lý Dược lưu ý, đối với các thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành nếu chưa nộp hồ sơ cập nhật nội dung nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định của Thông tư 01/2018/TT-BYT ngày 18/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì phải thực hiện cập nhật theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 37 Thông tư số 01/2018/TT-BYT trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được gia hạn giấy đăng ký lưu hành.
Cục Quản lý Dược yêu cầu sau 12 tháng kể từ ngày ký ban hành Quyết định này, các thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Quyết định này có thay đổi về nội dung hành chính phải sản xuất và lưu hành với các nội dung đã được phê duyệt thay đổi trong hồ sơ gia hạn.
Cơ sở đăng ký thuốc phải bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động trong thời gian hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, cơ sở đăng ký phải có trách nhiệm thực hiện thay đổi cơ sở đăng ký theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ sở đăng ký không còn đủ điều kiện hoạt động...
Các thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Quyết định này được tiếp tục sử dụng số đăng ký đã cấp trước khi gia hạn trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày được cấp số đăng ký gia hạn theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BYT.
Theo Cục Quản lý Dược, các sản phẩm thuốc, nguyên liệu làm thuốc được cấp mới số đăng ký lưu hành, gia hạn số đăng ký thời gian qua là những thuốc thiết yếu, khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác...
Đối với các loại vaccine, sinh phẩm y tế được công bố số đăng ký lưu hành thời gian qua của Cục Quản lý Dược đều là những sản phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh...
(Báo Sức khỏe& đời sống)
Niềm hạnh phúc được làm cha mẹ của cặp vợ chồng mang gen bệnh tan máu bẩm sinh
Cặp vợ chồng trẻ mang gen bệnh tan máu bẩm sinh nên trong 5 năm liền mang thai 3 lần đều bị hỏng. May mắn ở lần thực hiện IVF kết hợp sàng lọc phôi để tìm ra phôi thai khỏe mạnh, cặp đôi đã được hạnh phúc làm cha mẹ...
Có mặt tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hôm nay - 22/6 trong lễ công bố quyết định trao tặng 15 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% cho 15 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, vợ chồng anh Dũng (33 tuổi) và chị Ngọc (24 tuổi) quê ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình (đều mang gen bệnh thalassemia) không dấu được niềm hạnh phúc.
Chia sẻ về hành trình 6 năm đằng đẵng tìm con của gia đình, anh Dũng kể, vợ chồng anh kết hôn năm 2018. Trong 5 năm, vơ anh có thai tự nhiên 3 lần. Thế nhưng, cả 3 lần đều không giữ được thai. Đã có lúc vợ chồng anh Dũng chị Ngọc muốn dừng lại bởi nỗi sợ rằng sẽ không có duyên phận để được làm cha mẹ.
Cho đến năm 2022, chị Ngọc quyết định thử thêm một lần nữa, đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội kiểm tra. Lúc này, bác sĩ nói do cả hai vợ chồng đều mang gen bệnh thalassemia - tan máu bẩm sinh và đây cũng là nguyên nhân khiến chị Ngọc sảy thai 3 lần.
Anh Dũng nói lúc ấy bác sĩ tư vấn chỉ có 25% cơ hội sinh con không mang gen và có thể thực hiện IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) kết hợp sàng lọc phôi để tìm ra phôi thai khỏe mạnh. Khi ấy, một hy vọng được thắp lên cho cặp vợ chồng nhưng chi phí quá lớn, hai vợ chồng không đủ tài chính.
May mắn mỉm cười, năm 2023 anh chị nhận được gói hỗ trợ IVF miễn phí và đã thành công mang thai trong lần đầu tiên. Tháng 8/2023, cặp vợ chồng đã đón được con yêu.
"Con đã sắp tròn 1 tuổi, nhưng tôi không thể quên được niềm hạnh phúc khi nghe được tiếng khóc khi con chào đời. Các cặp vợ chồng hiếm muộn hãy cứ hy vọng, đặt niềm tin vào y học hiện đại, con yêu không đến thì mình tìm con"- anh Dũng chia sẻ.
Cũng có mặt tại chương trình, vợ chồng anh Phan Đình Thắng (34 tuổi, Hà Tĩnh) và chị B Nướch Thị Tron (36 tuổi) không giấu được xúc động khi kể về hành trình 12 năm tìm kiếm con yêu của mình.
Chị Tron là người dân tộc Cơ Tu, quê tại Quảng Nam còn anh Thắng là người dân tộc Kinh. Năm 2012, sau một thời gian tìm hiểu, vượt qua những khác biệt về truyền thống văn hóa, chị Tron và anh Thắng tiến tới hôn nhân về chung một nhà. Chỉ sau 1 năm, chị Tron có thai tự nhiên, niềm vui vỡ òa đến với cặp vợ chồng trẻ. Thế nhưng, niềm vui ấy đã kết thúc khi chị Tron không may sảy thai ở tuần thứ 8.
Thu nhập của gia đình chỉ trông vào 3 sào ruộng, thi thoảng anh Thắng đi thu hoạch cây keo thuê cho chủ vườn với số tiền công 150.000 đồng/ngày. Dành dụm được ít tiền, năm 2014, vợ chồng anh Thắng, chị Tron ra Hà Nội thăm khám.
"Lúc ấy các bác sĩ nói không có vấn đề gì. Nghĩ vậy đã an tâm, hai vợ chồng tôi về nhà để tiếp tục chờ đợi tin vui. Thế nhưng, suốt thời gian ấy càng chờ đợi mong mỏi, càng không có được niềm hạnh phúc đón con yêu suốt 12 năm liền. Cũng gần như từng đó thời gian, chúng tôi chẳng dám đến nhà ai chơi suốt 12 năm qua vì sợ những lời gièm pha về việc không thể sinh con. Thậm chí có người còn nói gia đình tôi không có con vì bị... ma theo, quỷ ám"- chị Tron kể lại.
Cuối năm 2023, được nghe người quen cùng xã đã đón con yêu thành công bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), vợ chồng anh Thắng, chị Tron ra Hà Nội thăm khám. May mắn thăm khám đúng dịp Tuần Lễ Vàng 2024, gia đình chị Tron được hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký xét duyệt miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF.
Anh Thắng chia sẻ không tưởng tượng được may mắn ấy lại đến với gia đình. Thậm chí, khi được thông báo hai vợ chồng anh nghĩ hay là lừa đảo. Cho đến khi nhận quyết định hỗ trợ, nhìn những cặp vợ chồng hiếm muộn khác đã thành công, anh chị tiếp tục thắp lên hy vọng tìm kiếm con yêu của mình...
Đây là năm thứ 6 liên tiếp bệnh viện triển khai hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho các cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mong muốn san sẻ gánh nặng tài chính, mở ra cánh cửa hy vọng cho họ trên chặng đường tìm kiếm hạnh phúc trọn vẹn.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn của Bệnh viện chia sẻ: Đến nay đã có hơn 50 gia đình được nhận hỗ trợ IVF miễn phí với 60 em bé chào đời khỏe mạnh. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và cũng là động lực để chúng tôi duy trì chương trình và tiếp tục đưa ra những hỗ trợ khác trong những năm tới.
Ngoài 15 cặp vợ chồng được nhận gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF, bệnh viện cũng trao tặng rất nhiều gói hỗ trợ miễn phí cho những trường hợp cần can thiệp các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chuyên sâu, phức tạp như phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng MicroTESE, phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung, sàng lọc phôi mang gen bệnh lý di truyền, theo dõi phôi bằng hệ thống tự động...
(Báo Sức khỏe& đời sống)