Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hàng loạt công ty, bệnh viện vì lỗi không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Y tế ra quyết định tước chứng chỉ hành nghề 2 cơ sở
Theo đó, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính 6 đơn vị mức 15 triệu đồng vì lỗi không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật, đó là: Công ty TNHH thương mại Dược phẩm Khánh Huy (số 12 ngõ 94 Đại Từ, tổ 41, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai); Công ty TNHH thương mại Dược phẩm Hoàng Nguyên (số 23 ngách 144, ngõ 354 Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa); Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Tân Cương (số 10 tổ 25 ngách 58/45 Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy); Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Sun Medical Việt Nam (tầng 1, toà nhà Times Tower số 35 đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân); Công ty TNHH thương mại Dược phẩm Nam Giang (lô đất 05-NV2 khu nhà ở Đại Mỗ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm); Công ty cổ phần Dược phẩm Vinh Nguyên (số 15, lô 8 khu đô thị Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông).
Cũng bị xử phạt 15 triệu đồng nhưng ông Hà Văn Lĩnh (20 Lô 9, Đền Lừ 1, Tổ 28 phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) mắc lỗi kê vào đơn thuốc các sản phẩm không được kê đơn theo quy định của pháp luật. Ông Lĩnh bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời gian 2 tháng.
Hộ kinh doanh Nha khoa Hưng Chiến (số 8, ngõ 106, đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) bị xử phạt 9,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời gian 2 tháng. Lý do là người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở không có mặt trong thời gian hoạt động; không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề theo quy định của pháp luật.
Công ty TNHH DP ESVN (phố Nghĩa Đô, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) do quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định cũng bị xử phạt 15 triệu đồng và buộc phải cải chính thông tin quảng cáo không đúng; tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo không đúng sự thật.
Với lỗi người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược, nhà thuốc Nam Khánh (số nhà 41, ngõ 83 Tư Đình, phường Long Biên, quận Long Biên) bị xử phạt 4 triệu đồng.
Công ty TNHH đầu tư và thương mại Khang Vinh (số 12, ngõ 332 Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) bị xử phạt 5 triệu đồng do buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ và ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng. Đồng thời, đơn vị này còn bị buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm.
Quầy thuốc Trường Trinh (thôn 2, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh) và Nhà thuốc Vinapharma số 6 (kiot số 3 tầng 1 số 95 Láng Hạ (mượn mặt bằng), phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cùng bị xử phạt mức 7,5 triệu đồng do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật.
4 cơ sở trong lĩnh vực an toàn thực phẩm bị xử phạt 48 triệu đồng
Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Gold Star Vina (số 58, ngách 129/1, ngõ 129 đường Đại Linh, Trung Văn, Nam Từ Liêm) bị xử phạt 32 triệu đồng do lỗi cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp không được che kín; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không đảm bảo ngăn ngừa ô nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn.
Công ty TNHH thương mại và dịch vụ thực phẩm Ăn ngon (số 1 tập thể vật tư Du lịch, Hoàng Liệt, Hoàng Mai) và Công ty cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ tổng hợp Tây Hồ (tầng 6, tòa nhà 174 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa) bị xử phạt 4 triệu đồng do nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.
Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Sông Đuống (thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh) bị xử phạt 8 triệu đồng do để cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp không được che kín.
(Báo Sức khỏe &đời sống)
Chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ ở một số khu vực, Hà Nội lo ngại dịch sốt xuất huyết
Tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 4 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại huyện Đan Phượng và quận Đống Đa.
4 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại huyện Đan Phượng gồm xã Tân Hội; xã Phương Đình và phường Trung Liệt, quận Đống Đa.
Theo kết quả giám sát dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tại một số khu vực ổ dịch cũ, ổ dịch đang hoạt động có chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc gia tăng trong thời gian tới.
Điển hình như giám sát ổ dịch đang hoạt động ở huyện Đan Phượng tại 21 hộ gia đình khu vực thôn Đồng Vân ghi nhận chỉ số BI = 42,8%, ổ bọ gậy tập trung tại các chậu cây cảnh, bể, xô, thùng.
Ngoài ra, theo Sở Y tế Hà Nội đối với bệnh ho gà, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 9 ca mắc ho gà, không có ca tử vong, giảm 7 ca so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc ho gà của toàn thành phố là 143 ca tại 26 quận, huyện, thị xã, không có ca tử vong. Bệnh ho gà phân bố theo nhóm tuổi có 67 trường hợp dưới 2 tháng (46,9%), 34 trường hợp 2-3 tháng (23,8%), 15 trường hợp 4-11 tháng (10,5%), 27 trường hợp từ 1 tuổi trở lên (18,9%). Phân bố theo tiền sử tiêm chủng có 85 trường hợp chưa tiêm (59,4%), 24 trường hợp tiêm 1-2 mũi (16,8%), 18 trường hợp tiêm mũi 3 (12,6%), 10 trường hợp tiêm mũi 4 trở lên (7%), 6 trường hợp không rõ (4,2%).
Bệnh tay chân miệng ghi nhận 47 ca mắc, không có tử vong, giảm 4 ca so với tuần trước, hầu hết là ca tản phát, không ghi nhận ổ dịch. Một số dịch bệnh khác như uốn ván, não mô cầu, sởi, rubella, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản không ghi nhận trong tuần.
Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp, kịp thời. Tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, đặc biệt tại ổ dịch huyện Đan Phượng.
(Báo Sức khỏe &đời sống)
Hà Nội có thêm 73 ca mắc sốt xuất huyết
Trong tuần qua, trên địa bàn TP. Hà Nội có thêm 73 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 35 ca so với tuần trước đó) và hai ổ dịch.
Sở Y tế Hà Nội vừa cho biết, trong tuần qua (từ ngày 14 đến 21/6), trên địa bàn thành phố có thêm 73 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 35 ca so với tuần trước đó). Bệnh nhân phân bố tại 19 quận, huyện, trong đó chủ yếu ghi nhận tại huyện Đan Phượng với 41 ca mắc.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố có 856 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Ngoài ra, tuần qua ghi nhận thêm 2 ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và xã Phương Đình (huyện Đan Phượng).
Tính đến nay, thành phố có 14 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 4 ổ dịch đang hoạt động tại thôn Bãi Tháp và Đồng Vân (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng); cụm 10 xã Tân Hội (huyện Đan Phượng); khu tập thể E4 Thái Thịnh, phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và thôn Phương Mạc, xã Phương Đình (huyện Đan Phượng). Riêng ổ dịch tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng đến nay đã ghi nhận 89 bệnh nhân.
Các chuyên gia y tế nhận định, bệnh sốt xuất huyết không còn phát triển theo chu kỳ mà thay đổi theo biến đổi khí hậu và môi trường. Với tình hình thời tiết mưa nắng thất thường, có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch từ tháng 7 đến tháng 11. Đặc biệt, những đối tượng như người già, người có bệnh nền và trẻ em cần được lưu tâm nhiều hơn vì nguy cơ bệnh dễ biến chuyển nặng.
Trước tình trạng số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng những tuần gần đây, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp, kịp thời. Tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, đặc biệt là tại ổ dịch xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.
(Báo Công lý)
Cùng nội dung thông tin
https://hanoionline.vn/video/them-73-ca-sot-xuat-huyet-va-2-o-dich-o-ha-noi-245694.htm
https://hanoimoi.vn/ha-noi-them-73-ca-sot-xuat-huyet-va-2-o-dich-trong-mot-tuan-670157.html
https://laodongthudo.vn/ha-noi-ghi-nhan-them-73-ca-sot-xuat-huyet-172686.html
Khống chế nhanh nhất, không để ổ dịch sốt xuất huyết lây lan rộng ở Hà Nội
UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 2009/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết lây lan, Sở Y tế chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, thường xuyên đánh giá, dự báo diễn biến dịch sốt xuất huyết tham mưu UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống kịp thời, phù hợp tình hình thực tế; chủ động tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp triển khai tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết của mạng lưới cộng tác viên, đội xung kích, tổ giám sát...
Đồng thời, bảo đảm đủ giường bệnh, nhân lực, thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, phương tiện trang thiết bị phục vụ thu dung điều trị, điều trị bệnh nhân; chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập đóng trên địa bàn tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế; chủ động theo dõi người bệnh và chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhân nặng, tử vong; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định…
Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố, Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại cơ sở và sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ triển khai thực hiện công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn, đặc biệt là công tác phối hợp, huy động lực lượng tham gia hỗ trợ hoạt động xử lý dịch…
UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác này nếu để ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, kéo dài tại địa phương. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết; sử dụng nhiều hình thức, kênh truyền thông khác nhau để hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Bên cạnh đó, chỉ đạo quyết liệt giám sát phát hiện bệnh nhân và công tác khoanh vùng xử lý ổ dịch ngay sau khi có ổ dịch trên địa bàn, bảo đảm ổ dịch được khống chế nhanh nhất, không để ổ dịch lây lan rộng trên địa bàn.
Bảo đảm sẵn sàng nguồn lực, thiết bị, vật tư, hóa chất… đáp ứng với mọi tình hình dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong trường hợp không bố trí được nguồn kinh phí của địa phương, báo cáo Sở Tài chính để có giải pháp tháo gỡ; báo cáo UBND thành phố các nội dung vượt thẩm quyền.
Huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tham gia triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý theo hướng dẫn của ngành y tế (xử lý cả những dụng cụ chứa nước chưa có bọ gậy).
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quản lý, không để tình trạng chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhà hàng... thuộc phân cấp quản lý của UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn
(Báo Hà nội mới)
Nướng thực phẩm bằng cồn y tế: hậu quả khó lường!
Mặc dù được các chuyên gia cảnh báo nhưng vẫn có nhiều ca bỏng cồn nhập viện do nướng mực, cá khô… Tai nạn này rải rác quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa Hè. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên sử dụng cồn y tế để nướng mực hay các đồ ăn khác.
Bỏng cồn do nướng mực, nguy cơ để lại di chứng nặng nề
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh một người đàn ông đang nướng mực bằng cồn, bất ngờ ngọn lửa cháy lan sang cháu nhỏ ngồi cách đó 2m. Lửa bén vào người, trong phút chốc, trẻ bị lửa đỏ quấn quanh người. Gia đình hốt hoảng, vội vã bế em bé rời đi tìm cách sơ cứu.
Việc bỏng cồn khi nướng thực phẩm, phổ biến là nướng mực, cá khô… không phải hiếm gặp. Thực tế đã có những câu chuyện thương tâm xảy ra khi nướng mực bằng cồn. Nhiều nạn nhân bỏng nặng phải nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng.
Theo các bác sĩ Khoa Điều trị bỏng người lớn, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội), hầu hết ca bỏng cồn nhập viện đều do nướng mực. Tai nạn bỏng cồn rải rác quanh năm, nhưng thường gặp nhiều nhất vào mùa Hè.
Nhiều nạn nhân khi thấy ngọn lửa bùng lên bất ngờ vung tay, vung chân theo phản xạ khiến cho lửa bắt vào quần áo càng gây cháy nhiều hơn. Chỉ cần một tích tắc sơ ý, người sử dụng cồn để nướng thức ăn có thể đánh đổi bằng cả mạng sống của chính mình.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Nam Giang - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, các ca bỏng cồn đơn vị tiếp nhận hầu hết đều sử dụng loại cồn 90 độ đóng chai. Các loại cồn khô, cồn thạch nấu bằng bếp cháy không mạnh, không bị bùng lên nên hiếm khi gây tai nạn bỏng. Đặc thù của bệnh nhân bị bỏng cồn là thường bỏng ở những vùng nhạy cảm như ngực, chân, tay và mặt. Đây là những vị trí ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ sau này.
Việc điều trị cho bệnh nhân bị bỏng do cồn cũng rất phức tạp, phác đồ điều trị phụ thuộc vào diện tích và độ sâu của tổn thương bỏng. Trong trường hợp bỏng sâu, phải mổ cắt hoại tử và ghép da, thời gian điều trị có thể kéo dài vài tháng. Bệnh nhân bỏng lửa cồn có thể bị nhiễm độc, bỏng hô hấp gây nguy hiểm tới tính mạng.
Sử dụng biện pháp nướng an toàn
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm cho biết, mực, cá khô là đồ dễ bảo quản, dễ chế biến thành món ăn trên bàn nhậu. Cùng với đó, thói quen dùng cồn nướng mực của người dân có thể bắt nguồn từ suy nghĩ nướng bằng cồn ngon hơn và không độc so với nướng bằng bếp than, bếp điện, bếp gas.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên nhân chủ yếu của bỏng lửa cồn là do sự chủ quan của người nướng. Khi nướng mực bằng cồn, không ít người mắc sai lầm là rưới cồn trực tiếp lên mực rồi đốt hoặc cho mực vào thẳng chảo cồn đang cháy. Mặc dù cồn với nồng độ ethanol 90% thì 10% còn lại là nước và phụ gia khác nên dễ bị ngấm ngược vào mực.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên bỏ thói quen sử dụng cồn y tế để nướng mực, cá khô hoặc các đồ ăn khác vì rất nguy hiểm, chỉ sơ suất trong phút chốc có thể xảy ra tai nạn bỏng. Thay vào đó, có thể sử dụng các biện pháp nướng an toàn hơn như nướng ở lò vi sóng, bếp than, bếp gas, nồi chiên không dầu...
Trong trường hợp bị bỏng, người dân cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng; cắt bỏ quần áo ở vùng vết thương bị bỏng; ngâm vùng bị thương trong nước mát sạch từ 15 - 20 phút; sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc cơ sở y tế chuyên khoa bỏng càng sớm càng tốt.
Người dân tuyệt đối không làm theo các mẹo chữa bỏng được lan truyền như bôi nước mắm, kem đánh răng, mỡ trăn... hoặc sử dụng các loại lá cây, thuốc đông y không rõ nguồn gốc đắp lên vết bỏng, sẽ khiến tổn thương nặng thêm. Thậm chí có trường hợp biến chứng dẫn tới tử vong khi dùng thuốc lá không rõ nguồn gốc để chữa bỏng.
(Báo Kinh tế &đô thị)