UBND TP. Hà Nội vừa có Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Công văn số 1692/UBND-KGVX chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Y tế mở rộng và tăng cường các điểm tiêm phòng dại, đặc biệt tại các địa phương có địa bàn rộng và địa hình khó khăn như vùng sâu, vùng xa; tận dụng mạng lưới y tế cơ sở nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine của người dân.
Tổ chức tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh dại đầy đủ cho người bị động vật cắn nhằm hạn chế tử vong do bệnh dại gây ra; đảm bảo đủ vaccine và huyết thanh kháng dại đã được cấp phép sử dụng. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng các cấp về kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh dại và các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị động vật cắn, viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm tại các cơ sở y tế trên địa bàn để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh dại, cúm gia cầm; tham gia điều tra, giám sát ổ dịch, hướng dẫn xử lý ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị ca bệnh, thực hiện hội chẩn với các bệnh viện tuyến trung ương khi có bệnh nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong…
Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch, phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người trên người. Kịp thời thông tin cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn khi phát hiện trường hợp bệnh lây từ động vật sang người để phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân, xử trí theo quy trình.
UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, công khai các điểm tiêm vaccine phòng dại trên địa bàn. Bố trí đủ lực lượng, trang thiết bị, hóa chất, vật tư để xử lý ổ dịch khi có dịch bệnh xảy ra trên người và động vật; tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, bảo đảm công tác khử khuẩn và vệ sinh môi trường.
Thực hiện công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã, phường; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh...
(Báo Công lý)
Cùng nội dung thông tin:
Báo Hà nội mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-kiem-soat-benh-lay-truyen-tu-dong-vat-sang-nguoi-668132.html
Cảnh báo không mua và sử dụng thực phẩm chức năng Rokmen XZ Premium
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe Rokmen XZ Premium.
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội có thông báo về việc trên thị trường đang lưu hành sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rokmen XZ Premium.
Sản phẩm này đã được Công ty TNHH dược phẩm Fusi (Cụm công nghiệp Thanh Oai, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) xác nhận là không sản xuất.
Qua tra cứu dữ liệu, Cục An toàn thực phẩm khẳng định, chưa cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rokmen XZ Premium nêu trên.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm nêu trên. Nếu phát hiện sản phẩm lưu thông trên thị trường, đề nghị thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
(Báo Tin tức)
Cùng nội dung thông tin:
Báo Sức khỏe&đời sống: https://suckhoedoisong.vn/cuc-an-toan-thuc-pham-ra-canh-bao-ve-thuc-pham-bo-than-trang-duong-rokmen-xz-premium-169240601210211404.htm
Báo Đầu tư: https://baodautu.vn/canh-bao-ve-san-pham-bo-than-trang-duong-rokmen-xz-premium-d216653.html
Báo Pháp luật: https://baophapluat.vn/canh-bao-san-pham-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-rokmen-xz-premium-post514412.html
Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, bếp ăn tập thể
Chiều 1/6, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay Bộ đã có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài về vấn đề an toàn thực phẩm sau loạt vụ ngộ độc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn ở Khánh Hoà, Đồng Nai, Vĩnh Phúc... ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người dân, sản xuất của doanh nghiệp...
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường công tác an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chính phủ đã liên tiếp có nhiều chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm, các Bộ, ban ngành và chính quyền địa phương đã vào cuộc, bước đầu đã có kết quả trong công tác đảm bảo an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, còn có hai nội dung quan trọng trong lĩnh vực này cũng đã được triển khai và hướng dẫn cụ thể.
Thứ nhất là về thể chế đã có Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15 hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các văn bản quy phạm pháp luật của các ban, ngành liên quan...;
Thứ hai là về tổ chức thực hiện cũng có đầy đủ hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cơ sở...
Bộ Y tế đã tham mưu để cấp địa phương, các cấp, các ngành, các đơn vị thực hiện tốt Chỉ thị 17 của Ban Bí thư đồng thời hướng dẫn thực hiện 10 khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có 2 khuyến cáo là chọn thực phẩm sạch và nơi chế biến ăn uống phải đảm bảo vệ sinh.
“Các địa phương phải kiên quyết không để cơ sở không có giấy đăng ký, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với những cơ sở có giấy, không để những cơ sở có giấy mà không đủ điều kiện hoạt động hoặc những cơ sở đáng lẽ phải cấp giấy nhưng chưa được cấp giấy mà vẫn hoạt động… Kiểm soát chặt chẽ theo từng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành có liên quan kiên quyết không để việc thu gom nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường không rõ nguồn gốc, xuất xứ cung cấp cho các bếp ăn tập thể” - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.
Ông Đào Xuân Tuyên cũng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì hiện nay, bếp ăn tập thể tại các đơn vị còn có loại hình khác là ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp để mang thực phẩm từ ngoài vào.
“Chúng tôi đề nghị địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, trước hết là nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị bảo đảm an toàn thực phẩm cho người lao động; nâng cao nhận thức cho cơ sở sản xuất thực phẩm để bảo đảm ý thức hơn về an toàn thực phẩm cung ứng cho người dân và các đơn vị; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, để thay đổi hành vi của người dân mua thực phẩm, sử dụng thực phẩm, kiên quyết không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm” - ông Đào Xuân Tuyên nói.
Bên cạnh đó, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, các bếp ăn tập thể. Xử lý vi phạm phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa nâng cao hiệu quả tuyên truyền vừa có tính chất răn đe các cơ sở cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng.
(Báo Kinh tế&đô thị)
Xạ trị proton cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư
Theo các chuyên gia hàng đầu về ung bướu, bệnh nhân ung thư và người nhà thường lo lắng rằng, phương pháp xạ trị có tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh, nhưng đây là quan niệm sai lầm.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo khoa học “Ứng dụng xạ trị gia tốc và proton trong điều trị ung thư” diễn ra ngày 1-6, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm, nước ta ghi nhận trên 180.000 ca mắc ung thư mới, trên 120.000 ca tử vong.
Tại hội thảo, PGS.TS Lê Chính Đại, Giám đốc Trung tâm Xạ trị, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, cho rằng, số ca mắc ung thư tại Việt Nam ngày càng gia tăng và có xu hướng chuyển hóa. Nếu như trước đây, bệnh thường gặp là ung thư cổ tử cung thì hiện đã giảm đi. Thay vào đó, các loại ung thư: Vú, tiêu hoá, phổi và dạ dày lại tăng lên.
Ngoài yếu tố di truyền, những ảnh hưởng của môi trường, lối sống, thói quen sinh hoạt… là những nguyên nhân gia tăng các bệnh ung thư. Một số nguy cơ gây bệnh được biết đến như: Thuốc lá, rượu, ô nhiễm môi trường, hoá chất, tình trạng thừa cân, béo phí; chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học…
Theo PGS.TS Lê Chính Đại, điều trị ung thư gồm 3 phương pháp cơ bản được ví như “kiềng 3 chân”, bao gồm: Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, bệnh nhân và người nhà thường lo lắng rằng phương pháp xạ trị có tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh. Nhưng đây là quan niệm sai lầm.
Hiện nay, xạ trị là một trong 3 phương pháp cơ bản nhất, áp dụng được với rất nhiều loại bệnh ung thư và các giai đoạn của bệnh. Thậm chí, xạ trị điều trị được cả ở giai đoạn sớm cũng như giai đoạn muộn của bệnh mà các phương pháp khác không làm được.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu về ung bướu thông tin, trong các phương pháp xạ trị, xạ trị proton được coi là phương pháp bức xạ điều trị ung thư tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Nó có thể tấn công tế bào ung thư trực tiếp mà không làm tổn hại tới các mô lành xung quanh với độ chính xác cao. Bởi có độ chính xác cao, proton giúp giảm nguy cơ ung thư thứ phát do bức xạ và giảm nguy cơ tác dụng phụ và độc tính. Phương pháp này giúp gia tăng tỷ lệ sống, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
Bác sĩ Ivan Tham, chuyên gia ung thư xạ trị, Bệnh viện Mount Elizabeth Novena (Singapore) cho biết, điều trị proton không đau và điều trị ngoại trú, tùy từng loại bệnh nhưng tối đa kéo dài 8 tuần. Bệnh nhân sẽ điều trị 5 ngày/tuần, thời gian điều trị mỗi buổi khoảng 5 phút.
Được biết, xạ trị proton hiện được áp dụng với khối u tại não, thực quản, đường tiêu hóa, phụ khoa, vùng đầu - cổ, gan, hạch bạch huyết, tiền liệt tuyến, mô mềm, cột sống và ung thư nhi.
(Báo Hà nội mới)
Cùng nội dung thông tin:
Báo Văn hóa: https://baovanhoa.vn/doi-song/hieu-them-ve-xa-tri-trong-dieu-tri-benh-ung-thu-95464.html