Bộ Y tế vừa thông báo thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty TNHH nguyên liệu dược phẩm Big Herbalife.
Theo đó, tại quyết định số 1790/QĐ-BYT do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, Bộ Y tế thông báo thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược số 584/ĐKKDD-BYT ngày 27/4/2021 của Bộ Y tế cấp cho Công ty TNHH nguyên liệu dược phẩm Big Herbalife.
Địa chỉ trụ sở chính: Tầng 3, số nhà 10, ngõ 72 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội; Địa điểm kinh doanh: Tầng 2 tòa nhà Toroto, khu tái định cư Bờ Lờ, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
Quyết định của Bộ Y tế cho biết phạm vi kinh doanh của Công ty TNHH nguyên liệu Dược phẩm Big Herbalife: Xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Lý do thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, quyết định của Bộ Y tế cho biết: Công ty TNHH Nguyên liệu Dược phẩm Big Herbalife có văn bản xin ngừng hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Bộ Y tế nêu rõ: Quyết định số 2011/QĐ-BYT ngày 27/04/2021 của Bộ Y tế về việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho Công ty TNHH Nguyên liệu Dược phẩm Big Herbalife hết hiệu lực.
(Báo sức khỏe& đời sống)
Không để bùng phát dịch sốt xuất huyết
Liên tiếp trong 3 tuần qua, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đều gia tăng. Kết quả giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một số quận, huyện cho thấy, chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trước thực tế đó, theo các chuyên gia y tế, thành phố cần tăng cường các giải pháp ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, nhất là ngay từ các ổ dịch.
Chỉ số côn trùng vượt ngưỡng từ 2-5 lần
Thời tiết nắng nóng kèm theo mưa vào thời điểm này tạo thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh sốt xuất huyết. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nếu vào cuối tháng 5-2024 số ca mắc sốt xuất huyết vào khoảng 20 ca/tuần thì trong tháng 6-2024 đã tăng lên từ 30-70 ca/tuần. Trong tuần qua (từ ngày 14 đến 21-6), thành phố có thêm 73 ca sốt xuất huyết (tăng 35 ca so với tuần trước đó). Tính từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố có 856 ca sốt xuất huyết (tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 14 ổ dịch sốt xuất huyết, đã có 10 ổ dịch đã được khống chế. Trong số 4 ổ dịch đang hoạt động có 3 ổ dịch trên địa bàn huyện Đan Phượng và 1 ổ dịch tại quận Đống Đa. Riêng ổ dịch tại các thôn Bãi Tháp và Đồng Vân (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng), từ ngày 8-5-2024 khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên, đến nay sau hơn 1,5 tháng đã có 89 ca mắc. Đây được xác định là “điểm nóng” cần phải tập trung triển khai biện pháp ngăn chặn.
Thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã tăng cường giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Trong quá trình điều tra, các chỉ số giám sát bọ gậy, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết, chỉ số BI (Breteau index) có vai trò quan trọng để xác định tình hình.
Theo đó, nếu chỉ số BI ghi nhận từ 20 trở lên (quy định ở khu vực miền Bắc) là tại cơ sở giám sát đang có nguy cơ cao về bùng phát dịch. Với cơ sở dữ liệu này, kết quả giám sát tại ổ dịch năm 2024 của huyện Đan Phượng và các ổ dịch cũ năm 2023 trong tuần qua cho thấy, chỉ số côn trùng ở một số nơi vượt ngưỡng nguy cơ từ 2-5 lần.
Cụ thể, trong hai ngày 17 và 18-6, giám sát tại 2 ổ dịch trên địa bàn huyện Đan Phượng đều có chỉ số BI gấp 2 lần ngưỡng nguy cơ; trong đó thôn Đồng Vân có BI=42,8 và cụm 1 thôn Đoài Khê có BI=40. Tại những khu vực này, ổ bọ gậy được phát hiện chủ yếu tại bể nước, xô, thùng chứa nước, chậu cây cảnh. Ngoài ra, giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ từ năm 2023 như tại xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) đã ghi nhận BI=110 (gấp 5 lần ngưỡng nguy cơ); thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) có BI=40; phường Kim Mã (quận Ba Đình) có BI=40…
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do điều kiện khí hậu, cùng với nhiều nơi người dân có thói quen xả rác bừa bãi, tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, tạo ra môi trường để muỗi truyền bệnh sinh trưởng và phát triển.
Tập trung diệt lăng quăng, bọ gậy
Hiện đang bước vào tháng cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, do đó, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Lương Tâm cho rằng, ngành Y tế Thủ đô cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, trong đó tập trung quyết liệt việc diệt lăng quăng, bọ gậy. Cùng với đó, thành phố cần huy động sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phòng, chống sốt xuất huyết.
Ngay trong tuần này, tại những khu vực có kết quả giám sát chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, Sở Y tế Hà Nội đề nghị phải tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Bên cạnh đó, các đơn vị cần kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực có nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp, khu vực nguy cơ cao, nhằm đánh giá tình hình, từ đó triển khai các biện pháp phù hợp và kịp thời. Riêng với huyện Đan Phượng, UBND huyện cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức xử lý ổ dịch tại xã Đồng Tháp bảo đảm triệt để, bao gồm việc phun hóa chất diện rộng có hiệu quả.
Để loại bỏ hoàn toàn muỗi gây bệnh, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, người dân nên chú ý thường xuyên kiểm tra các vật dụng trong nhà như: Bình hoa, các thùng, lu, các mảnh vỡ, chai lọ, phế phẩm đọng nước, các vật dụng trữ nước... Các vật dụng này khi không sử dụng cần được lật úp. Việc loại bỏ môi trường sinh sôi, phát triển của muỗi là biện pháp phòng bệnh căn cơ, lâu dài, hiệu quả và tiết kiệm nhất. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông cho cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống và điều trị bệnh kịp thời, hạn chế ca bệnh nặng và tử vong.
(Báo Hà nội mới)
Hà Nội: Phòng, chống ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng và mưa, lũ
UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 2000/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhất là trong mùa nắng nóng và mùa mưa, lũ, UBND thành phố đề nghị các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới; Chỉ thị số 17-CT-TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới; Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm; Công văn số 2487/BYT-ATTP ngày 11-5-2024 của Bộ Y tế về ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm; Thông báo số 684/TB-BYT ngày 4-6-2024 của Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm. Trong đó cần nhấn mạnh nội dung người đứng đầu các cấp, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên liên tục các biện pháp bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Tuyên truyền để người dân không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động, thực vật độc, như: Nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, sò biển, ốc lạ, cây, quả lạ...; không sử dụng gia súc, gia cầm chết, bệnh làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải bảo đảm sạch, đặc biệt trong thời gian nắng nóng, mưa lũ. Khi có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ cao cần theo dõi dự báo, diễn biến và chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc men, hóa chất sát khuẩn của ngành Y tế.
Tǎng cường công tác kiểm tra, giám sát ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp); tập trung vào cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất... Chú ý kiểm soát chất lượng ATTP đối với các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân làm từ thiện, hoặc hỗ trợ người dân trong mùa nắng nóng, mùa mưa lũ nhằm bảo đảm không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng... đến tay người dân.
Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhanh chóng cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, đồng thời đình chỉ hoạt động cơ sở gây ngộ độc thực phẩm, yêu cầu khắc phục đúng quy định trước khi hoạt động trở lại; điều tra, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xác định rõ nguyên nhân và tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đến cùng; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về ATTP, công khai kết quả để cảnh báo cho cộng đồng.
(Báo Hà nội mới)
Đình chỉ lưu hành mỹ phẩm do Công ty Tứ Phương nhập khẩu
Sở Y tế Hà Nội vừa thu hồi một sản phẩm mỹ phẩm của Úc do Công ty Tứ Phương nhập khẩu và xử phạt một loạt cơ sở y dược tư nhân vi phạm.
Hôm nay, 25/6, Sở Y tế Hà Nội cho biết đã có quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi sản phẩm White Glo Extra Strength Whitening Toothpaste - Coffee & Tea Drinkers Formula 150G, số lô: HAB30#, hạn dùng: 06/2027.
Sản phẩm này của nhà sản xuất Barros Laboratories Pty Ltd - Australia, do Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Tứ Phương (14B đường 71, phường Tân Quy, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) đưa ra thị trường.
Theo Sở Y tế Hà Nội, mỹ phẩm White Glo Extra Strength Whitening Toothpaste - Coffee & Tea Drinkers Formula có công thức không đúng hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm, khi thiếu thành phần Titanium Dioxide.
Sản phẩm này cũng đã bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc.
Sở Y tế Hà Nội thông báo: Các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm trên. Các phòng y tế quận, huyện, thị xã thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn thu hồi toàn bộ sản phẩm bị đình chỉ lưu hành nêu trên, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thu hồi.
(Báo viettimes.vn)
Cùng nội dung thông tin:
https://kinhtedothi.vn/ha-noi-dinh-chi-thu-hoi-tieu-huy-my-pham-khong-dam-bao-chat-luong.html
Nâng cao chất lượng y tế, Sở Y tế Hà Nội phấn đấu chỉ số SIPAS đạt 90% trở lên
Theo Sở Y tế Hà Nội, Sở đặt mục tiêu nâng cao chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng tổ chức thực hiện chính sách và kết quả, tác động của chính sách) lên 90% trở lên trong năm 2024.
Cụ thể, ngành y tế sẽ tăng cường tương tác với người dân thông qua nhiều kênh như hội nghị đối thoại, hòm thư góp ý, trang web và mạng xã hội trong năm 2024. Mục đích là tạo cơ hội cho người dân đóng góp ý kiến về quá trình xây dựng chính sách và phản hồi về kết quả thực hiện. Song song đó, ngành sẽ tiến hành đo lường mức độ hài lòng của người dân và tổ chức đối với dịch vụ của Sở Y tế.
Các chính sách y tế mới sẽ được phổ biến qua hội nghị tập huấn và văn bản chỉ đạo. Ngành cũng tập trung cải thiện chất lượng hoạt động bệnh viện, nâng cao trình độ chuyên môn và thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ.
Để cải thiện chỉ số hài lòng về dịch vụ hành chính công, ngành y tế sẽ triển khai nghiêm túc cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy trình được UBND thành phố phê duyệt. Việc kiểm tra, đôn đốc nhân viên trong xử lý hồ sơ sẽ được thực hiện thường xuyên, đảm bảo đúng thời hạn và có thư xin lỗi nếu trễ hẹn. Mọi phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính sẽ được xử lý và công khai kịp thời.
Kết quả điều tra xã hội học năm 2023 tại Hà Nội cho thấy: 83,27% người dân hài lòng về việc thực hiện chính sách khám chữa bệnh, tăng 3,74% so với năm 2022. 82,90% đánh giá tích cực về chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện công lập tại địa phương. 82,71% quan tâm đến chính sách khám chữa bệnh.
(Báo phapluatxahoi.vn)
Phòng ngừa bệnh tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng
Mùa Hè, thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng, nhiễm khuẩn nếu không bảo quản đúng. Khi người dân tiêu thụ các loại thực phẩm này, vi khuẩn sẽ tấn công hệ tiêu hóa, gây ra các bệnh về tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, nặng hơn là ngộ độc.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Tại Hà Nội, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, TP cũng đã ghi nhận 4 bệnh nhân liên quan đến sự cố về an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó, 2 bệnh chẩn đoán ngộ độc methanol, 2 bệnh nhân nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho hay, thời tiết nắng nóng là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển trong các thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, người dân, cơ sở cần thực hiện các điều kiện quy định chặt chẽ về ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống như nguồn nguyên liệu, cơ sở chế biến, và bảo quản thực phẩm. Người chế biến thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn.
Đối với người tiêu dùng nên chọn mua, sử dụng thực phẩm của những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP, thận trọng với các thực phẩm được bày bán ngoài lề đường, hàng rong, nhất là những món ăn được chế biến sẵn.
Liên quan đến vấn đề này, theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia, không chỉ thức ăn đường phố không bảo đảm dễ gây ngộ độc, ngay việc chế biến thực phẩm ở gia đình, người nội trợ cũng cần chú ý khâu vệ sinh. Để có thực phẩm an toàn, tốt nhất chuẩn bị lượng thực phẩm vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến, nếu chưa sử dụng cần bảo quản cẩn thận (dùng màng bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh...).
Thức ăn để sau 2 giờ phải hâm nóng lại trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần. Chỉ nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh trong một thời gian nhất định.
Ngoài ra, người dân cần phải phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Để riêng thực phẩm chín và thực phẩm sống, tất cả thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp đậy kín.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng, nhiễm khuẩn nếu không bảo quản đúng. Khi người bệnh tiêu thụ các loại thực phẩm này, vi khuẩn sẽ tấn công hệ tiêu hóa, gây ra các bệnh về tiêu hóa, phổ biến là rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, nặng hơn là ngộ độc.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa, người dân cần lựa chọn thực phẩm kỹ lưỡng, hạn chế sử dụng nước có gas, giảm ăn đồ lạnh, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý trong mùa nắng nóng như uống đủ nước, tăng cường rau xanh.
Người dân cần tuân thủ ăn chín, uống sôi, rửa sạch thực phẩm trước khi ăn; vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ. Thức ăn bảo quản lâu trong tủ mát vẫn có thể bị hỏng và ngộ độc, do đó không nên sử dụng đồ ăn thừa sau 4-5 ngày bảo quản ở ngăn mát. Khi người dân thấy các dấu hiệu đau bụng, sốt, nôn ói, tiêu chảy… cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
(Báo Kinh tế &đô thị)