UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 195 /KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động truyền thông về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế nhân dịp 15 năm Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam (1/7).
Với chủ đề “Sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở”, Kế hoạch được ban hành nhằm tăng cường công tác truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHYT để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT và chất lượng khám chữa bệnh (KCB) BHYT.
Theo đó, UBND TP yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật BHYT, đặc biệt, Kế hoạch số 745/KH-BYT của Bộ Y tế về tổ chức các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 15 năm “Ngày BHYT Việt Nam” (1/7).
Nội dung tuyên truyền tập trung vào vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình; quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh; mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương cho người tham gia BHYT hộ gia đình; các chính sách, pháp luật về BHYT mới.
Song song với đó, tuyên truyền quy định liên quan đến công tác KCB BHYT, thanh toán chi phí KCB BHYT; kết quả thực hiện chính sách BHYT 15 năm qua; những nỗ lực của ngành y tế, BHXH trong việc nâng cao chất lượng KCB; đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT theo quy định và trong công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT an toàn, hiệu quả, tiết kiệm.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương tuyên truyền về công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành y tế, BHXH trong tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, giúp người tham gia - thụ hưởng chính sách BHYT được thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế để KCB và chăm sóc sức khỏe.
Không chỉ vậy, tuyên truyền chú trong việc nhận diện các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT; hình thức lạm dụng, trục lợi phổ biến trong lĩnh vực BHYT; kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, kết quả xét xử của tòa án các cấp về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHYT. Biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách BHYT; có sáng kiến, giải pháp hay trong công tác tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình.
Đặc biệt, các đơn vị lan tỏa các trường hợp tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả chi phí lớn trong điều trị bệnh, giúp giảm bớt khó khăn tài chính; đồng thời lồng ghép thông tin về các trường hợp người bệnh chưa tham gia BHYT, gia đình gặp khó khăn trong việc chi trả các chi phí KCB;....
(Báo Kinh tế &đô thị)
Hà Nội xử lý nghiêm các đơn vị chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm
UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch bệnh gia súc, gia cầm; chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
UBND TP Hà Nội mới có công văn số 1980/UBND-KTN chỉ đạo các đơn vị về việc thực hiện Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo đó, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tổ chức giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh;
Rà soát, bố trí kinh phí để chủ động triển khai kịp thời, có hiệu quả tất cả các nội dung về thực hiện các chương trình, kế hoạch quốc gia, thành phố đã đề ra;
Tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục, Dại, Tai xanh...;
Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh, tiêu độc khử trùng, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiêm vaccine và lợi ích của việc tiêm vaccine đầy đủ để phòng các bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi; đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán động vật và sản phẩm động vật; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc, vận chuyển buôn bán gia súc, gia cầm ốm, chết.
Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.
UBND TP giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định;
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật, phối hợp các ngành liên quan tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép. Điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, đồng thời báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).
Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, hướng dẫn, giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền lây giữa người và động vật.
Sở Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Công an Thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ban ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật...
(Báo An ninh Thủ đô)
Triển khai sổ sức khỏe điện tử trên toàn quốc từ thành công tại Hà Nội
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, việc thí điểm Sổ sức khỏe điện tử thành công tại Hà Nội là cơ sở để Bộ Y tế triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Sáng 28-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã phát biểu tham luận tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; đánh giá kết quả thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số ứng dụng, nền tảng của Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, nhận thức rõ Đề án 06 góp phần quan trọng, tạo bước phát triển đột phá đối với chuyển đổi số quốc gia, Bộ Y tế đã tích cực tham gia, triển khai các hoạt động của Đề án gắn chặt chẽ với chuyển đổi số y tế.
Nhờ đó, người dân, các cơ sở y tế, các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền thực hiện công tác tiêm chủng nói riêng, các hoạt động phòng, chống Covid-19 nói chung, được thuận lợi, hiệu quả, góp phần vào thành công chung của công tác phòng, chống Covid-19. Năm 2023, Bộ Y tế đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành, đơn vị liên quan tích hợp Giấy khám sức khỏe điện tử phục vụ cấp, đổi giấy phép lái xe; tích hợp giấy chứng sinh, giấy chứng tử phục vụ 2 nhóm dịch vụ công liên thông...
Đặc biệt, thấy rõ vai trò, lợi ích của Sổ sức khỏe điện tử đối với công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID thí điểm tại thành phố Hà Nội. Trong đó, Bộ Y tế đã hỗ trợ việc thiết lập hồ sơ sức khỏe thông qua ban hành văn bản, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh chuyển dữ liệu về Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chia sẻ dữ liệu cho thành phố Hà Nội.
Sau thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tháng 10-2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định quy định các trường thông tin sức khỏe cá nhân hiển thị ứng dụng VNeID thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm 48 trường thông tin; đồng thời tích cực phối hợp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở đánh giá thành công của thành phố Hà Nội, để triển khai rộng rãi trên toàn quốc, Bộ Y tế đã ban hành Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VneID. Văn bản này tạo hành lang pháp lý, hướng dẫn cụ thể các địa phương triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID, trong đó có quy định 46 trường thông tin và nội dung thông tin hiển thị trên Sổ.
Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, tháo gỡ các khó khăn, ban hành các hướng dẫn cụ thể về tạo lập, liên thông, khai thác dữ liệu, triển khai rộng rãi Hồ sơ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, để thúc đẩy chuyển đổi số y tế gắn với Đề án 06, thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số y tế. Mục đích của Đề án sẽ giúp Bộ Y tế, ngành y tế xây dựng, hoàn thiện trung tâm dữ liệu y tế thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đồng thời hình thành dữ liệu trên toàn diện các lĩnh vực y tế bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, giúp ngành y tế có đầy đủ dữ liệu để quản lý ngành ngày một tốt hơn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới, thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đề án cũng giúp bảo đảm khai thác hiệu quả dữ liệu y tế từ trung ương đến địa phương an toàn, an ninh mạng; tạo cơ chế phối hợp, phát triển, chia sẻ, kết nối khai thác sử dụng tài nguyên số dùng chung, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tạo ra lợi ích mới, giá trị mới đột phá cho y tế. Từ đó nâng cao nhận thức, kỹ năng của đội ngũ quản lý y tế, công chức, viên chức ngành y tế; người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trên môi trường số.
(Báo Hà nội mới)