Chỉ vì chủ quan, người phụ nữ buộc phải cắt 1/2 tử cung
Theo Bệnh viện Nam Thăng Long (Hà Nội), đơn vị mới phẫu thuật cắt tử cung, giải phóng khối u xơ tử cung nặng 2kg cho bệnh nhân N.H (42 tuổi).
Khai tác tiền sử, các bác sĩ cho biết, cách đây hơn 1 năm, nữ bệnh nhân này thấy bụng mình to dần lên nhưng nghĩ rằng đó là điều bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh nhân thấy cơ thể thường xuyên chóng mặt, đau đầu, da xanh… nên mới tới bệnh viện thăm khám.
Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện khối u xơ tử cung to lớn, đã xâm lấn toàn bộ ổ bụng, chèn ép các cơ quan khác, phát triển ngang rốn kèm thiếu máu nặng. Ngay lập tức, bệnh nhân được truyền 2 đơn vị máu và chỉ định phẫu thuật.
Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống BSCKI Đặng Thế Cường, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Nam Thăng Long cho biết: "Do khối u xơ tử cung có kích thước lớn hơn 20cm, nặng 2kg, chèn ép các cơ quan khác ở ổ bụng nên chúng tôi đã quyết định mổ mở để bóc tách khối u triệt để nhằm bảo tồn một phần tử cung còn lại. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, bệnh nhân đã được cắt 1/2 tử cung. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định".
BSCKI Đặng Thế Cường cho hay, u xơ tử cung là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt giai đoạn trung niên thường xuất hiện các biểu hiện rong kinh kéo dài, đau đầu, chóng mặt… Tuy nhiên, chị em phụ nữ thường nghĩ rằng đây là dấu hiện bình thường do tiền mãn kinh mà không đi thăm khám hoặc thăm khám muộn dẫn đến những khối u có kích thước rất lớn, cá biệt có khối u buồng trứng nặng tới 15kg.
Bác sĩ Cường cũng khuyến cáo, chị em phụ nữ ở độ tuổi này cần thăm khám định kỳ hoặc khi có các dấu hiệu bất thường để được điều trị kịp thời tránh xảy ra các biến chứng.
(Báo Người đưa tin)
Hà Nội: Dịch ho gà tăng bất thường
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 24 đến 31/5, trên địa bàn thành phố có thêm 16 ca mắc ho gà, tăng 14 ca so với tuần trước.
Các bệnh nhân phân bố tại 13 quận, huyện: Hoài Đức, Hoàng Mai, Ba Vì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Xuân, Ứng Hòa.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 98 ca mắc ho gà; trong khi cùng kỳ năm 2023 trên địa bàn thành phố không có ca bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, năm nay, số ca bệnh ho gà có dấu hiệu gia tăng so với những năm trước đây, do ảnh hưởng của giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, số trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh không đạt được 100%, tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn.
Bên cạnh đó, do có những giai đoạn Việt Nam bị thiếu vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, nên một số nhóm trẻ đã bị ngưng tiêm hoặc tiêm chưa đủ khiến miễn dịch không đảm bảo.
Hiện nay, các ca ho gà mới ghi nhận rải rác ở một số địa phương, chưa thành điểm tập trung. Tuy nhiên, nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, không có miễn dịch đầy đủ thì tích lũy lại, dễ tạo ra những khoảng trống miễn dịch, từ đó có thể trở thành những ổ dịch.
Để phòng bệnh Hà Nội yêu cầu các quận huyện cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị y tế và giáo dục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc, xử lý ổ dịch nhanh chóng, không để phát sinh ổ dịch trong trường học, các nhóm nhận trông trẻ trong dịp hè.
Bệnh ho gà là bệnh lý truyền nhiễm thường gặp vào mùa Đông Xuân. Bệnh ho gà là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do vi khuẩn ho gà gây nên, thường ủ bệnh từ khoảng 7-20 ngày.
Các đối tượng chưa có miễn dịch hoặc hệ miễn dịch yếu sẽ dễ mắc bệnh, biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp... Để phòng bệnh ho gà, trẻ cần được tiêm vắc-xin phòng ho gà đúng lịch, đủ liều.
Bệnh thường khởi phát bởi triệu chứng ho nhiều, chảy nước mũi và có thể có sốt nhẹ. Sau đó, ho một loạt các cơn ho liên tục, trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, ho kéo dài dẫn tới việc trẻ nôn ọe, không ăn được, mệt mỏi, chảy nước mắt, nước mũi, kiệt sức. Cơn ho dai dẳng khiến cho trẻ đỏ bừng mặt hay tím tái cả người.
Sau cơn ho, bệnh nhân xuất hiện thở rít nên người ta gọi là ho gà. Cơn ho khiến trẻ khó chịu, mất ngủ về đêm, kém ăn, bỏ ăn, gây suy dinh dưỡng và các bệnh lý khác...
Bệnh ho gà có thể gây biến chứng nghiêm trọng, do ho dai dẳng, kéo dài làm cho trẻ bị kiệt sức dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não...
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, để phòng chống bệnh ho gà, tiêm vắc-xin là quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Để chủ động phòng chống, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch: Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi. Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng. Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng. Mũi thứ 4: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Đối với trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ.
Để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh uốn ván - bạch hầu - ho gà (Tdap) trong thời gian mang thai.
Song song với đó, cần thực hiện tốt các biện pháp khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.
Các bậc phụ huynh cần phân biệt ho gà và ho thông thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Khi nghi ngờ mắc bệnh ho gà hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh như: Có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài; ăn kém, nôn chớ nhiều; ngủ ít; thở nhanh/khó thở, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, xác định căn nguyên và hỗ trợ điều trị sớm.
(Báo Đầu tư)
Hơn 2.100 người ngộ độc thực phẩm trong 5 tháng
Bộ Y tế cho biết, trong 5 tháng năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm khiến trên 2.100 người mắc và 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ giảm 10%, số tử vong giảm 46%.
Ngay sau khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế chỉ đạo ngay các cơ sở y tế cứu chữa các bệnh nhân mắc; triển khai nhiều biện pháp để đưa các nạn nhân nặng hạn chế tối đa tử vong; đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đình chỉ ngay các cơ sở cung cấp an toàn thực phẩm (ATTP).
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, cơ sở truy xuất đến tận cùng nguồn gốc các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm tìm nguyên nhân gây nên ngộ độc thực phẩm.
Sau khi thực hiện truy xuất nguồn gốc cùng với Bộ NN&PTNT, phát hiện một số cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ATTP có hiện tượng thu gom các nguyên liệu trôi nổi bên ngoài…
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, trong đó tập trung từ quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng, xử lý nghiêm vi phạm… Các địa phương tập trung giải quyết tận gốc vấn đề mất ATTP.
Trước đó, Bộ Y tế đã triển khai hướng dẫn 10 khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về bảo đảm ATTP. Trong đó, có 2 khuyến cáo là người dân phải chọn thực phẩm sạch và nơi chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh.
(Báo Kinh tế&đô thị)
Cùng nội dung thông tin:
- Báo Công an nhân dân: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nong-ngo-doc-thuc-pham-tap-the-va-thu-thue-livestream-ban-hang-i733020/
- Báo Đời sống&pháp luật: https://doisongphapluat.com.vn/hon-2-100-nguoi-ngo-doc-thuc-pham-trong-5-thang-dau-nam-a626946.html