Trong 5 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, thành phố cũng đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và hậu kiểm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Qua đó, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng.
Thành lập hơn 600 đoàn thanh tra, kiểm tra
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thành phố hiện có 72.671 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, sản xuất thực phẩm của thành phố mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu. Do đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Các hoạt động an toàn thực phẩm được triển khai sớm ngay từ đầu năm, trong đó tập trung tăng cường quản lý dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và triển khai các chuyên đề trọng tâm an toàn thực phẩm.
Trong 5 tháng đầu năm nay, toàn thành phố đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm với việc thành lập hơn 600 đoàn thanh tra, kiểm tra. Kết quả, có 44.302 cơ sở được thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm, trong đó 38.188 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 86,2%) và phát hiện 6.114 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 1.092 cơ sở với số tiền phạt hơn 3,8 tỷ đồng; đồng thời tiêu hủy sản phẩm của 11 cơ sở và đình chỉ 4 cơ sở.
Qua công tác kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là khu vực bếp có côn trùng động vật gây hại, hệ thống cống hở, ứ đọng, không ghi chép hoặc ghi không đúng số kiểm thực 3 bước; ghi nhãn sản phẩm và quảng cáo sản phẩm thực phẩm không đúng; khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa không đầy đủ giá kệ. Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn chưa thực hiện gửi bản cam kết quy định về an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố thời gian qua cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội dẫn chứng, việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thực phẩm không chỉ gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện tự công bố sản phẩm mà còn khiến các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó trong việc giám sát, kiểm tra, hậu kiểm. Thêm vào đó, việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh tuy nhiên kết quả còn hạn chế.
Hiện nay, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động gây khó khăn trong công tác quản lý. Mặt khác, tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn từ các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc chưa cao và được tiêu thụ dưới hình thức thô, không tem nhãn mác, không tiêu chuẩn chất lượng với giá thành không ổn định… Còn người dân chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nên chưa thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Đẩy mạnh giám sát chất lượng thực phẩm
Từ những kết quả đạt được, theo ông Vũ Cao Cương, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2024 là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là đối với cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm; triển khai kế hoạch cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm trên toàn thành phố; quy chế phối hợp giữa các sở, ngành thành phố và UBND quận, huyện, thị xã. Đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp.
Đồng quan điểm trên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đồng thời yêu cầu các cơ sở phải công khai Giấy chứng nhận/cam kết an toàn thực phẩm và địa chỉ nơi cung cấp nguyên liệu.
Cùng với việc tăng cường giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất trên địa bàn, cơ quan chức năng của thành phố cũng sẽ tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố trong việc quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông, lâm, thủy sản được đưa vào Hà Nội. Mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tiếp tục phối hợp với các ngành triển khai chương trình minh bạch thông tin điện tử. Khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng thực phẩm... ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh.
(Báo Hà nội mới)
Không có mặt tại cơ sở, người chịu trách nhiệm chuyên môn bị thanh tra tước chứng chỉ hành nghề 2 tháng
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành 16 quyết định xử phạt các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập và sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm với số tiền 165,5 triệu đồng.
Trong đó, Phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt - Nha khoa Mạnh Hải - Lê Thị Thu Hà (số 204 phố Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) bị xử phạt 15,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn trong thời gian 02 tháng.
Lý do là người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật.
Biển hiệu không có đủ các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật, không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề theo quy định của pháp luật; lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Nhà thuốc Ngọc Châu (số 121 đường Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) bị xử phạt 2 triệu đồng do không báo cáo Sở Y tế Hà Nội trong trường hợp dừng hoạt động từ 06 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động.
Để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật, nhà thuốc Kim Liên (71 Lãng Yên, phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng) bị xử phạt 4 triệu đồng.
Nhà thuốc Hồng Đăng 5 (số 25 Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) bị xử phạt 6 triệu đồng do người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động (không thực hiện ủy quyền theo quy định); không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật.
Cũng cùng mắc lỗi như nhà thuốc Hồng Đăng 5 nhưng có thêm hành vi vi phạm là để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật, nhà thuốc Anh Tú (số 241 Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông) bị xử phạt 10 triệu đồng.
4 cơ sở bán lẻ thuốc cùng bị xử phạt mức 7,5 triệu đồng do cùng mắc lỗi không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật. Đó là nhà thuốc Xuyến Bàng (khu 7, phố Yên, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh); nhà thuốc Hương Quỳnh (số 24B ngõ 165 Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy); quầy thuốc Nụ hoa (số 54 Trần Phú, thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín); quầy thuốc Thái Hằng (thôn Đại Độ, xã Võng La, huyện Đông Anh).
Về cơ sở an toàn thực phẩm có 4 cơ sở thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm cùng bị xử phạt mức 8 triệu đồng, trong đó Công ty Cổ phần đầu tư & dịch vụ Hikari (lô 1, liền kề 9, khu Mậu Lương, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông).
Công ty TNHH sản xuất và thương mại quốc tế Phúc Vạn Niên (tầng 6, tòa nhà MD Complex, số 68 phố Nguyễn Cơ Thạch, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) cùng có hành vi vi phạm là thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn.
Công ty cổ phần du lịch và chế biến suất ăn Thăng Long (km số 02 đường Thăng Long - Nội Bài, xã Kim Chung, huyện Đông Anh); Công ty TNHH Việt Nam EOC (số 1A ngách 19/105, ngõ 105 đường Doãn Kế Thiện, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) mắc lỗi thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước.
Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và dịch vụ Quang Minh (tầng 2, tòa CT4 The Pride, khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông) bị xử phạt 12 triệu đồng do để nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp không được che kín.
Công ty cổ phần dịch vụ quốc tế Hà Thành (tầng 2, tòa CT4 The Pride, khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông) cũng bị xử phạt mức 12 triệu đồng cho 2 hành vi vi phạm thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.
(Báo Sức khỏe&Đời Sống)
Kích hoạt báo động đỏ, truyền 3 lít máu cứu bệnh nhân vỡ thai ngoài tử cung hiếm gặp
Bệnh nhân chửa ngoài tử cung rơi vào tình trạng nguy kịch, lơ mơ, không tỉnh táo... Ngay lập tức, kíp cấp cứu tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đống Đa đã kích hoạt báo động đỏ toàn bệnh viện cứu sống bệnh nhân.
Giành giật sự sống cho người bệnh vỡ thai ngoài tử cung hiếm gặp
Sáng 3/6, BVĐK Đống Đa (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa truyền 3 lít máu, cứu sống bệnh nhân bị vỡ thai ngoài tử cung.
Trước đó, bệnh nhân H (sinh năm 1990) được chuyển đến BVĐK Đống Đa trong tình trạng mệt lả, lơ mơ, da niêm mạc nhợt, đau khắp ổ bụng. Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ tại khoa Cấp cứu, BVĐK Đống Đa đã khẩn trương thăm khám sơ bộ. Kiểm tra cho thấy, bệnh nhân lơ mơ, da niêm mạc nhợt, đau khắp ổ bụng, phản ứng thành bụng toàn ổ bụng, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt kẹt 80/60 mmHg, ra máu âm đạo nhiều...
Qua khai thác từ phía người nhà, sáng cùng ngày, người bệnh xuất hiện đau ngực đau bụng âm ỉ sau đó tăng dần, trước vào viện 30 phút, người nhà thấy người bệnh mệt lả, gọi hỏi không đáp ứng nên gọi xe cứu thương đưa vào viện. Ngoài ra, người bệnh có dấu hiệu chậm kinh nhưng chưa đi khám sản phụ khoa.
BS Long - Trưởng kíp trực cấp cứu nhận định tình trạng người bệnh có dấu hiệu sốc mất máu nghi do chửa ngoài tử cung cần được can thiệp truyền dịch, vận mạch, chống sốc tích cực,…Sau đó 30 phút người bệnh có dấu hiệu cải thiện, tỉnh táo hơn, mạch rõ, huyết áp cải thiện 100/60 mmHg, các bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm, siêu âm cấp cứu chẩn đoán tại giường kết hợp hồi sức tích cực. Kết quả siêu âm cho thấy có nhiều dịch tự do ổ bụng nghi ngờ do khối chửa ngoài tử cung vỡ.
Tuy nhiên ngay sau đó, bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, lơ mơ, không tỉnh táo, huyết áp cải thiện được 10 phút thì tiếp tục tụt và không đo được. Ngay lập tức kíp cấp cứu tại khoa Cấp cứu đã kích hoạt báo động đỏ toàn bệnh viện.
Bác sĩ ở các chuyên khoa Ngoại, Hồi sức tích cực – chống độc, Gây mê hồi sức, … đã nhanh chóng có mặt hội chẩn đánh giá tình trạng người bệnh xác định đây là trường hợp cấp cứu sản phụ khoa nặng, thai ngoài tử cung vỡ gây chảy máu trong ổ bụng với số lượng nhiều, bệnh nhân đang trong tình trạng shock mất máu, nếu không can thiệp khẩn trương có nguy cơ tử vong.
Song song với việc giải thích tình trạng bệnh cho người nhà người bệnh và tiên lượng người bệnh rất nguy kịch, nguy cơ người bệnh tử vong rất cao. Sau đó kíp cấp cứu nhanh chóng đưa người bệnh vào phòng mổ để mổ cấp cứu dưới sự đồng ý của gia đình.
Dưới sự chỉ đạo của BS Bùi Kim Cương – Trưởng khoa Ngoại cùng sự phối hợp với ê kíp khẩn trương đưa người bệnh lên bàn mổ cấp cứu … tất cả quá trình đó chỉ diễn ra trong vòng hơn 10 phút đồng hồ.
Kíp phẫu thuật đã mở đường trắng giữa 16cm, thăm dò ổ bụng khoảng 3.000ml máu không đông lẫn máu cục, khối chửa vòi tử cung phải sát tử cung vỡ đang chảy máu.
Các bác sĩ phẫu thuật đã tiến hành kẹp cắt vòi tử cung phải, cầm máu, lau rửa ổ bụng. kết hợp hồi sức tích cực và truyền máu trong mổ. Sau khoảng 1 giờ giành giật sự sống cho người bệnh, kíp cấp cứu đã cứu ca phẫu thuật thành công cứu sống người bệnh thoát nguy cơ tử vong do sốc mất máu.
Khuyến cáo của bác sĩ với phụ nữ khi mang thai
Theo các bác sĩ, thai ngoài tử cung là một bênh lý rất phổ biến, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: mất máu nhiều dẫn đến shock thậm chí có thể tử vong.
Tuy nhiên bệnh lý này hoàn toàn có thể phát hiện từ rất sớm, điều trị ngoại khoa hoặc điều trị nội khoa mà không cần phải phẫu thuật khi được chẩn đoán sớm.
Trường hợp bệnh nhân H. khối chửa vòi tử cung phải sát tử cung to vỡ đang chảy máu là rất hiếm và nguy hiểm. Đặc biệt người bệnh bị shock mất máu nhiều do thai ngoài tử cung vỡ thì phẫu thuật cấp cứu đòi hỏi phải được thao tác xử trí nhanh chóng, chính xác để kịp thời cầm máu, tránh nguy cơ tử vong cho người bệnh.
BS Cương cũng cho biết, hàng năm, khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa Đống Đa đã phẫu thuật cấp cứu rất nhiều trường hợp người bệnh chửa ngoài tử cung, trong đó có nhiều người bệnh phát hiện sớm được phẫu thuật nội soi xử lý khối chửa bảo tồn vòi tử cung.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốc mất máu do vỡ khối chửa, phải cắt bổ vòi tử cung gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
Vì vậy, BS Cương khuyến cáo phụ nữ khi mang thai cần tìm hiểu thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản, khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để kịp thời phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.
(Báo Sức khỏe&Đời sống)
Cùng nội dung thông tin:
- Báo Tuổi trẻ: https://tuoitre.vn/cuu-benh-nhan-mang-thai-ngoai-tu-cung-nguy-kich-phai-truyen-3-lit-mau-20240604075833943.htm
- Báo VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cap-cuu-truyen-3-lit-mau-cuu-benh-nhan-vo-thai-ngoai-tu-cung-hiem-gap-post957030.vnp
-Báo Nhân dân: https://www.vietnamplus.vn/cap-cuu-truyen-3-lit-mau-cuu-benh-nhan-vo-thai-ngoai-tu-cung-hiem-gap-post957030.vnp
-Báo Tiền phong: https://tienphong.vn/bao-dong-do-cap-cuu-san-phu-nguy-kich-vi-vo-thai-ngoai-tu-cung-post1642843.tpo
4 thay đổi quan trọng về mức đóng bảo hiểm y tế từ ngày 1/7
Xuất phát từ thay đổi tiền lương cơ sở, từ ngày 1/7 sẽ có nhiều thay đổi về chính sách, trong đó có bảo hiểm y tế (BHYT).
Thay đổi mức đóng BHYT hộ gia đình, học sinh sinh viên
Từ ngày 1/7 thực hiện cải cách tiền lương, do đó, sẽ có những thay đổi về mức đóng cũng như mức hưởng BHYT hộ gia đình, học sinh sinh viên.
Cụ thể, mức đóng BHYT hộ gia đình theo tháng như sau:
Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Đối với học sinh, sinh viên mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở (ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30%, học sinh sinh viên tự đóng 70%).
Đối với học sinh, sinh viên mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở (ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30%, học sinh sinh viên tự đóng 70%).
Thay đổi mức hưởng chi phí khám chữa bệnh
Hiện nay, mức đóng BHYT được tính theo mức lương cơ sở. Người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB) mà chi phí KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở thì được BHYT trả 100% chi phí KCB theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
Mức lương cơ sở đang áp dụng tại thời điểm này là 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo Nghị quyết Nghị quyết 104/2023/QH15 bãi bỏ chế độ tiền lương tính theo mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2024.
Như vậy, kể từ thời điểm này, mức đóng BHYT và mức hưởng chi phí KCB có thể sẽ bị ảnh hưởng theo sự thay đổi của lương cơ sở.
Thẻ BHYT được tích hợp vào thẻ căn cước
Theo quy định tại điều 22, Luật Căn cước, thông tin thẻ BHYT sẽ được tích hợp theo đề nghị của công dân vào thẻ căn cước cấp từ ngày 1/7.
Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Theo đó, khi tích hợp thông tin thẻ BHYT vào thẻ căn cước, người dân có thể dùng thẻ căn cước để KCB và thực hiện các thủ tục về BHYT.
Người dân được tích hợp thông tin thẻ BHYT vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Thêm đối tượng được hỗ trợ tiền đóng BHYT
Khoản 2 Điều 32 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực từ 1/7 đã bổ sung người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT.
Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ tiền đóng BHYT và BHXH tự nguyện theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Ngoài ra, điều 24 Luật này đưa ra thêm thông tin: khi người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ đã tham BHYT và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định. Người chưa tham gia BHYT mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí KCB.
(Báo Kinh tế&đô thị)