Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, việc đảm bảo an toàn thực phẩm phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên; kiên trì lâu dài để thay đổi thói quen của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe.
Chiều 4-6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP đã chủ trì giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố với các quận, huyện, thị xã.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP 2024, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ 33 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; số cơ sở đạt: 16/33 cơ sở (tỷ lệ 48,5%); số cơ sở không đạt: 17/33 cơ sở (tỷ lệ 51,5%).
Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố xử lý 14 cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật với tổng số tiền phạt 151 triệu đồng; lấy 2 mẫu thực phẩm xét nghiệm chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, kết quả 2/2 mẫu đạt (tỷ lệ đạt 100%); xét nghiệm nhanh: 124/128 mẫu (tỷ lệ đạt 96,9%).
Các Sở, ngành cũng chủ động thành lập các đoàn kiểm tra 817 cơ sở; số cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP là 683 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 4,6 tỉ đồng.
Các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm trong Tháng hành động vì ATTP. Tổng số cơ sở được kiểm tra, giám sát là 11.692 cơ sở, trong đó 10.385 cơ sở có kết quả đạt (tỷ lệ 88,8%); tổng số cơ sở vi phạm 996 cơ sở với số tiền phạt hơn 4,2 tỉ đồng.
Toàn thành phố kiểm tra, giám sát 12.509 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt điều kiện ATTP theo quy định là 10.522 cơ sở (tỷ lệ đạt 84,1%).
Tổng số cơ sở vi phạm là 1.814 cơ sở, trong đó số cơ sở bị xử lý là 1.679 cơ sở, số cơ sở nhắc nhở, khắc phục tại chỗ là 135 cơ sở. Số cơ sở bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP là 1.679 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 8,8 tỉ đồng; 280 cơ sở buộc tiêu huỷ số lượng hàng hoá trị giá trên 2,7 tỉ đồng.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đánh giá, nhìn chung nhiều quận huyện đã làm tốt công tác đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cho rằng vẫn còn có những địa phương triển khai chưa tốt.
Từ đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu, công tác kiểm tra ATTP cần được coi như nhiệm vụ chính trị thực hiện thường xuyên chứ không chỉ riêng trong Tháng hành động vì ATTP.
Chủ tịch UBND TP phân tích: "Các hoạt động vi phạm ATTP sẽ âm thầm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tầm vóc của thế hệ, giống nòi, do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả hệ thống chính trị".
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cũng nêu việc những hoạt động này cần được triển khai kiên trì 5 năm, 10 năm, 20 năm... để dần thay đổi được thói quen, nhận thức của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe.
Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý các hoạt động tuyên truyền ATTP cần được đưa vào trường học để giáo dục thế hệ tương lai; đẩy mạnh bổ sung kinh phí truyền thông mạnh trên báo đài, mạng xã hội...; tổ chức các cuộc thi viết về ATTP.
Nhân dịp này, UBND TP Hà Nội đã trao tặng bằng khen cho 10 tập thể và 7 cá nhân có đóng góp trong Tháng hành động vì ATTP.
(Báo An ninh Thủ đô)
Cùng nội dung thông tin
https://laodongthudo.vn/ha-noi-tang-cuong-kiem-tra-xu-ly-nghiem-vi-pham-an-toan-thuc-pham-171713.html
https://kinhtedothi.vn/cong-tac-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-can-duoc-thuc-hien-thuong-xuyen-lien-tuc.html
Dấu ấn hoạt động công đoàn trong Tháng Công nhân
Tháng Công nhân năm nay bắt đầu từ ngày 1 đến 31/5, bám sát chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Các hoạt động đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.
Theo ghi nhận của phóng viên, các hoạt động trong Tháng Công nhân do tổ chức Công đoàn Thủ đô triển khai bao phủ ở nhiều mặt, từ chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần đến đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Cụ thể, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động tham mưu với cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền đồng cấp, người sử dụng lao động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ tổ chức các hoạt động tri ân, cảm ơn người lao động, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Trong đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã tổ chức tặng quà, thăm và trao trợ cấp công nhân lao động bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 2,6 tỷ đồng; trao hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở…
Các cấp Công đoàn Thủ đô từ Thành phố đến cơ sở đã phối hợp với các đơn vị y tế uy tín như: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc, các bệnh viện đa khoa trực thuộc Sở Y tế Hà Nội… tổ chức chương trình khám sức khỏe sinh sản, tầm soát phát hiện ung thư sớm, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe miễn phí cho đoàn viên, người lao động.
Trong đó, những trường hợp khám tập trung tại khu công nghiệp được hỗ trợ 1,2 triệu đồng; các trường hợp khám tại Bệnh viện hoặc làm xét nghiệm tầm soát phát hiện ung thư sớm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Ghi nhận thực tế cho thấy, những đoàn viên, người lao động được tham gia chương trình đều bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi được Công đoàn quan tâm, chăm lo về sức khỏe, giúp họ có điều kiện, cơ hội kiểm tra tình trạng sức khỏe để yên tâm lao động sản xuất.
Trong Tháng Công nhân, thực hiện sự chỉ đạo của LĐLĐ thành phố Hà Nội, nhiều Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp tổ chức “Bữa cơm Công đoàn”. Tại đó, bữa ăn ca của người lao động được bổ sung thêm giá trị dinh dưỡng, hoặc tăng khẩu phần suất ăn so với suất ăn thường ngày. Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã tổ chức tôn vinh đoàn viên, người lao động tiêu biểu có nhiều sáng kiến, sáng tạo, thành tích trong lao động, sản xuất. Năm 2024, toàn Thành phố có 62.520 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 2.230 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở; 100 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”.
Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, kịp thời biểu dương, khen thưởng những công nhân lao động có thành tích tốt trong lao động sản xuất, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng chú trọng triển khai sâu rộng các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, người lao động, như: Giải Bóng đá công nhân, viên chức, lao động Cúp Báo Lao động Thủ đô; chương trình “Hát cho công nhân nghe - nghe công nhân hát”; Hội khỏe CNVCLĐ với các nội dung thi đấu như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, kéo co… Qua các hoạt động đó đã tạo cơ hội để đoàn viên, người lao động giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giao lưu, học hỏi, tái tạo sức lao động để làm việc hiệu quả hơn.
Song song với các hoạt động trên, trong Tháng Công nhân, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã phối hợp với chính quyền đồng cấp và các cơ quan liên quan tổ chức hiệu quả các hoạt động nhằm phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Nổi bật là, LĐLĐ Thành phố đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc với cử tri là cán bộ Công đoàn, người lao động Thủ đô. Hội nghị đã ghi nhận 18 ý kiến đóng góp xây dựng vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và các ý kiến phản ánh về đời sống, việc làm của người lao động.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, các ý kiến của cán bộ, đoàn viên Công đoàn Thủ đô đã được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp thu toàn bộ, tổng hợp để tiếp tục tham gia ý kiến với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đưa tiếng nói của người lao động đến nghị trường Quốc hội, cũng như cập nhật, bổ sung các ý kiến xây dựng vào các dự án Luật, chuyển đến cơ quan soạn thảo đầy đủ, nhằm thống nhất xây dựng các Dự thảo Luật sao cho bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người lao động, cán bộ và đoàn viên Công đoàn.
LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng đã phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với công nhân lao động Thủ đô. Tại Hội nghị, với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, công nhân lao động đã nêu các ý kiến, đề xuất, kiến nghị tập trung vào những nội dung theo các nhóm lĩnh vực: Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề; trật tự, an ninh, an toàn xã hội… Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã trực tiếp lắng nghe, giải đáp và chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan giải đáp kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động. Các ý kiến giải đáp đều được công nhân lao động đánh giá cao.
Bên cạnh các hoạt động cấp Thành phố, nhiều LĐLĐ các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với đoàn viên, người lao động. Nhiều Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đã phối hợp tổ chức Diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân” để người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, lắng nghe đoàn viên, người lao động đề xuất ý tưởng, giải pháp nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất - kinh doanh; kiến nghị giải pháp đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động một cách bền vững và phát huy tinh thần trách nhiệm của công nhân trong đồng hành với doanh nghiệp thúc đẩy năng suất lao động.
(Báo Lao động Thủ đô)
Cùng nội dung thông tin
https://hanoimoi.vn/thang-cong-nhan-nam-2024-dong-vien-kip-thoi-cong-nhan-lao-dong-668358.html
Ho gà gia tăng bất thường tại Hà Nội
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 98 ca mắc ho gà, trong khi năm 2023 không ghi nhận ca bệnh nào. Hầu hết ca bệnh đều là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 16 ca mắc ho gà, tăng 14 ca so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 98 ca mắc ho gà - trong khi cùng kỳ năm 2023 trên địa bàn thành phố không có ca bệnh.
Mặc dù đánh giá các ca mắc ho gà ghi nhận từ đầu năm đến nay đều là ca bệnh tản phát, không phát sinh ổ dịch, tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng đưa ra dự báo, thời gian tới có thể sẽ tiếp tục xuất hiện rải rác ca bệnh, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Trước tình hình số ca bệnh ho gà tại Hà Nội có dấu hiệu gia tăng so với những năm trước đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lý giải, do ảnh hưởng của giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, số trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh không đạt được 100%, tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. Bên cạnh đó, do có những giai đoạn Việt Nam bị thiếu vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, nên một số nhóm trẻ đã bị ngưng tiêm hoặc tiêm chưa đủ khiến miễn dịch không đảm bảo.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính gây bệnh ho gà là do sự xâm nhập của vi khuẩn Bordetella pertussis đi vào đường hô hấp trên, sau đó khu trú và phát triển ở lông mao biểu mô trụ của thanh quản, khí quản. Ở đó vi khuẩn sẽ tiết ra một loại độc tố Pertussis toxin – đây là loại protein động lực chính đóng vai trò gây bệnh.
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhi ho kéo dài từ 1-2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm). Ở giai đoạn này, để chẩn đoán phân biệt ho gà rất khó do triệu trứng của ho gà giống với những biểu hiện cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường.
Ở giai đoạn toàn phát (từ 1-2 tuần kế tiếp), bệnh nhi bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa. Sau những cơn ho trẻ thường đỏ mặt hay tím tái cả người do ho nhiều không đủ dưỡng khí để thở, lâu dần gây suy hô hấp. Cũng chính những con ho dài dữ dội khiến trẻ mệt, kiệt sức, biếng ăn dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Giai đoạn 3 của ho gà là giai đoạn hồi phục, các cơn ho của trẻ ngắn lại, số cơn ho giảm.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, đây là căn bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng, do ho dai dẳng, kéo dài làm cho trẻ bị kiệt sức dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não...
Đáng lưu ý là bệnh ho gà có những dấu hiệu khởi phát tương tự như cảm lạnh thông thường nên nhiều bậc phụ huynh thường có tâm lý chủ quan, tự ý điều trị ở nhà, tự mua thuốc uống hay áp dụng kinh nghiệm dân gian. Điều này làm bệnh ho gà trở nặng và dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
Ngoài việc ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thì một điều đáng lo ngại nữa là bệnh có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 1-2 tuần, khó nhận biết sớm, trong khi đây lại là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan rất cao. Đối với trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà, bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh, ở trẻ sơ sinh tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Theo BS Lâm, cách tốt nhất để dự phòng ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thiếu niên và người lớn là tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, để phòng bệnh ho gà, phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.
Khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác, kể cả trẻ đã được tiêm phòng và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ bị biến chứng.