Sở Y tế Hà Nội đã ban hành kế hoạch chi tiết về việc đảm bảo y tế phục vụ Kỳ thi vào lớp 10 (từ ngày 8/6 đến 12/6) và kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia TP Hà Nội (từ ngày 26/6 đến ngày 29/6).
Theo Sở Y tế Hà Nội, kế hoạch được đưa ra nhằm đảm bảo công tác đáp ứng y tế, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ATTP trên địa bàn TP trước, trong và sau kỳ thi.
Theo đó, 4 yêu cầu cụ thể gồm: đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; đảm bảo vệ sinh chất lượng nước và ATTP; tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các tuyến, bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện, thuốc, trang thiết bị cho công tác sơ cấp cứu, khám chữa bệnh phục vụ Nhân dân, thí sinh và người nhà.
Mặt khác, các đơn vị, địa phương chuẩn bị sẵn các đội cấp cứu lưu động, dự phòng để ứng cứu khẩn cấp trong các tình huống thảm họa, ngộ độc hàng loạt… phục vụ cho các thí sinh, người nhà và các lực lượng khác tham gia kỳ thi.
Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phối hợp truyền thông về vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh; áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phòng chống nắng nóng, sốc nhiệt.
CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh nói chung tại các địa điểm tổ chức thi, kiểm tra đảm bảo vệ sinh chất lượng nguồn nước sinh hoạt của các nhà máy nước, trạm cấp nước TP.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, đặc biệt các cơ sở dịch vụ ăn uống xung quanh khu vực tổ chức thi.
Cùng với đó, Chi cục ATVSTP kiểm tra công tác đảm bảo ATTP kết hợp lấy mẫu xét nghiệm chủ động đánh giá nguy cơ mất ATTP; tập trung vào các cơ sở thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát xung quanh các địa điểm thi.
Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; tuyên truyền cho người dân, thí sinh và người nhà lựa chọn thực phẩm an toàn; tổ chức thành lập các đội phản ứng nhanh, đáp ứng các tình huống khẩn cấp khi có ngộ độc thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau khi kỳ thi diễn ra.
Ngoài ra, Trung tâm Cấp cứu 115 xây dựng phương án vận chuyển và điều phối thông tin đáp ứng cấp cứu ngoài bệnh viện trong kỳ thi; tổ chức các kíp thường trực đảm bảo sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vận chuyển cấp cứu người bệnh kịp thời, an toàn và các công tác đột xuất khác theo sự điều động của Sở Y tế.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Cùng nội dung thông tin
https://daidoanket.vn/ha-noi-dam-bao-cong-tac-y-te-phuc-vu-cac-ky-thi-nam-2024-10282668.html
https://baotintuc.vn/y-te/ha-noi-dam-bao-dap-ung-y-te-an-toan-thuc-pham-tai-cac-khu-vuc-thi-tuyen-lop-10-20240605154301182.htm
https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-tang-cuong-cong-tac-y-te-phong-chong-dich-benh-an-toan-thuc-pham-phuc-vu-ky-thi-2024-383344.html
https://congdankhuyenhoc.vn/thi-vao-lop-10-ha-noi-dam-bao-dap-ung-y-te-an-toan-thuc-pham-tai-cac-khu-vuc-thi-17924060517050992.htm
Thanh toán không dùng tiền mặt tại cơ sở y tế: Mũi tên trúng nhiều đích
Ngày càng có nhiều lĩnh vực mà người dân có thể sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong lĩnh vực y tế, thanh toán số đang tạo thuận tiện cho cả cơ sở y tế và bệnh nhân, giảm thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi.
Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt
Đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cũng là mục tiêu của cả ngành y tế và ngành ngân hàng hiện nay. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện đã có gần 88% các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các trường đại học y, dược... triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Còn ở các cơ sở khám chữa bệnh thuộc sở y tế các địa phương, tỉ lệ này là hơn 60%.
Các hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt hiện rất đa dạng: Thẻ y tế thông minh, thanh toán viện phí qua thẻ ngân hàng, qua quét mã QR hay các máy thanh toán tự động được trang bị tại các bệnh viện...
Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã góp phần giảm tình trạng quá tải cục bộ tại bệnh viện, giảm áp lực căng thẳng cho nhân viên y tế trong quá trình tiếp đón bệnh nhân đến khám. Qua đó, giúp bệnh viện có thể phục vụ người bệnh được chu đáo hơn.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, kể từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, người bệnh đã có thể thanh toán không tiền mặt bằng hình thức đơn giản như chuyển khoản, quét QR tĩnh. Bệnh viện này chính thức ban hành quy trình thanh toán online từ tháng 8/2023.
Không chỉ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nhiều cơ sở y tế khác tại Hà Nội cũng áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Từ năm 2013, Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên ở khu vực miền Bắc đã áp dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt được thực hiện từ tháng 9/2018 với hình thức thí điểm bằng thẻ bảo lãnh viện phí tại Khoa Điều trị theo yêu cầu 1C.
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng triển khai dịch vụ thanh toán viện phí trực tuyến bằng thẻ khám bệnh và trở thành bệnh viện công lập đầu tiên của ngành y tế Hà Nội áp dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ.
Khi thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều người bệnh đã bày tỏ sự hài lòng mà những tiện ích này mang lại. Đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, anh Nguyễn Trung Kiên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đánh giá: “Trước đây, khi đến khám bệnh, tôi phải ra quầy xếp hàng rất lâu, phải chờ đợi đến lượt thanh toán. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tôi có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian”.
Trong khi đó, chị Bùi Thanh Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, người trẻ thường ngại phải cầm tiền mặt đi khám bệnh. Giờ đây, khi đưa con đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, chị Hương cảm thấy vô cùng thuận tiện vì không phải sử dụng tiền mặt, mà chỉ cần dùng điện thoại để quét mã QR thanh toán.
Giảm quy trình không cần thiết
Theo TS.BS Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trước khi thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, quy trình thanh toán của bệnh viện gồm 24 bước. Song, với hình thức mới, quy trình hiện chỉ còn 11 bước.
“Cụ thể, trước kia, điều dưỡng hành chính phải mang hồ sơ xuống, bàn giao cho nhân viên tài chính. Sau đó, nhân viên kiểm tra biểu mẫu thanh toán xem khớp không. Người bệnh cũng phải xem thông tin này đúng chưa... Điều đó mất rất nhiều thời gian, gây ùn tắc. Thậm chí, có những hôm dù đã 17 giờ, nhưng cục bộ vẫn bị ùn ứ”, TS.BS Trần Thị Oanh chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, khi triển khai thanh toán online, quy trình được thay đổi. Sau khi làm thủ tục hành chính, bệnh nhân được xem phiếu, nếu còn khúc mắc thì sẽ được giải thích ngay.
Sau đó, nhân viên hành chính in phiếu, để bệnh nhân tự thanh toán hoặc chuyển phiếu cho người nhà thanh toán từ xa. Nhiều trường hợp bệnh nhân cao tuổi không thao tác được khi thanh toán online. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân hoàn toàn có thể thanh toán từ xa.
TS Oanh cho biết, ngày 4/6, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt ở bệnh nhân nội trú là 96,6%. Sắp tới, bệnh viện sẽ triển khai đẩy mạnh việc thanh toán không tiền mặt đối với ngoại trú.
“Hiện nay, nhân viên y tế và bệnh nhân đều quen với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Phương thức thanh toán không tiền mặt rất văn minh. Trước kia, nhiều trường hợp bệnh nhân được ra viện trong ngày, nhưng ùn tắc tại cửa thanh toán do quy trình cũ, nên mất nhiều thời gian. Với hình thức hiện nay, bệnh nhân được thanh toán tại các khoa, phòng. Do đó, người bệnh được xem tường minh về các chi phí phát sinh thêm”, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết.
Tuy nhiên, theo bà Oanh, thời gian đầu thực hiện, không chỉ bệnh nhân mà nhân viên y tế cũng chưa quen với sự thay đổi. Nhiều bệnh nhân cao tuổi, dù được nhân viên hướng dẫn nhưng cũng không thao tác được để thanh toán online. Những trường hợp này cần có sự hỗ trợ của người nhà.
Không chỉ ứng dụng thanh toán không tiền mặt, bệnh viện cũng có giải pháp về công nghệ để rút gọn quy trình hành chính, sắp xếp khoa học, thuận lợi cho nhân viên y tế và bệnh nhân.
Nhấn mạnh việc lấy bệnh nhân làm trung tâm, TS Oanh chia sẻ, bệnh viện đã quan tâm rất sớm tới chuyển đổi số. Bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh trong thời điểm chưa chuyển đổi số từng phải xếp sổ y bạ chờ. Thậm chí, nhiều bệnh nhân phải chờ từ 4 giờ sáng.
Tuy nhiên, hiện nay, bệnh viện đã rút gọn quy trình khám chữa bệnh. Trước kia, để chờ lấy thuốc, người bệnh phải cầm đơn tới quầy. Khi có nhiều bệnh nhân, quầy thuốc cũng sẽ ùn tắc. Song, hiện nay, phần mềm giúp nhân viên y tế có sẵn đơn thuốc của người bệnh. Do đó, quy trình lấy thuốc cũng trở nên đơn giản và tiết kiệm nhiều thời gian.
(Báo Giáo dục và thời đại)
Dự báo sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện đang bước vào tháng cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết. Dự báo, số ca mắc và tử vong tiếp tục gia tăng nếu không chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.
Sáng 6-6, Sở Y tế Hà Nội phối hợp UBND huyện Đan Phượng tổ chức phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm 2024 (15-6).
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phố với số trường hợp mắc hằng năm hơn 100.000 trường hợp với nhiều ca tử vong. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 22 nghìn ca mắc, trong đó có 3 ca tử vong.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, hiện đang bước vào tháng cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết. Dự báo, số ca mắc và tử vong tiếp tục gia tăng nếu không chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, nhiều năm nay, Hà Nội luôn là địa phương có dịch sốt xuất huyết lưu hành cao. Riêng huyện Đan Phượng là một trong những “điểm nóng” về sốt xuất huyết của thành phố với nhiều yếu tố nguy cơ như: Các công trình xây dựng nhiều, các khu nhà trọ, lán trại tập trung khó kiểm soát, nhiều khu đất bỏ hoang chứa phế thải đọng nước không được xử lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng và bọ gậy phát triển.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cũng cho thấy, các khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết hằng năm diễn biến phức tạp cả ở các quận nội thành và các huyện ngoại thành. Đặc biệt, các huyện vùng ven tiếp giáp như: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai… đều ghi nhận số mắc cao.
Cụ thể, năm 2023 toàn thành phố có hơn 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ trước tới nay. Từ đầu năm 2024 đến ngày 24-5, thành phố đã ghi nhận 690 ca bệnh tại 30/30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tình hình sốt xuất huyết năm nay vẫn có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn.
Ngoài điều kiện khí hậu nắng nóng, mưa nhiều, vệ sinh môi trường chưa tốt, còn có nguyên nhân là do người dân ngoại tỉnh đến thuê trọ tại khu vực nội thành, các huyện ven nội đô rất lớn. Đây là nhóm đối tượng có nhiều khả năng mắc bệnh.
“Cùng với điều kiện sinh hoạt tạm bợ như ngủ không nằm màn, không để ý thu gom phế thải, không thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, những khu thuê trọ chính là nơi làm lây lan, bùng phát sốt xuất huyết. Trong khi đó, việc huy động cộng đồng, nhân lực cho các hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất tại nhiều nơi còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc xử lý ổ dịch còn chưa triệt để, khiến dịch diễn biến phức tạp, kéo dài”, ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh.
Tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên vắc xin phòng sốt xuất huyết được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam, mở ra hy vọng mới trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, các biện pháp phòng, chống hiện nay vẫn chủ yếu là hoạt động diệt bọ gậy, diệt muỗi vằn.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề nghị, các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, vận động người dân tạo thói quen diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà hằng tuần tại các hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học... Ngoài ra, khi bị sốt cao liên tục trên 2 ngày, người dân cần thông báo ngay với trạm y tế địa phương để được hướng dẫn, khám, điều trị và triển khai các biện pháp phòng, chống tại cộng đồng, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
(Báo Hà nội mới)
Cùng nội dung thông tin
https://kinhtedothi.vn/ha-noi-ghi-nhan-690-ca-sot-xuat-huyet-du-bao-dich-dien-bien-phuc-tap.html