Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận bé trai 2 tuổi khởi phát bệnh dại, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Khai thác bệnh sử, gia đình cho hay: Trước khi nhập viện 1 tháng, bé bị chó của gia đình nuôi (chưa tiêm phòng dại) cắn vào vùng cổ và cằm. Ngay sau khi bị cắn, bé chỉ được rửa vết thương bằng xà phòng và không được tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Khoảng 8 ngày trước khi vào viện, bé lên cơn sốt, biểu hiện bất thường nên được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Tuy nhiên, tình trạng bé ngày càng nặng và chuyển biến nhanh nên đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ngày 31/5/2024, tại Khoa Điều trị tích cực - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bé có biểu hiện sợ gió, xuất tiết đờm dãi, kích thích, vật vã, hoảng loạn. Bé được làm các xét nghiệm nước bọt, dịch não tủy, sinh thiết da gáy, kết quả chẩn đoán xác định mắc bệnh dại.
Để điều trị cho bé, các bác sĩ đã sử dụng thuốc vận mạch, điều trị theo đích tăng áp lực nội sọ và hỗ trợ hô hấp. Tuy nhiên, hiện tại bé vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng Khoa Điều trị tích cực cho biết: Hàng năm, khoa tiếp nhận một số trường hợp trẻ mắc bệnh dại đến khám và điều trị. Đa số các trường hợp trẻ nhập viện đều chưa được tiêm phòng do cha mẹ thiếu hiểu biết về bệnh dại, tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn, chó bình thường, tâm lý e ngại với vaccine phòng dại, một số trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình…
Bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ không may bị súc vật tấn công, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí vết thương, tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại kịp thời.
(Báo VTV)
Cùng nội dung thông tin:
https://afamily.vn/be-2-tuoi-khoi-phat-benh-dai-sau-khi-bi-cho-nha-can-20240607101204636.chn
Quận Ba Đình kiểm tra 836 đơn vị trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm
Sáng ngày 7/6, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình tổ chức Hội nghị sơ kết công tác An toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm và tổng kết Tháng hành động “Vì an toàn thực phẩm” năm 2024.
Thông tin từ UBND quận Ba Đình, trong thời gian 1 tháng hành động vì an toàn thực phẩm, toàn quận đã kiểm tra 836 cơ sở, phát hiện và xử lý 61 cơ sở vi phạm với số tiền phạt 176.300.000 đồng và tiêu hủy hàng hóa tương đương 14.060.000 đồng.
Cũng trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm, UBND quận đã chỉ đạo tăng cường công tác xét nghiệm và thực hiện xét nghiệm tổng số 514 mẫu xét nghiệm nhanh tinh bột (số mẫu đạt 465, số không đạt 49).
Trong khuôn khổ Hội nghị sáng 7/6, UBND quận Ba Đình cũng đã Sơ kết công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, quận Ba Đình thành lập 17 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm (trong đó có 3 đoàn cấp quận và 14 đoàn cấp phường). Cũng trong thời gian này, quận Ba Đình thực hiện xét nghiệm tổng số 881 mẫu (số mẫu đạt 824, số không đạt 57).
Về vấn đề ngộ độc thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm không ghi nhận trường hợp nào ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quận Ba Đình.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, quận Ba Đình sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, đặc biệt là tại các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học trên địa bàn quận; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Ngoài ra, quận Ba Đình cho biết sẽ tiếp tục tổ chức diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc tại bếp ăn tập thể trên địa bàn quận (lần 1 đã tổ chức thành công vào tháng 9/2023). Đồng thời, duy trì, phát triển hệ thống phát hiện, điều tra, giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ quận đến các phường.
Trước đó, vào ngày 16/4, UBND quận Ba Đình đã tổ chức triển khai Lễ phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024 tại trường Tiểu học Ba Đình. Lễ phát động có sự tham gia của lãnh đạo quận, đại diện UBND 14 phường; các trường có bếp ăn tập thể; các nhà cung cấp thực phẩm, suất ăn trên địa bàn quận.
Cũng trong khuôn khổ lễ phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm", UBND quận Ba Đình đã tổ chức thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm với UBND 14 phường và Ban quản lý chợ Long Biên, Số 2, Số 3.
(Báo Sức khỏe&đời sống)
Nỗ lực giữ một thai còn lại cho sản phụ mang song thai
Sinh non và mất một thai ở tuần 23, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã nỗ lực giữ thai còn lại cho sản phụ thêm 5 tuần để đón em bé chào đời an toàn nặng 1700g.
Kết hôn được 3 năm, chị N.A.T (28 tuổi) luôn mang trong mình khao khát được làm mẹ. Sau nhiều nỗ lực để mang thai tự nhiên và thực hiện IUI không thành công, chị quyết định thực hiện IVF và thành công ở lần chuyển phôi thứ 2 với hai phôi thai đậu.
Tuy nhiên đến tuần 23, chị cảm thấy đau lâm râm bụng. Khi tới một cơ sở y tế khám, bác sĩ nhận thấy cổ tử cung của chị vẫn đóng, chiều dài cổ tử cung 32mm, nên tư vấn chị về nhà theo dõi, chỉ định uống thuốc giảm co, thuốc nội tiết. Sau 1 ngày, chị tự phát hiện ối thõng âm đạo.
Chị nhanh chóng tới cơ sở thực hiện IVF trước đó khám cấp cứu nhưng do vượt quá khả năng điều trị, chị được tư vấn chuyển tới khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Tại đây, chị T. được nhập viện khi cổ tử cung đã mở 2-3 phân, chân một bé đã lọt ra ngoài, chị T. sinh non một bé và bé mất ngay sau sinh. Các bác sĩ khẩn trương hội chẩn và quyết định giữ thai còn lại, trực tiếp Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương - Phó khoa Sản bệnh A4 tiếp nhận điều trị cho chị T.
Trước đây đã có những trường hợp song thai mà bác sĩ Phương và đồng nghiệp giữ thai thành công sau khi 1 thai đã sảy, nhưng với chị T, điều khó khăn hơn các trường hợp trước đó là chị bị tăng huyết áp - một bệnh lý nội khoa kèm theo có thể ảnh hưởng xấu đến thai kỳ.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương chỉ định dùng các thuốc điều trị và phác đồ chăm sóc để tiếp tục giữ em bé còn lại trong bụng mẹ. Chị tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt. Mỗi ngày trôi qua là một thử thách khi thai nhi còn lại phải đối mặt với tình trạng ra máu, nhiễm trùng và dọa đẩy thai ra liên tục.
Đến tuần 26, khó khăn tiếp tục ập đến khi chị có dấu hiệu vỡ ối, chảy máu âm đạo do bánh rau của em bé đầu tiên đã sinh trước đó bong ra.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương chỉ định tiêm trưởng thành phổi nhằm phòng trường hợp em bé còn lại chào đời sớm hơn dự kiến.
Sang tuần 27, chị T. có dấu hiệu cạn ối và có cơn chuyển dạ, bác sĩ chỉ định dùng mũi trưởng thành phổi thứ 2 và thuốc bảo vệ não cho thai. Chỉ sau mấy tiếng, em bé thứ 2 chào đời với cân nặng 800g.
Nhờ được chăm sóc đặc biệt trước sinh, con có Apgar tốt so với tuổi thai. Sau một thời gian được các y bác sĩ, nhân viên y tế khoa Sơ sinh chăm sóc tận tình, nay con đã nặng 1700g và đang được ấp Kangaroo cảm nhận hơi ấm trong vòng tay mẹ.
Với chị T, được ôm con trong lòng mà chị ngỡ như trong mơ. Đã có thời gian chị tưởng chừng không có cơ hội làm mẹ, vậy mà nay chị đã được cảm nhận từng hơi thở, từng cử động của con.
(Báo Nhân dân)
Cùng nội dung thông tin:
https://tuoitre.vn/hy-huu-giu-duoc-1-trong-2-thai-song-sinh-sau-khi-1-thai-bi-say-o-tuan-23-20240606150201963.htm
https://nld.com.vn/mot-thai-song-sinh-say-be-con-lai-chao-doi-sau-5-tuan-196240606172942472.htm
Tùy tiện bổ sung vitamin A: Nguy hại khôn lường!
Vì vitamin A là vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể nên không ít bà mẹ đã tùy tiện cho trẻ uống bổ sung vitamin A mà không có hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng.
Việc này có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe của trẻ.
Thiếu, thừa đều nguy hiểm
Có con trai không thuộc diện được uống vitamin A miễn phí trong chiến dịch “Ngày Vi chất dinh dưỡng” nên chị Lê Lệ Hằng (30 tuổi ở quận Long Biên, Hà Nội) đã lên mạng xã hội Facebook và sàn thương mại điện tử Shopee tìm mua về bổ sung cho con. Chị Hằng cho biết: “Vitamin A liều cao 200.000 IU viên đỏ được rao bán rất nhiều trên mạng internet với mức giá từ 12 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng/viên và còn được quảng cáo với đủ nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ, Đức, Australia… Do mỗi người bán hàng tư vấn việc sử dụng khác nhau, nên tôi đang phân vân liều dùng cho con uống”.
Theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Trần Thanh Dương, vitamin A cần thiết cho chức năng nhìn, phát triển cơ thể, bảo vệ toàn vẹn của biểu mô và sự phân bào, miễn dịch. Khi bị thiếu vitamin A, trẻ bị chậm phát triển về thể chất hơn so với những trẻ bình thường cùng lứa tuổi.
Mặt khác, khi thiếu Vitamin A, các tế bào biểu mô sẽ bị sừng hóa, các nhung mao bị thưa và mất đi. Vì vậy, trẻ kém hấp thu chất dinh dưỡng trong ruột và rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa. Thậm chí, thiếu vitamin A làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em.
Dù vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, nhất là trẻ em, nhưng vi chất này không phải là thần dược để có thể sử dụng một cách tùy tiện.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vitamin được chia làm 2 nhóm: Vitamin tan trong nước và vitamin tan trong dầu. Vitamin A là loại vitamin tan trong dầu nên khi dư thừa sẽ được tích lũy trong cơ thể, không thể đào thải, gây ra những hệ lụy cho sức khỏe người sử dụng. Vì vậy, khi sử dụng vitamin A tùy tiện, dùng với liều cao một lúc hoặc dùng kéo dài có thể xuất hiện ngộ độc.
Cụ thể, ở trẻ nhỏ, nếu ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện các dấu hiệu như: Thóp phồng, nôn mửa, tăng áp lực nội sọ; hoặc ngộ độc mạn tính sẽ có biểu hiện: Đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, da khô, chậm tăng cân, kém ăn, tăng chảy máu, đau xương…
Bác sĩ Đoàn Hồng (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho biết thêm, thiếu vitamin và khoáng chất thì không tốt cho sức khỏe nhưng nếu thừa thì nguy hiểm không kém. Riêng với trẻ từ 3 tuổi trở lên, ngành Y tế khuyến cáo không nên tự ý bổ sung vitamin A liều cao.
“Không chỉ với trẻ em mà ngay cả với các bà mẹ đang mang thai, việc uống vitamin A cũng được khuyến cáo là rất thận trọng và tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Đoàn Hồng lưu ý.
Vitamin không thay thế được thực phẩm
Hằng năm, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ trong 2 đợt vào tháng 6 và tháng 12. Theo đó, bổ sung vitamin A cho trẻ 6-59 tháng tuổi tại 31 tỉnh, thành phố có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mức cao và bổ sung vitamin A cho trẻ 6-35 tháng tuổi tại 32 tỉnh, thành phố còn lại. Gần đây nhất, vào đầu tháng 6-2024, Hà Nội đã triển khai cho gần 382 nghìn trẻ 6-35 tháng tuổi uống vitamin A trong chiến dịch “Ngày Vi chất dinh dưỡng”.
Các chuyên gia y tế cho rằng, nhóm trẻ lớn có nguy cơ thiếu vitamin A thường là trẻ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có chế độ ăn uống không đa dạng, thiếu ăn, suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài… Do đó, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung vitamin A thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn. Người dân sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày của trẻ; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế. Để biết chắc chắn cơ thể có cần bổ sung vitamin A liều cao hay không, trẻ cần được khám bởi bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn bổ sung phù hợp với lứa tuổi, thể trạng. Tuyệt đối không tự ý mua, cho trẻ sử dụng các sản phẩm vitamin A bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Để bổ sung vitamin A đúng cách, theo khuyến cáo của WHO, trẻ từ 6 tháng đến 11 tháng tuổi: Uống 1 viên hàm lượng 100.000 IU/lần, liều duy nhất, uống 4-6 tháng/lần. Trẻ từ 12 tháng đến 59 tháng tuổi: Uống 1 viên hàm lượng 200.000 IU/lần, uống 4-6 tháng/lần. Nếu trẻ đã được uống vitamin A theo chiến dịch “Ngày vi chất dinh dưỡng” trong vòng 1 tháng trước đó thì không cho trẻ uống thêm vitamin A liều cao. Nếu trẻ đã được uống vitamin A theo chiến dịch trên 1 tháng trước đó thì có thể uống thêm 1 liều dự phòng theo đúng hướng dẫn.
Đặc biệt, vitamin A chống chỉ định cho trẻ đang đau bụng, sốt cao trên 38,5 độ; trẻ đang bị bệnh mạn tính: Tâm thần, suy thận, tim, gan, hen phế quản hoặc có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.
(Báo Hà nội mới)