Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ thực phẩm “bẩn” không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến người tiêu dùng lo lắng, hoang mang. Trước thực tế đó, Hà Nội ráo riết triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Liên tiếp phát hiện nhiều vụ thực phẩm “bẩn”
Mới đây, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Tây Hồ phối hợp Công an phường Quảng An, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra, phát hiện gần 1.100kg chân móng giò, trên bao bì có ghi chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa.
Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, bắt giữ một đường dây buôn bán hơn 10 tấn xúc xích “bẩn”. Đường dây này bắt đầu từ một hàng quán ở cổng trường học. Sau đó, lực lượng công an đã lần theo dấu vết, tìm được 5-6 đầu mối và phát hiện kho hàng có chứa hơn 10 tấn xúc xích “bẩn”. Đáng nói, qua thí nghiệm để xúc xích thu giữ được ngoài trời 7 ngày nhưng không bị ôi thiu, bốc mùi. Lực lượng chức năng nghi ngờ sản phẩm này có sử dụng formol để bảo quản xúc xích.
Trước đó, hàng nghìn gói thực phẩm bao gồm chân gà, xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ bị Đội QLTT số 13 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Công an quận Cầu Giấy, Phòng Cảnh sát giao thông quận phát hiện và thu giữ.
Điều tra, lực lượng liên ngành xác định, bên trong 20 thùng các tông chứa 900 gói xúc xích và 5.400 gói cánh gà ăn liền được các đối tượng thu mua trôi nổi trên thị trường. Sau đó, số thực phẩm này được bán lẻ cho các cửa hàng tạp hóa, ki ốt bán đồ ăn vặt tại các khu vực có trường học, đông học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho hay, các sở, ngành đã có những chế tài xử phạt nặng các cơ sở vi phạm, tuy nhiên, các xã, phường còn xử phạt nhẹ, chưa đủ mức răn đe.
Trong khi, hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng lớn nhưng số lượng người làm về công tác bảo đảm ATTP lại rất mỏng. Do đó, nếu chỉ làm theo kiểu “nay đến cửa hàng nọ, mai đến cửa hàng kia” thì chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” không thể xử lý hết được.
“Do đó, cách truyền thông hiệu quả nhất là người dân, chính quyền địa phương cùng vào cuộc. Chúng ta cho người dân chụp hình ảnh và giao các địa phương, cơ quan chức năng xử lý dứt điểm vi phạm. Khi người dân phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm ATTP hãy gửi thông tin cho lực lượng chức năng” - ông Kiên nhấn mạnh.
Cần sự phối hợp của người tiêu dùng
Đồng quan điểm, đại diện Công an Hà Nội cho hay, trong công cuộc đấu tranh bảo đảm ATTP, có bắt giữ, kiểm tra bao nhiêu nhưng công tác tuyên truyền không đẩy mạnh thì quản lý ATTP không mang lại hiệu quả cao.
“Qua kiểm tra, bắt giữ cho thấy, khi người dân không có cầu ắt sẽ không có cung, từ đó hạn chế việc kinh doanh buôn bán của các đối tượng hám lời. Do đó, chúng ta không dừng lại ở việc kiểm tra, đấu tranh, bắt giữ, hay cố gắng đi phát hiện mà công tác ATTP cần được đẩy mạnh tuyên truyền và triệt để; cần sự vào cuộc các sở, ban, ngành.
Với những cửa hàng bán ở dọc đường, cổng trường nếu không có giấy chứng nhận về ATTP,, chính quyền địa phương cần vào cuộc, kiên quyết đóng cửa, xử lý vi phạm” – đại diện Công an Hà Nội nêu rõ.
Đề cập đến vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, 60% nguồn thực phẩm ở chợ cung cấp cho người dân. Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng rau, thịt bày bán ở các chợ cóc, chợ tạm còn hạn chế. Tình trạng buôn bán diễn ra ngay dưới lòng đường, vỉa hè, thấy công an thì chạy, không thấy lại ngồi.
Trong Đề án quản lý ATTP ở chợ, mỗi chợ truyền thống phải xây dựng được trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm. Đến nay, hơn 500 chợ trên địa bàn mới có 22 trạm xét nghiệm nhanh, tỷ lệ rất thấp nên dẫn đến việc kiểm soát chất lượng thực phẩm còn hạn chế.
“Qua thực tế kiểm tra cho thấy, các mặt hàng trái cây nhập khẩu về Việt Nam rất nhiều, thuốc bảo quản từ nguồn nhập khẩu cũng rất lớn. Điều này tác động rất lớn đến vấn đề ATTP và sức khỏe của người dân. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh tăng cường quản lý các cửa hàng trái cây” - Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nêu giải pháp.
Để công tác bảo đảm ATTP đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, thời gian tới, Hà Nội tập trung kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn tập thể (BATT) trường học và BATT khu công nghiệp và chế xuất.
Cùng với việc, Hà Nội kiểm soát ATTP đối với cơ sở dịch vụ ăn uống xung quanh cổng trường học, TP tiếp tục nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố giảm thiểu nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Mặt khác, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về ATTP, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Thời gian tới, TP triển khai một chiến dịch sâu rộng, bài bản về tuyên truyền và truyền thông trực diện các nhóm vấn đề tới từng nhóm đối tượng. “Chúng ta sử dụng các mạng công nghệ để lan tỏa, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, trực diện đến nhóm đối tượng với đầy đủ thông tin về tình hình ATTP để tự mỗi cá nhân phải bảo vệ mình” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Ngoài ra, cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm các sơ sở, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm ATTP. TP tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả chương trình, dự án, mô hình điểm về ATTP theo kế hoạch được phê duyệt
(Báo Kinh tế &đô thị)
Sửa đổi, bổ sung Luật Dược: Đề xuất thừa nhận kết quả cấp phép lưu hành của cơ quan quản lý dược tham chiếu
Một trong những điểm mới đầu tiên của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là đã thể chế toàn bộ các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù mà Luật Dược 2016 chưa có quy định hoặc có nhưng không phù hợp...
Theo dự kiến chương trình của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ được Chính phủ trình Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong đợt họp thứ 2 bắt đầu từ ngày 17/6- 28/6.
Ông Nguyễn Thành Lâm - phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sửa đổi, bổ sung 44 điều của 8 chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương của Luật Dược năm 2016.
Ông Lâm cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được xây dựng trên cơ sở 5 chính sách đã trình Quốc hội thông qua tại hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật, bao gồm:
-
Chính sách 1: Tăng cường hơn nữa việc cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân.
-
Chính sách 2: Bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.
-
Chính sách 3: Nâng cao hiệu quả quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế.
-
Chính sách 4: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, ưu tiên nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc phát minh, thuốc công nghệ cao, thuốc/nguyên liệu thuốc sinh học, thuốc dược liệu được tiêu chuẩn hóa, nguyên liệu từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước .
-
Chính sách 5: Tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho hay, một trong những điểm mới đầu tiên của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là đã thể chế toàn bộ các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù mà Luật Dược 2016 chưa có quy định hoặc có nhưng không phù hợp đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cho phép thực hiện để kịp thời giải quyết thuốc, vaccine cho công tác phòng, điều trị bệnh trong đại dịch dịch COVID-19 vừa qua để đảm bảo khả thi, ổn định trong trường hợp phát sinh đại dịch như:
Dự thảo Luật hóa khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 theo hướng cho phép Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc sử dụng nguyên liệu đã được cấp phép nhập khẩu cho mục đích khác để sản xuất thuốc chẩn đoán, phòng, điều trị dịch bệnh nhằm đáp ứng nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất thuốc;
Luật hóa khoản 3 Điều 6 Nghị Quyết số 12/2021/UBTVQH15 theo hướng cho phép thừa nhận kết quả cấp phép lưu hành của cơ quan quản lý dược tham chiếu mà không phải đánh giá đáp ứng Thực hành tốt sản xuất thuốc đối với cơ sở sản xuất và không phải thẩm định hồ sơ kỹ thuật (chất lượng, tiền lâm sàng, lâm sàng) trong hồ sơ đăng ký thuốc đối với các thuốc mới được cấp phép lưu hành tại các nước tham chiếu để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch;
Cùng đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cũng Luật hóa khoản 4 Điều 6 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 theo hướng miễn nộp hồ sơ lâm sàng đối với thuốc mới sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa có cùng hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng, chỉ định với thuốc đã được cấp phép lưu hành tại một trong các cơ quan quản lý dược tham chiếu;
Luật hóa khoản 5 Điều 6 Nghị Quyết số 12/2021/UBTVQH15 và khoản 1 Điều 3 Nghị Quyết số 80/2023QH15 theo hướng cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực sau khi hồ sơ gia hạn được Bộ Y tế tiếp nhận mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Nội dung này quy định tại khoản 25 Điều 1 dự thảo Luật (sửa đổi khoản 5 Điều 56);
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã đề Luật hóa điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 86/NQ-CP theo hướng chấp nhận kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả điều trị của thuốc hoặc hiệu quả bảo vệ của vaccine dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vaccine; có ý kiến chấp thuận của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia và ý kiến tư vấn chấp thuận của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để xem xét, quyết định việc cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước;
Luật hóa điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 86/NQ-CP theo hướng cho phép thay thế Giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm bằng giấy tờ chứng minh thuốc được cấp phép trong trường hợp đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa để đơn giản hóa hồ sơ đề nghị cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc.
Ngoài ra ông Lâm cho hay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã luật hóa điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 86/NQ-CP theo hướng cho phép miễn, miễn giảm một hoặc một số thử nghiệm và biện pháp quản lý thay thế trong kiểm tra chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Việc miễn kiểm nghiệm bởi cơ sở kiểm nghiệm do Nhà nước chỉ định đối với trong trường hợp cần đáp ứng nhu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả, thiên tai, thảm họa.
(Báo Sức khỏe &đời sống)
7 phút vàng cấp cứu người bị sét đánh
Sét thường xuất hiện trong các cơn giông mùa hè. Hằng năm, gần như tỉnh nào cũng có người chết vì bị sét đánh. Song vẫn có nhiều người còn thiếu hiểu biết về việc phòng tránh sét và cấp cứu người bị sét đánh.
Liên tiếp các vụ sét đánh
Theo các nhà khoa học, tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam bộ. Vùng núi tuy giông sét xuất hiện nhiều hơn nhưng lại ít gây nguy hiểm vì có nhiều cây to là những vật dẫn điện tốt. Còn ở trung du và đồng bằng có ít cây xanh nên người và gia súc dễ bị sét đánh trúng.
Mới đây, sáng ngày 5/6 miền Bắc có mưa lớn kèm theo giông sét. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, chỉ trong 10 phút sáng ở miền Bắc đã ghi nhận hơn 450 cú sét đánh, tập trung ở Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc Bộ, vùng núi phía Bắc.
Trong cơn mưa lớn sáng ngày 5/6, khi đang cắt rau ngoài đồng, người phụ nữ 30 tuổi, ở Thanh Trì (Hà Nội), bị sét đánh trúng, ngưng tim, ngưng thở, tiên lượng nguy kịch. Bệnh nhân được gia đình sơ cứu ép tim tại chỗ và đưa đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Tại đây, các bác sĩ tiếp tục ép tim, hô hấp nhân tạo trong 15 phút, nạn nhân có nhịp tim trở lại. Sau hai ngày cấp cứu, người phụ nữ đã hồi tỉnh song tình trạng còn nặng, vết bỏng in hình mặt chiếc dây chuyền đeo cổ.
Trước đó, rạng sáng ngày 21/5, một người đàn ông 46 tuổi ở Long An bị sét đánh tử vong khi đang đi soi ếch tại khu vực đồng trống sau cơn mưa lớn. Cũng tại Long An trong sáng cùng ngày, một người đàn ông 55 tuổi ra đồng xới đất trong cơn mưa cũng bị sét đánh chết tại chỗ. Trong cơn mưa giông ngày 19/5, hai người phụ nữ ở Thanh Hóa bị sét đánh tử vong khi đang đi xe máy trên đường và đang gặt lúa trên cánh đồng.
Tại Nam Định cũng xảy ra trường hợp thương tâm tương tự. Tối ngày 19/5, lãnh đạo xã Giao Hải (huyện Giao Thủy, Nam Định) cho biết, một người đàn ông trong lúc đi xe máy qua khu vực đường bộ ven biển đoạn giáp ranh giữa xã Giao Hải và xã Giao Long bị sét đánh tử vong…
Tận dụng 7 phút đầu tiên
Theo các chuyên gia y tế, mỗi tia sét chứa đến 300 triệu Volt điện, do đó khả năng sống sót của con người sau khi bị sét đánh là rất ít. Bệnh cảnh lâm sàng của người bị sét đánh giống như người bị điện giật. Dòng điện do sét đánh chạy qua cơ thể có khả năng phá hoại quá trình sinh học của cơ thể, kích thích các tế bào gây co giật cơ bắp, đặc biệt là cơ tim. Những tác động này có thể làm nạn nhân ngừng tim, ngừng thở, ngất xỉu, mất tri giác, da tím xanh, chỗ bị sét đánh trên cơ thể cháy sém.
Việc hô hấp nhân tạo kết hợp xoa bóp tim ngoài lồng ngực giúp cứu sống rất nhiều nạn nhân bị sét đánh mà trước đó tưởng như đã chết. Vấn đề là phải làm thật nhanh trong khoảng 7 phút đầu tiên. Khi có người bị sét đánh, đặt nạn nhân nằm lên chỗ khô ráo, bằng phẳng, nới rộng quần áo để người bị nạn thở được dễ dàng. Khẩn trương làm ngay hô hấp nhân tạo kết hợp hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
Cứ 5 lần xoa bóp tim ngoài lồng ngực thì hô hấp nhân tạo hoặc thổi ngạt 1 lần. Làm liên tục như thế nhiều lần trong khoảng 60 - 90 phút. Từ lúc bị sét đánh đến lúc được cấp cứu, nếu không quá 7 phút thì gần 90% trường hợp có thể cứu sống, nếu để chậm quá thời gian này thì chỉ có khoảng 10% được cứu sống.
Các chuyên gia y tế phân tích, người bị sét đánh có thể ngừng tim ngay lập tức, mất ý thức trong thời gian khác nhau, thậm chí có người lú lẫn hoặc không nhớ chuyện gì xảy ra. Ngoài ra, nạn nhân có thể bị bỏng da; bị gãy xương và trật khớp; bị vỡ xương sọ và các tổn thương cột sống. Cũng có thể bị khó thở, tổn thương mắt gây ra nhìn mờ ngay lập tức hoặc bị đục thủy tinh thể muộn, thủng màng nhĩ gây đau, điếc và chóng mặt.
Theo PGS. TS Hà Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội), việc cấp cứu người bị sét đánh cần phải tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức. Sau đó đưa ngay đến bệnh viện gần nhất. Ngoài ra, cần kiểm tra các dấu hiệu gãy xương và cố định chắc chắn trước khi di chuyển nạn nhân.
Những vị trí bỏng cần để khô tự nhiên, không được sờ hoặc bôi các loại thuốc mỡ, lá theo kinh nghiệm dân gian để hạn chế nhiễm trùng. Nếu nạn nhân có mảnh quần áo, giày cháy sém do sét đánh thì nhanh chóng tách vải ra khỏi vết thương để hạ nhiệt, tháo đồng hồ, trang sức, vật cứng tì vào vết thương để tránh phù nề.
Cách nào đề phòng sét đánh
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sét hình thành là do sự tích tụ điện tích trong các đám mây dông. Khi điện tích này đủ lớn, nó sẽ phóng điện xuống mặt đất hoặc sang các đám mây khác để cân bằng điện tích.
Tia sét lúc này có thể di chuyển với tốc độ cực nhanh, lên tới 36.000 km/h. Nhiệt độ của tia sét khi phóng xuống mặt đất có thể lên tới 30.000 độ C, gấp 5 lần nhiệt độ bề mặt Mặt trời. Khi sét đánh, không khí xung quanh bị nung nóng đột ngột và giãn nở nhanh chóng, tạo ra tiếng nổ lớn gọi là sấm.
Theo khuyến cáo của Cơ quan khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA) thì người dân cần thực hiện nguyên tắc 30/30. Sau khi nhìn thấy tia sét, mọi người phải đi vào nhà ngay lập tức trong thời gian không quá 30 giây; không đi ra ngoài trước 30 phút kể từ thời điểm tiếng sét kết thúc.
Để đề phòng sét đánh, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tránh ở ngoài trời với khoảng không mở trong cơn giông bão. Khi mưa giông, cần phải tìm nơi trú ẩn ngay lập tức vì sét có thể di chuyển 16 - 19 km phía trước hoặc phía sau cơn giông bão.
Đặc biệt, khi đang ở dưới cơn bão, nên tránh khu vực cao hoặc những đối tượng (cột, cây) cao. Trong trường hợp không tìm thấy nơi trú ẩn, hãy cúi mình trong tư thế bắt bóng. Đặt hai tay lên đầu gối hoặc che lên tai (bảo vệ tai khỏi tiếng sấm). Nếu ở cạnh một người khác thì nên cách nhau 4 - 5m.
Những phương tiện giao thông bằng kim loại kín đáo như ô tô con hoặc xe buýt có thể là nơi trú ẩn tốt. Nhưng phải đóng tất cả các cửa và không chạm vào bất cứ kim loại nào được kết nối với xe. Không sử dụng điện thoại và các thiết bị điện.
Triệu chứng đột ngột do sét đánh
Nạn nhân bị sét đánh có thể đột ngột bị các triệu chứng: ngừng tim ngay lập tức; mất ý thức trong thời gian ngắn; lú lẫn hoặc không nhớ chuyện gì xảy ra; tia sét có thể văng ra khỏi một người, xả vào quần áo của họ và để lại một vài dấu hiệu rõ của tổn thương; khoảng 2/3 số người bị sét đánh bị liệt - kiểu liệt tạm thời đặc trưng bởi sét đánh.
Nạn nhân có thể bị bỏng da; bị gãy xương và trật khớp; bị vỡ xương sọ và các tổn thương cột sống; bị khó thở. Tổn thương mắt gây ra nhìn mờ ngay lập tức hoặc bị đục thủy tinh thể muộn. Thủng màng nhĩ gây đau, điếc và chóng mặt.
(Báo Đại đoàn kết)