Giúp mẹ phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi đang trong thời kỳ ủ bệnh, chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh rõ ràng. Dù trẻ đã khỏi nhưng vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em rất phổ biến, nhất là trong mùa hè ở miền Bắc và mùa mưa ở miền Nam. Để giúp trẻ tránh được căn bệnh này, mẹ nên tìm cách phòng ngừa cho con nhé.
Theo thống kê, ở Việt Nam dịch đau mắt đỏ thường bắt đầu và kết thúc trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 11, do thời tiết ẩm thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của virus. Đặc biệt, mùa mưa là thời điểm dịch có nguy cơ bùng phát mạnh và lây lan với tốc độ cao nhất.
Bệnh không có thuốc đặc trị và có thể khỏi sau 7-14 ngày. Việc chữa trị bằng thuốc uống và các loại thuốc nhỏ mắt chỉ có tác dụng giảm triệu chứng và rút ngắn bớt thời gian nhiễm bệnh. Mặc dù vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu muốn cho bé sử dụng bất cứ loại thuốc nào, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Rất nhiều trường hợp bệnh trở nên nghiêm trọng như gây sẹo giác mạc, suy giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa do tự ý sử dụng các loại thuốc có chứa corticoid.
Nguyên nhân bệnh đau mắt đỏ, bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Bệnh đau mắt đỏ hay còn được gọi là bệnh viêm kết mạc do virus adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra.
Bệnh có thể lây lan qua nhiều đường nhưng nhanh nhất là qua đường hô hấp. Virus gây bệnh đau mắt đỏ phát tán rất nhanh và dễ trở thành dịch trong cộng đồng.
Người bị đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi đang trong thời kỳ ủ bệnh, chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh rõ ràng. Đặc biệt là cho dù bệnh nhân đã khỏi nhưng vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần. Do tính lan truyền nhanh nên có khi một người trong gia đình bị đau mắt đỏ thì các thành viên khác rất dễ bị lây bệnh.
Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ
1. Biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ sớm: Mắt đau và khó mở ra khi thức dậy
- Bé khó mở mắt hoặc có thể mở mắt ra nhưng thấy đau mỗi khi ngủ dậy vào buổi sáng. Hiện tượng này là do ghèn tiết ra nhiều và bám lên mí làm hai bờ mắt của bé bị dính chặt lại.
- Trẻ có thể bị sốt nhẹ, đau họng hoặc nổi hạch dưới cằm/trước tai.
Để đảm bảo an toàn, khi thấy bé có những biểu hiện này thì ba mẹ nên điều trị sớm cho con. Trường hợp con có hiện tượng sốt kèm mí mắt bị sưng, đỏ, nhỏ thuốc không thấy bớt thì tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám ngay vì có thể mắt của bé đã bị nhiễm khuẩn nặng.
2. Đỏ mắt
Gọi là đau mắt đỏ bởi khi gặp tình trạng này, mắt của bé sẽ bị đỏ ngầu do tình trạng viêm nhiễm, sung huyết, xuất huyết. Tuy nhiên, đau mắt đỏ chỉ là tên gọi dân gian, trên thực tế, tình trạng này trong y khoa được gọi là viêm kết mạc cấp.
Thông thường, trẻ bị đau mắt đỏ sẽ bị đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt còn lại. Tình trạng mắt đỏ xuất hiện sau 3-5 ngày nhiễm bệnh và kéo dài suốt thời gian bị bệnh (7 ngày-2 tuần). Mắt đỏ sẽ giảm dần và biến mất khi trẻ được điều trị ổn định.
Lưu ý: Đỏ mắt khi trẻ tiếp xúc với hóa chất, khi bị dị vật bay vào mắt hay do dụi mắt không phải là bệnh.
Đau mắt đỏ khiến lòng trắng bị vi khuẩn hoặc virus tấn công, dẫn đến viêm nhiễm nên mắt tiết ra rất nhiều ghèn cũng như chảy nước liên tục. Lớp ghèn này thường có màu trắng đục hoặc vàng, không hôi nhưng có thể cản trở tầm nhìn hoặc gây khó mở mắt. Dù vậy, khi dùng khăn vải nhúng nước ấm hoặc nước muối sinh lý lau sạch thì có thể nhìn thấy lại bình thường.
4. Cộm xốn, đau rát
Cộm xốn như có vật gì mắc kẹt lại trong mắt cũng là triệu chứng đau mắt đỏ rất hay gặp. Trẻ thường có thói quen dùng tay dụi mắt nên càng khiến tình trạng đau mắt đỏ tăng nặng, thậm chí còn gây ra các biến chứng.
Ngoài ra, khi đau mắt đỏ bước vào giai đoạn toàn phát, trẻ cũng có thể cảm thấy mắt bị đau rát, khó chịu. Để giảm tình trạng này, bạn có thể dùng nước muối sinh lý hay thuốc nhỏ mắt được bác sĩ chỉ định để nhỏ cho bé hàng ngày.
5. Chói mắt
Trẻ có thể gặp tình trạng chói mắt khi nhìn ở chỗ sáng hoặc nhìn trực tiếp vào nguồn sáng mạnh. Một số trẻ có thể không gặp phải triệu chứng này. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do kết mạc của bé bị viêm, sung huyết nên dưới tác động trực tiếp của ánh sáng sẽ bị kích ứng.
Cách điều trị bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
- Chuẩn bị 3 loại khăn lau mắt, lau tay, lau người dùng riêng không lẫn lộn.
- Bệnh đau mắt đỏ thường đau một bên sau đó lây sang mắt còn lại. Vì thế, bạn nên chủ động chăm sóc trẻ để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại.
- Hạn chế cho trẻ đi ra ngoài, tránh khói bụi ngoài đường bay vào mắt khiến trẻ dụi mắt nhiều hơn, bệnh càng lâu khỏi. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài, nên đeo kính đen để không chói mắt.
- Vệ sinh bằng nước muối sinh lý 0,9% sẽ giúp rửa trôi chất tiết và gỉ mắt, làm êm dịu đôi mắt đang cộm rát khó chịu.
- Cách chữa đau mắt đỏ đúng phương pháp là cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay dử và nước mắt chảy ra.
- Chú ý rửa mắt nhiều lần trong ngày để tránh gỉ mắt mọc dầy, cộm gây ngứa ngáy cho người bệnh. Lau xong vứt bỏ bông gòn vào thùng rác, không sử dụng lại.
- Nên lấy ghèn mắt ngay lúc ướt, tránh để khô vì sẽ khiến trẻ đau.
- Rửa tay bằng xà bông hoặc dung dịch sát khuẩn sạch sẽ để tránh nhiễm trùng trước khi vệ sinh mắt cho bé.
- Trẻ cần hạn chế tiếp xúc với tivi, điện thoại, máy tính hay sách vở.
- Thường xuyên cho trẻ rửa tay bằng xà bông sát khuẩn.
- Nhắc bé không được dùng tay dụi mắt.
Cách phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
1. Trường hợp khi bé chưa bị nhiễm mầm bệnh
- Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, trái cây, vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho bé. Cho bé uống nhiều nước để thải độc tố trong cơ thể.
- Vì bệnh lây lan qua đường hô hấp, nước bọt, qua tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh, nên mẹ tuyệt đối không cho con dùng chung khăn mặt, chậu rửa, bàn chải đánh răng hoặc các vật dụng với người khác.
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé bằng cách rửa mặt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước sạch, khăn sạch. Trước khi vệ sinh mắt, mẹ cần vệ sinh tay, chân cho bé thật sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn. Vệ sinh khăn mặt thật sạch và phơi ngoài nắng.
- Không để bé có thói quen lấy tay dụi mắt.
- Hạn chế cho bé tiếp xúc với người bệnh. Khi đến những nơi đông đúc, nên cho bé đeo khẩu trang, kính râm. Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng vệ sinh cá nhân khi bé đến lớp, như khăn mặt, chậu rửa, bàn chải.
- Vệ sinh sạch sẽ phòng ốc, thường xuyên giặt ga giường, vỏ gối.
- Không cho bé tắm sông, suối, ao, hồ, tắm mưa, nghịch bẩn.
- Nếu ở trường lớp hay xung quanh khu nhà ở có trẻ bị đau mắt đỏ, bạn nên dặn trẻ không nên chạm tay vào các đồ vật như đồ chơi, bàn ghế trong lớp học… vì rất dễ bị lây bệnh.
2. Trường hợp bé có những dấu hiệu ban đầu
- Cần cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây bệnh cho người khác. Nếu thấy con có những dấu hiệu nhiễm bệnh, bạn nên cho bé ở nhà, không đưa con đến trường học hoặc những nơi đông người trong thời gian bé bị bệnh.
- Vệ sinh mắt sạch sẽ bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước mắt nhân tạo để rửa trôi mầm bệnh.
- Lấy sạch gỉ mắt cho bé bằng ngày bằng bông gòn.
- Không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt cho bé khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Khi thấy mắt bé có dấu hiệu bị nặng hơn, nên đưa đến bác sĩ để điều trị kịp thời và hiệu quả.
Bé bị bệnh đau mắt đỏ kiêng gì và nên ăn gì?
Theo Đông y, đau mắt đỏ do can phong nhiệt. Vì vậy trẻ bị bệnh nên kiêng và nên ăn các loại thực phẩm sau:
1. Thực phẩm trẻ bị đau mắt đỏ không nên ăn
♦ Thực phẩm có mùi tanh
Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, trẻ bị đau mắt đỏ không nên ăn hải sản tanh như cá, mực, tôm, cua vì những thực phẩm này sẽ làm cho tình trạng đau mắt đỏ ngày càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, sau khi bé khỏi bệnh thì mẹ nên tăng cường các thực phẩm này để bù lại dinh dưỡng cho bé.
♦ Mỡ động vật
Mỡ động vật chứa nhiều chất béo no nên không tốt cho mắt của bé, đặc biệt trong thời gian bé bị đau mắt đỏ.
♦ Gia vị cay nóng
Khi ăn các món ăn cay nóng sẽ gây cảm giác nóng cho mắt hoặc khiến cho mắt của bé đỏ và khó chịu hơn.
2. Thực phẩm nên bổ sung cho trẻ bị đau mắt đỏ
Trong thời gian bé bị đau mắt đỏ, mẹ nên cho con ăn các thực phẩm sau:
♦ Vitamin
Vitamin tổng hợp như A, B12, C, D rất cần cho bé trong thời gian này, đặc biệt là vitamin C. Vitamin C có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống lại bệnh tật. Dâu tây, ổi, cam, quýt… là các loại thực phẩm giàu vitamin C mẹ nên cho trẻ ăn.
♦ Các loại rau
Các loại rau bó xôi, rau cải, cà rốt, khoai tây, khoai lang rất giàu các tiền tố benta-carotene để chuyển hóa thành vitamin A, giúp tăng cường sức đề kháng cho mắt nên rất tốt cho trẻ bị đau mắt đỏ.
♦ Trái cây
Trái cây có màu cam như bí ngô, bí, cam, cà rốt, đu đủ và xoài có chứa nhiều tiền tố beta-carotene giúp cải thiện khả năng miễn dịch, ngăn chặn bệnh phát triển và ngăn bội nhiễm, rất tốt để bổ sung cho bé.
3. Uống nhiều nước
Mẹ cũng nên cho trẻ uống nhiều nước, khoảng 6-8 ly nước/ngày để giữ độ ẩm cần thiết cho mắt.
Các câu hỏi thường gặp về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
1. Nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ có bị lây bệnh không?
Đây là thắc mắc nhiều quan tâm bởi hầu như rất ít người nào khi giao tiếp với người khác mà không nhìn vào mắt đối phương. Nếu bạn chỉ nhìn vào mắt người đau mắt đỏ thì không bị lây bệnh, trừ khi nước mắt người bệnh văng vào mắt bạn.
2. Đau mắt đỏ có biến chứng nào nguy hiểm?
Bệnh đau mắt đỏ có thể dẫn đến biến chứng bội nhiễm nếu chăm sóc sai cách. Biến chứng thường gặp nhất:
- Khô mắt và viêm giác mạc với nhiều dạng như viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc sâu
- Có thể dẫn đến sẹo giác mạc, giảm thị lực nặng điều trị rất mất thời gian và tốn kém
- Ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của người bệnh như viêm tuyến lệ cấp tính, viêm mủ nội nhãn
3. Bệnh đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
Thông thường, nếu không chữa trị, tình trạng đau mắt đỏ sẽ giảm dần và có thể khỏi sau 7-10 ngày.
4. Thời gian ủ bệnh đau mắt đỏ
Thời gian ủ bệnh đau mắt đỏ khoảng 8 ngày thì bệnh bắt đầu phát ra các triệu chứng như đỏ mắt, ghèn, gỉ, sưng, đau, chảy nước mắt.
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em tuy không nguy hiểm đến tính mạng song sẽ làm con đau nhức, khiến trẻ quấy khóc, kém ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nghiêm trọng hơn, những biến chứng của bệnh có thể gây hại cho thị lực và thẩm mỹ mắt của trẻ về lâu dài. Vì vậy, mẹ luôn cần đề phòng bệnh và chữa trị đúng cách lúc con không may nhiễm bệnh nhé.