Trẻ em thường hiếu động hay bò chơi lê la trên sàn nhà rồi lại mút tay, vì thế trẻ rất dễ bị nhiễm các loại giun như giun đũa, giun tóc, giun kim (các bệnh do ký sinh trùng gây ra). Vì vậy, việc tẩy giun cho trẻ định kỳ vô cùng quan trọng.
Tác hại của giun đối với sức khỏe của trẻ
Sau khi xâm nhập, các loại giun sẽ trưởng thành ở trong ruột, sống bằng cách "ăn" các chất dinh dưỡng của người như giun đũa, giun kim hoặc hút máu bệnh nhân như giun móc, giun tóc dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu.
Như vậy, nếu không phòng ngừa và tẩy giun kịp thời, bao nhiêu thức ăn ngon, chất bổ dưỡng bạn dành cho bé hay cho gia đình sẽ bị loài ký sinh này “chiếm đoạt”.
Không chỉ gây ra những tác hại lâu dài, nhiễm giun còn có thể dẫn đến các biến chứng cấp tính cho sức khỏe của trẻ và người lớn.
Giun đũa có thể gây tắc ruột, lồng ruột, xoắn ruột, giun chui ống mật, viêm tắc đường mật, tụy và nặng hơn là sỏi mật.
Giun kim, giun tóc có thể gây viêm ruột thừa, viêm đường tiểu...
Khi nào nên tẩy giun cho trẻ?
Thông thường bé từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun. Tuy nhiên, trong những trường hợp bé bị suy dinh dưỡng chậm lớn do bị nhiễm giun có thể tẩy sớm hơn, 1 tuổi cũng có thể tẩy giun được nhưng phải chọn loại thuốc thích hợp và có sự hướng dẫn sử dụng thuốc tẩy giun của bác sĩ. Một số loại thuốc giun thường dùng để tẩy giun cho trẻ như: Albendazol, Mebendazol, Pyratel.
Các loại thuốc trên được bào chế dưới dạng viên nén, thơm, ngọt, có thể nhai, nghiền trước khi uống hay dạng hỗn dịch, tùy theo lứa tuổi của trẻ để lựa chọn dạng thuốc tẩy giun cho trẻ thích hợp. Có thể uống thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, không cần phải cho trẻ uống lúc nhịn đói. Tuy nhiên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất. Các mẹ nên lưu ý cần tẩy giun cho trẻ 6 tháng một lần nhé.
Sử dụng thuốc tẩy giun cho trẻ chỉ là việc tiêu diệt giun chứ không có tác dụng phòng tránh nhiễm giun. Vì vậy cần hết sức chú ý giáo dục cho trẻ thực hiện chế độ vệ sinh trong mọi mặt của cuộc sống. Trước khi sử dụng bất cứ một loại thuốc trị giun nào cần có ý kiến của bác sĩ.
Cách phòng tránh nhiễm giun cho trẻ
- Tập cho trẻ thói quen vệ sinh như rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Vệ sinh thân thể cho trẻ như: thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, rửa hậu môn sạch sẽ cho trẻ, không cho trẻ đi đại tiện bừa bãi, không để trẻ ở truồng hay mặc quần thủng đít.
- Người lớn cần làm vệ sinh tay sạch sẽ khi chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.
- Nên cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín, các loại trái cây nên gọt vỏ sau khi rửa.
- Định kỳ 6 tháng cho trẻ uống thuốc tẩy giun một lần. Nếu trong nhà có một thành viên bị nhiễm giun kim, nên tẩy giun cho cả nhà.