Khi trẻ bị cảm lạnh cần làm gì: Bật mí bí quyết để bé nhanh khỏe!
Cảm lạnh thường khiến trẻ thấy khó chịu, gây ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt. Chính vì thế, nhiều ba mẹ “nóng ruột” không biết khi trẻ bị cảm lạnh cần làm gì để bé nhanh khỏi.
Cảm lạnh là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là vào thời điểm giao mùa. Theo thống kê, mỗi năm trẻ có thể bị cảm lạnh từ 6 – 8 lần. “Thủ phạm” gây cảm lạnh thường là virus. Có hơn 200 loại virus có thể gây cảm lạnh, khiến niêm mạc mũi và cổ họng bị kích ứng, viêm nhiễm.
Triệu chứng đặc trưng của cảm lạnh là nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, mắt đỏ, viêm họng, chán ăn, khó chịu, các hạch bạch huyết ở dưới nách, cổ hoặc phía sau đầu có thể bị sưng. Các triệu chứng này có thể kéo dài 1 – 2 tuần và gây nhiều khó chịu, thậm chí khiến bé khó thở và mất ngủ do nghẹt mũi.
Khi trẻ bị cảm lạnh cần làm gì để các triệu chứng này nhanh khỏi? Hello Bacsi mách bạn một vài mẹo chữa cảm lạnh cho trẻ tại nhà đơn giản trong bài viết sau.
Khi trẻ bị cảm lạnh cần làm gì?
1. Cho bé uống nhiều nước
Uống nhiều nước có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng cảm lạnh, đồng thời giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, uống nhiều nước còn là cách bù nước cho cơ thể do sốt. Do đó, bạn cần nhắc nhở hoặc cho bé uống nước thường xuyên, kể cả khi con không thấy khát.
Với các bé nhỏ còn đang bú mẹ, bạn nên cố gắng cho trẻ bú nhiều hơn bình thường. Trẻ bị ốm có thể lười bú, để giúp bé bú nhiều, bạn có thể cho bé bú thành nhiều cữ nhỏ, mỗi cữ bú trong thời gian ngắn.
Trẻ bị cảm lạnh nên uống gì? Ngoài nước lọc, bạn có thể bé uống:
- Trà gừng nóng hoặc trà pha với mật ong và chanh để làm dịu cổ họng và giảm nghẹt mũi
- Súp, cháo hoặc nước hầm xương để dễ ăn và bổ sung dinh dưỡng
- Nước ép trái cây như nước cam, nước chanh… để bổ sung vitamin C, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
2. Áp dụng các mẹo giúp giảm nghẹt mũi
Thuốc xịt thông mũi thường không được khuyến khích dùng cho trẻ nhỏ. Do đó, để giảm nghẹt mũi cho trẻ khi bị cảm lạnh, bạn có thể thử một số cách không cần dùng đến thuốc sau:
- Sử dụng máy tạo độ ẩm dạng phun sương trong phòng để làm dịu các mô bị kích ứng, các mạch máu bị sưng trong mũi, xoang; làm loãng chất nhầy trong xoang mũi và giúp dịch nhầy dễ thoát ra ngoài.
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc dụng cụ rửa mũi chuyên dụng cũng là cách trị nghẹt mũi nhanh. Phương pháp này có thể làm tăng độ ẩm cho xoang mũi, làm loãng dịch nhầy, giảm viêm các mạch máu.
- Chườm khăn hoặc gạc ấm. Bạn có thể nhúng khăn hoặc gạc sạch vào thau nước ấm, sau đó vắt khô, gấp lại làm đôi và đắp lên sống mũi của trẻ. Khi khăn nguội, nhúng lại vào thau nước và lặp lại thao tác trên 3 – 4 lần.
- Xông hơi để giảm nghẹt mũi. Bạn có thể chuẩn bị 1 thau chứa nước nóng, pha thêm tinh dầu xả hoặc oải hương rồi cho bé dùng khăn to trùm kín đầu để hơi nước trong thau bốc lên, xông trong khoảng 10 phút. Cách này chỉ phù hợp với trẻ lớn và khi thực hiện cần giữ khoảng cách và đảm bảo an toàn để tránh bị phỏng.
3. Giảm ho và đau họng cho bé
Để giảm ho do cảm lạnh, bạn có thể cho bé dùng 2 – 5 ml mật ong hoặc pha với chút nước ấm cho bé uống. Mật ong có tính kháng khuẩn, có thể làm loãng chất nhầy trong cổ họng, làm sạch đường thở. Tuy nhiên, mật ong chỉ phù hợp với bé trên 1 tuổi, bé dưới 1 tuổi nên tránh dùng vì có thể gây ngộ độc.
Ngoài dùng mật ong, bạn còn có thể cho bé súc miệng bằng nước muối, cho bé dùng lê hấp đường phèn trị ho hoặc cho bé uống các loại thuốc, siro ho phù hợp với trẻ nhỏ.
4. Bổ sung dinh dưỡng để tăng đề kháng
Trẻ bị cảm lạnh nên ăn gì để nhanh khỏi cũng băn khoăn thường gặp. Khi trẻ bị cảm, bạn có thể cho bé ăn các món nhiều nước, nóng như súp hoặc cháo gà vừa dễ ăn vừa nhiều dinh dưỡng. Súp, cháo gà còn giúp làm sạch đường hô hấp, giảm nghẹt mũi.
Các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, chanh, bưởi… và các loại rau củ như cải xoăn, bông cải xanh… cũng là thực phẩm giải cảm hiệu quả. Vitamin C có trong trái cây có thể giúp tăng đề kháng trong khi trong rau củ lại chứa nhiều quercetin có thể giúp bé yêu chống lại cơn cảm lạnh.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho trẻ uống sữa, ăn sữa chua để bổ sung dinh dưỡng và nhanh hồi phục.
5. Chú ý nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi nhiều có thể giúp bé nhanh hồi phục. Khi trẻ bị cảm, bạn nên nhắc nhở bé nghỉ ngơi nhiều, tránh học tập hoặc chạy nhảy, nô đùa quá mức.
Ngoài ra, khi bị cảm lạnh, trẻ thường thấy bức bối, khó chịu do sốt. Bạn nên cho trẻ mặc quần áo thoải mái, tránh đắp chăn dày nhiều lớp khi ngủ. Việc cho trẻ tắm nước ấm cũng là cách giúp hạ nhiệt nhanh và giảm nghẹt mũi hiệu quả mà bạn có thể thử.
6. Cho bé dùng thuốc trị cảm lạnh một cách thận trọng
Đối với người lớn, khi bị cảm lạnh, bạn thường nghĩ ngay đến việc dùng các loại thuốc trị cảm, ho thông thường để giảm nhẹ các triệu chứng. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo không cho trẻ em dưới 2 tuổi dùng thuốc cảm và ho không kê đơn (OTC).
Nếu bé dưới 2 tuổi bị sốt hoặc có các triệu chứng cảm lạnh, bạn nên đưa bé đi khám. Bác sĩ sẽ xem xét và đánh giá xem trẻ có cần uống thuốc gì không và lượng thuốc cần dùng là bao nhiêu.
Đối với trẻ trên 2 tuổi, bạn có thể cho trẻ dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau hạ sốt. Tuy nhiên, khi dùng cần chú ý liều lượng và đọc kỹ thông tin trên bao bì về thành phần. Bởi một số loại thuốc có thể chứa cùng thành phần, nếu không cẩn thận có thể dùng quá liều.
Tuy nhiên, khi trẻ bị cảm thì bạn đừng vội vàng cho bé dùng thuốc mà hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem việc dùng thuốc có thật sự cần thiết hay không. Một số trường hợp trẻ bị sốt nhẹ không nhất thiết phải uống thuốc mà bạn có thể dùng các mẹo hạ sốt nhanh cho bé như chườm mát.
Một lưu ý quan trọng khác cần nhớ là không cho bé uống aspirin. Bởi aspirin có thể gây ra một chứng rối loạn hiếm gặp được gọi là hội chứng Reye ở trẻ em.
Trẻ bị cảm lạnh: Khi nào cần đi khám?
Trẻ bị cảm lạnh có thể tự hồi phục sau một thời gian mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu bé có các triệu chứng sau thì bạn nên đưa bé đi khám:
- Sốt trên 38°C hơn 2 ngày hoặc sốt hơn 40°C
- Sốt hơn 38°C trở lên và trẻ dưới 3 tháng tuổi
- Sốt không thuyên giảm sau khi dùng thuốc giảm đau hạ sốt thông thường
- Các triệu chứng cảm lạnh kéo dài hơn 10 ngày
- Trẻ chán ăn, bỏ ăn
- Bé thở khò khè hoặc khó thở…
Qua những chia sẻ trên, Hello Bacsi hy vọng bạn đã có thêm một thông tin cũng như mẹo vặt chữa cảm lạnh cho trẻ. Cảm lạnh bệnh rất thường gặp và không quá nguy hiểm nên bạn cũng đừng quá lo, thay vào đó nên chú ý chăm sóc để giúp bé nhanh khỏi bạn nhé!