Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), mỗi năm, bệnh viêm phổi đã cướp đi sinh mạng của hơn 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi.
Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, việc mắc bệnh viêm phổi vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của trẻ nhỏ. Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi ở trẻ dưới 2 tuổi chiếm 13% trong tất cả các bệnh truyền nhiễm. Bệnh viêm phổi ở trẻ em là bệnh nguy hiểm có nguy cơ gây tử vong cao ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời. Để hạn chế nguy cơ gặp phải tình huống xấu nhất, bạn hãy dành một ít thời gian xem qua những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để biết thêm một số dấu hiệu thường gặp của bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ.
Viêm phổi – Căn bệnh lây nhiễm nghiêm trọng hơn bạn nghĩ
Viêm phổi là tình trạng phổi bị nhiễm trùng, các túi khí trong phổi (phế nang) chứa đầy mủ và chất lỏng khiến oxi không thể đi vào máu. Bệnh thường xảy ra quanh năm nhưng hay gặp nhất là vào mùa thu đông, đầu xuân và chủ yếu lây qua đường hô hấp.
Nguyên nhân chủ yếu gây viêm phổi là do virus, vi khuẩn, nhiễm nấm và ký sinh trùng, trong đó đa phần các trường hợp viêm phổi ở trẻ nhỏ chủ yếu là do virus gây ra:
- Viêm phổi do virus: Gây ra bởi các loại virus như virus hợp bào hô hấp RSV (thường gặp ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi), virus Parainfluenza, virus cúm, Adenovirus.
- Viêm phổi do vi khuẩn: Có rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau như liên cầu khuẩn nhóm B, Staphylococcus aureus, liên cầu khuẩn nhóm A nhưng liên cầu khuẩn pneumoniae là phổ biến nhất.
- Viêm phổi do Mycoplasma : loại viêm phổi này khác so với 2 loại trên, thường gây ra viêm phổi nhẹ, ảnh hưởng tới tất cả các nhóm tuổi.
Theo các chuyên gia, viêm phổi ở trẻ nhỏ là căn bệnh khá nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 1 tuổi. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, trẻ có thể bị suy hô hấp, sốt cao, co giật, bỏ ăn, bỏ bú, tiêu chảy dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải… Do đó, bạn cần chú ý các biểu hiện sớm của bệnh, các dấu hiệu nguy hiểm và tình trạng cần cấp cứu để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Làm thế nào để có thể nhận biết trẻ bị viêm phổi?
Tùy vào từng độ tuổi và nguyên nhân gây bệnh mà trẻ sẽ có những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, phần lớn các trường hợp trẻ mắc bệnh viêm phổi sẽ có các triệu chứng như:
- Ho, ban đầu có thể ho ít, sau tăng lên, có đờm và kèm theo sốt từ vừa đến sốt cao.
- Chảy nước mũi từ ít đến nhiều
- Thở khò khè hoặc thở rít
- Trẻ mệt mỏi, quấy khóc có thể bỏ ăn, bỏ bú.
Ngoài ra, trẻ còn có một số triệu chứng điển hình như:
1. Thở nhanh
Đây là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán viêm phổi cao nhất. Theo tiêu chuẩn của WHO, trẻ dưới 5 tuổi được xem là thở nhanh nếu:
- Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi
- Nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên đối với trẻ 2 – 12 tháng tuổi
- Nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên đối với trẻ 1 – 5 tuổi
Bạn có thể đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên hoặc khi ngủ và phải đếm trong 1 phút. Bạn nên đếm 2 – 3 lần để có kết quả chính xác.
2. Rút lõm lồng ngực
Bạn có thể phát hiện dấu hiệu này bằng cách nhìn vào phần dưới lồng ngực khi trẻ thở hít vào. Chú ý rằng, khi chỉ thấy phần mềm giữa xương sườn hoặc vùng trên xương đòn rút lõm thì không phải là dấu hiệu rút lõm lồng ngực. Mặt khác ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, nếu con chỉ rút lõm lồng ngực nhẹ thì chưa thể kết luận vì lồng ngực của trẻ nhỏ còn mềm, nên khi thở bình thường cũng có thể hơi bị rút lõm. Do đó, ở những trẻ này dấu hiệu rút lõm lồng ngực mạnh (lõm sâu và dễ nhìn thấy), mới có giá trị để chẩn đoán viêm phổi.
Trẻ có thể bị viêm phổi nặng nếu còn có các triệu chứng ho, khó thở cộng với ít nhất một trong các triệu chứng như tím tái, co giật, lơ mơ hoặc hôn mê, không uống được, bỏ bú hoặc nôn ra tất cả mọi thứ; suy hô hấp nặng với biểu hiện đầu gật gù theo nhịp thở và co kéo cơ hô hấp phụ. Ngoài ra, trẻ có thể có thêm một số triệu chứng khác như thở nhanh, cánh mũi phập phồng, thở rên, co rút lồng ngực, nghe phổi có thể thấy giảm rì rào phế nang, tiếng thổi ống, tiếng cọ màng phổi… Với trường hợp này, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
Điều trị viêm phổi ở trẻ nhỏ như thế nào?
Viêm phổi có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Do đó, nếu nghi ngờ con mắc căn bệnh này, bạn nên đưa trẻ đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
- Với bệnh viêm phổi do virus và mycoplasma gây nên, trẻ thường không cần sử dụng kháng sinh, có thể tự điều trị tại nhà.
- Với bệnh viêm phổi do vi khuẩn, trẻ sẽ cần điều trị bằng kháng sinh. Bác sĩ chuyên khoa sẽ kê đơn thuốc và liều lượng tùy vào tình trạng bệnh của trẻ.
Sau khi được chẩn đoán và điều trị, hầu hết bệnh do các loại vi khuẩn có thể chữa khỏi trong vòng 1 – 2 tuần theo chỉ dẫn của bác sĩ. Viêm phổi do virus có thể kéo dài từ 4 – 6 tuần.
Làm thế nào để bảo vệ bé khỏi căn bệnh viêm phổi “đáng ghét”?
Ở trẻ nhỏ, nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm phổi là do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm. Trong đó, theo thống kê, trẻ mắc bệnh do virus chiếm 70% các trường hợp với các loại virus thường gặp là virus hợp bào hô hấp, virus cúm… Còn về vi khuẩn, hai loại thường gặp nhất là phế cầu và Haemophilus Influenzae, trong đó phế cầu có thể gây ra viêm màng não, một biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao.
Do đó, để phòng tránh viêm phổi, bạn cần thực hiện một số phương pháp sau để bảo vệ bé khỏi sự tấn công ồ ạt của vi khuẩn:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu bởi trong sữa mẹ có chứa rất nhiều kháng thể, có thể giúp con chống lại các tác nhân gây hại có nguy cơ gây bệnh viêm phổi.
- Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, hạn chế bụi bẩn, ô nhiễm và tránh xa khói thuốc
- Vệ sinh cơ thể trẻ mỗi ngày, đặc biệt là khu vực tai, mũi, họng. Khi tắm, bạn nên cho trẻ tắm nước ấm và sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp đề tăng cường đề kháng da
- Tiêm vắc xin đầy đủ theo lịch tiêm chủng bởi vắc xin sẽ giúp trẻ có miễn dịch chủ động, giảm nguy cơ viêm phổi và các bệnh tật khác.
- Giữ ấm cho trẻ, không để trẻ bị lạnh, tránh thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột
- Xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học để nâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng.
Ngoài những phương pháp trên, nếu con đã lớn, bạn nên chú ý nhắc nhở trẻ rửa tay, vệ sinh thân thể thường xuyên, không chạm tay vào mắt, mũi, miệng nếu chưa rửa tay, bỏ rác đúng chỗ. Khi đi ra ngoài hay đến chỗ đông người, bạn cần nhắc con đeo khẩu trang để phòng ngừa lây nhiễm các bệnh thông thường. Thực tế là nếu chỉ rửa tay hay tắm rửa bằng nước và các loại xà phòng thông thường sẽ không thể diệt hết các vi khuẩn gây hại. Do đó, bạn cần trang bị cho phòng tắm nhà mình bộ sản phẩm chăm sóc vệ sinh cơ thể phù hợp. Với sữa tắm, bạn nên chọn sản phẩm chăm sóc da có thành phần lành tính từ thiên nhiên với những tính năng thanh lọc, làm sạch sâu hiệu quả và an toàn cho làn da. Còn với nước rửa tay, bạn nên chọn loại có tính năng bảo vệ vượt trội hơn loại thường, như nước rửa tay Lifebuoy Mới chứa công thức Ion Bạc, có thể diệt khuẩn “siêu tốc” trong 10 giây, phòng ngừa mọi dịch bệnh nguy hiểm nhất!