Mặc dù nhiệt miệng thường hiếm gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, tuy nhiên nếu bé lỡ mắc phải tình trạng này cũng gây ra không ít phiền toái. Mẹ hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về tình trạng này nhé.
Đặc điểm của nhiệt miệng
Nhiệt miệng thường rất dễ nhận biết thông qua những mụn nước nhỏ hình tròn hoặc bầu dục, đáy màu vàng nhạt, xung quanh sưng đỏ, có một đường viền màu đỏ tươi, trên có một lớp trắng. Các vết loét này thường xuất hiện ở mặt trong của má, lợi, môi hay đầu lưỡi.
Nhiệt miệng là một chứng bệnh lành tính, tuy nhiên những vết loét này thường gây đau đớn. Khi ăn hoặc uống, bé sẽ có cảm giác bỏng rát do những vết loét này gây ra.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng ở trẻ nhỏ
Nhiệt miệng thuộc dạng bệnh không có nguyên nhân rõ ràng. Những vết loét này thường có xu hướng xuất hiện khi những người trong gia đình cũng bị nhiệt miệng. Tức là, nếu ba hoặc mẹ bị nhiệt miệng thì bé nhà bạn cũng có thể bị chứng bệnh này đeo bám trong suốt cuộc đời.
Ngoài ra, nhiệt miệng còn do:
1. Căng thẳng
2. Dị ứng thực phẩm
3. Do chức năng miễn dịch bị suy giảm
4. Ăn nhiều thực phẩm cay và chua
5. Bệnh viêm đại tràng
6. Bệnh Celiac (bệnh nhạy cảm với gluten)
7. Thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin B12, axit folic và thiếu sắt
8. Bé lỡ cắn vào bên trong má dẫn đến nhiễm trùng
9. Dị ứng với các thành phần hóa học trong kem đánh răng như natri lauryl sunfat
10. Do rối loạn bài tiết bên trong
11. Nhạy cảm với một số thực phẩm như sô-cô-la, cà phê, dứa, trứng và các loại hạt.
Điều trị nhiệt miệng ở trẻ nhỏ
Hầu hết những trường hợp lở miệng ở trẻ nhỏ không quá nguy hiểm và sẽ nhanh chóng tự khỏi trong vòng một tuần. Nếu bé bị nổi từ 2–3 vết loét và chúng xuất hiện thường xuyên, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ.
Bác sĩ có thể sẽ cho bé uống một số thuốc kháng khuẩn để làm giảm sự phát triển của vi khuẩn và giúp các vết loét mau lành hơn. Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ cho bé dùng thêm một số thuốc để bôi trực tiếp lên vết loét.
Nếu bé nhà bạn bị lở miệng, bạn hãy thực hiện một số phương pháp sau:
1. Đừng cho bé ăn đồ nóng và cay vì những món ăn sẽ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, các món ăn này còn khiến cho bé có cảm giác đau đớn ở những vùng bị lở.
2. Tránh các thức ăn như khoai tây chiên và các loại hạt vì những món ăn này rất sẽ làm tổn thương nướu và các mô mềm ở miệng.
3. Chọn kem đánh răng không chứa natri lauryl sunfat (SLS).
4. Sử dụng bàn chải đánh răng mềm và đừng để bé đánh quá mạnh.
5. Kiểm tra xem bé có bị dị ứng với món ăn nào hay không.
6. Bạn có thể dùng đá lạnh chườm vào vùng bị lở để giảm đau.
7. Cho bé uống đủ nước. Nếu bé quá đau, bạn hãy cho bé sử dụng ống hút.
Cuối cùng, bạn nên kiểm tra xem bé có các triệu chứng khác như sốt (có thể là dấu hiệu nhiễm trùng) hay phát ban (phản ứng dị ứng) hay không. Nếu thấy dấu hiệu bất thường, bạn nên đưa bé đến khám bác sĩ ngay nhé.
Do vết loét nằm bên trong miệng của bé nên các mẹ rất khó phát hiện ra, vì vậy nếu thấy bé có biểu hiện bất thường, mẹ nên kiểm tra kỹ cho bé để kịp thời phát hiện và chữa trị, nhằm đảm bảo bé phát triển trong điều kiện sức khỏe tốt nhất.