Nhận biết bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ, Viêm xoang là tình trạng viêm niêm mạc các xoang cạnh mũi, được coi như một biến chứng của viêm đường hô hấp. Với các bé thường bị viêm mũi với các triệu chứng: ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi…nếu không chữa kịp thời, dứt điểm bệnh sẽ tiến triển thành viêm xoang khiến bé khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và sinh hoạt của bé.
Vậy làm sao để biết trẻ bị viêm xoang hay không? Và phải làm gì khi trẻ bị viêm xoang?
Xoang là một hệ thống rỗng, ở người lớn bao gồm các xoang sàng, xoang trán, xoang hàm và xoang bướm. Ở bé khi mới sinh ra thì đã có sẵn xoang hàm (nằm phía sau má) và xoang sàng (nằm giữa 2 hố mắt) nên bé thường bị viêm xoang ở 2 khu vực này nhất. Càng lớn lên, các xoang khác mới phát triển dần dần.
Nguyên nhân gây viêm xoang
Chủ yếu là do hiện tượng viêm nhiễm trùng (vi khuẩn, virus) ngược dòng từ phế quản,họng, mũi… đi lên. Vì thế, nếu bé thường xuyên bị viêm họng, viêm mũi còn gọi là viêm hô hấp trên mà không được điều trị sớm thì rất dễ dẫn đến viêm xoang.
Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm xoang:
– Triệu chứng trẻ bị viêm đường hô hấp trên là: Quấy khóc, sổ mũi, ho, sốt. Các triệu chứng này thường giảm và tự khỏi sau 6 – 7 ngày.
– Khi những triệu chứng trên kéo dài hơn hoặc diễn biến nặng hơn với những biểu hiện dưới đây thì rất có khả năng bé đã bị viêm xoang cấp tính:
– “Cảm cúm” kéo dài 10 – 14 ngày có thể kèm sốt hoặc không.
– Bé có dấu hiệu viêm hô hấp kèm theo sốt 5 ngày liên tục.
– Sổ mũi đục, xanh hoặc vàng.
– Chảy mũi sau đôi khi dẫn đến đau họng, khó thở, ho, khạc đờm,nôn, khò khè, buồn nôn.
– Mệt mỏi, quấy khóc.
– Sưng quanh mắt.
– Ngoài ra, cũng cần chú ý các biểu hiện khi bé đau đầu, sốt nhẹ, ho, chảy nước mũi và nghẹt mũi kéo dài hơn 2 tuần mà chưa được khám bệnh hay điều trị chưa dứt điểm; hoặc bé thường xuyên mắc bệnh hô hấp tái phát nhiều lần trong một năm thì có nguy cơ cao bé đã mắc viêm xoang mãn tính. Mẹ cần đưa bé đi khám và điều trị sớm.
– Khi thấy các triệu chứng trên thì mẹ cần đưa bé đến bác sĩ khám càng sớm càng tốt, nhất là với các bé dưới 6 tuổi để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Không tự ý cho bé dùng kháng sinh.
Lưu ý khi điều trị viêm xoang cho trẻ
– Khi điều trị viêm xoang cho bé mẹ cần chú ý trong quá trình dùng thuốc cần kết hợp dùng nước muối sinh lý để rửa mũi và xì sạch những cặn bẩn trong đường hô hấp của bé đi.
– Nên cho bé uống nhiều nước và ăn nhiều các loại hoa quả chứa vitamin A, C.
– Ngoài ra, giai đoạn đầu khi điều trị có nguy cơ bị “công thuốc” tuỳ theo cơ địa của từng bé, các triệu chứng có thể nặng lên ở một số bé. Nhưng qua giai đoạn này, các triệu chứng sẽ giảm dần và hết hẳn vì thế các mẹ không nên quá lo lắng mà cần thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ.
– Cũng không nên tự ý cho bé sử dụng các thuốc chống sung huyết mũi dạng phun sương hoặc thuốc chống nghẹt mũi mà không có sự chỉ định của bác sĩ vì có thể ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch hay gây chảy mũi bù trừ hoặc khô mũi quá mức cho bé.
Làm gì để ngăn ngừa bệnh viêm xoang
– Cách đơn giản là thay đổi lối sống hoặc môi trường trong nhà để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm xoang ở trẻ.
– Vào mùa lạnh, khi không khí trở lạnh, hãy sử dụng máy giữ độ ẩm không khí để duy trì độ ẩm trong nhà khoảng 45-50%. Nên thường xuyên làm sạch máy giữ ẩm.
– Bệnh viêm xoang không lây nhiễm mạnh, nhưng khi trời trở lạnh, nó có thể dễ dàng lây lan, đặc biệt giữa các thành viên trong gia đình hay nhóm bạn bè. Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan là hãy dạy cho trẻ nên thường xuyên rửa sạch tay, đặc biệt khi trẻ đang bị cảm.
Các bệnh hô hấp luôn là những căn bệnh phổ biến và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ khiến cho các gia đình lo lắng. Tạo môi trường sống trong lành và xây dựng một lối sống khỏe mạnh trong gia đình là một cách đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh viêm xoang ở trẻ.