Nhận biết triệu chứng sốt viêm họng ở trẻ để kịp thời điều trị
Viêm họng là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng nếu trẻ có biểu hiện viêm họng sốt cao liên tục thì người nhà không nên chủ quan. Triệu chứng sốt viêm họng cần được phát hiện kịp thời để tránh gây ra biến chứng nguy hiểm cho bé.
Trẻ còn nhỏ có sức đề kháng yếu, do đó sẽ dễ bị viêm họng sốt do các tác nhân bên ngoài như môi trường, vi khuẩn, virus… Viêm họng ở trẻ hoàn toàn có thể chữa khỏi và không để lại biến chứng nghiêm trọng nếu được chữa trị kịp thời. Người nhà của trẻ cần cập nhật thông tin đầy đủ về nguyên nhân gây bệnh để chủ động phòng ngừa và có cách xử trí hiệu quả khi bé bị viêm họng sốt.
Triệu chứng sốt viêm họng
Viêm họng hành sốt ở trẻ là hiện tượng bình thường do phản ứng của cơ thể với những tác nhân gây bệnh. Viêm họng ở trẻ em có thể nhận biết bằng các dấu hiệu phổ biến như ho, sốt, chán ăn, quấy khóc… Tùy vào mức độ của bệnh và cơ địa của mỗi người mà các biểu hiện sốt viêm họng sẽ diễn biến khác nhau:
• Viêm họng hành sốt ở trẻ sơ sinh: Khi bị viêm họng, trẻ bị sốt cao đột ngột từ 39 – 40°C kèm theo các triệu chứng khác như ho, nghẹt mũi, bú ít hoặc bỏ bú, há miệng khi ngủ, quấy khóc… Một số trường hợp có thể quan sát thấy trẻ bị sưng hạch ở cổ hay sưng hàm.
• Viêm họng hành sốt ở trẻ lớn hơn: Viêm họng hành sốt khiến bé hay kêu đau đầu, chán ăn và mệt mỏi, những triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với sốt mọc răng. Ngoài ra, ở trẻ cũng xuất hiện những dấu hiệu viêm vùng mũi họng như sổ mũi, đau rát họng, khàn giọng, ho khan, môi khô, lưỡi bẩn…
Viêm họng có thể gây sốt mấy ngày liên tục ở trẻ, người nhà cần chú ý đến dấu hiệu sốt bất thường xuất hiện ở trẻ để tránh những biến chứng nguy hiểm như co giật, động kinh, bại liệt…
Nguyên nhân trẻ bị viêm họng hành sốt
Viêm họng sốt cao liên tục rất có thể đó chính là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng hoặc sốt siêu vi nặng cần được điều trị sớm. Một số nguyên nhân phổ biến dưới đây có thể khiến bé bị sốt do viêm họng cần chú ý:
• Viêm họng do cảm cúm: Bệnh cảm cúm thông thường sẽ khiến bé bị ho, hắt hơi, sổ mũi… Không những thế, triệu chứng dễ nhận thấy ở bé còn là tình trạng viêm họng sốt kéo dài.
• Viêm họng do virus: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm họng ở trẻ nhỏ nhưng lưu ý là không thể điều trị bằng kháng sinh. Triệu chứng thường gặp là đau họng đi kèm với sốt cao.
• Viêm họng do liên cầu khuẩn: Viêm họng do liên cầu khuẩn là tình trạng cổ họng đau rát do vi khuẩn Streptococcus gây ra.
• Viêm họng do dị ứng: Các chất gây dị ứng cũng có thể là tác nhân khiến trẻ bị viêm họng hành sốt. Trẻ có thể bị dị ứng với một số chất như lông chó, mèo, khói thuốc, cỏ dại, phấn hoa, bụi…
• Viêm họng do bệnh tay chân miệng: Bệnh tay chân miệng chủ yếu gây ra bởi virus coxsackievirus A16. Trẻ dễ bị viêm họng hành sốt cao kèm theo loét trong khoang miệng, nướu răng, má và cổ họng.
• Viêm họng do thời tiết: Virus, vi khuẩn thường bị yếu đi vào mùa hè và mạnh hơn vào mùa đông. Vào mùa lạnh, sức đề kháng của trẻ bị ảnh hưởng là điều kiện lý tưởng để virus xâm nhập và tấn công.
• Viêm họng do ô nhiễm: Trẻ bị viêm họng có thể do khói bụi, chất độc hóa học, thuốc xịt, khói xăng xe… Các yếu tố này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật xâm nhập vào đường thở, gây viêm họng sốt và các bệnh về đường hô hấp khác.
Một số nguyên nhân ít phổ biến cũng có thể là tác nhân khiến trẻ bị viêm họng sốt như cúm, ho gà, thủy đậu, sởi, các vấn đề liên quan đến răng miệng…
Lưu ý khi trẻ bị triệu chứng sốt viêm họng
Khi thấy trẻ có những biểu hiện trẻ bị viêm họng, người nhà cần kiểm tra thân nhiệt thường xuyên để tìm cách hạ sốt nhanh cho bé.
Cách xử trí khi trẻ bị sốt viêm họng
Đa phần các trường hợp sốt viêm họng ít gây nguy hiểm và có thể được điều trị tại nhà. Hãy thực hiện một số chỉ dẫn bên dưới đây để giúp bé nhanh khỏi giảm bớt cơn sốt viêm họng khó chịu.
- Cho trẻ uống nhiều nước
- Chườm hạ nhiệt bằng nước ấm
- Lau người khi trẻ ra nhiều mồ hôi
- Để trẻ nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn
- Giữ ấm vùng cổ họng, ngực, mũi của bé
- Cho trẻ súc miệng với nước muối ấm 2 lần/ngày
- Chuẩn bị cho trẻ thức ăn mềm và không quá nóng
Việc dùng bất cứ loại thuốc hạ sốt nào cũng nên tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bạn tuyệt đối không được tự ý mua thuốc vì có thể không đúng thuốc, khiến tình trạng viêm họng sốt trở nặng hơn.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: 8 cách hạ sốt cho trẻ nhỏ an toàn và nhanh chóng
Khi nào nên đưa bé đi khám bác sĩ?
Các biện pháp hạ sốt tại nhà chỉ là bước đầu, khi nhận thấy bé bị viêm họng sốt cao đến các mốc nhiệt sau thì người nhà nên đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh kịp thời.
- Bé dưới 3 tháng: sốt 38°C
- Bé từ 3 – 6 tháng: sốt 38,5°C
- Bé trên 6 tháng tuổi: sốt 39°C
Trẻ khi sốt do viêm họng sẽ có cảm giác bứt rứt, khó chịu trong người nhưng đôi khi triệu chứng lại có thể bị nhầm lẫn với những biểu hiện trẻ sốt mọc răng. Những dấu hiệu trở nặng của sốt viêm họng sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn cổ họng, khiến trẻ không thể ăn uống, khó thở, chảy nước dãi liên tục… Khi ấy mới đưa trẻ nhập viện là tình trạng đã quá nghiêm trọng, trẻ đã bị kiệt sức nhiều và việc điều trị cũng khó khăn hơn.
Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới có thể chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và kê toa thuốc chữa viêm họng sốt phù hợp cho bé. Đừng để tình trạng bệnh kéo dài quá lâu, bởi sẽ khiến trẻ càng sốt cao hơn và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm chẳng hạn như viêm cầu thận cấp, thấp tim, viêm khớp cấp…
Cách phòng tránh viêm họng cho trẻ
Để tránh bệnh kéo dài gây khó khăn trong việc điều trị, bạn nên chủ động bảo vệ bé khỏi các tác nhân gây bệnh và giúp bé hình thành các thói quen tốt cho sức khỏe.
• Dặn bé uống nhiều nước lọc: Cho trẻ uống nước lọc ngay cả khi trẻ khỏe mạnh cũng là một biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe của trẻ. Bạn có thể cho thêm vào một lát chanh hay mật ong để tăng thêm hương vị, giúp bé uống nhiều nước hơn.
• Giữ ấm cơ thể cho bé: Thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là khi vào trời lạnh, sẽ dễ khiến trẻ mắc bệnh. Trẻ cần được giữ ấm đúng cách để bảo vệ cơ thể. Bạn có thể cho trẻ mặc ấm, dùng khăn quàng cổ để tránh trẻ bị viêm cổ họng.
• Nhắc bé giữ vệ sinh răng miệng: Trong khoang miệng có rất nhiều vi khuẩn tồn tại, chờ điều kiện để tấn công gây bệnh. Nếu không chăm sóc răng miệng đúng cách, bé sẽ dễ mắc các bệnh về răng và viêm họng. Bố mẹ nên dạy trẻ thói quen đánh răng sau mỗi bữa ăn và súc miệng bằng nước muối để bảo vệ răng và sức khỏe vùng họng.
• Dặn bé đeo khẩu trang: Môi trường nhiều bụi bẩn ô nhiễm nếu không che chắn kỹ lưỡng thì trẻ sẽ rất dễ bị các tác nhân gây ô nhiễm xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Thế nên, bạn hãy nhớ dặn bé đeo khẩu trang trước khi ra bên ngoài, đồng thời bạn cũng nhớ thường xuyên vệ sinh nhà cửa để tránh mầm bệnh ẩn nấp ngay chính trong nhà.
• Cho bé tiêm vắc xin ngừa cúm: Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị cả người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi nên tiêm vắc xin cúm mỗi năm để phòng ngừa cúm dẫn đến viêm họng. Bạn nên theo dõi lịch tiêm chủng cho bé thường xuyên để chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Tiêm vacxin cho trẻ: Những điều bạn cần biết
Sốt viêm họng ở trẻ là căn bệnh phổ biến không gây nguy hiểm cho trẻ nhưng dễ khiến trẻ bứt rứt và khó chịu. Hãy tìm cách hạ sốt sớm cho trẻ bị sốt viêm họng ngay khi bé có những triệu chứng bệnh ban đầu và theo dõi liên tục tình trạng bệnh để đưa con đi khám kịp thời nhé.
Tuyết Trinh HELLO BACSI