1. Viêm dạ dày tá tráng là gì?
Viêm dạ dày tá tràng (VDDTT) là bệnh lý tiêu hóa phổ biến, gặp ở nhiều lứa tuổi. Các nghiên cứu ở nước ta cho thấy trẻ em cũng bị VDDTT: Nhỏ nhất là 4 tuổi, chủ yếu gặp là 10-15 tuổi. Với các kĩ thuật y học hiện đại, ngày càng nhiều bệnh nhi được chẩn đoán chính xác VDDTT, thậm chí có trẻ viêm loét dạ dày tá tràng (VLDDTT) ở trẻ 4 tuổi.
Viêm dạ dày tá tràng được chia ra làm 2 loại: VDDTT tiên phát và VDDTT thứ phát. VDDTT tiên phát hầu hết liên quan đến nhiễm Helicobacter Pylori (vi khuẩn HP). VDDTT thứ phát: tổn thương dạ dày sau các nguyên nhân: Stress (shock, nhiễm trùng nặng...), do thuốc, do rượu…
VDDTT ở trẻ em hầu hết do nguyên nhân nhiễm Hp (khoảng 60 - 90% số trẻ bị VDDTT).
2. Các dấu hiệu gợi ý trẻ có thể viêm dạ dày tá tràng
Đau bụng: Là triệu chứng thường gặp, theo các nghiên cứu từ 81 - 97% số trẻ VDDTT .
Đau bụng ở trẻ em thường không giống như ở người lớn. Vị trí đau bụng có thể trên rốn hoặc quanh rốn. Đau bụng thất thường có khi như giả vờ, thường liên quan đến bữa ăn (trước ăn hoặc sau ăn), tái đi tái lại. Vì vậy, phụ huynh thường hay chủ quan nghĩ rằng đau do rối loạn tiêu hóa, đau bụng giun… nên bệnh được phát hiện muộn. Nếu kéo dài trên 3 tháng mà không được chẩn đoán và điều trị có thể sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa…
Đau bụng tái diễn (kéo dài trên 3 tháng ) do nguyên nhân tiêu hóa, đặc biệt là bệnh lý dạ dày tá tràng chiếm tới 17 - 70%. Tỷ lệ nhiễm H.Pylori ỏ các trẻ bị đau bụng tái diễn khoảng 56 - 79%.
Buồn nôn, nôn: Là dấu hiệu thứ 2 cần chú ý, chiếm 30-47% số trẻ VDDTT
Ợ hơi, ợ chua: Gặp ở 25 - 30% trường hợp VDDTT
Chán ăn: Do đau bụng, đầy hơi, buồn nôn nên trẻ biếng ăn. Bố mẹ càng lo lắng thúc ép trẻ ăn, càng dẫn đến tình trạng nặng nề hơn: không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn tổn thương tâm lý cho trẻ.
Đầy bụng: Gặp khoảng 20%
Xanh xao, hay chóng mặt: Là hậu quả của viêm dạ dày hoặc viêm loét dạ dày tá tràng gây thiếu máu mạn tính. Thường thấy biểu hiện da xanh xao, niêm mạc nhợt, lòng bàn tay nhợt, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, học không tập trung.
Rối loạn phân thậm chí có thể đi cầu phân đen trong trường hợp xuất huyết dạ dày do viêm loét dạ dày tá tràng.
Tiền sử gia đình: Theo các nghiên cứu thì 20% số trường hợp có tiền sử gia đình mắc bệnh lý dạ dày tá tràng.
3. Phát hiện và điều trị viêm dạ dày tá tràng ở trẻ em
Tiêu chuẩn chẩn đoán: Nội soi dạ dày tá tràng là tiêu chuẩn “vàng” trong chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng. Tại Bệnh viện Quốc tế Vinh, nội soi dạ dày ở trẻ em là kỹ thuật thường quy, với số ca mắc bệnh viêm dạ dày chiếm tỉ lệ khá lớn. Và kết quả điều trị cho những bệnh nhi sau khi xác định được chính xác nguyên nhân rất tốt.
Tìm nguyên nhân, đặc biệt là tìm vi khuẩn HP: Trong quá trình nội soi dạ dày, Bác sỹ sẽ làm xét nghiệm tìm vi khuẩn HP (Clo test, mô bệnh học, nuôi cấy vi khuẩn), và các nguyên nhân khác.
4. Điều trị viêm dạ dày tá tràng: Phần lớn các trường hợp được điều trị ngoại trú bằng thuốc uống theo các phác đồ được cập nhật mới nhất.
5. Hướng dẫn theo dõi và chăm sóc:
Những điều nên làm:
- Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng
- Nên ăn nhiều bữa nhỏ
- Nên ăn đúng giờ, không để quá đói hoặc ăn quá no
- Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ít chất mỡ, ít chất kích thích (chocolate…)
- Dùng thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của Bác sỹ
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng lo âu
- Tái khám đúng hẹn
Những điều nên tránh:
- Không ăn bữa cuối trong ngày gần giấc ngủ (cách giờ đi ngủ > 3 giờ)
- Không ăn thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng, quá nhiều gia vị
- Tránh cho trẻ uống cà phê, trà, nước uống có ga, nước ngọt, nước tăng lực
- Tránh các thuốc ảnh hưởng đến dạ dày (phải báo cho Bác sỹ điều trị trước khi sử dụng các thuốc khác uống kèm đơn thuốc dạ dày)
- Không tự ngưng điều trị ngày cả khi trẻ cảm thấy đỡ nhiều.