Amidan là gì?
Amidan nhìn bên ngoài như là 2 phần thịt nhỏ ở 2 bên phía sau họng, nhưng thực tế là một hệ thống tế bào lympho đóng vai trò là hệ thống miễn dịch đầu tiên của cơ thể giúp ngăn chặn các virut, vi khuẩn muốn xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi và đường miệng.
Viêm amidan là gì?
Viêm amidan thường xảy ra khi tình trạng nhiễm virut, vi khuẩn nặng làm chức năng của amidan suy giảm, gây ra tình trạng viêm.
Amidan hoạt động mạnh nhất ở trẻ em, từ lứa tuổi từ 4 tuổi trở lên. Tuy nhiên, sau lứa tuổi dậy thì, chức năng của amidan giảm dần và không còn hoạt động mạnh như trước.
Nạo amidan thường được khuyến cáo với trường hợp viêm amidan nặng, gây nhiều biến chứng và bệnh mắc lại nhiều lần gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Tại sao viêm amidan thường gặp ở trẻ nhỏ?
Viêm amidan thường gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh phổ biến và nặng hơn khi hệ thống miễn dịch phát triển chưa hoàn thiện. Do vậy, trẻ em thường là đối tượng bị viêm amidan – đối tượng mà sự miễn dịch cơ thể còn yếu. Viêm amidan gây ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ và có thể gây nhiều biến chứng khác nếu không được xử lý kịp thời.
(ảnh: afozen.col.il)
Triệu chứng của viêm amidan
- Viêm họng và đau khi nuốt
- Đau tai
- Sốt cao (trên 38 độ C)
- Ho
- Đau đầu
Nếu không gặp biến chứng, các triệu chứng thường hết sau khoảng 4 ngày.
Khi nào cần đi khám bác sỹ?
Bệnh viêm amidan thường không phải là tình trạng bệnh nặng, bạn chỉ cần đưa trẻ đi khám bác sỹ nếu có các triệu chứng sau:
- Các triệu chứng phía trên kéo dài trên 4 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm
- Bệnh nặng, ví dụ như trẻ không thể ăn hoặc uống do đau họng hoặc thở khó khăn
Khi bác sỹ kiểm tra vùng họng của trẻ, trong một số trường hợp cần thiết sẽ cần lấy mẫu dịch ở cổ họng để chẩn đoán.
(ảnh: CDC)
Nếu viêm amidan gây ra bởi vi khuẩn thì bác sỹ sẽ kê đơn kháng sinh. Một số triệu chứng điển hình của viêm amidan do vi khuẩn như: có đốm trắng ở amidan, không ho.
Nguyên nhân gây bệnh?
Hầu hết viêm amidan gây ra bởi virut, giống với các chủng virut gây ra bệnh cảm lạnh, hoặc cúm
Một số trường hợp khác gây ra bởi vi khuẩn, đặc biệt là nhóm liên cầu khuẩn.
Viêm amidan lây lan như thế nào?
Thực tế viêm amidan không lây, nhưng các nhiễm khuẩn (vi khuẩn – virut) gây bệnh có thể lây lan.
Khi một người bị nhiễm hắt hơi, xỉ mũi hoặc ho, virut có thể đi theo những hạt nước nhỏ từ mũi và miệng ra ngoài. Trẻ có thể bị nhiễm nếu hít phải những hạt nước nhỏ này. Đây gọi là lây nhiễm trực tiếp.
Bên cạnh đó, trẻ có thể bị lây bệnh nếu chạm phải bề mặt hoặc đồ vật mà các hạt nước nhỏ từ dịch mũi/miệng của người bị bệnh thải ra trong quá trình ho/hắt hơi. Đây gọi là lây nhiễm gián tiếp.
Viêm amidan mãn tính
Trong hầu hết các trường hợp, trẻ bị viêm amidan sẽ đỡ hơn sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, có một số nhỏ trẻ và người lớn bị lâu hơn và mắc lặp lại – gọi là viêm amidan mãn tính và đôi khi cần phải can thiệp bằng tiểu phẫu.
Tiểu phẫu để nạo amidan thường được khuyến cáo nếu:
- Nếu trẻ bị viêm amidan nặng trong một khoảng thời gian dài
- Bệnh mắc lại nhiều lần và gây ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày
Biến chứng của viêm amidan
Trường hợp biến chứng hiếm khi xảy ra. Các biến chứng có thể có do sự lây lan nhiễm khuẩn từ khu vực họng sang các bộ phận khác của cơ thể. Một số biến chứng như:
- Viêm mũi
- Viêm xoang
- Viêm tai giữa
- Viêm tấy hạch dưới hàm
- Viêm áp xe thành bên họng
- Biến chứng toàn thân: amidan sưng lớn gây khó nuốt, khó thở, khó phát âm
Điều trị
Không có một phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh viêm amidan, nhưng có thể giảm được triệu chứng bệnh bằng cách:
- Sử dụng paracetamol hoặc ibuprofen để giảm triệu chứng đau
- Uống nhiều nước
- Nghỉ ngơi nhiều
ảnh: (CDC)
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy viêm amidan do vi khuẩn, có thể bác sỹ sẽ kê đơn sử dụng kháng sinh cho trẻ.
Phòng bệnh
- Tránh xa những điểm đông người như nơi làm việc, trường học, khu vui chơi
- Đeo khẩu trang khi ra đường hay những nơi đông người
- Sử dụng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi và bỏ giấy sau khi sử dụng vào thùng rác
- Rửa tay sạch trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, nếu có thể, sau khi ho hoặc hắt hơi
- Giữ vệ sinh răng miệng, mũi bằng việc đánh răng đúng cách, sử dụng nước muối sinh lý súc miệng để tránh các viêm nhiễm