SKĐS - Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính, các tiểu phế quản nhỏ nên khi bị viêm sẽ dễ bị xẹp và bị chít hẹp lại làm đường thở bị tắc nghẽn.
Vì vậy, trẻ sẽ bị khò khè, khó thở và nặng hơn nữa trẻ sẽ bị thiếu oxy để thở. Theo các nghiên cứu viêm tiểu phế quản là bệnh chỉ xảy ra ở trẻ < 24 tháng tuổi, thường gặp nhất là 3 - 6 tháng tuổi.
Nguyên nhân là do các tiểu phế quản ở trẻ nhỏ hơn, dễ bị tắc nghẽn hơn và hệ miễn dịch của các bé cũng yếu hơn so với người lớn.
Viêm tiểu phế quản ở trẻ có biểu hiện tương tự như bị cảm lạnh, trong những ngày đầu biểu hiện thường thấy là trẻ bị chảy nước mũi, nghẹt mũi, sốt nhẹ... Sau đó là thở khò khè, thở có vẻ khó khăn, hay thở ra ồn ào. Thở nhanh hoặc khó thở, nhịp tim nhanh...
Ở trẻ khỏe mạnh, bệnh thường tự khỏi trong 1 - 2 tuần, nhưng ở một số trẻ các biểu hiện có thể diễn biến nặng hơn cần phải nhập viện. Thực tế ghi nhận tại phòng khám trẻ viêm tiểu phế quản nhập viện thường gặp là ở trẻ sinh non hoặc có sẵn bệnh lý nền như bệnh tim, bệnh phổi hay suy yếu hệ miễn dịch.
Viêm tiểu phế quản là bệnh phổ biến tại phổi do virus gây ra.
Khi trẻ có biểu hiện viêm tiểu phế quản cần chăm sóc đúng tại nhà. Việc này có thể không rút ngắn thời gian bệnh, nhưng sẽ làm giảm một số triệu chứng và khiến cho trẻ dễ chịu hơn.
Nếu không khí trong phòng của trẻ khô, cần tạo ẩm không khí bằng cách phun sương, sẽ giúp trẻ giảm bớt tắc nghẽn và giảm ho.
Giữ trẻ trong tư thế thẳng đứng thường làm cho trẻ dễ thở hơn.
Cho trẻ uống nước và dinh dưỡng đầy đủ như sữa, nước lọc, nước cam, nước chanh…
Yếu tố nguy cơ dẫn tới viêm tiểu phế quản ở trẻ
Một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất: Trẻ dưới 6 tháng tuổi, bởi vì phổi và hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Trẻ trai dễ mắc bệnh hơn trẻ gái.
Các yếu tố khác có liên quan với tăng nguy cơ bệnh như: Không được bú sữa mẹ - trẻ bú sữa mẹ sẽ nhận được sự bảo vệ từ hệ miễn dịch của mẹ cho trẻ. Sinh non, bệnh lý tim mạch hoặc bệnh lý phổi sẵn có. Suy giảm hệ thống miễn dịch.
Tiếp xúc với khói thuốc lá. Tiếp xúc với nhiều trẻ em, như trong nhà trẻ, trường học. Sống trong một môi trường đông đúc. Gia đình trẻ có anh chị em đi học hay người chăm trẻ mang mầm bệnh về nhà lây cho trẻ.
Khi nào cần cho trẻ nhập viện?
Các biểu hiện nặng khi viêm tiểu phế quản ở trẻ cha mẹ cần đưa trẻ đến viện khám ngay:
Trẻ rơi vào tình trạng khó thở, da tím tái - một dấu hiệu biểu hiện của sự thiếu oxy, cần cấp cứu khẩn cấp. Chính vì vậy cần cho trẻ nhập viện để được điều trị
Ngoài các biểu hiện trên, trẻ sẽ có thêm các biểu hiện bất thường khác như: Nôn ói, thở khò khè. Thở nhanh và nông hoặc rút lõm ngực. Trẻ thở rất mệt nhọc, cần phải ngồi để thở, trẻ nhỏ thì quấy khóc bứt rứt.
Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính.
Ở trẻ còn bú mẹ thì bú ít, bỏ bú hoặc thở quá nhanh nên bỏ bú… cũng cần phải cho trẻ nhập viện.
Đối với trẻ dưới 12 tuần tuổi có yếu tố nguy cơ khác như: Sinh non, bệnh lý tim, bệnh phổi… cũng cần phải nhập viện để được khám và đánh giá đầy đủ.
Phòng tránh viêm tiểu phế quản ở trẻ
Để phòng tránh viêm tiểu phế quản ở trẻ, các bậc cha mẹ cần chú ý ngay từ thời gian mang thai. Mẹ cần khám thai định kỳ, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lao động hợp lý để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân nặng.
Cho trẻ bú mẹ từ lúc mới sinh đến 2 tuổi, giúp trẻ có nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm. Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Chú ý dinh dưỡng và ăn dặm đúng cách.
Khi thời tiết giao mùa mặc quần áo thích hợp cho trẻ, giữ môi trường trẻ ở được trong lành, tránh tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá. Cần rửa tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ. Tránh để trẻ tiếp xúc gần gũi với trẻ bị bệnh và người lớn đang bị viêm đường hô hấp. Thường xuyên sát khuẩn mũi, họng cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%. Khi có biểu hiện bất thường cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.