Bệnh tay chân miệng có các vị trí phát ban phổ biến là ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, đầu gối, khe mông. Những nốt ban của tay chân miệng thường dát sẩn, chìm ở bề mặt da.
Những nốt ban của tay chân miệng thường dát sẩn, chìm ở bề mặt da.
Cao điểm mùa dịch
Thời gian qua, Hà Nội ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh. Trẻ em mắc tay chân miệng nếu không được chăm sóc đúng cách có thể diễn biến nặng, gặp biến chứng nguy hiểm.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 968 ca mắc tay chân miệng và chưa có trường hợp tử vong. Số lượng này tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (186 ca). Theo thống kê đến hết tháng 6, tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đều đã ghi nhận ca bệnh tay chân miệng. Trong đó, 3 khu vực ghi nhận nhiều ca mắc tay chân miệng nhất tại Hà Nội là: Chương Mỹ, Đông Anh và Mê Linh.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ đến khám vì tay chân miệng cũng tăng. Trước đó, trong tháng 4 và tháng 5, bệnh viện ghi nhận 776 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó. Trong đó, có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng tăng so với trước. Bộ Y tế dự báo, dịch tay chân miệng có xu hướng tăng trong thời gian tới. Để hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị các UBND chỉ đạo triển khai quyết liệt biện pháp ngăn chặn bùng phát dịch bệnh.
Bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) - cho biết, tay chân miệng là bệnh rất dễ lây trong không gian kín. Các đợt bùng phát dịch thường xuất phát từ những lớp học hoặc trong cộng đồng nhỏ mà có nhiều người, điều kiện vệ sinh kém.
“Mọi lứa tuổi đều có khả năng bị tay chân miệng. Tuy nhiên, lứa dễ bị nhiều nhất là dưới 5 tuổi, đặc biệt là từ 1 - 2 tuổi. Đây là tuổi mà trẻ đi lớp, cộng với việc chưa bị tay chân miệng bao giờ”, bác sĩ Công cho biết.
Người trưởng thành và trẻ lớn cũng có nguy cơ mắc tay chân miệng, nhưng thường bị nhẹ. Song, cha mẹ cần chú ý nếu trẻ lớn có khả năng bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
“Vị trí đặc hiệu”
Theo bác sĩ Công, triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường là những nốt phát ban ở tay, chân hoặc miệng. Đặc biệt là ở những vị trí đặc hiệu như lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở trong khoang miệng hoặc là những vị trí khác như: Khe mông… Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có phát ban ở những vị trí này. Người mắc có thể chỉ mọc phát ban ở chân, cũng có thể chỉ ở tay. Thậm chí, có những bệnh nhân chỉ mọc 1 - 2 nốt phát ban vẫn được xác định là nhiễm tay chân miệng.
Trẻ bị tay chân miệng cũng thường quấy khóc, ngủ giật mình, sốt hoặc có những triệu chứng khác như: Kém ăn, buồn nôn, đi ngoài. Do đó, nếu thấy trẻ có những triệu chứng này, cha mẹ có thể nghĩ đến việc con mình bị tay chân miệng.
Để phân biệt phát ban tay chân miệng với những bệnh khác, bác sĩ Công cho biết: “Bệnh tay chân miệng có các vị trí phát ban đặc hiệu là ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, đầu gối, khe mông.
Những nốt ban của tay chân miệng thường là những nốt ban dát sẩn. Chúng thường chìm ở trên bề mặt da. Các vết loét ở khoang miệng thường tập trung ở đầu lưỡi, niêm mạc má hai bên.
Tuy nhiên, các nốt phát ban này sẽ đi kèm với một số triệu chứng khác như: Quấy khóc, chảy dãi… Đây là bệnh theo mùa, nên khi khám cần làm một số xét nghiệm để xác định có phải bị nhiễm hay không”, chuyên gia giải thích.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Công, trong thời kỳ ủ bệnh, thường không phát hiện được trẻ bị tay chân miệng. Thời kỳ ủ bệnh là khi virus chưa khởi phát bất kỳ một triệu chứng nào. Do đó, cần phải xét đến yếu tố tiếp xúc. Ví dụ, trẻ có tiếp xúc với một trẻ bị nhiễm tay chân miệng thì khả năng cao sẽ lây bệnh.
“Bệnh tay chân miệng thường có những diễn biến như thời gian ủ bệnh, thời gian khởi phát và toàn phát. Khi một trẻ bị tay chân miệng, đồng nghĩa với việc trước đó tầm 7 ngày, trẻ đã tiếp xúc với người bị tay chân miệng”, bác sĩ Công chia sẻ.
Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tay chân miệng trong thời gian tới, theo CDC Hà Nội, ngành y tế thành phố tiếp tục tăng cường giám sát, điều tra xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác. Cùng với đó, giám sát, đánh giá định kỳ các chỉ số côn trùng, giám sát vệ sinh môi trường tại khu vực ổ dịch cũ, ổ dịch phức tạp. Từ đó, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Không để dịch lây lan và bùng phát tại cộng đồng.
Các đơn vị trong ngành cần tăng cường truyền thông biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tay chân miệng. Từ đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhằm góp phần khống chế và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn