NGÀY 24/3/2024, CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG – BỘ Y TẾ CÓ THÔNG BÁO VỀ TRƯỜNG HỢP MẮC CÚM A(H5N1) TẠI TỈNH KHÁNH HÒA ĐÃ TỬ VONG SAU 1 TUẦN ĐIỀU TRỊ. ĐÂY LÀ TRƯỜNG HỢP MẮC CÚM A(H5N1) THỨ 2 KỂ TỪ NĂM 2014 SAU NHIỀU NĂM KHÔNG GHI NHẬN TRƯỜNG HỢP MẮC BỆNH TRÊN NGƯỜI TẠI VIỆT NAM. TRƯỚC ĐÓ, VÀO THÁNG 10/2022, TẠI PHÚ THỌ ĐÃ GHI NHẬN 01 TRƯỜNG HỢP MẮC CÚM A(H5N1) TRÊN NGƯỜI. ĐIỀU NÀY CHỨNG TỎ DỊCH CÚM A(H5N1) VẪN TIỀM ẨN NGUY CƠ LƯU HÀNH.
Quận Long Biên là đầu mối giao thương với nhiều quận, huyện, địa phương khác và vẫn còn tình trạng một số hộ gia đình vẫn chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ len lỏi tại các khu dân cư tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của bệnh. Bệnh lây truyền từ gia cầm sang người chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm bị nhiễm bệnh. Bệnh diễn biến nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H5N1) lây từ người sang người, tuy nhiên vi rút cúm A(H5N1) có độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao khoảng 50%.
Để chủ động phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và phòng tránh lây lan dịch bệnh trên địa bàn quận, người dân cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương.
4. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
5. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.