Những ngày thời tiết giao mùa sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh về đường hô hấp Dưới, đây là một số bệnh thường gặp ở trẻ em.
1. Đau họng
Do vi khuẩn hoặc virus gây ra
Triệu chứng: các triệu chứng thường xảy ra bất ngờ như: sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và hay thỉnh thoảng bị nôn. Họng tấy đỏ và amiđan sưng, đôi khi có hạch.
Chữa trị: cần đến bác sĩ để kiểm tra họng, chẩn đoán loại bệnh. Bác sĩ sẽ cho uống kháng sinh trong 10 ngày nếu do vi khuẩn. Ở nhiều trường hợp, học sinh có thể đi học sau 1 ngày uống thuốc.
2. Cảm/cúm
Cảm do virus gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Cúm là bệnh về đường hô hấp do virus. Bệnh lây lan qua nước bọt, nước mũi/đờm của người mang bệnh.
Triệu chứng: người bị cảm thường nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, sưng họng hoặc mệt mỏi. Bệnh cúm thường có triệu chứng sốt, đau các cơ, ho khan, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu và mệt mỏi.
Chữa trị: không có thuốc nào chữa 2 loại bệnh trên nhưng hãy cho trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nên cho trẻ nghỉ học vài ngày. Hiện đã có vắc-xin phòng cúm nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa trẻ đi tiêm.
3. Bệnh sốt phát ban
Hầu hết trẻ mắc bệnh này trước khi học mẫu giáo, nhưng cũng có những trẻ gặp phải khi học tiểu học.
Triệu chứng: biểu hiện rõ nhất là trẻ sốt và nổi ban đỏ khắp người, nhiều nhất ở thân mình và tứ chi.
Chữa trị: bệnh do lây nhiễm virus vì thế không thể làm được gì ngoài việc điều trị những triệu chứng. Con bạn có thể truyền bệnh khi mẩn đỏ chưa xuất hiện, còn khi đã có biểu hiện thì không lây sang người khác nữa.
4. Viêm màng kết
Hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, lây lan nhanh do mắt tiếp xúc với tay bẩn, quần áo và khăn mặt.
Triệu chứng: mắt đỏ và cộm. Đôi khi chảy nước vàng và có rỉ mắt vào ban đêm.
Chữa trị: cách chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh. Nếu bệnh do virus thì bệnh sẽ tự khỏi.
. Để phòng bệnh cha mẹ cần:
Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Không nên cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá.
Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh như: Kem, đá.
Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối của các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả.
Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho trẻ. Đây là những dưỡng chất quan trọng vừa giúp trẻ phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tăng cường hệ miễn dịch.
Tiêm phòng vắc xin để phòng chống các loại bệnh cho trẻ.
Một điều các bậc phụ huynh cần lưu ý đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi này khi mắc bệnh thì diễn biến thường nặng và khó lường... Do đó, nếu những bệnh lý này không được phát hiện, điều trị, xử trí sớm và đúng, sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp cấp, viêm phổi, viêm tai, viêm màng não, áp xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong.