- Viêm đường hô hấp
Khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, trẻ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi họng.
Bệnh lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống. Trẻ có thể sốt cao đột ngột, khó thở, thở nhanh, trẻ mệt nhiều, lạnh tay chân, tiêu chảy… Lúc này, bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay để được khám và điều trị kịp thời, để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp…
Để phòng bệnh, ba mẹ thường xuyên rửa tay sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng. Giữ ấm cơ thể và hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người. Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
- Cảm lạnh
Khi bị cảm lạnh, trẻ có thể sẽ có những triệu chứng như: bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, đau họng, chán ăn,...Trong trường hợp này, cha mẹ nên để trẻ nằm nơi thoáng khí, tránh gió, rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý hàng ngày. Đồng thời bổ sung dinh dưỡng và cho trẻ uống nhiều nước, chườm ấm nếu trẻ sốt nhẹ < 38,5 độ C. Nếu trẻ xuất hiện sốt cao, hoặc ở nhà 3 ngày không đỡ mệt mỏi, thở nhanh, đau tai… bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời.
Để phòng tránh cảm lạnh cho trẻ, cha mẹ cần giữ ấm cơ thể bé, hạn chế tiếp xúc với những người có biểu hiện bệnh, mang khẩu trang y tế khi đến nơi công cộng.
- Sởi
Sởi thường gây ra bởi virus sởi, lây truyền qua đường hô hấp.Trẻ bị sởi thường có biểu hiện: sốt, mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi, đau họng, mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt kèm theo có ho. Da trẻ sẽ xuất hiện những nốt đỏ nhỏ ở vùng mặt trước rồi sau đó lan nhanh ra toàn thân và chân tay. Trẻ có thể kèm theo rối loạn tiêu hóa.
Ngay khi trẻ có những biểu hiện này, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi ở nơi thông thoáng, đủ ánh sáng và vệ sinh răng miệng đầy đủ. Bù nước, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng vào chế độ ăn của trẻ, lưu ý nên cho trẻ sử dụng đồ ăn dạng lỏng dễ tiêu. Sau 2 ngày, trẻ vẫn sốt cao, khó thở, ho nhiều, mệt mỏi… bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được điều trị can thiệp kịp thời.
Một cách phòng tránh Sởi hiệu quá nhất đó chính là cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng Sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
- Sốt xuất huyết
Đây là bệnh giao mùa nguy hiểm, thường bùng phát sau các đợt mưa lớn cuối mùa. Bệnh lây truyền do muỗi vằn mang virus gây bệnh tấn công, thường có các triệu chứng như: sốt cao liên tục, người mệt mỏi, đau đầu dữ dội, xuất huyết dưới da.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết. Khi trẻ xuất hiện sốt cao, đau đầu, đau bụng nhiều, bố mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Cần phòng bệnh bằng cách phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, mắc màn khi ngủ, dọn sạch các vũng nước đọng trong nhà.
- Tay chân miệng
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay bàn chân, gối, mông,...
Biến chứng nguy hiểm của bệnh như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Có thể theo dõi tại nhà nếu trẻ vẫn ăn uống bình thường. Nếu trẻ mệt mỏi lừ đừ, rối loạn tiêu hóa cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng tránh. Mẹ cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
- Phòng bệnh chung cho các bệnh giao mùa
- Cần tiêm đầu đủ, đúng lịch theo lịch tiêm chủng mở rộng của Bộ Y Tế.
- Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, nhắc trẻ rửa tay trước khi ăn, vệ sinh sạch bình sữa, núm giả của trẻ. Hạn chế nơi đông người và đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường.
- Giữ ấm, mặc quần áo phù hợp cho trẻ.
- Ăn chín, uống sôi, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng cho bé một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh.
Giao mùa là thời điểm rất nhiều dịch bệnh ở trẻ bùng phát. Khi trẻ xuất hiện những biểu hiện bệnh trên, ba mẹ không cho tự ý cho trẻ uống thuốc mà nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để trẻ được khám và chẩn đoán kịp thời, tránh để bệnh phát triển nặng hơn, xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm.