Trẻ rối loạn tiêu hóa sẽ thường xuyên bị tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần trong ngày, nôn trớ... sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, dễ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, bạn cần sớm tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để cùng bác sĩ đưa điều trị và chăm sóc trẻ đúng cách.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một tình trạng phổ biến mà hầu như bé nào cũng mắc phải ít nhất vài lần ở những năm đầu đời. Nguyên nhân do chức năng tiêu hóa ở trẻ chưa hoàn chỉnh nên trẻ rất dễ bị các chứng rối loạn tiêu hóa.
Đây là yếu tố cản trở quá trình sinh trưởng của trẻ nên cần nhận biết dấu hiệu rối loạn tiêu hóa từ sớm để xử trí kịp thời.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em nghiêm trọng thế nào?
Bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể gây nên nhiều ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển của bé sau này, do đây là giai đoạn cơ thể trẻ cần một nguồn dinh dưỡng ổn định.
Khi căn bệnh rối loạn tiêu hóa xuất hiện, lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể bị thiếu hụt đáng kể. Hậu quả là khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển về thể chất và trí não, suy giảm hệ miễn dịch.
Về sau, trẻ dễ tái phát rối loạn tiêu hóa khi có các tác nhân từ môi trường tấn công vào bộ máy tiêu hóa.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là vấn đề nghiêm trọng cần chữa trị
Những biểu hiện rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ em
Khi bị rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, bé thường gặp những căn bệnh sau đây:
1. Ợ hơi, chán ăn
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường có triệu chứng đầy bụng, trướng hơi. Bụng trẻ có dấu hiệu căng to và ợ hơi liên tục. Vì đầy hơi nên trẻ đánh hơi nhiều hơn, ngoài ra còn có biểu hiện miệng hôi.
Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ thường kém ăn, lười ăn do hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả nên khả năng hấp thu và tiêu hóa kém. Nhiều trẻ chỉ uống sữa và không chịu ăn cháo, cơm.
Trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa do sức đề kháng còn yếu, hệ vi sinh có lợi đường ruột chưa đủ mạnh để tạo thành hàng rào bảo vệ cho cơ thể.
2. Rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn đường ruột
Đây là nguyên nhân hay gặp ở trẻ em do sức đề kháng của trẻ còn yếu, hệ vi sinh có lợi đường ruột chưa đủ mạnh để tạo thành hàng rào bảo vệ cho cơ thể.
Trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa sau khi uống sữa, ăn các thức ăn không đảm bảo vệ sinh hoặc sau khi bé bị viêm đường hô hấp với các triệu chứng như sổ mũi, ho, có đờm nhiều.
Tình trạng loạn khuẩn đường ruột cũng thường gặp sau khi trẻ dùng kháng sinh liều cao và kéo dài để trị các bệnh viêm họng, viêm amidan, viêm phổi…
Khi đó, kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh đồng thời tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Tình trạng suy dinh dưỡng, ăn uống không hợp lý, thay đổi thời tiết cũng có thể gây ra loạn khuẩn đường ruột ở trẻ nhỏ. Trường hợp loạn khuẩn đường ruột nặng, không được điều trị đúng, điều trị sớm, trẻ có thể bị mất nước, rối loạn điện giải, kiệt sức và suy dinh dưỡng
3. Nôn trớ
Nôn là hiện tượng đẩy ngược các chất trong dạ dày qua miệng do tác động gắng sức của cơ thể. Trớ xảy ra mỗi khi trẻ ăn no, sữa trào ra khỏi miệng sau mỗi lần rướn người hoặc thay đổi tư thế đột ngột.
Nôn trớ là tình trạng thường gặp của trẻ sơ sinh
Có đến 2/3 trẻ nhỏ đã gặp phải tình trạng nôn trớ trong những tháng đầu đời, gọi là nôn trớ sinh lý. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ thoái lui khi trẻ lớn lên nhờ các cấu trúc của đường tiêu hóa dần hoàn chỉnh và chế độ ăn cũng đặc dần, chỉ 5% trẻ tiếp tục vẫn bị trào ngược sau thời điểm 1 tuổi.
Tình trạng trào ngược sinh lý trước kia giờ trở thành bệnh lý rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Để nhận biết trẻ bị nôn trớ sinh lý hay bệnh lý, cần căn cứ các dấu hiệu sau:
- Nếu bé dưới 6 tháng tuổi, 1 ngày bị trớ sữa vài lần nhưng vẫn vui vẻ, lên cân tốt, không bị khò khè tái đi tái lại… thì nhiều khả năng chỉ là trào ngược sinh lý.
- Nếu trẻ vẫn thường ọc sữa sau 1 tuổi, chậm lên cân, gầy gò, sợ ăn, khò khè, viêm phổi tái phát nhiều lần… thì nhiều khả năng trào ngược đã trở thành bệnh lý.
4. Tiêu chảy
Khi trẻ đi tiêu ra phân lỏng như nước trên 3 lần/ngày thì được coi là tiêu chảy. Là một bệnh thông thường, trẻ bị tiêu chảy có thể do nhiễm virus gây bệnh đường ruột, do nhiễm ký sinh trùng hoặc vi khuẩn, do ăn phải thức ăn bị ôi thiu…
Nếu bị tiêu chảy kéo dài dẫn đến mất nước, mất điện giải trầm trọng có thể dẫn tới tử vong nếu không được bù nước, bù điện giải kịp thời.
Do đó, điều quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy là phải bù điện giải cho trẻ, tốt nhất bằng nước oresol và phải tuân thủ hướng dẫn pha oresol, cho trẻ uống đúng cách, uống từng ít một, uống liên tục và rải rác trong ngày. Còn nếu trẻ diễn tiến bệnh nặng hơn, tốt nhất hãy đưa trẻ đến bệnh viện.
5. Đau bụng
Đau bụng ở trẻ có thể do đói, mệt mỏi, hoặc chỉ là quá no hoặc đầy hơi. Nguyên nhân chính xác của đau bụng có thể không rõ ràng. Trong hầu hết các trường hợp, đau bụng nhẹ ở trẻ mới biết đi sẽ không làm cho trẻ kém ăn hoặc chơi ít đi.
Với một mức độ đau bụng vừa phải, trẻ có thể nhăn nhó và kém hoạt động hơn. Nhưng, nếu một đứa trẻ đang nằm cong chân và khóc, trẻ có thể bị đau bụng dữ dội.
Trẻ bị đau bụng là dấu hiệu rõ ràng nhất của rối loạn tiêu hóa
Hầu hết các cơn đau bụng mãn tính ở trẻ đều là đau bụng chức năng. Có nghĩa là, mặc dù cơn đau là có thật, nhưng nó có thể không phải bệnh lý rối loạn tiêu hóa ở trẻ em.
Tuy nhiên, không nên bỏ qua cơn đau bụng ở trẻ em, đặc biệt là khi đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, nôn, đại tiện phân máu, thức dậy trong đêm vì đau hoặc đau khi đi tiểu.
Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng này, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám để loại trừ các bệnh lý ngoại khoa như lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột… hoặc các bệnh lý nội khoa như viêm tụy cấp, nhiễm trùng đường ruột, rối loạn tiêu hóa…
6. Táo bón
Táo bón là đi đại tiện ít hơn ba lần một tuần, đi đại tiện khó khăn hoặc khối phân to cứng. Táo bón ở trẻ em hầu hết bắt đầu xuất hiện khi trẻ bắt đầu ăn đặc, hoặc khi bắt đầu đi học, sau khi thay đổi hoàn cảnh sống, thay đổi người chăm sóc hoặc thay đổi chế độ ăn uống.
Trẻ mới biết đi bị táo bón có thể xuất hiện các triệu chứng như bắt chéo chân, đứng trên ngón chân hoặc siết chặt mông để cố gắng tránh đại tiện. Táo bón có thể gây đau bụng, nứt kẽ hậu môn, đi ngoài phân máu, giảm cảm giác thèm ăn và hoạt động.
Cách xử lý khi bị rối loạn tiêu hóa
Đầu tiên, để chữa trị và phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, cha mẹ cần thực hiện xây dựng chế độ ăn và thói quen ăn phù hợp, bảo vệ đường ruột cho trẻ như sau:
- Chế biến thức ăn dạng mềm, dễ tiêu hóa.
- Đảm bảo thực phẩm ăn sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm kể cả từ nguồn nguyên liệu thực phẩm lẫn gia vị, công cụ chế biến.
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để trẻ dễ ăn và dễ hấp thu hơn, tránh trường hợp quá no hay quá đói.
- Tăng cường cho trẻ ăn các thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa như: sữa chua, rau xanh, hoa quả,…
- Nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài, cơ thể mất nước và mất cân bằng điện giải thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng dung dịch oresol.
- Ưu tiên các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như gạo tẻ trắng, thịt lườn gà, thịt thăn lợn, cà rốt, khoai tây…
- Cho bé uống uống nhiều nước, tránh các thức ăn làm trẻ bị tiêu chảy nhiều hơn như các loại đậu, bắp cải, giá… ; các loại trái cây như lê, đào, mận.
- Loại trừ chứng rối loạn tiêu hóa bằng cách bổ sung men vi sinh có ích để ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
- Cung cấp kẽm và axit folic để khôi phục vị giác, giúp trẻ có được cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng.
- Cung cấp các loại vitamin và axit amin thiết yếu giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn.
Để phòng tránh rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, ngoài chế độ ăn uống phù hợp, cha mẹ cần luyện cho trẻ thói quen nhai kỹ thức ăn. Khi thực phẩm được nhai kỹ, chúng được nghiền nhỏ và hòa trộn tốt hơn với enzyme tiêu hóa.
Khi xuống đến dạ dày và đường ruột, thức ăn sẽ nhanh chóng được tiêu hóa. Vì thế mà trẻ cảm thấy ngon miệng, dễ tiêu hóa, triệu chứng rối loạn cũng được đẩy lùi.