SKĐS - Sốt xuất huyết có thể gây thiếu máu, vậy có cần bổ sung sắt hay không?
1. Vì sao bị mất máu trong sốt xuất huyết?
Một biến chứng rất nghiêm trọng của sốt xuất huyết là làm giảm tiểu cầu. Khi tiểu cầu giảm sẽ làm mất khả năng đông máu, dẫn đến xuất huyết (chảy máu) và từ đó dẫn đến thiếu máu.
Nguyên nhân dẫn đến giảm tiểu cầu là do:
- Số lượng tiểu cầu giảm khi sốt xuất huyết gây ức chế tủy xương.
- Số lượng tiểu cầu giảm do các tế bào máu bị ảnh hưởng bởi virus gây sốt xuất huyết làm tổn thương tiểu cầu.
- Cơ thể sản sinh ra kháng thể cũng phá hủy một số lượng lớn tiểu cầu.
Khi tiểu cầu giảm mạnh dẫn đến xuất huyết.
Với bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhẹ, tình trạng giảm tiểu cầu không nghiêm trọng thì triệu chứng cơ bản là sốt kéo dài, đau đầu, nhức mỏi, nôn mửa ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động. Nhưng với bệnh nhân giảm tiểu cầu nặng, sẽ bị chảy máu với các dấu hiệu: Có những đốm chảy máu trên da, chảy máu nội tạng và thoát huyết tương…
Tình trạng xuất huyết nặng có thể dẫn đến hạ huyết áp. Huyết áp có thể giảm xuống mức nguy hiểm, gây sốc, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
2. Có nên bổ sung sắt khi bị sốt xuất huyết không?
Thông thường chúng ta hay nghĩ đến việc bổ sung sắt khi mất máu, thiếu máu. Nhưng với tình trạng mất máu ở bệnh sốt xuất huyết là do giảm tiểu cầu. Do đó điều quan trọng nhất là điều trị nguyên nhân gây xuất huyết (làm tiểu cầu tăng thì tình trạng xuất huyết sẽ hết) và tình trạng thiếu máu do xuất huyết sẽ dần được cải thiện.
Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) và Đại học Connecticut (Mỹ) đã tiến hành một loạt các xét nghiệm trên diện rộng thành phần máu ở bệnh nhân sốt xuất huyết, nhằm mục đích tìm xem các thành phần của máu hoặc các chất chuyển hóa của những thành phần này có thể ảnh hưởng đến sự lây lan của loại virus trên hay không.
Các thực phẩm giàu sắt.
Như chúng ta đã biết, muỗi là vật trung gian làm lây lan virus gây sốt xuất huyết qua đường máu. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học thấy rằng thành phần sắt trong máu có ảnh hưởng đến khả năng mang virus sốt xuất huyết của muỗi.
Cụ thể, khả năng muỗi mang virus này có liên quan tới hàm lượng sắt trong huyết thanh. Muỗi sẽ ít có khả năng mang virus sốt xuất huyết khi hút loại máu có hàm lượng sắt cao.
Các nhà khoa học giải thích: Khi một lượng lớn phân tử sắt được hấp thụ vào cơ thể muỗi, chúng sẽ tạo ra các loại oxy có khả năng phản ứng mạnh hơn, giúp kiểm soát sự sinh sản của virus này.
Theo đó, việc bổ sung chất sắt cho cơ thể sẽ làm giảm khả năng truyền virus sốt xuất huyết sang người của muỗi, mở ra một triển vọng mới trong việc kiểm soát căn bệnh này.
Ngoài ra, sắt còn có vai trò giúp sản xuất các tế bào máu khỏe mạnh. Do đó có thể bổ sung sắt qua chế độ ăn thực phẩm có chứa nhiều sắt.
Để tăng tiểu cầu, cần bổ sung các chất như omega 3, vitamin B12, vitamin C và một số khoáng chất để giúp tăng tiểu cầu. Các vi chất này có thể bổ sung qua thực phẩm hoặc dạng thuốc.
Tuy nhiên khi dùng dưới dạng thuốc cần có ý kiến của bác sĩ