Suy tuyến giáp ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?
Suy tuyến giáp ở trẻ nhỏ không phải là bệnh khó chữa. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp phải những biến chứng nặng nề.
Suy tuyến giáp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là bệnh gì? Nếu có con bị suy giáp thì bố mẹ cần làm những gì? Suy giáp bẩm sinh có chữa được không? Những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi sẽ phần nào giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Suy giáp ở trẻ em là bệnh gì?
Tuyến giáp là một cơ quan có hình cánh bướm nằm ở ngay chính giữa cổ, ở bên dưới sụn giáp, thường phát triển rất sớm, ngay khi trẻ còn đang ở trong bụng mẹ. Tuyến giáp là cơ quan chịu trách nhiệm cho việc sản xuất hormone T3 và T4.
Hormone T3 và T4 có nhiều tác động quan trọng trong việc phát triển của trẻ khi còn nhỏ, bao gồm cả việc duy trì nhịp độ phát triển và sự tạo lập xương được bình thường. Hormone tuyến giáp còn có vai trò quan trọng trong việc điều hòa chuyển hóa.
Suy tuyến giáp ở trẻ em là tình trạng hoạt động của tuyến giáp nằm dưới mức bình thường, không thể sản xuất đủ lượng hormone hoạt tính T3 và T4. Tình trạng này có thể là suy giảm bẩm sinh hoặc có thể xảy ra như một bệnh lý mắc phải ở bất cứ thời điểm nào trong giai đoạn thơ ấu hoặc khi đã trưởng thành. Suy giáp là tình trạng khá phổ biến với tỷ lệ khoảng 1/1.250 trẻ. Thông thường, tình trạng này cần phải điều trị suốt đời.
Nguyên nhân dẫn đến suy tuyến giáp ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân của bệnh suy giáp là từ chính tuyến giáp hoặc từ trên tuyến yên. Tuyến giáp có thể bị tổn thương bởi sự tấn công của các kháng thể trực tiếp (tình trạng tự miễn dịch), tia xạ hoặc do phẫu thuật. Tuyến yên có thể bị tổn thương theo sau một tổn thương não nặng hoặc thứ phát do tia xạ.
Ngoài ra, một số loại thuốc và hóa chất có thể ảnh hưởng sự sản xuất hormone tuyến giáp. Ví dụ, quá nhiều hoặc quá ít i-ốt trong chế độ ăn có thể dẫn tới suy tuyến giáp ở trẻ nhỏ.
Đối với trường hợp suy giáp bẩm sinh thì nguyên nhân có thể có thể là do:
- Tuyến giáp nằm ở vị trí bất thường hoặc kém phát triển
- Tuyến giáp không sản xuất đủ hormone cần thiết
- Do mẹ dùng quá ít i ốt, dùng thuốc làm gián đoạn việc sản xuất hormone tuyến giáp hoặc do điều trị ung thư tuyến giáp bằng i ốt phóng xạ.
Triệu chứng suy tuyến giáp ở trẻ nhỏ
Một số trẻ em có nguy cơ bị nhược giáp cao hơn khi mắc các hội chứng bẩm sinh, đặc biệt là hội chứng Down, bị đái tháo đường loại 1 và những trẻ đã từng xạ trị để điều trị ung thư. Các dấu hiệu suy giáp ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện trong vài tuần đầu hoặc trong vài tháng đầu:
- Lưỡi to và dày
- Vàng da, vàng mắt
- Không chịu bú mẹ, ít quấy khóc
- Khuôn mặt sưng húp.
Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu và triệu chứng của suy tuyến giáp gồm:
- Mệt mỏi;
- Tăng cân;
- Cảm giác lạnh;
- Da khô;
- Rụng tóc;
- Táo bón;
- Chậm phát triển.
Các dấu hiệu sớm gồm mệt mỏi và bướu cổ. Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp phải một số triệu chứng như thay đổi hành vi, kết quả học tập suy giảm và đau bụng không dứt. Các dấu hiệu trên sẽ càng dễ cho bố mẹ phỏng đoán bệnh suy giáp hơn nếu trong nhà có thành viên cũng mắc phải các vấn đề về tuyến giáp.
Chậm lớn cũng là dấu hiệu của bệnh suy tuyến giáp ở trẻ nhỏ nhưng tình trạng này thường không nghiêm trọng ở trẻ được 1-2 tuổi. Tuy nhiên, khả năng phát triển cơ thể và khả năng sinh sản của trẻ ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, trẻ bị suy giáp sẽ bước vào giai đoạn dậy thì muộn hơn cũng như trông nhỏ hơn so với tuổi thật của mình.
Suy tuyến giáp ở trẻ nhỏ có chữa được không?
Suy tuyến giáp ở trẻ nhỏ, kể cả suy giáp bẩm sinh không thể điều trị dứt điểm nhưng bạn đừng quá lo, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ vẫn có thể lớn lên khỏe mạnh.
Để điều trị suy tuyến giáp ở trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng hormone tuyến giáp tổng hợp Levothyroxine. Loại hormone tổng hợp này được điều chế thành dạng viên uống mỗi ngày và thường thì phải uống suốt đời. Nó có rất ít tác dụng phụ và nếu có thì thường là do dùng quá liều lượng.
Cần phải chờ ít nhất 6 – 8 tuần thì thuốc mới có tác dụng vì cơ thể trẻ phải có thời gian để điều chỉnh nồng độ của loại hormone mới. Sau đó, bác sĩ sẽ cho bé thực hiện lại các xét nghiệm máu. Nếu thuốc có hiệu quả, các xét nghiệm máu cho thấy nồng độ bình thường của TST và T4 tự do.
Bạn nên liên lạc với bác sĩ nếu con gặp phải các vấn đề như khó ngủ hoặc khó tập khi học. Đây có thể là các dấu hiệu cho thấy liều lượng hormone tuyến giáp điều trị hiện tại quá cao.
Liệu pháp hormone thay thế rất hiệu quả và an toàn khi điều trị tình trạng suy giáp. Bé chỉ cần uống thuốc đều đặn mỗi ngày một lần và đi khám bệnh thường xuyên thì có thể yên tâm sống một cuộc đời khỏe mạnh bình thường.
Biến chứng của bệnh suy giáp
Ở trẻ em, nếu nhược năng tuyến giáp sẽ dẫn đến:
- Bệnh tim mạch: Suy giáp có liên quan đến một số vấn đề tim mạch chủ yếu do sự gia tăng của lipoprotein (LDL) tỉ trọng thấp – một loại cholesterol có hại. Thậm chí ngay cả suy giáp cận lâm sàng, một dạng nhẹ hoặc giai đoạn đầu của suy giáp cũng có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu và giảm khả năng bơm máu của tim. Ngoài ra, suy giáp còn có thể dẫn đến suy tim hoặc tim nở lớn
- Sức khỏe tâm thần: trầm cảm có thể xuất hiện sớm đối với người mắc suy giáp và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Bệnh còn làm giảm tốc độ hoạt động của hệ thần kinh;
- Vô sinh: Lượng nội tiết tố thấp có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng từ đó làm giảm khả năng sinh sản. Một số nguyên nhân gây suy giáp ví dụ như rối loạn tự miễn cũng có khả năng làm năng nguy cơ này;
- Dị tật bẩm sinh: Tình trạng suy giảm ở trẻ sơ sinh nếu không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về phát triển thể chất và tâm thần. Nhưng nếu phát hiện kịp trong những tháng đầu, cơ hội trẻ phát triển bình thường là rất lớn
- Bướu cổ: Những kích thích liên tục để tuyến giáp tiết ra nhiều nội tiết tố hơn có thể làm cho cơ quan này trở nên lớn ra, gọi là bướu cổ. Viêm giáp Hashimoto là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bướu cổ. Mặc dù bệnh nhìn chung không nghiêm trọng, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến ngoại hình hoặc khó khăn cho việc thở và nuốt thức ăn.
Chẩn đoán tình trạng suy tuyến giáp ở trẻ nhỏ
Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm máu đơn giản để chẩn đoán suy tuyến giáp ở trẻ nhỏ, bao gồm định lượng các loại hormone do tuyến giáp và tuyến yên sản xuất, thông thường là hormone T4 tự do (có độ chính xác cao hơn so với định lượng toàn bộ T4) và TSH. Các xét nghiệm này thường không đắt tiền và phổ biến rộng rãi ở các cơ sở y tế.
Kết quả chẩn đoán suy giáp khi hormone kích thích tuyến giáp từ tuyến yên tăng cao (TSH) và nồng độ hormone T4 tự do (được tuyến giáp sản xuất) thấp. Nếu lượng TSH không đủ thì cả 2 loại hormone đo đều thấp. Giới hạn bình thường của hormone T4 tự do và TST khá khác nhau ở người lớn và trẻ em nên cần đưa ra kết quả chẩn đoán sau khi đã hội chẩn với bác sĩ nhi khoa về nội tiết.