Tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ trong thời điểm giao mùa là biện pháp hữu hiệu giúp trẻ vượt qua các bệnh hay gặp ở trẻ trong thời điểm giao mùa như viêm phế quản, cảm cúm, tiêu chảy, sốt virus…
Vì sao trẻ hay ốm khi giao mùa?
Thời điểm giao mùa là lúc nhiệt độ và độ ẩm không khí thay đổi đột ngột, cơ thể non nớt của trẻ không thể chống chọi được với những tác nhân bên ngoài và làm trẻ dễ bị bệnh. Vì vậy, đối với trẻ nhỏ, sức đề kháng đóng vai trò rất quan trọng. Nó là khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… Sức đề kháng yếu là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh này xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Trẻ thường mắc các bệnh đường hô hấp khi giao mùa
Khi mới sinh ra, trẻ được thừa hưởng sức đề kháng của mẹ truyền cho trong quá trình mang thai và qua sữa mẹ. Nhưng sức đề kháng này chỉ tồn tại trong cơ thể trẻ ở 6 tháng đầu đời, sau đó sẽ dần dần biến mất và chỉ còn một số ít tồn tại lâu dài.
Lúc này, cơ thể trẻ phải tự tạo ra sức đề kháng để chống chọi được với bệnh tật. Tuy nhiên, giống như các bộ phận khác trên cơ thể, hệ miễn dịch của trẻ cũng chưa hoàn thiện sẽ không đủ khả năng sản sinh ra đủ kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Vì vậy, cơ thể trẻ rất dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công và trẻ rất hay bị ốm.
Bên cạnh đó, do đường hô hấp của trẻ còn ngắn nên khi nhiệt độ thay đổi đột ngột chuyển từ nóng sang se lạnh, không khí vào đường thở không được sưởi ấm, vì vậy, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh đường hô hấp và dễ nhiễm vi khuẩn gây các bệnh viêm họng, viêm tai giữa, viêm phế quản…. với các triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi, khò khè, sốt, buồn nôn, tiêu chảy, đau họng….
Tăng sức đề kháng bằng cách nào?
Theo các chuyên gia y tế, tiêm phòng vaccine là một trong những biện pháp hoàn thiện hệ miễn dịch, giúp trẻ có sức đề kháng tự nhiên cần thiết để tự bảo vệ khi tiếc xúc với các tác nhân gây bệnh trong tương lại. Vì vậy, tiêm chủng đầy đủ cho trẻ là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh có thể áp dụng triệt để các biện pháp sau để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật cho trẻ:
Chế độ dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển nói chung của trẻ. Một chế độ ăn khoa học, hợp lý sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng và hoàn thiện hệ miễn dịch một cách tối ưu nhất.
Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời
Một trong những nguồn cung cấp kháng thể tốt nhất cho trẻ là sữa mẹ. Sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nâng cao hệ miễn dịch, giúp phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm phổi mà còn là nguồn cung cấp nước và các chất dinh dưỡng để trẻ phát triển toàn diện nhất. Vì vậy, mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.
Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên hoặc trẻ không được bú mẹ, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ các dưỡng chất, các vi chất tăng và các loại vitamin cần thiết như B1, B12, C, kẽm, đồng, acid folic … Nên cho trẻ ăn nhiều các thực phẩm như rau xanh, hoa quả và hạn chế các chất béo có nguồn gốc động vật.
Chế độ sinh hoạt
Cha mẹ cần cho trẻ ngủ đủ giấc, uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 1.500ml) và thường xuyên vuốt vẻ trẻ để cải thiện hệ tuần hoàn máu, giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Tập cho trẻ thói quen giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng tránh bệnh tật
Ngoài việc rèn luyện cho trẻ thói quen giữ vệ sinh sạch sẽ và rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cha mẹ luôn phải vệ sinh sạch sẽ nơi ở, đồ chơi của trẻ và không để trẻ mút tay hoặc bốc thức ăn.
Khuyến khích trẻ hoạt động thể lực thường xuyên và cho trẻ làm quen với môi trường bên ngoài. Việc này sẽ giúp trẻ có đề kháng tự nhiên tốt hơn do cơ thể đã được tập làm quen với những tác nhân gây hại trong môi trường. Đối với trẻ nhỏ, cần cho bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khoảng 15 phút mỗi ngày.
Đặc biệt, cha mẹ không nên tùy ý sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ vì có thể dẫn tới hiện tượng “nhờn” thuốc khiến trẻ dễ bị ốm và ốm lâu hơn.