Khúc xạ ở trẻ em là trạng thái khúc xạ động. Những yếu tố góp phần tạo nên tật khúc xạ là trục nhãn cầu, độ cong của giác mạc và công suất của thể thuỷ tinh, những yếu tố này trải qua biến đổi từ khi trẻ sinh ra cho đến khi trưởng thành. Kính được sử dụng cho trẻ em nhằm bốn mục đích: Để thị giác của trẻ phát triển bình thường; để nhìn rõ hơn; để vận dụng điều tiết và qui tụ; và để an toàn và bảo vệ mắt.
Khác với người lớn có nhiều nhu cầu thị giác hơn, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể sinh hoạt bình thường không cần điều chỉnh kính trong những trường hợp cận thị hoặc loạn thị từ nhẹ đến trung bình. Trẻ nhỏ có khả năng điều tiết lớn để vượt qua những trường hợp viễn thị cao (từ 4-5Điốp) Mà đối với trẻ lớn hoặc người lớn thì cần phải đeo kính để nhìn cho rõ.
Trẻ nhỏ có nguy cơ bị mất thị lực (nhược thị), nếu bị lệch khúc xạ hoặc tật khúc xạ nặng không được điều chỉnh kính sớm. Tật khúc xạ có khả năng xuất hiện nhược thị ở trẻ có nguy cơ (dưới 7-9 tuổi) như sau: cận thị từ -2 đến -3 Điốp (D), viễn thị từ +4 đến +5D. Lệch khúc xạ cận thị từ -2 đến -3D; lệch khúc xạ viễn thị từ +1 đến +1,5D, lệch khúc xạ loạn thị từ 1-2D.
Loạn thị cân đối ở 2 mắt tới +2,5D là thường xuyên ở trẻ nhỏ và giảm dần khi trẻ được 2 tuổi. Cho nên không cần đeo kính cho trẻ trong những trường hợp này, mà chỉ cần phải theo dõi. Trẻ trên 2 tuổi nếu loạn thị trên +2,5D là không bình thường, cần phải đeo kính để tránh nhược thị. Lệch khúc xạ loạn thị từ +1 đến +1,5D trở lên phải đeo kính ở bất kể tuổi nào.
Điều chỉnh tật khúc xạ do thị lực kém là vấn đề không phức tạp lắm. Nếu tật khúc xạ không ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ và không gây nhược thị thì không cần thiết phải đeo kính, chỉ cần theo dõi. Đeo kính cần thiết khi trẻ bắt đầu đến trường.
Nhiều trẻ trước tuổi đi học bị viễn thị từ +3 đến +4D vẫn cảm thấy bình thường, chỉ được phát hiện ra khi trẻ đi khám. Nếu thị lực nhìn xa và nhìn gần của trẻ bình thường và không bị lác mắt và không có phàn nàn gì về thị giác thì không cần phải đeo kính.
Trong những trường hợp cần phải đeo kính như đã nói trên, nếu chỉnh kính mà thị lực không đạt được tối đa hoặc tăng rất ít thì vẫn phải đeo kính, kể cả khi thị lực không gây cản trở cho trẻ. Ví dụ, một cháu bé 6 tuổi không có kính thị lực là 2/10, với kính chỉ đạt 3/10 cũng cần thiết phải đeo kính để điều trị nhược thị.
Đối với trẻ không còn thể thuỷ tinh cả 2 mắt có thể đeo kính. Trẻ không còn thể thuỷ tinh ở 1 mắt tốt nhất là sử dụng kính tiếp xúc.
Kính để điều chỉnh điều tiết trong trường hợp lác do điều tiết và bệnh nhân lác với tỉ số điều tiết và qui tụ cao. Nhóm này có thể lác trong hoặc lác ngoài. Trong trường hợp lác trong đeo kính viễn thị nhằm mục đích giảm điều tiết, trong trường hợp lác ngoài đeo kính cận để tăng điều tiết.
Với bệnh nhân viễn thị cao có thể có điều tiết qui tụ bình thường, và chỉ cần điều chỉnh viễn thị thôi cũng có thể loại trừ lác trong. Bệnh nhân với điều tiết qui tụ cao có độ lác trong lớn khi nhìn gần nên thường phải đeo kính 2 tròng để điều chỉnh lác. Những bệnh nhân này có thể viễn thị chính thị hoặc cận thị.