Theo thống kê, đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 266,1 triệu liều vaccine COVID-19; Trước diễn biến gia tăng ca mắc, Bộ Y tế đề nghị tập trung đẩy mạnh tiêm vaccine, tập trung ưu tiên bảo vệ nhóm nguy cơ cao dễ có nguy cơ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19.
Theo thống kê của đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Y tế, tổng số vaccine COVID-19 đã tiêm ở nước ta đến nay là 266.114.033 mũi.
Số mũi tiêm thực hiện trong ngày 19/4 là 4.420 mũi tiêm tại 14 tỉnh, thành phố, trong đó 3.506 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 914 mũi tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Như vậy, qua thống kê mấy ngày gần đây có thể thấy số mũi tiêm vaccine COVID-19 các ngày đều tăng lên so với tuần trước đó.
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Tiêm mũi 3: Tổng số có 52.065.575 mũi tiêm (81,7%) trong ngày có 11 tỉnh triển khai với 1.147 người được tiêm
5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (63,6%); Bình Định (65,5%); Đồng Nai (53,9%); Tây Ninh (65,7%); Đồng Tháp (60,7%).
3 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm cao: Nghệ An (100,1%); Lâm Đồng (102,8%); Sóc Trăng (100,7%).
- Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.744.679 mũi tiêm (88,6%), trong ngày có 11 tỉnh triển khai với 1.925 người được tiêm.
Nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.813.288 mũi tiêm (69,3%)
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Quảng Ngãi (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP. HCM (36,4%); Đồng Nai (43,1%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Lâm Đồng (111,3%); Sóc Trăng (103,5%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.636.638 mũi tiêm:
- Mũi 1: 10.205.919 mũi tiêm (92,4%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,6%); Hải Phòng (72,7%); Đà Nẵng (68,6%); TP Hồ Chí Minh (64,9%), Bà Rịa - Vũng Tàu (77%)
- Mũi 2: 8.430.719 mũi tiêm (76,4%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (57,4%); Đà Nẵng (37,4%); Quảng Nam (49,4%); TP HCM (41,7%), Bà Rịa - Vũng Tàu (53,1%).
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, ca mắc mới COVID-19 trong ngày 19/4 tại nước đã tăng lên 2.159 ca. Tương tự số bệnh nhân COVID-19 phải thở oxy cũng tăng lên 111 ca (ngày 18/4 là 102 ca).
Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, số ca COVID-19 nhập viện trong tháng từ 1-17/42023 là 223 ca tương đương với tổng số nhập viện của 3 tháng đầu năm 2023; đến thời điểm đó có 146 ca bệnh điều trị (trong đó 93% đã tiêm vaccine COVID-19) với tuổi trung bình là 61; riêng đối với các trường hợp mắcCOVID-19 có dấu hiệu nặng tại đây hầu hết đều mắc bệnh lý nền.
Trước diễn biến gia tăng của các ca mắc gia tăng liên tục trong thời gian gần đây, để dịch bệnh không ảnh hưởng đến cuộc sống, các địa phương cần rà soát lại đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai…) - đây là những trường hợp dễ có nguy cơ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19. Do đó, công tác tiêm vaccine COVID-19 hiện cũng nhắm đến bảo vệ các đối tượng nguy cơ cao.
Cùng với lưu ý các địa phương tăng cường công tác tiêm chủng để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu vaccine COVID-19 để tiêm 6 tháng cuối năm, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ.
"Mục tiêu của vaccine là giảm nặng, nhập viện, giảm tử vong. Tuy nhiên, các nghiên cứu về miễn dịch trên các đối tượng đã tiêm 1,2,3,4 mũi vaccine đến nay còn chưa đầy đủ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi trong thời gian tới. Chúng ta sẽ rà soát để làm thế nào có khuyến cáo kịp thời và đúng thời điểm"- GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết.
Liên quan đến công tác tiêm vaccine COVID-19, Sở Y tế Hà Nội vừa có quyết định phân bổ 17.850 liều vaccine AstraZeneca cho 30 quận, huyện, thị xã để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.
Tại TP HCM, Sở Y tế Thành phố thông báo xem xét kích hoạt trở lại "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" cần được đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Lý do là số ca mắc COVID-19 có dấu hiệu tăng nhẹ nhưng hầu hết tập trung ở người cao tuổi.
Viện Pasteur TP HCM vừa có văn bản gửi sở y tế 4 tỉnh, thành và 10 bệnh viện khu vực phía Nam đề nghị cho ý kiến về việc phối hợp triển khai dự án: "Đánh giá hiệu quả tiêm chủng vaccine tại Việt Nam".
Mục tiêu nhằm đánh giá hiệu quả của việc tiêm đầy đủ các mũi vaccine cơ bản và tăng cường trong phòng ngừa các ca COVID-19 từ 12 tuổi trở lên phải nhập viện hoặc tử vong tại Việt Nam.
Sức khỏe & Đời sống
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhận thêm nhiệm vụ mới
Theo quyết định về thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan làm Trưởng Ban Chỉ đạo thay bà Nguyễn Thị Kim Tiến
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định số 409/QĐ-TTg thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.
Theo quyết định, bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện thay bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện thay bà Nguyễn Thị Xuân Thu.
Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, làm Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện thay ông Nguyễn Viết Tiến.
Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện có nhiệm vụ lập kế hoạch và chỉ đạo triển khai công tác vận động hiến máu tình nguyện để bảo đảm máu cho nhu cầu điều trị, cứu chữa người bệnh trên toàn quốc; đề xuất, tham gia xây dựng các chính sách về vận động hiến máu tình nguyện; tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện; tổ chức các hoạt động cấp quốc gia và khu vực về vận động hiến máu tình nguyện; tổng kết, đánh giá, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật thông tin về hiến máu tình nguyện...
Những năm qua, hoạt động hiến máu ở nước ta đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự tham gia có hiệu quả của nhiều cơ quan, đơn vị và trở thành hành động thường xuyên của hàng vạn người dân trên mọi miền Tổ quốc.
Năm 2022, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu; tỉ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%; tỉ lệ dân số hiến máu đạt gần 1,5%. Năm 2023 cũng là năm có số lượng địa phương trong cả nước đăng ký tham gia tổ chức nhiều nhất với 48 tỉnh, thành phố.
Ban tổ chức đặt mục tiêu tiếp nhận tối thiểu khoảng 35.000 đơn vị máu trong ngày chính hội và tối thiểu 85.000 đơn vị máu tại các ngày hưởng ứng; cả chương trình đạt tối thiểu 120.000 đơn vị máu; huy động ít nhất 8.000 tình nguyện viên tại các địa phương là thanh thiếu niên Chữ thập Đỏ và người tình nguyện tham gia các hoạt động, sự kiện Hành trình Đỏ.
Báo Người lao động
Chuyên gia: Dịch Covid-19 chưa phải bất thường, không nên quá hoang mang
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân không nên hoang mang vì số ca Covid-19 gia tăng hiện nay chưa phải bất thường.
Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên cả nước vẫn đang tăng nhanh. Tính trong 6 ngày qua (từ ngày 14 đến 19-4), nước ta ghi nhận 6.986 ca mắc Covid-19, trung bình có gần 1.200 ca/ngày. Riêng ngày hôm qua (19-4), số ca mắc Covid-19 tăng vọt lên 2.159 ca - cao nhất trong hơn nửa năm qua.
Hiện có 628 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 331 người điều trị tại bệnh viện và 297 người theo dõi tại nhà.
PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện có rất nhiều người mắc Covid-19, có hoặc không có triệu chứng, tự test tại nhà. Thậm chí, nhiều người không xét nghiệm và không tới cơ sở y tế nên chưa có thống kê đầy đủ.
Theo ông Phu, nguyên nhân khiến dịch Covid-19 gia tăng thời gian gần đây có thể do miễn dịch của người sau tiêm vaccine hoặc từng nhiễm đã giảm. Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong khi người dân lơ là không đeo khẩu trang nên bệnh dễ dàng lây nhiễm…
Dù vậy, qua giám sát của cơ quan chuyên môn, hiện ở nước ta chưa xuất hiện các chủng virus mới mang độc lực cao. Các biến chủng được phát hiện đều trùng với những biến chủng đã ghi nhận trên thế giới.
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân không chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang vì số ca Covid-19 gia tăng hiện nay chưa phải bất thường. Quan trọng là các cơ quan chức năng phải chủ động trong công tác phòng, chống bệnh, còn người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh hơn nữa như tiêm vaccine, đeo khẩu trang…
Báo An ninh thủ đô
Các bệnh viện ‘xốc lại’ tinh thần phòng dịch
Dịch COVID-19 quay trở lại, với số mắc tăng cao; các cơ sở y tế là nơi nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh nên cần xiết lại chế độ phòng dịch, thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Phát hiện các ca mắc trong bệnh viện
Tại Bệnh viện Hữu nghị, nơi tiếp nhận chủ yếu bệnh nhân là người cao tuổi, những ngày gần đây đã ghi nhận tăng cao số ca mắc COVID-19. Khâu xét nghiệm sàng lọc tại Bệnh viện đã phát hiện nhiều ca mắc
BS. Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị cho biết: “Đa số các trường hợp mắc đều được phát hiện khi vào viện làm xét nghiệm mà trước đó không biết mình bị COVID-19. Khoa Cấp cứu là khoa “cửa ngõ” của Bệnh viện nên việc xét nghiệm sàng lọc nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch. Trong thời điểm dịch có xu hướng tăng trở lại, tất cả các bệnh nhân nhập viện đều được xét nghiệm nhanh; công tác này không chỉ giúp ngăn ngừa nguồn lây từ bên ngoài vào bệnh viện, mà còn để có phương án điều trị cho người bệnh tốt hơn”.
Về việc điều trị các ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện, BS. Nguyễn Đặng Khiêm cũng cho biết: Do bệnh nhân tại đây đa số là người cao tuổi nên có tới 60-70% các ca phát hiện mắc COVID-19 phải ở lại viện theo dõi và điều trị. Các trường hợp còn lại sẽ được đánh giá ban đầu, nếu tất cả các triệu chứng của người bệnh ổn định, bác sĩ có thể tư vấn và hướng dẫn bệnh nhân điều trị tại nhà, hướng dẫn điều trị qua đường dây nóng. Bệnh viện cũng cung cấp số điện thoại hotline để bệnh nhân có thể liên hệ khi cần.
Tại Bệnh viện K, tình hình dịch COVID-19 đang gia tăng, bệnh viện cũng tăng cường khuyến cáo tới người bệnh về các biện pháp phòng dịch khi tới cơ sở y tế để thực hiện.
Bệnh viện tăng cường khuyến cáo cán bộ y tế, người bệnh và người nhà người bệnh chủ động giữ gìn, bảo vệ sức khoẻ, phòng ngừa dịch bệnh nhưng cũng cần nắm bắt thông tin chính xác do Bộ Y tế cung cấp, thực hiện các phương án phòng chống dịch bệnh và áp dụng đúng cách, hiệu quả, tránh hoang mang, lo lắng.
Cụ thể, người bệnh và người nhà chủ động chuẩn bị, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay theo hướng dẫn đã được Bệnh viện bố trí tại các điểm vệ sinh. Khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện K, Bệnh viện hạn chế tối thiểu số lượng người nhà đi cùng (khuyến cáo chỉ 1- 2 người nhà). Bệnh viện khuyến khích người bệnh đăng ký khám trước qua ứng dụng "Bệnh viện K" trên điện thoại để tránh tập trung quá đông người.
Bệnh viện cũng đề nghị người bệnh phối hợp cung cấp thông tin ngay đến cán bộ y tế về tình hình sức khoẻ, như các triệu chứng hô hấp, ho, sốt…; hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp, tránh tập trung chỗ đông người, thực hiện các xét nghiệm theo đúng giờ hẹn trên phiếu.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, là tuyến đầu chống dịch của Hà Nội, những ngày gần đây, Bệnh viện cũng liên tục tiếp nhận và điều trị các ca mắc COVID-19.
Để đáp ứng công tác chăm sóc và điều trị khi số lượng bệnh nhân COVID-19 gia tăng, Bệnh viện đã dự trù cơ số thuốc, trang thiết bị y tế. Đặc biệt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 luôn được Bệnh viện duy trì và sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống.
Hiện Bệnh viện vẫn bố trí phòng khám, xét nghiệm sàng lọc và điều trị riêng bệnh nhân COVID-19 tại Khoa truyền nhiễm.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết: “Bệnh viện luôn sẵn sàng chuẩn bị cơ số giường nhất định cho điều trị bệnh nhân COVID-19 và thuốc men như: Thuốc giãn cơ, thuốc chống đông… Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị như: Máy thở, máy lọc máu… đáp ứng trường hợp nếu xảy ra tình trạng có nhiều bệnh nhân mắc COVID-19, Bệnh viện cùng các nhân viên y tế sẵn sàng vào cuộc phòng chống dịch bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân”.
Chủ động, không chủ quan
Nhận định về các ca bệnh trong đợt dịch này, BS. Nguyễn Đặng Khiêm cho biết: Các ca mắc được ghi nhận tại Bệnh viện chủ yếu có các triệu chứng như: Đau mỏi người, đau đầu, sốt, ho… một số bệnh nhân có triệu chứng khó thở. Đa phần, bệnh nhân có triệu chứng 1- 2 ngày tại nhà mới vào viện, do vậy, virus có thể đã lây lan sang người xung quanh.
“Việc phát hiện các ca nhiễm mới tại cộng đồng là dấu hiệu cảnh báo có thể sẽ bùng phát một đợt dịch mới. Tuy người dân đã có miễn dịch từ vaccine và các lần mắc bệnh trước đó nhưng trước diễn biến dịch lần này, các đối tượng bị suy giảm miễn dịch, người già yếu và có nhiều bệnh nền cần được quan tâm”, BS Khiêm khuyến cáo.
Để đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như: Phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi; bệnh nhân trong các khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật… Đồng thời các cơ sở y tế cũng tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch.
Đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ COVID-19 nằm tại các Bệnh viện, khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ COVID-19, cần khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc COVID-19, tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng.
Báo Tin tức
10 bệnh viện của 4 tỉnh thành phía Nam sẽ đánh giá hiệu quả tiêm vaccine COVID-19 ở Việt Nam
Dự án "Đánh giá hiệu quả tiêm chủng vaccine tại Việt Nam" sẽ được khảo sát tại 10 bệnh viện của 4 tỉnh thành là TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngày 19/4, Viện Pasteur TP.HCM có văn bản gửi Sở y tế 4 tỉnh, thành và 10 bệnh viện khu vực phía Nam đề nghị cho ý kiến về việc phối hợp triển khai dự án: "Đánh giá hiệu quả tiêm chủng vaccine tại Việt Nam".
Mục tiêu của dự án nhằm đánh giá hiệu quả của việc tiêm đầy đủ các mũi vaccine cơ bản và tăng cường trong phòng ngừa các ca COVID-19 từ 12 tuổi trở lên phải nhập viện hoặc tử vong tại Việt Nam.
Theo đó, 4 tỉnh thành gồm: TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
10 bệnh viện gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa thị xã Tân Uyên; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, Bệnh viện Đa khoa huyện Bến Cầu, Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu.
Theo đó, tổng số lượng đối tượng tại tất cả các điểm tham gia khảo sát bệnh chứng xét nghiệm âm tính (test-negative case-control) là 2.800 ca COVID-19 nằm viện và tuyển 3.200 ca chứng.
Bệnh nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định ca bệnh bằng xét nghiệm realtime RT-PCR và giải trình tự gene xác định biến thể của SARS-CoV-2.
Được biết, dự án này đưa ra lấy ý kiến trong bối cảnh số ca COVID-19 có chiều hướng gia tăng trở lại tại nhiều tỉnh, thành trong đó có TP.HCM. Từ ngày 10-16/4, TP.HCM ghi nhận 33 ca mắc COVID-19, riêng ngày 15/4 hệ thống ghi nhận 12 ca bệnh, tăng hơn 6 lần so với trung bình bốn tuần trước.
Báo Sức khỏe & Đời sống