Theo công văn mới nhất ngày 17/4, gửi các cấp chức năng, Bộ Y tế phân tích tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số ca mắc trong những ngày qua có xu hướng tăng. Đặc biệt, kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương tới đây là dịp người dân đi lại nhiều, lượng du khách tăng cao, ca mắc Covid-19 nguy cơ gia tăng trở lại.
Chưa phát hiện biến thể SARS-CoV-2 mới
Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.532.103 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 116.541 ca nhiễm).
Tại Hà Nội, báo cáo của Sở Y tế cho thấy, trung bình 30-50 ca nhiễm phải nhập viện mỗi ngày. Trong số người nhiễm cần chăm sóc y tế, phần lớn là người cao tuổi, có bệnh lý nền, tỷ lệ trẻ em chỉ chiếm 2-6%. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong số 100 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện, có 20 ca nặng phải hồi sức tích cực, triệu chứng ban đầu không đổi, chưa rõ độc lực virus. "Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi về độc lực của virus đợt này, triệu chứng ban đầu của các ca nhiễm mới không thay đổi so với trước, chủ yếu là ho, sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ thể"-bác sĩ Phúc nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không có đột biến, tuy nhiên không nên chủ quan. Bà Hà cho hay, năm nay, thời tiết nồm ẩm kéo dài đã tác động đến sự gia tăng ca bệnh. Trong ngày 18/4, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản về công tác phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng tình hình hiện nay.
Tương tự tại TP Hồ Chí Minh, số ca mắc mới Covid-19 gần đây đang có xu hướng tăng. Theo báo cáo của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố tiến hành giải trình tự gene SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân dương tính trong giai đoạn từ ngày 11/1/2023 đến 20/3/2023, có năm mẫu được giải mã thành công. Trong số này, có hai chủng thuộc biến thể phụ BA.5; một mẫu BA.2.75; một mẫu XBB.1 và một mẫu XBB.1.5. XBB.1.5 đã được phát hiện tại 94 quốc gia. Các dữ liệu phân tích hiện nay cho thấy không có đánh giá nào về mức độ nghiêm trọng hơn đối với các biến thể đang lưu hành.
Rút kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 của năm 2021, năm nay ngành y tế TP Hồ Chí Minh chủ động các phương án, lên kịch bản ngăn chặn Covid-19 bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thành phố tăng cường hoạt động phòng, chống dịch tại các cửa khẩu hàng không, cảng biển; giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca mắc bệnh, chùm ca viêm hô hấp.
Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, hiện chưa có thông tin về việc phát hiện biến thể SARS-CoV-2 mới. Công tác giải trình tự gene virus này vẫn được triển khai. Đến nay, biến thể Omicron của SARS-CoV-2 đã xuất hiện và tồn tại được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau, chiếm ưu thế và lưu hành ở hầu hết các nơi trên thế giới.
Vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả
Ngày 17/4, trước diễn biến gia tăng ca mắc Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca Covid-19 nặng, gửi xét nghiệm giải trình tự gene. Đồng thời triển khai Nghị quyết số 30/NQ-CP và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho công tác điều trị nói chung và điều trị Covid-19.
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, dịch Covid-19 đang gia tăng trở lại vì sau một thời gian tiêm vaccine, miễn dịch cộng đồng giảm. Cùng với đó, miễn dịch của người đã nhiễm Covid-19 cũng giảm nên đối tượng này tiếp tục có nguy cơ mắc lại. Thời gian sắp tới, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5, nếu người dân chủ quan không có các biện pháp phòng vệ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn thì số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng. "Nên duy trì nguyên tắc 2K (khẩu trang, khử khuẩn) để không chỉ phòng Covid-19 mà còn các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B. Với ngành y tế, cần đánh giá về các chủng virus mới, khả năng phòng bệnh của vaccine để khuyến cáo người dân và có biện pháp đáp ứng phù hợp, không bị động", ông Phu nhấn mạnh.
GS, TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng đưa ra nhận định: Dịch có thể đi theo kịch bản dù có các biến thể phụ nhưng vẫn ổn định, tiến tới có thể trở thành bệnh, có thể gây tử vong cho người có nguy cơ cao nhưng không làm xáo trộn xã hội. Để không ảnh hưởng đến cuộc sống, cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu... Đến nay, Bộ Y tế chưa thay đổi khuyến cáo về tiêm vaccine Covid-19. "Vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả, tăng miễn dịch với biến chủng Omicron, ngăn nguy cơ bệnh diễn biến nặng và tử vong. Khuyến cáo những người có nguy cơ cao nên đeo khẩu trang để phòng bệnh khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng"-GS Lân cho hay.
Báo Nhân dân
Người Hà Nội gác lại công việc đi tiêm vaccine COVID-19
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, thành phố đang tổ chức các điểm tiêm tập trung vaccine COVID-19, với hơn 16.000 liều vaccine Astrazeneca mới được phân bổ.
Trước diễn biến dịch COVID-19 gia tăng đột biến thời gian qua, Hà Nội và các địa phương trên cả nước tăng cường vận động người dân tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Sáng 21/4, tại điểm tiêm chủng tập trung ở phường Phú Đô, có khoảng 100 người tới đăng ký, khám sàng lọc và được tiêm vaccine COVID-19.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, thành phố đang tổ chức các điểm tiêm tập trung vaccine COVID-19, với hơn 16.000 liều vaccine Astrazeneca mới được phân bổ.
Chị Nguyễn Thị Hiền (ở phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sáng 21/4, chị có lịch đi làm nhưng vẫn phải sắp xếp thời gian để tiêm vaccine COVID-19. Chị Hiền chia sẻ, chị mới sinh em bé và đã tiêm 2 mũi vaccine: "Mình đến lịch tiêm mũi 3 và khi thấy dịch bùng lại nên mình đi tiêm để bảo vệ bản thân, cũng như người thân trong gia đình. Trong nhà mình, mọi người đều đã tiêm đủ 3-4 mũi vaccine"
Cũng tại điểm tiêm phường Phú Đô, ông Đào Văn Thắng (75 tuổi, ở phường Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ông đã mắc COVID-19 năm 2022, với các triệu chứng khó thở mệt và sốt cao. Sau đó, ông Thắng đã tiêm 2 mũi vaccine và sức khoẻ đã cải thiện hơn: "Tôi có bệnh nền, nên tự ý thức đi tiêm vaccine để bảo vệ bản thân".
Theo ghi nhận tại điểm tiêm phường Phú Đô, rất nhiều bạn trẻ đến đăng ký tiêm đợt này khi thấy dịch tăng cao và diễn biến phức tạp.
Theo BS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, trong giai đoạn dịch đang gia tăng hiện nay và sau thời gian dài tiêm vaccine hiệu quả bảo vệ cũng thuyên giảm, người dân đều có hiểu biết và có ý thức chủ động phòng, chống dịch. Do vậy, việc tuyên truyền tiêm vaccine được người dân rất hưởng ứng.
Sau khi nhận được vaccine phân bổ, các địa bàn trên toàn thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều điểm tiêm tập trung. "Theo đó, người dân ở các khu vực lân cận không thuộc địa bàn quận hay phường đều có thể đến tiêm vaccine thuận lợi. Điều này cũng giúp sử dụng hiệu quả, không lãng phí vaccine" - BS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm nói.
BS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết tại các điểm tiêm tập trung trên địa bàn quận, người dân đến tiêm đông và rất hợp tác với các nhân viên y tế trong quá trình tiêm vaccine COVID-19, cũng như theo dõi sau tiêm.
Trong sáng 21/4, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Vũ Thu Hà đã tới thị sát tại các điểm tiêm tập trung trên địa bàn thành phố. Bà Hà đã hỏi thăm người dân đi tiêm đồng thời động viên các nhân viên y tế trong đợt tiêm này.
Báo điện tử VOV
Tăng cường hợp tác với các đối tác y tế, bảo vệ sức khỏe người dân
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, ngành y tế Việt Nam đã nhận được nhiều hỗ trợ, hợp tác từ các đối tác và bạn bè quốc tế, góp phần to lớn vào thành công trong công tác kiểm soát dịch bệnh.
Ngày 21/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Cuộc họp nhóm Đối tác y tế dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh cuộc họp có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các quốc gia trên thế giới và Việt Nam trong 3 năm qua đã cùng ứng phó với COVID-19 và các dịch bệnh khác; khắc phục hệ quả của đại dịch và tiếp tục phát triển hướng đến tương lai.
Quá trình phòng, chống COVID-19 đã góp phần tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của hệ thống y tế, tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong giải quyết ứng phó với đại dịch nói riêng, các vấn đề sức khỏe toàn cầu nói chung.
Ngành y tế Việt Nam đã nhận được nhiều hỗ trợ, hợp tác từ các đối tác và bạn bè quốc tế, góp phần to lớn vào thành công trong công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân Việt Nam.
Bộ Y tế trân trọng, đánh giá cao và mong rằng quan hệ hợp tác đối tác ngày càng phát triển sâu rộng và bền chặt hơn nữa.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ năm 2022, dù có nhiều khó khăn, thách thức, ngành y tế đã đạt được kết quả nhất định trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Toàn ngành đã thực hiện vượt và đạt 13/16 chỉ tiêu do Quốc hội, Chính phủ giao.
Các vấn đề về xây dựng thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện; dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành và mới nổi được kiểm soát, kịp thời chuyển hướng, thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Hiệu quả và chất lượng công tác khám chữa bệnh được ngành y tế tăng cường; từng bước khắc phục tồn tại, phát triển mạng lưới cơ sở, đào tạo nhân lực y tế, xây dựng chuẩn năng lực và chương trình đào tạo, chính sách với nhân viên y tế trong đó có y tế cơ sở; đổi mới công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong y tế, bảo hiểm, tài chính y tế...
Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới sau đại dịch, nhiều tồn tại và thách thức, ngành y tế vẫn kiên trì hướng đến mục tiêu chung là phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh.
Toàn ngành sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, dự án luật, văn bản dưới luật để tạo hành lang pháp lý; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành (hướng dẫn triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh, vấn đề thiếu thuốc, gói dịch vụ y tế…).
Ngành nâng cao năng lực quản trị bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất các chính sách nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế.
Đồng thời, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội.
Ngành chú trọng đào tạo nhân lực ngành y tế; khắc phục hệ quả và tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Dựa trên mục tiêu chung, ngành y tế sẽ cụ thể hóa thành các ưu tiên với các lĩnh vực cụ thể để triển khai thực hiện trong năm 2023 tiến tới hoàn thành kế hoạch 5 năm ngành y tế.
Tại cuộc họp, các đại biểu đến từ các nhóm đối tác y tế, tổ chức phi chính phủ quốc tế đã cùng thảo luận, trao đổi về những vấn liên quan đến lĩnh vực y tế; phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, già hóa dân số, y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe thích ứng với biến đổi khí hậu, tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch.