Theo bác sĩ Nguyễn Văn Long, số trẻ đi khám vì bệnh truyền nhiễm như Covid-19, RSV, cúm A, tay chân miệng... tăng nhưng đa phần ở tình trạng nhẹ, 10-15% bệnh nhi phải nhập viện.
Theo ghi nhận của Zing, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, hiện nay, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 80-100 bệnh nhi tới khám vì các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, 10-15% trong số này phải nhập viện. Tuy nhiên, con số đang có dấu hiệu đi ngang, không tăng đột biến.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Long, khoa Nhi Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Lây, cho biết bệnh nhi nhập viện vì các bệnh như Covid-19, cúm A, RSV, chân tay miệng, thủy đậu, rota virus... Số trẻ mắc bệnh liên quan đường hô hấp vẫn chiếm nhiều nhất. Các bệnh như tay chân miệng, thủy đậu số lượng ít hơn, chỉ có một vài ca.
Theo bác sĩ Long, những trẻ phải nhập viện đa số ở mức độ trung bình nặng. Bởi trường hợp nhẹ sẽ được cho điều trị tại nhà. Tuy vậy, các phòng bệnh ở đơn vị này đều đã kín giường.
Chị Nguyễn Bích Hải (27 tuổi, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) đang mang bầu ở tuần thứ 25 nhưng vẫn phải vào viện chăm con 18 tháng tuổi bị cúm A, biến chứng viêm phổi. Trước khi vào viện, bé có biểu hiện sốt cao không hạ. Bà mẹ trẻ cũng rất lo bị lây cúm A từ con vì đang mang thai nhưng không có cách nào khác bởi ông bà đã cao tuổi, có bệnh nền, còn chồng bận đi làm.
Nằm cùng phòng với con chị Hải, bé Hoàng Minh Khang (4 tuổi, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội) cũng điều trị vì mắc cúm A 10 ngày chưa khỏi bệnh. Trẻ mệt, không ăn uống được khiến chị Phạm Thị Tơ (37 tuổi, mẹ bé Khang) rất lo lắng. "Hai tháng gần đây, huyện tôi rất nhiều người mắc cúm A, trẻ con hay người lớn đều bị", chị Tơ nói.
Còn con chị Xuyên (trú tại Liên Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội) 19 tháng tuổi, bị chân tay miệng, đã nhập viện 4 ngày. Ban đầu, trẻ chỉ có một nốt ở miệng, sau đó lan rộng hơn nên chị cho con đi khám. "Bé ăn uống kém, quấy khóc nhiều về đêm nên cả mẹ và con đều rất mệt mỏi. Nhà tôi có 5 trẻ cùng sống chung trong một gia đình, rất dễ lây cho nhau. Hai bé khác sống cùng nhà cũng đang phải điều trị vì mắc chân tay miệng ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Gia đình phải nghỉ việc, chia nhau chăm sóc các con", chị Xuyên chia sẻ.
Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các bệnh nhi mắc Covid-19 được cách ly, điều trị trong khu vực riêng. Bác sĩ Nguyễn Văn Long cho hay đơn vị này đang điều trị cho khoảng 20 trẻ mắc Covid-19.
Đa phần trẻ trong tình trạng nhẹ, thuộc đối tượng chưa tiêm phòng, có bệnh nền (sơ sinh, đẻ non, tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng)... nên rất dễ bị lây nhiễm bệnh. "Bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên, so với đợt Covid-19 trước, chúng tôi chưa ghi nhận nhiều ca bệnh nặng", bác sĩ Long cho hay.
Bệnh nhi nhỏ nhất tại đơn nguyên này mới 4 ngày tuổi, hiện sức khỏe ổn định. Trẻ vẫn được theo dõi sát vì sức đề kháng kém.
Vị chuyên gia cho rằng số ca mắc tăng nguyên nhân có thể từ thay đổi thời tiết, người dân lơ là hơn trong việc phòng, chống dịch khiến bệnh lây lan nhanh. Trẻ đa số phát hiện sớm, được test ngay sau khi có triệu chứng. Triệu chứng bệnh cũng không có sự thay đổi so với trước đây, ở trẻ nhỏ vẫn là ho, sốt, đau rát họng...
Theo bác sĩ Long, trẻ nhập viện khi đã nặng đa phần do tâm lý chủ quan của cha mẹ, nghĩ rằng bệnh của con không nghiêm trọng, tự ý sử dụng thuốc. Trong thời gian này, bác sĩ khuyến cáo người dân nên lưu ý hơn trong việc phòng chống các loại dịch bệnh, tuân thủ nguyên tắc 2K như hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, phụ huynh chú ý cho trẻ tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vaccine.
Báo điện tử Zingnews
Nhiều bệnh nhân được quỹ bảo hiểm y tế chi trả kinh phí khám, chữa bệnh tiền tỷ
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến ngày 20/4, có 40,4 triệu lượt người đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng tới 12,7 triệu lượt (45,9%) so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số tiền đề nghị bảo hiểm thanh toán hơn 3 tháng đầu năm là 26.976,3 tỷ đồng, tăng 7.697,3 tỷ đồng (39,9%) so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2022, số người đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 150,6 triệu lượt, tăng 24,1 triệu lượt (19%), với số tiền đề nghị cơ quan bảo hiểm thanh toán là 106.682,2 tỷ đồng, tăng 18.874,5 tỷ đồng (21,5%) so với năm 2021.
Cũng trong năm ngoái, toàn quốc có 64 người bệnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám, chữa bệnh trên 1 tỷ đồng. Quý I/2023 có 99 người bệnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám, chữa bệnh trên 500 triệu đồng (trong đó, có 8 người bệnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám, chữa bệnh trên 1 tỷ đồng). Trong số này, có nhiều bệnh nhân là trẻ em.
Đáng chú ý, trường hợp bệnh nhân có mã thẻ TE1262621XXXXXX, sinh năm 2018, trú tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn khác của chuyển hóa carbohydrat” được hưởng mức chi trả cao nhất, lên tới 4,1 tỷ đồng.
Tiếp đến là bệnh nhân có mã thẻ TE1424217XXXXXX, sinh năm 2017, trú tại xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn chuyển hóa tyrosine”, được quỹ bảo hiểm y tế chi trả trên 3,5 tỷ đồng.
Trường hợp người bệnh mã thẻ TE1343422XXXXXX, sinh năm 2017, trú tại tổ 15, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình cũng đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả gần 3,5 tỷ đồng khi điều trị bệnh “Rối loạn chuyển hoá Glycogen typ 2 (Bệnh Pompe)”.
Một bệnh nhân khác sinh năm 2018, trú tại thôn Bình An, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang có mã thẻ TE1242422XXXXXX, mắc bệnh “Tích lũy glycogen” đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả gần 3,1 tỷ đồng.
Báo Tin tức
Nguy hiểm khi đồng nhiễm Covid-19 và bệnh giao mùa
Số ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng. Cùng với đó, bệnh nhân nặng, phải thở ô xy cũng tăng lên. Và sau gần 4 tháng không ghi nhận ca tử vong, tại Hà Nội vừa có 1 bệnh nhân tử vong do Covid-19.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu người bệnh đồng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 với cúm hay viêm phổi và các bệnh đường hô hấp khác trong thời điểm giao mùa như hiện nay có thể gây khó khăn trong công tác điều trị, nguy cơ tử vong tăng cao.
Nguy cơ phải thở máy khi nhiễm Covid-19 cùng cúm
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu tháng 4-2023 đến nay, số ca mắc mới Covid-19 và bệnh nhân nặng phải nhập viện dù vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng có chiều hướng gia tăng.
Cụ thể, trong 7 ngày qua (từ ngày 16-4 đến 22-4), cả nước ghi nhận hơn 12.500 ca mắc Covid-19 mới, trung bình khoảng 1.800 ca/ngày. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 cho đến nay. Điều đáng nói, trong 2 ngày 21 và 22-4, số lượng bệnh nhân nặng, phải thở ô xy cũng tăng lên hơn 120 ca/ngày.
Trước thực tế trên, các chuyên gia y tế lo ngại, trong bối cảnh các dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác như cúm, viêm phổi do phế cầu khuẩn, ho gà... có diễn biến phức tạp trong thời điểm giao mùa như hiện nay thì nguy cơ đồng nhiễm cùng lúc Covid-19 là rất lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thành phố Hồ Chí Minh) cảnh báo, việc mắc Covid-19 hoặc có di chứng hậu Covid-19 đồng thời mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác có khả năng làm cho bệnh diễn tiến nặng, gây khó khăn trong điều trị và kéo theo nguy cơ tử vong.
Nghiên cứu của Tập đoàn Dược phẩm Pfizer kết hợp với các trường Đại học và Viện Nghiên cứu tại Hàn Quốc tiến hành trong đại dịch Covid-19 cũng cho thấy, bệnh nhân Covid-19 bị đồng nhiễm vi khuẩn có nguy cơ tử vong gấp gần 6 lần so với bệnh nhân chỉ mắc Covid-19. Ngoài ra, 24% bệnh nhân Covid-19 bị bội nhiễm mắc bệnh nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn.
Theo nghiên cứu mới đăng tải vào cuối tháng 3-2023 trên tạp chí y khoa Lancet, người trưởng thành nhập viện nhiễm đồng thời vi rút SARS-CoV-2 và vi rút cúm có nguy cơ bị bệnh nặng phải thở máy cao gấp 4 lần và nguy cơ tử vong cao hơn 2,4 lần so với các bệnh nhân chỉ nhiễm SARS-CoV-2 hoặc nhiễm một trong số các loại vi rút khác.
Tiêm vắc xin tăng khả năng bảo vệ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nguy hiểm cùng với nhiều bệnh truyền nhiễm khác luôn rình rập tấn công, các chuyên gia nhấn mạnh về sự cần thiết tiêm vắc xin cho người có bệnh lý nền như: Tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn…
Các loại vắc xin được khuyến cáo ưu tiên tiêm trong bối cảnh hiện nay, gồm: Covid-19, cúm mùa, Prevenar 13 phòng các bệnh do phế cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván… Đây là những vắc xin được chứng minh tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, tránh đồng nhiễm nhiều bệnh cùng Covid-19.
TS Đặng Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho rằng, đối với các biến thể của vi rút SARS-Cov-2, vắc xin phòng Covid-19 hiện vẫn còn có hiệu quả trong phòng bệnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm các liều nhắc lại tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh. Do đó, người dân cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ nguyên tắc bảo vệ cho mình và người khác tại nơi công cộng bằng cách đeo khẩu trang và khử khuẩn thường xuyên.
Cùng với vắc xin Covid-19, theo bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, người dân cần tiêm vắc xin cúm. Loại vắc xin này không chỉ phòng cúm hiệu quả từ 70-90%, giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc, tránh nguy cơ đồng nhiễm vi rút, vi khuẩn khác. Một mũi vắc xin cúm có thể giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và 68% tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi, 15-45% nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp, 46% nguy cơ hen cấp, 58% ở bệnh nhân đái tháo đường.
Còn với vắc xin phòng vi khuẩn phế cầu, nhiều nghiên cứu cho thấy, người lớn tuổi được tiêm vắc xin phế cầu có nguy cơ nhiễm Covid-19 thấp hơn 35% so với người lớn không được tiêm chủng. Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng khác với trẻ em và người lớn cho thấy, vắc xin phế cầu có khả năng bảo vệ từ 23-49% chống lại các vi rút hô hấp liên quan đến viêm phổi, bao gồm cả vi rút SARS-CoV-2 ở người. Đặc biệt, người trên 65 tuổi đã tiêm vắc xin phế cầu Prevenar 13 giúp giảm 32% nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19.
“Các vắc xin có thành phần phòng bệnh ho gà (như bạch hầu - ho gà - uốn ván) cũng được chứng minh có khả năng tạo “miễn dịch chéo” với Covid-19 nhờ thành phần epitope giống nhau tạo ra các phản ứng chéo, phòng biến chứng nguy hiểm của Covid-19”, bác sĩ Bạch Thị Chính thông tin.
Ngoài ra, theo bác sĩ Bạch Thị Chính, vắc xin cúm thế hệ mới và các vắc xin như “5 trong 1”, “6 trong 1”, vắc xin Quimi-Hib ngừa vi khuẩn Hib, vắc xin Boostrix và Adacel ngừa ho gà - bạch hầu - uốn ván cũng có thể phòng viêm phổi và biến chứng nguy hiểm của viêm phổi.
Mới đây, WHO đưa ra lưu ý, SARS-CoV-2 sẽ không bị loại bỏ và giống như bệnh cúm, vi rút này sẽ vẫn gây ra bệnh hô hấp nghiêm trọng ở những người dễ bị tổn thương. Do đó, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, mục tiêu của Việt Nam là giảm tỷ lệ nhập viện, giảm bệnh nhân nặng và tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế và giữ vững thành quả chống dịch. Người dân cần tiêm chủng đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là với nhóm nguy cơ cao.
Báo Hà Nội mới
Siết chặt phòng dịch tại bệnh viện
Trước tình hình số ca mắc Covid-19 gia tăng, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được các cơ sở y tế, bệnh viện siết chặt, nghiêm ngặt hơn và sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống.
Sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống
Nhằm đáp ứng công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã dự trù cơ số thuốc, trang thiết bị y tế. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, thời gian qua, số lượng bệnh nhân Covid-19 dương tính có tăng nhưng bệnh nhân nặng không tăng. Hiện bệnh viện luôn sẵn sàng chuẩn bị cơ số giường nhất định cho điều trị bệnh nhân Covid-19 và thuốc men như giãn cơ, chống đông…
Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị như máy thở, lọc máu đáp ứng trường hợp nếu xảy ra tình trạng có nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 thì bệnh viện cùng các nhân viên y tế sẵn sàng vào cuộc, chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân.
Trong khi đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thông tin, hiện đang là thời tiết giao mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, nhiều người lơ là không đeo khẩu trang rất dễ lây nhiễm bệnh. Hơn nữa, virus chưa mất đi mà vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng.
“So với người bình thường, hệ thống miễn dịch của người mang thai dễ bị tổn thương hơn nếu nhiễm phải virus lây bệnh đường hô hấp. Người mang thai nhiễm Covid-19 dễ chuyển biến nặng hơn so với người không mang thai, tăng nguy cơ phải thở máy, chạy ECMO, dùng kháng sinh liều cao… thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Thai nhi có nguy cơ sinh non, nguy cơ lây nhiễm” - đại diện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cảnh báo.
Do đó, bệnh viện khuyến cáo, bên cạnh việc tiêm vaccine phòng Covid-19, người mang thai cần thực hiện quy tắc 2K, duy trì lối sống khoa học và có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng. Tuy nhiên, nếu chẳng may bị nhiễm Covid-19 dù đã thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, người mang thai không nên hoảng sợ mà cần tuân thủ điều trị Covid-19 theo đúng phác đồ bác sĩ chỉ định.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, đa số các trường hợp mắc đều được phát hiện khi vào viện làm xét nghiệm mà trước đó không biết mình bị Covid-19. Trong thời điểm dịch có xu hướng tăng trở lại, tất cả bệnh nhân nhập viện đều được xét nghiệm nhanh.
Công tác này không chỉ giúp ngăn ngừa nguồn lây từ bên ngoài vào bệnh viện, mà còn để có phương án điều trị cho người bệnh tốt hơn.
Tuân thủ biện pháp phòng ngừa
Hiện các bệnh nhân vào Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô đa số là người cao tuổi, có bệnh nền. Do vậy, khoảng 60 - 70% là phải ở lại viện theo dõi và điều trị. Khoảng 30% bệnh nhân còn lại, sau khi được đánh giá ban đầu, nếu tất cả các triệu chứng ổn định, bác sĩ có thể tư vấn, hướng dẫn điều trị tại nhà hoặc qua đường dây nóng. Bệnh viện đã cung cấp số hotline để bệnh nhân có thể liên hệ khi cần.
Nhận định về các ca Covid-19 đợt này, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm thông tin, các ca mắc khi đến khám tại bệnh viện chủ yếu có các triệu chứng như: đau mỏi người, đau đầu, sốt, ho… Một số bệnh nhân có triệu chứng khó thở. Đa phần, bệnh nhân có triệu chứng 1 - 2 ngày tại nhà mới vào viện, do vậy, virus có thể đã lây lan sang người xung quanh.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang gia tăng, Bệnh viện K cũng đã khuyến cáo cán bộ y tế, người bệnh và người nhà chủ động giữ gìn, bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh nhưng cũng cần nắm bắt thông tin chính xác do Bộ Y tế cung cấp, tránh hoang mang, lo lắng. Qua đó, Bệnh viện K khuyến cáo, người bệnh và người nhà chủ động chuẩn bị, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay đúng cách. Khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện K, người bệnh cần hạn chế tối thiểu số lượng người nhà đi cùng. Bệnh viện khuyến cáo nên đăng ký khám trước qua ứng dụng trên điện thoại với tên "Bệnh viện K".
Bệnh viện cũng đề nghị người bệnh phối hợp cung cấp thông tin ngay đến cán bộ y tế về tình hình sức khỏe như các triệu chứng hô hấp, ho, sốt…. Hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp, tránh tập trung chỗ đông người, thực hiện các xét nghiệm theo đúng giờ hẹn trên phiếu.
Báo Kinh tế & Đô thị