Trước bối cảnh số ca Covid-19 trên địa bàn tăng, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng theo hướng dẫn ngày 6/9/2022 của Bộ Y tế.
Cụ thể, quy định hướng dẫn sử dụng khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi cộng cộng như sau:
Bắt buộc phải sử dụng khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19.
Những người sau đây bắt buộc phải sử dụng khẩu trang: Hành khách, người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng; nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách khi sử dụng phương tiện giao thông công; nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, nhân viên phục vụ, người bán hàng; người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại nơi có không gian kín, thông khí kém (quán bar, vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp, làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, trường quay); nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và người tham dự tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người (các công trình di tích; bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày; khu du lịch, khu vui chơi, giải trí; sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao; lễ cưới, lễ tang, lễ hội, hội chợ); nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch.
Ngoài ra, bắt buộc phải sử dụng khẩu trang đối với tất cả các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4 theo Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/ND-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” tại Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/1/2022 của Bộ Y tế.
Tại cơ sở y tế; nơi cách ly y tế; nơi lưu trú mà có người đang cách ly y tế hoặc đang theo dõi, giám sát y tế, bắt buộc phải sử dụng khẩu trang đối với: Tất cả các đối tượng (trừ những người cách ly ở trong phòng đơn; người bị suy hô hấp, người bệnh đang phải thực hiện thủ thuật y tế theo chỉ định của bác sĩ, trẻ em dưới 5 tuổi); nhân viên y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo Hướng dẫn về lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ban hành kèm theo Quyết định số 2171/QĐ-BYT ngày 5/8/2022 của Bộ Y tế.
Sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, bao gồm: đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế và các biện pháp khác.
Ngoài những địa điểm công cộng nêu trên, thành phố Hà Nội còn khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang khi đến nơi tất cả những nơi công cộng khác.
Báo Đại đoàn kết
Nâng cao năng lực cho 10.000 nhân viên y tế điều trị bệnh tim mạch
Những hiệu quả từ Dự án Sức khỏe Tim mạch cộng đồng sẽ giúp đẩy nhanh khả năng của hệ thống chăm sóc sức khỏe để ứng phó các vấn đề từ dân số già hóa hiện nay.
Tại Việt Nam, sự thay đổi nhân khẩu học hướng tới dân số già hơn hiện nay sẽ đi kèm với sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ mắc bệnh tim mạch. Bệnh tim mạch là bệnh được chẩn đoán thường xuyên nhất cũng như là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người cao tuổi.
Do đó, việc cập nhật kiến thức, phương thức điều trị để tối ưu hóa việc chăm sóc sức khỏe hiện tại và tương lai cho các chuyên gia y tế là vô cùng cần thiết.
Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại buổi lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án “Sức khỏe Tim mạch cộng đồng” trong giai đoạn 2023-2025, giữa Hội Tim Mạch học Việt Nam và Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) diễn ra ngày 26/4 tại Hà Nội.
Dự kiến triển khai trong 3 năm, dự án “Sức khỏe Tim mạch cộng đồng” được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực của khoảng 10.000 nhân viên y tế trên toàn quốc trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân cao tuổi.
Mục đích chính của dự án nhằm nâng cao năng lực của nhân viên y tế trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân cao tuổi, thông qua sự phối hợp liên chuyên khoa và sử dụng thuốc chống đông hiệu quả, đặc biệt trong bệnh cảnh rung nhĩ và thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Với tỷ lệ dân số già tăng nhanh trong giai đoạn 2009-2019 (từ 8,68% lên 11,86%), dự kiến đạt mức 16,5% vào năm 2029, Việt Nam có thể xem là sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2036. Một trong những thách thức nổi cộm về mặt y tế là bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi vốn đã phổ biến và thường có sự xuất hiện của nhiều bệnh đồng mắc như rung nhĩ kèm suy tim, rung nhĩ kèm suy thận, đặc biệt là đột quỵ.
Đáng lưu ý, bệnh lý tim mạch ở người lớn tuổi ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, có nguy cơ tử vong cao và là một gánh nặng kinh tế đáng kể cho cả cá nhân lẫn xã hội.
Do vậy, sau lễ ký kết này hai bên sẽ tạo ra những hoạt động hợp tác hiệu quả, thiết thực và bền vững hơn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.
Ông Darrell Oh - Tổng Giám đốc Pfizer Việt Nam cho biết đơn vị này đã đồng hành cùng Việt Nam trong nhiều năm nhằm hỗ trợ giải quyết những thách thức từ gánh nặng bệnh tim mạch. Các chương trình nâng cao năng lực về quản lý bệnh tim mạch cũng như ứng dụng thuốc chống đông trong điều trị bệnh hiệu quả không chỉ giúp cải thiện chất lượng sức khỏe cho người cao tuổi, mà còn góp phần củng cố hệ thống y tế tại Việt Nam. Những hiệu quả từ dự án sẽ giúp đẩy nhanh khả năng của hệ thống chăm sóc sức khỏe để ứng phó các vấn đề từ dân số già hóa hiện nay.
Dự án Sức khỏe Tim mạch cộng đồng sẽ tài trợ công tác cập nhật thông tin khoa học và đào tạo cho cán bộ y tế trên phạm vi toàn quốc thông qua nhiều hoạt động như chuỗi đào tạo trực tuyến, bản tin y khoa thực hành hằng tháng và khóa tập huấn thực hành chuyên sâu.
Báo Việt Nam Plus
Bộ Y tế chấn chỉnh hoạt động chuyển người bệnh giữa các cơ sở y tế
Ngay sau khi nhận được phản ánh của người bệnh, các cơ quan truyền thông về việc chuyển tuyến người bệnh tại một số bệnh viện không tuân thủ theo quy định, ngày 26/4, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Y tế các bộ, ngành về việc chấn chỉnh hoạt động chuyển người bệnh giữa các cơ sở y tế.
Công văn của Bộ Y tế cho biết đã nhận được phản ánh của người bệnh, các cơ quan truyền thông về việc chuyển tuyến người bệnh tại một số bệnh viện không tuân thủ theo quy định; chuyển người bệnh ra cơ sở y tế tư nhân vì mục đích vụ lợi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tham gia Bảo hiểm y tế.
Để chấn chỉnh hoạt động trên, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành thực hiện chuyển tuyến người bệnh theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh chữa bệnh (KBCB) và Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 quy định đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc khi chuyển tuyến người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Mắt Trung ương cần liên hệ, hội chẩn từ xa qua hệ thống công nghệ thông tin để Bệnh viện Mắt trung ương bố trí, sắp xếp điều trị cho người bệnh. Trường hợp Bệnh viện Mắt trung ương không có vật tư, thuốc điều trị, trang thiết bị, bệnh viện chuyển tuyến người bệnh đến các bệnh viện khác có năng lực thực hiện được các kỹ thuật.
Lãnh đạo các bệnh viện quán triệt người hành nghề không chuyển người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh không phù hợp hoặc các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vì mục đích vụ lợi, vi phạm quy định của Luật Khám bệnh chữa bệnh.
Trường hợp bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trường đại học, bệnh viện tuyến cuối có các kỹ thuật đang tạm dừng hoặc không thực hiện được do thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị…, Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện công khai trên trang thông tin điện tử của bệnh viện để người dân được biết và báo cáo cho cơ quan quản lý trực tiếp.
Báo Tin tức
Ngày 26/4: Số ca mắc mới COVID-19 tăng, 123 bệnh nhân phải thở ôxy
Theo bản tin phòng chống dịch của Bộ Y tế, ngày 26/4, Việt Nam ghi nhận 2.731 ca mắc mới COVID-19, 123 bệnh nhân đang phải thở ôxy, trong khi số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 613.
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 26/4 cho biết có 2.731 ca mắc mới COVID-19, tăng nhẹ so với hôm qua.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.551.917 ca nhiễm, đứng thứ 13/230quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.741 ca nhiễm).
Tình hình điều trị COVID-19
Số bệnh nhân khỏi bệnh: Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 613 ca, nổng số ca được điều trị khỏi lên 10.618.751 ca
Số bệnh nhân đang thở ôxy là 123 ca, trong đó: Thở ôxy qua mặt nạ (86 ca); Thở ôxy dòng cao HFNC (11 ca); Thở máy không xâm lấn (2 ca); Thở máy xâm lấn (24 ca); ECMO (0 ca).
Số bệnh nhân tử vong: Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca.
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 26/4 cho biết có 2.731 ca mắc mới COVID-19, tăng nhẹ so với hôm qua.
Tình hình tiêm vaccine COVID-19
Trong ngày 25/4 có 5.561 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.174.292 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.552.845 liều: Mũi 1 là 70.907.973 liều; Mũi 2 là 68.451.493 liều; Mũi bổ sung là 14.343.892 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.081.347 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.768.140 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.433 liều: Mũi 1 là 9.130.879 liều; Mũi 2 là 9.021.266 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.656.014 liều: Mũi 1 là 10.211.477 liều; Mũi 2 là 8.444.537 liều.
Báo Việt Nam Plus