Trước tình hình số ca mắc Covid-19 tăng cao từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường các sản phẩm như kit test, thuốc điều trị cảm cúm, thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng… sôi động trở lại.
Theo bản tin phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng trong thời gian gần đây. Riêng trong ngày 26/4, cả nước ghi nhận 2.731 ca mắc mới, cao nhất trong hơn nửa năm qua. Vì thế, nhu cầu sử dụng các sản phẩm xét nghiệm, phòng và chữa Covid-19 của người dân cũng tăng lên.
Ghi nhận tại các hiệu thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong 2 tuần trở lại đây, lượng mua các vật tư y tế như kit test, khẩu trang và các loại thuốc kháng sinh tăng đáng kể. Trong những sản phẩm đó, kit test nhanh Covid-19 và thuốc điều trị cảm cúm có lượt bán nhiều nhất.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân, chủ một hiệu thuốc trên đường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, nhiều khách hàng mua kit test với số lượng lớn để dự trữ sẵn ở nhà. Đối với sản phẩm trên, nhà thuốc luôn có nguồn hàng ổn định và dồi dào để cung cấp cho người tiêu dùng.
Thế nhưng, chị Trần Thị Minh Anh, trú tại quận Long Biên, người vừa bị nhiễm Covid-19 cũng không khỏi lo lắng: “Càng đông người bệnh thì nhu cầu mua các loại kit test hay thuốc chữa cảm cúm càng cao. Tôi e rằng trong thời gian tới, các mặt hàng này có thể trở nên khan hiếm”.
Với tâm lý đó, chị Minh Anh cũng mua thêm nhiều kit test Covid-19, nước muối sinh lý và vitamin C. Theo chị, để hạn chế việc tái nhiễm, hằng ngày, chị đều súc miệng nhiều lần bằng nước muối, bổ sung thêm các loại vitamin cần thiết để bảo vệ cơ thể.
Bên cạnh tốc độ lây lan của Covid-19, những thay đổi của thời tiết Hà Nội ở thời điểm này cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sức đề kháng của mỗi người trước các bệnh như: cảm lạnh, cúm, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, nhức đầu, xương khớp,…
Trong các loại bệnh trên, có vài bệnh mang triệu chứng giống với Covid-19. Vì thế, có không ít người nhầm lẫn về tình trạng bệnh của chính mình, nảy sinh tâm lý chủ quan, dẫn đến suy nhược cơ thể nghiêm trọng.
Bà Phạm Thị Mai, 67 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, cho hay, bà thường xuyên bị ốm vặt khi thời tiết thất thường. Vì sợ các loại kit test và thuốc điều trị ho khan, sổ mũi tăng giá cao như mùa dịch những năm trước, bà đã mua sẵn một số lượng lớn sản phẩm để dự trữ cho cả gia đình.
Với nhiều người dân, từ lâu, việc xét nghiệm Covid-19 bằng kit test nhanh khi có những biểu hiện như sốt, rát họng, đau đầu và mệt mỏi đã thành thói quen trong sinh hoạt.
Chị Trần Hoàng Phước Tiên, trú tại quận Cầu Giấy chia sẻ: “Nếu cảm thấy bản thân có những dấu hiệu của Covid-19, tôi sẽ tự xét nghiệm ngay tại nhà. Ngoài kit test, tôi cũng mua thêm khẩu trang và thuốc xịt giảm đau họng để sử dụng dù chưa mắc Covid-19”.
Tính đến thời điểm hiện tại, ở nhiều hiệu thuốc, các sản phẩm, vật tư y tế chưa có dấu hiệu tăng giá hay khan hàng. Giá mỗi kit test nhanh dao động từ 20.000-45.000 đồng/bộ. Có nơi, mỗi bộ kit test chỉ có giá 9.000 đồng.
Nhiều cửa hàng còn có chính sách ưu đãi mua 1 tặng 1 hay giảm giá đến 50% cho khách hàng đối với các sản phẩm kit test và khẩu trang.
Trên một số chợ thuốc online, nhiều loại kit test nhanh Covid-19 với đa dạng nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc đang được rao sỉ chỉ với giá 2.000-5.000 đồng/bộ. Thế nhưng, nhiều người lại lo ngại về chất lượng của các loại kit test này.
Anh Phùng Nguyên (quận Nam Từ Liêm) cho hay: “Tôi vẫn lựa chọn mua kit test ở những hiệu thuốc uy tín. Dù thực tế, giá bán ở những nơi này cao hơn, nhưng tôi an tâm hơn về tính an toàn và chất lượng”.
Theo anh Nguyên, giá khẩu trang, kit test bây giờ đã rẻ hơn rất nhiều so với trước đó. Anh mong muốn các đơn vị bình ổn giá trên thị trường và các hiệu thuốc có thể giữ mức giá này để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Với tâm lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, một số người đã chuẩn bị các sản phẩm phòng dịch Covid-19. Thậm chí, một số người còn mua sẵn đơn thuốc để tự điều trị tại nhà trong trường hợp mắc bệnh.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, việc làm này có thể dẫn đến nguy cơ kháng thuốc, ảnh hưởng đến việc điều trị, dẫn đến những biến chứng sau này của người bệnh.
Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình trước dịch Covid-19, mỗi người dân cần chủ động hơn trong việc mang khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người khác, rửa tay thường xuyên và báo cáo ngay cho các trạm y tế tại địa phương khi biết mình mắc Covid-19.
Báo Nhân dân
Nâng cao chất lượng dân số
Để chuẩn bị cho sự kiện dân số Việt Nam chạm mốc 100 triệu người, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Tổng cục Dân số đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành chức năng xây dựng các chương trình hoạt động, chủ đề và các thông điệp để lan tỏa sự kiện quan trọng này.
Dịp này, nhấn mạnh về vấn đề nâng cao chất lượng dân số, TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) khẳng định: Chất lượng dân số chính là "chìa khóa vàng" để mở cánh cửa phát triển đất nước bền vững.
PV: Thưa ông, với quy mô dân số lớn cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thêm nhiều cơ hội để phát triển bền vững đất nước?
TS PHẠM VŨ HOÀNG: Với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, chúng tôi dự báo trung tuần tháng 4/2023, dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu người. Với quy mô dân số như vậy sẽ đưa đất nước chúng ta vào trong nhóm 15 quốc gia có dân số đông nhất thế giới, đứng thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Về mặt cơ hội như chúng ta đã thấy với dân số rất lớn chính là nguồn nhân lực to lớn về nhiều mặt cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hơn nữa, Việt Nam đã bước vào thời kì dân số vàng từ năm 2007 và dự báo thời kỳ này sẽ kết thúc vào năm 2038, với số lượng người trong độ tuổi lao động xấp xỉ 68 triệu người cung cấp nguồn lực lao động vô cùng to lớn cho đất nước.
Tuy nhiên với nguồn lực này đòi hỏi chúng ta có những cái giải pháp để đầu tư về con người, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kĩ thuật, nâng cao sức khoẻ. Đây sẽ là một cơ hội rất lớn để phục vụ cho tiến trình phát triển nhanh và bền vững cho đất nước. Một cơ hội nữa là quy mô dân số lớn cũng tạo ra một thị trường rất tiềm năng, không những là thị trường lao động mà còn là thị trường tiêu thụ, sản xuất sản phẩm trong nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Tuy nhiên, dân số đông cũng khiến chúng ta đối mặt nhiều thách thức, trong đó cùng với việc đang trong giai đoạn dân số vàng thì Việt Nam đồng thời đang ở trong thời kì già hóa dân số?
- Thời kỳ già hóa dân số ở nước ta bắt đầu từ năm 2011 và sẽ kết thúc vào năm 2038. Hiện nay số người từ 60 tuổi trở lên là 12,6 triệu người, chiếm khoảng 11,86% dân số và dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 18 triệu người cao tuổi, chiếm 17,5% dân số, tức là cứ 6 người dân thì có hơn 1 người cao tuổi.
Theo các số liệu dự báo đến năm 2038 Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già, khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 20% dân số và là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, chỉ mất khoảng 27 năm trong khi các nước phát triển mất nhiều thập niên, có nước đến hơn 1 thế kỷ. Với tốc độ già hóa dân số rất nhanh sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế, xã hội để duy trì ổn định cuộc sống khỏe mạnh của nhóm người cao tuổi.
Như vậy với một xã hội già hóa, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đáp ứng nhu cầu của dân số già, đồng thời phải tận dụng thời kỳ dân số vàng để phát triển vững mạnh làm nền tảng thích nghi với dân số già trong tương lai. Cùng với đó, quy mô dân số 100 triệu người cũng khiến chúng ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như: mất cân bằng giới tính khi sinh, phân bố dân cư và những cái vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng dân số.
Liên quan tới chất lượng dân số, cơ cấu dân số vàng mới chỉ mang lại cơ hội về số lượng lao động chứ chưa mang lại ngay kết quả cho tăng trưởng kinh tế. Theo ông, chúng ta cần làm gì để tận dụng cơ hội dân số vàng?
- Để cơ cấu dân số vàng thực sự tận dụng có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư hiện nay. Do vậy, nâng cao chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia và được coi là "chìa khóa vàng" để mở cánh cửa phát triển đất nước bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!
Báo Đại đoàn kết
Hà Nội đóng cửa một phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt hoạt động chui
Qua kiểm tra phòng khám chữa bệnh chuyên khoa răng hàm mặt tại địa chỉ số 8 phố Ba La (quận Hà Đông), Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện nhiều sai phạm và yêu cầu đóng cửa ngay…
Chiều 26-4, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa răng hàm mặt tại địa chỉ số 8 phố Ba La, phường Phú La, quận Hà Đông và phát hiện nhiều sai phạm.
Cụ thể, cơ sở chưa có giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh chuyên khoa răng hàm mặt.
Cơ sở cũng chưa xuất trình được các giấy tờ pháp lý như đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động và văn bằng chuyên môn, chứng chỉ hành nghề của các nhân viên (tại thời điểm kiểm tra có 6 nhân viên gồm 1 y sĩ, 3 điều dưỡng và 2 lễ tân).
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu cơ sở dừng ngay hoạt động khám chữa bệnh, đóng cửa phòng khám và dán thông báo phòng khám không hoạt động.
Đồng thời. Đoàn kiểm tra cũng đề nghị Phòng y tế quận Hà Đông với trách nhiệm quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn báo cáo và tham mưu với UBND quận có biện pháp giám sát, theo dõi hoạt động của cơ sở, xử lý vi phạm của phòng khám này với hành vi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không phép.
Báo An ninh thủ đô
WHO tiếp tục cảnh báo về siro ho có chất độc hại do Ấn Độ sản xuất
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra cảnh báo đối với một loại siro ho có chất độc hại do Ấn Độ sản xuất được bán ở Quần đảo Marshall và Micronesia. Đây là cảnh báo thứ 3 trong vòng 7 tháng đối với mặt hàng này, với các trường hợp trước đó đã được xác định ở Gambia và Uzbekistan.
WHO cho biết các phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng của Cơ quan Quản lý sản phẩm trị liệu của Australia đã phát hiện siro Guaifenesin - được sử dụng để giảm tức ngực và giảm ho - có chứa “lượng diethylene glycol và ethylene glycol không thể chấp nhận được”. Đây là những chất tương tự được tìm thấy trong loại siro được cho là có liên quan đến cái chết của 70 trẻ em ở Gambia và 18 trẻ em ở Uzbekistan do tổn thương thận cấp tính.
Cảnh báo kêu gọi người dân không sử dụng loại siro nêu trên và các cơ quan quản lý tăng cường giám sát chuỗi cung ứng, đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất kiểm tra những nguyên liệu thô được sử dụng trong siro như propylene glycol, sorbitol và glycerine/glycerol trước khi đưa vào công thức sản xuất. Hai chất nói trên nhiều khả năng có trong dung môi bị ô nhiễm được dùng để sản xuất siro. Mặc dù các dung môi này không gây hại, nhưng cả hai chất đều được biết là độc hại đối với con người, có thể dẫn đến đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu, thay đổi trạng thái tinh thần, bí tiểu và tổn thương thận cấp tính, thậm chí có nguy cơ gây tử vong.
Các chất gây ô nhiễm được báo cáo phát hiện trong lô thuốc có hạn sử dụng đến tháng 10/2023. Vấn đề này đã được báo cáo lên WHO ngày 6/4 và cơ quan y tế toàn cầu đã đưa ra cảnh báo trên vào đêm 25/4.
Siro có chứa chất độc hại được bán ở 2 quốc gia Thái Bình Dương được cho là đã được sản xuất bởi công ty QP Pharmachem Ltd có trụ sở tại bang Punjab và được tiếp thị bởi công ty tư nhân Trillium Pharma có trụ sở tại bang Haryana. Cơ quan y tế toàn cầu khẳng định: “Đến nay, cả nhà sản xuất và nhà tiếp thị đều không đảm bảo với WHO về tính an toàn và chất lượng của những sản phẩm này”.
Báo Tin tức – TTXVN
Điểm chung của 2 ca Covid-19 tử vong trong tháng 4
Việt Nam đã ghi nhận 2 bệnh nhân tử vong liên quan Covid-19 sau 4 tháng. Hai ca bệnh chưa đến 60 tuổi nhưng đều có bệnh nền nặng.
Thông tin từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ngày 27/4, những tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng trở lại, đã ghi nhận 2 ca tử vong sau gần 4 tháng không có trường hợp tử vong nào.
Hai trường hợp đều có bệnh lý nền nặng. Một người 47 tuổi, nữ, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Chị đã tiêm đủ mũi vắc xin, mũi cuối tiêm hồi tháng 11/2022. Cách đây 2 tháng, chị bị bệnh viêm phổi thùy, tràn dịch màng phổi.
Trường hợp còn lại là nam giới, 54 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), có loạt bệnh lý tim mạch như cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim, suy tim, rối loạn sinh tủy (một dạng bệnh lý tiền ung thư huyết học). Thông tin từ Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch do Bộ Y tế tổ chức chiều 26/4 cho thấy bệnh nhân này chưa tiêm vắc xin Covid-19.
Chưa có bằng chứng biến chủng XBB có thể gây trốn miễn dịch, tăng nặng
Tính đến ngày 26/4, cả nước hiện có 123 bệnh nhân đang thở oxy, trong đó có 24 ca thở máy xâm lấn, 2 ca thở máy không xâm lấn. Số còn lại được chỉ định thở oxy dòng cao HFNC và oxy mặt nạ (mask). Riêng tại TP.HCM, báo cáo của 4 bệnh viện cho thấy có 24 bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng, trong đó 4 ca phải thở máy.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, kết quả giải trình tự gene của 72 mẫu (trong đó có 24 mẫu lấy trong tháng 4, 46 mẫu lấy tháng 3 và 2 mẫu tháng 2) cho thấy trong tháng 3 và 4, hầu hết mẫu phân lập được chủng XBB (1.11.1, 1.5, 1.9...).
Kết hợp với các đặc điểm lâm sàng của người bệnh điều trị trong giai đoạn này, cho thấy hầu hết người bệnh vẫn có các triệu chứng không đặc hiệu như sốt, ho, viêm long đường hô hấp trên, đau mỏi người...
Đặc biệt, phân tích thông tin của 25 trường hợp bệnh nặng, nguy kịch (có tình trạng suy hô hấp cần can thiệp oxy hỗ trợ như thở máy, HFNC, oxy mặt nạ/kính...), cho thấy 90% nhóm này đều mắc bệnh lý nền nặng trước đó. Tuy nhiên, nhóm bệnh nhân này khi được can thiệp điều trị phù hợp thì có tới 76% phục hồi hoàn toàn.
"Điều này cho thấy chưa có bằng chứng về các biến chủng XBB có thể gây tình trạng trốn miễn dịch và tăng tỷ lệ tiến triển nặng cho bệnh nhân", đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh nói với VietNamNet.
Ngoài việc đang cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, điều chỉnh ca bệnh, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đang cập nhật sử dụng thuốc kháng virus, thuốc chống đông, corticoid, kháng thể đơn dòng theo khuyến cáo quốc tế.
Tại hội nghị chiều 26/4, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm… tiếp tục đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vắc xin Covid-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa những đối tượng này trước diễn biến tăng về số ca mắc.
Các viện Pasteur, viện vệ sinh dịch tễ khu vực cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành tăng cường giám sát, đánh giá thêm các ca nhập viện, ca nặng, từ đó có dữ liệu để tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch, tiêm vắc xin. Đồng thời tăng cường lấy mẫu, giải trình tự gene các mẫu ca bệnh để kịp thời có các thông tin về biến thể.
Các địa phương cần tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ phòng chống dịch, đảm bảo an toàn phòng dịch trong trường học, đặc biệt trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ kéo dài, nhu cầu đi lại dự báo gia tăng, sau kỳ nghỉ lễ sẽ diễn ra các kỳ thi quan trọng.
Báo Vietnamnet