Bản tin phòng, chống dịch Covid-19 ngày 29-4 của Bộ Y tế cho biết, có 1.892 ca mắc mới Covid-19, 897 ca khỏi bệnh, không có F0 tử vong; có 7.930 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm trong ngày 28-4.
Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 29-4 của Bộ Y tế cho biết có 1.892 ca mắc mới Covid-19, 897 ca khỏi bệnh, không có F0 tử vong.
Trong ngày 28-4 có 7.930 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.220.205 liều; trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.593.013 liều, tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi 18.661.649 liều.
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 122 ca; ko có ca nào phải thở ECMO.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.559.862 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.821 ca nhiễm).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.188 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Báo Quân đội nhân dân
Hà Nội kiểm tra đột xuất trực y tế ngày nghỉ lễ
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiểm tra đột xuất phòng, chống dịch COVID-19 và hoạt động khám, chữa bệnh trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Ngày nghỉ lễ, tại BVĐK Hà Đông, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã khám sàng lọc cho 2.508 ca, phát hiện 473 dương tính với COVID-19. Về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, tổng số ca điều trị là 219 ca, hiện bệnh viện đang điều trị cho 36 bệnh nhân, trong đó có 4 trường hợp phải thở máy.
Đồng thời, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch, triển khai công tác y tế phòng, chống dịch, đảm bảo công tác y tế trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, niêm yết danh sách thường trực chuyên môn toàn viện; tổ chức khám, chữa bệnh, thường trực cấp cứu 24/24h.
Các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng cấp cứu ngoại viện hoặc hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần; dự trù đầy đủ thuốc, vật tư y tế, dụng cụ cần thiết để phục vụ cấp cứu, phòng, chống dịch và khám chữa bệnh cho người dân.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà yêu cầu tất cả các cơ sở y tế triển khai công tác ứng trực trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Sở Y tế Hà Nội đã phân công cho các cơ sở y tế đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch và khám bệnh, chữa bệnh của người dân.
Với các Trung tâm Y tế thực hiện phân tầng điều trị ngay tại địa bàn, những bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng được cán bộ y tế theo dõi, điều trị tại nhà.
Bệnh nhân có triệu chứng trung bình và nặng được điều trị tại các bệnh viện. Đối với các bệnh viện phải đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, vật tư tiêu hao, cơ số giường được Sở Y tế phân công cho từng bệnh viện đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân, đặc biệt phân công các bệnh viện hạng 1 và bệnh viện tuyến thành phố thực hiện điều trị các bệnh nhân nặng.
Các bệnh viện tuyến huyện sẽ điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có sự phối hợp, hỗ trợ chuyên môn giữa các tuyến. Đồng thời, ngành y tế tổ chức tập huấn, giao ban thường xuyên, liên tục trong những ngày nghỉ Lễ để có những phương án triển khai công tác phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Trong những ngày nghỉ lễ, số lượng người dân tại các khu vui chơi, điểm du lịch rất đông, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, ngành y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể đáp ứng công tác phòng, chống dịch.
Hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng gia tăng, vì vậy công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch là hết sức quan trọng để người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế vaccine+2K.
Báo Sức khỏe & Đời sống
Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh
Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh.
Trong thời gian từ đầu tháng 4 đến nay, theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, số ca nhiễm COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại.
Đồng thời mùa hè với thời tiết nắng nóng, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều là thời điểm thuận lợi mà các virus và vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển có thể gia tăng các ca bệnh hoặc chuyển thành dịch đối với một số bệnh ở cả người lớn và trẻ em như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, tả...
Để chủ động đảm bảo nhu cầu thuốc phòng chống dịch COVID-19 và thuốc điều trị các bệnh khác trong thời gian tới, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; trong đó chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời các thuốc, vaccine cho phòng chống dịch COVID-19 và thuốc điều trị các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, tả..., các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có.
Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở khám, chữa bệnh và người dân trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá đột biến, đặc biệt đối với các thuốc điều trị COVID-19, các thuốc có nguồn cung hạn chế.
Các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ cần rà soát, khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Trong đó chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời các thuốc, vaccine cho phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh khác có thể gia tăng trong thời gian tới, các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc, Cục Quản lý Dược yêu cầu tăng cường nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc điều trị COVID-19 và các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, tả..., các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm thuốc không sẵn có.
Đồng thời, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc cần xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, không lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh để tăng giá thuốc.
Báo Pháp luật Việt Nam
Chính phủ cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo bán hàng đa cấp
Từ ngày 20/6, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục của bác sĩ, dược sĩ, cơ sở y tế.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 18/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực từ ngày 20/6.
Trong đó, Nghị định này đã bổ sung quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế.
Đồng thời không được cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ bổ sung quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó.
Ngoài ra, Nghị định 18/2023 cũng bổ sung quy định trường hợp doanh nghiệp bán hàng đa cấp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại địa phương, doanh nghiệp phải có trách nhiệm chỉ định một cá nhân cư trú tại địa phương làm đầu mối làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương đó.
Đồng thời, doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trong trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi toàn quốc.
Nghị định mới cũng bổ sung quy định trường hợp hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên hoặc theo hình thức trực tuyến, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có trách nhiệm thông báo tới Sở Công Thương tỉnh, thành trước khi thực hiện.
Nghị định 18/2023 được ban hành trong bối cảnh thời gian qua Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) nhận thấy thực trạng đưa thông tin theo hướng "thổi phồng" công dụng sản phẩm, đặc biệt đối với loại sản phẩm là thực phẩm trong hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra khá phổ biến.
Cụ thể, các tổ chức, cá nhân này đã thành lập các nhóm kín trực tuyến như "tư vấn sức khỏe", "chăm sóc sức khỏe chủ động" hay "nhân chứng dùng sản phẩm", tập hợp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham gia.
Trong đó, các đối tượng này chia sẻ, trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để mô tả, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm, hoặc mô tả công dụng thực phẩm như là một "kinh nghiệm thực tế" hay "nhân chứng sống" của người đã từng bị bệnh.
Cách thức đưa thông tin này được lạm dụng và củng cố bởi các bình luận phía dưới, càng tạo thêm niềm tin cho người bệnh, người tiêu dùng dễ hiểu theo hướng là các loại sản phẩm này có công dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều trị bệnh.
Báo Điện tử Zingnews
Loạt thực phẩm chức năng vi phạm quy định về quảng cáo
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi cảnh báo thêm một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định về quảng cáo.
Trong thời gian vừa qua, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên các trang: https://phamgiadongy.vn, https://truemart.vn đang quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Bột dạ dày Thanh vị tán, Chiết xuất Hà thủ ô đỏ Phạm Gia Gold 3+, Xuyên tâm liên Phạm Gia và Bổ Tỳ Taca Phạm Gia vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nguyên Hà – Phạm Gia (địa chỉ: Số 8A đường Đông Quan, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Quá trình hậu kiểm, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nguyên Hà – Phạm Gia không thừa nhận việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Bột dạ dày Thanh vị tán, Chiết xuất Hà thủ ô đỏ Phạm Gia Gold 3+, Xuyên tâm liên Phạm Gia và Bổ Tỳ Taca Phạm Gia trên các website này.
Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Bột dạ dày Thanh vị tán, Chiết xuất Hà thủ ô đỏ Phạm Gia Gold 3+, Xuyên tâm liên Phạm Gia và Bổ Tỳ Taca Phạm Gia quảng cáo trên các website nêu trên.
Báo Pháp luật Việt Nam