* Phò !important;ng, chống sốt xuất huyết: Xử lý ngay, không để thành dịch
Theo dự báo của ngành Y tế Thủ đô, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp. Không theo quy luật 4-5 năm bùng phát một đợt dịch mà giờ đây sốt xuất huyết gia tăng theo từng năm, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng kéo theo những đợt mưa dông thất thường như hiện nay.
Căn bệnh ngày càng... “nóng”
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, năm 2022, toàn thành phố có hơn 19.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Riêng từ đầu năm nay đến giữa tháng 6-2023, thành phố ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy.
Qua theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới, tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội trong nhiều năm qua, ngành Y tế Thủ đô nhận định, dịch bệnh này năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn. Lý giải về nhận định này, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, điều kiện khí hậu hiện nay, nắng lắm, mưa nhiều tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, nhiều nơi còn xả rác thải bừa bãi, phế liệu đọng nước chưa được thu gom… Người dân có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, thùng, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ đã vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và bọ gậy phát triển.
“Hiện nay, người dân ngoại tỉnh thuê trọ tại khu vực nội thành, các huyện ven nội thành là rất lớn. Đây là những đối tượng có nhiều khả năng mắc bệnh do điều kiện sinh hoạt tạm bợ như ngủ không nằm màn, không để ý thu gom phế liệu, phế thải; nơi ở không ổn định, không biết và không thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch. Vì vậy, việc huy động cộng đồng, nhân lực cho các hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất tại không ít nơi còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc xử lý ổ dịch còn chưa triệt để, dịch còn diễn biến phức tạp, kéo dài”, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm.
Cùng chung nhận định trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) cho biết, sốt xuất huyết là căn bệnh vô cùng “nóng” hiện nay. Mấy năm gần đây, sốt xuất huyết không còn quy luật cứ 4-5 năm lại có một đợt dịch đỉnh điểm nữa mà tăng hằng năm do thời tiết mưa nắng thất thường. Đặc biệt năm nay, hiện tượng EI Nino khiến thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dẫn đến sốt xuất huyết sẽ gia tăng
“Để phòng, chống sốt xuất huyết, không có lực lượng nào tốt hơn chính là người dân trong việc tự ý thức vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước có bọ gậy từ chính ngôi nhà, ngõ xóm mình...”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng lưu ý.
Ngành Y tế vào cuộc: Chưa đủ
Không để bị động trước dịch bệnh sốt xuất huyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng yêu cầu các ban, ngành triển khai biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đối với UBND các xã, thị trấn cần tổ chức triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết. Qua đó, vận động người dân tích cực, chủ động diệt lăng quăng, muỗi. Đồng thời, huy động các tổ chức, đoàn thể, lực lượng tình nguyện tham gia tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu đọng nước.
Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cũng yêu cầu nhân viên của Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS đôn đốc các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường giám sát những ổ dịch cũ, giám sát chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn) tại các khu vực trọng điểm để thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy đợt 3 từ ngày 25-6. Cùng với đó, tập trung giám sát các ca bệnh, ổ dịch mới phát sinh để xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Ngoài việc làm cho đường thông, hè thoáng, vườn, cổng ngõ sạch đẹp thì vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết còn chú trọng đến những chi tiết, vật dụng nhỏ như vỏ lon nước ngọt bị bỏ quên, mảnh chén, bát vỡ mấy ngày chưa dọn, một chiếc lốp xe cũ treo ngoài hàng rào, một xô nước không được đậy kỹ, một bể chứa nước không có nắp đậy… Những thứ đó sẽ trở thành nơi chứa nước lý tưởng cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi và phát triển.
“Công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết chỉ ngành Y tế vào cuộc là chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, công trường, trường học… và mỗi người dân cùng chung tay thực hiện tốt khẩu hiệu “không có bọ gậy, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết”. Nếu như chúng ta hiểu rõ về cơ chế lây truyền bệnh và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của cơ quan y tế thì hoàn toàn có thể ngăn chặn được sự gia tăng dịch bệnh...”, ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh.
(Báo Hà Nội mới)
* Hàng nghìn lương y chưa được cấp phép hành nghề
Theo Hội Đông y Việt Nam, hội hiện có 69.000 hội viên trên toàn quốc. Theo quy định của luật Khám bệnh, chữa bệnh, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp gia truyền là chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề và là hội viên của Hội Đông y Việt Nam.
Tuy nhiên, theo PGS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, 18 năm qua, hàng nghìn hội viên Hội Đông y đủ tiêu chí hành nghề nhưng không được cấp giấy chứng nhận lương y. Nguyên nhân, do Thông tư 29 được Bộ Y tế ban hành năm 2015 lấy mốc đủ chứng chỉ học phần trước ngày 30.6.2004 mới được cấp giấy chứng nhận lương y. Hội Đông y Việt Nam hiện có khoảng 10.000 hội viên đủ năng lực để trở thành lương y, nhưng chỉ 20% được cấp phép hành nghề. Như vậy, hàng nghìn hội viên đông y đang phải "hành nghề chui" do quy định nêu trên.
PGS Đậu Xuân Cảnh cũng cho rằng, nhiều người là thế hệ con cháu được cha ông truyền nghề, đủ năng lực hành nghề nhưng không được cấp giấy chứng nhận là lương y, hoặc những người có đủ chứng chỉ học phần sau ngày 30.6.2004 cũng không được chứng nhận lương y. Ông Cảnh cho biết, trước những bất cập vừa nêu, luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sắp có hiệu lực thi hành đã quy định: Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.
"Thời gian tới chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi Thông tư 29/2015/TT-BYT theo hướng sẽ cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận là lương y cho những người có đủ điều kiện. Theo đó, những người muốn được cấp mới giấy chứng nhận là lương y thì trước hết phải qua đào tạo và sau khi đã được đào tạo thì phải được đánh giá về năng lực, để không lọt những người năng lực yếu kém vào đội ngũ được phép hành nghề", Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nêu ý kiến.
Hội Đông y vừa có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ về việc "giao Hội Đông y chủ trì tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y theo phương pháp truyền nghề cho hội viên trước khi trình cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lương y".
(Báo Thanh niên)
* Báo động gia tăng người béo phì
Béo phì là căn bệnh thời hiện đại ngày càng tăng với tốc độ báo động, là mối đe dọa làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, cần được điều trị sớm.
Giới trẻ đang mất kiểm soát cân nặng
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, số cân nặng tăng nhanh, mất kiểm soát trong thời gian dài dù đã thực hiện nhiều cách giảm cân là tình trạng của nhiều bạn trẻ hiện nay. Cân nặng “quá khổ” trở thành sự tự ti và nỗi lo không chỉ là vẻ bề ngoài mà còn tiềm tàng các bệnh lý bên trong.
Là một nhân viên văn phòng, nhiều năm nay, chị T.T.H., 28 tuổi luôn có cân nặng trên 90kg. Sống với tâm trạng bất an, lo lắng, chị H. đã từ Nha Trang ra Hà Nội và tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị béo phì.
Sau quá trình thăm khám kỹ càng, TS Bùi Thanh Phúc -Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chỉ định phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng cho chị H.
Đây là phương pháp an toàn cao, hiệu quả điều trị tốt giúp người bệnh nhanh chóng quay trở lại công việc và cuộc sống sinh hoạt bình thường. Sau 1 tháng phẫu thuật, chị H. đã giảm được 10kg. Kỹ thuật này cũng hạn chế mức tối thiểu nhất các rối loạn chuyển hóa, rối loạn vi chất của cơ thể.
Tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014, tương đương với tốc độ tăng là 38%. Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.
Béo phì được Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là bệnh mạn tính đòi hỏi phải điều trị lâu dài…
TS Bùi Thanh Phúc cũng cho biết, nguyên nhân chính gây béo phì tại Việt Nam là do lối sống hiện đại của người Việt tăng lên hơn trước. Các thực phẩm giàu năng lượng, đồ ăn nhanh đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các bữa ăn của người Việt.
Trong khi đó, thức ăn có lợi cho sức khoẻ như: rau xanh, hoa quả lại bị thiếu, được thay bằng gà rán, các loại thức ăn nhanh, nước ngọt… những thức ăn này là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì.
Các thống kê cũng cho thấy sự sụt giảm rõ rệt về hoạt động thể chất trong 50 năm qua. Việc sử dụng các thiết bị điện tại nhà cũng như nơi làm việc, phương tiện giao thông tốt hơn, ít thời gian rảnh rỗi dành cho hoạt động thể lực, đặc biệt là xem truyền hình và trò chơi điện tử, tất cả đều liên quan đến nguyên nhân làm giảm mức độ hoạt động thể chất, tăng nguy cơ béo phì.
Các bác sĩ khuyến cáo, béo phì là căn bệnh thời hiện đại ngày càng tăng với tốc độ báo động, là mối đe dọa làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, cần được điều trị sớm.
Bệnh béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ, mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh…
Điều trị các bệnh lý thừa cân, béo phì là một điều trị đa chuyên khoa: Dinh dưỡng, hoạt động thể lực, điều trị thuốc giảm cân, phẫu thuật, tư vấn điều trị tâm lý. Với những bệnh nhân trẻ tuổi cần điều trị sớm để không ảnh hưởng đến chế độ vận động và sức khỏe sinh sản sau này.
Ngăn chặn và kiểm soát béo phì
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tình trạng béo phì có tác động không chỉ đến sức khỏe của cá nhân mà còn đến toàn xã hội. Việc ngăn chặn và kiểm soát tình trạng béo phì là rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe của cả cá nhân và cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn đưa ra 5 giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng béo phì.
Đó là, tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về tác hại của béo phì rất quan trọng. Những người có kiến thức về sức khỏe và dinh dưỡng sẽ có khả năng lựa chọn và tiêu thụ các loại thực phẩm tốt hơn và có lối sống lành mạnh hơn.
Song song với đó là thúc đẩy hoạt động thể chất. Thể chất là yếu tố quan trọng giúp giảm cân và duy trì sức khỏe tốt. Cần khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động thể chất như tập thể dục, đi bộ, đạp xe, thể thao...
Cùng với đó là điều chỉnh chế độ ăn uống. Đây cũng là yếu tố quan trọng để kiểm soát tình trạng béo phì. Cần tăng cường sử dụng các loại thực phẩm tươi, đầy đủ dinh dưỡng và giảm sử dụng các loại thực phẩm nhanh, chế biến sẵn và có chất béo cao.
Mặt khác, tăng cường quản lý các sản phẩm thực phẩm. Các sản phẩm thực phẩm cần được quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Cần đẩy mạnh việc kiểm tra chất lượng thực phẩm và quy định rõ ràng về hàm lượng chất béo và đường trong các sản phẩm thực phẩm.
Ngoài ra, tăng cường nghiên cứu về béo phì. Việc nghiên cứu về béo phì rất cần thiết để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách phòng ngừa béo phì. Các nghiên cứu cần tập trung vào cách ứng phó với béo phì trong từng đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em.
Béo phì gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý, làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh,… Béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường.
Do đó, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, người dân cần tăng hoạt động thể lực hàng ngày để giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả. Lưu ý, hiệu quả giảm cân của việc hoạt động thể lực hay tập thể dục thay đổi tùy mức độ và thời gian tập luyện, mức độ giảm cân cũng thay đổi tùy thuộc từng bệnh nhân.
Bên cạnh đó, người dân không nên tự mua và sử dụng các loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc trên thị trường vì sẽ gây ra những biến chứng và tác dụng không mong muốn có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe.
Với những bệnh nhân béo phì có BMI (chỉ số khối cơ thể) trên 35 hoặc BMI trên 30 kèm theo bệnh lý, nếu không giảm cân sẽ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được tư vấn kịp thời, can thiệp y khoa trong trường hợp cần thiết.
(Báo Kinh tế & đô thị)