Đề xuất nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt
Trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất: 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám, chữa bệnh tại Việt Nam.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua kém các nước khác, điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán…
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, một trong những thế mạnh của y tế trong nước là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng lại không thua kém…
Cũng trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư 20 bệnh viện chuyên khoa, một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng (gồm 20 bệnh viện đa khoa, bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới) ở những địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến Trung ương (Trung du, miền núi phía Bắc) và vùng có mật độ dân số cao (Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ).
Cũng tại quy hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ, định hướng phát triển khu vực y tế ngoài công lập tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, khám, chữa bệnh theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân; mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân đạt 10% tổng số giường bệnh cả nước vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 35 giường bệnh, 15 bác sĩ, 3,4 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng trên 10.000 dân; đến năm 2030 là 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng; năm 2050 là 45 giường bệnh, 35 bác sĩ, 4,5 dược sĩ đại học, 90 điều dưỡng.
(Báo Hà Nội mới)
Cảnh giác ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn gia đình
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 7-2023, cả nước xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 89 người mắc, 1 trường hợp tử vong. Tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 60 vụ ngộ độc thực phẩm với 860 người mắc, trong đó có 12 người tử vong. Những số liệu này một lần nữa cảnh báo về mối nguy của ngộ độc thực phẩm đối với sức khỏe và tính mạng con người. Điều đáng nói, trong số những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian qua, có cả những vụ ngộ độc đến từ chính căn bếp trong gia đình.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngay tại bếp ăn của mỗi gia đình, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, mỗi người cần thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc “vàng” trong chế biến thực phẩm, đó là chọn các thực phẩm tươi, sạch, không dập nát, có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện “ăn chín, uống chín”; ngâm rửa sạch rau, quả tươi, nhất là loại rau dùng ăn sống, rửa rau dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối; che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn đã được nấu chín, ăn ngay sau khi vừa nấu xong, đun kỹ thức ăn đã qua bữa trước khi dùng lại; không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín; không dùng chung dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng và khô ráo; không ăn thức ăn ôi thiu, mốc hỏng và dùng nước sạch để chế biến thức ăn, đồ uống.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo, người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, sử dụng các loại nấm độc, côn trùng lạ, cá nóc, trứng cóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ… để làm thức ăn. Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.
(Báo Hà Nội mới)
Thêm ca bệnh viêm não Nhật Bản tại Đắk Lắk
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận trường hợp thứ 3 mắc bệnh viêm não Nhật Bản trên địa bàn. Trước đó, CDC Đắk Lắk đã ghi nhận 2 ca bệnh viêm não Nhật Bản. Kết quả điều tra dịch tễ đã phát hiện có sự hiện diện của vectơ truyền bệnh (muỗi, lăng quăng, bọ gậy) tại khu vực các bệnh nhân sinh sống.
(Báo pháp luật Việt Nam)
Các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành thống nhất kiến nghị tiếp tục do Bộ Y tế quản lý
GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi làm việc diễn ra chiều 31/7 với sự tham dự của lãnh đạo các Cục/Vụ/Viện liên quan và lãnh đạo các bệnh viện trung ương trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh các nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô liên quan đến công tác y tế đều rất quan trọng và cần được cân nhắc kỹ, vì vậy nhân cuộc họp với các bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện có ý kiến về nội dung dự thảo của Luật Thủ đô về việc "chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện các trường đại học".
Tại buổi làm việc, tất cả các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, cũng như các Vụ, Cục, đơn vị của Bộ Y tế đều thống nhất chung một quan điểm cần thiết giữ lại là các đơn vị trực thuộc Bộ, do Bộ quản lý trên địa bàn Hà Nội vì sự phát triển chung của ngành y trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên toàn quốc.
Tác động đến hệ thống y tế chung của cả nước và y tế Hà Nội
Các ý kiến tham dự buổi làm việc đều thống nhất chung về việc "hệ thống đang vận động tốt, ổn định thì không nên có sự xáo trộn vì sẽ ảnh hưởng đến cả công cuộc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân".
Với mô hình do Bộ Y tế quản lý, ưu tiên hàng đầu của các cơ sở y tế tuyến cuối là cung ứng dịch vụ chăm sóc chuyên sâu và hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh khó khăn thì với mô hình do Hà Nội quản lý, ưu tiên hàng đầu sẽ dành cho việc phục vụ cộng đồng dân cư Thủ đô. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng khoảng cách chênh lệch về năng lực y tế cũng như thực trạng sức khỏe giữa Hà Nội, vùng Thủ đô với những tỉnh trung du, miền núi (vốn đang được các cơ sở y tế tuyến cuối của Bộ Y tế bù đắp).
Thực tiễn trong đợt dịch COVID-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, để kịp thời hỗ trợ các địa phương về công tác điều trị, Bộ Y tế đã ngay lập tức huy động các Bệnh viện tuyến trung ương, chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý để thiết lập 10 Trung tâm Hồi sức tích cực tại các tỉnh, thành phía Nam.
Do đó, các y kiến tham dự buổi làm việc đều cho rằng: Nếu chuyển các Bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý cũng sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới khả năng điều phối nhanh của Bộ Y tế trong trường hợp khẩn cấp về y tế, thay vì có thể nhanh chóng điều động nguồn lực sẵn có của mình, Bộ Y tế sẽ phải tham vấn với UBND Hà Nội để huy động các nguồn lực y tế của Hà Nội nhằm hỗ trợ các địa phương khác.
Cùng đó, khi chuyển các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế đang quản lý về Hà Nội sẽ gây một số tác động không chỉ tác động đến hệ thống y tế chung cả nước mà còn tác động trực tiếp tới hệ thống y tế Hà Nội. Việc gia tăng nhanh chóng số giường bệnh chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối có thể làm hệ thống Y tế Hà Nội mất cân đối (do tỷ trọng giường bệnh chuyên sâu trên tổng giường bệnh cao) và có nguy cơ dư thừa cung dịch vụ chăm sóc chuyên sâu so với dân số phục vụ và điều này không phù hợp với mục tiêu xây dựng hệ thống Y tế Thủ đô phát triển hiện đại và phù hợp với quy mô dân số.
Có sự chồng chéo đối với y tế của Hà Nội
Theo các đại biểu, con số 30 bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý rất ít so với tổng số 1.500 bệnh viện trên toàn quốc. Như vậy Bộ Y tế chỉ quản lý 2% số bệnh viện trong cả nước, trong khi hiện nay Hà Nội quản lý hơn 100 bệnh viện công và tư cùng với hơn 4.000 phòng khám. Chưa kể quản lý hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, trang thiết bị, các cơ sở y tế khối dự phòng, kiểm nghiệm…
Do đó, việc tăng thêm nhiều cơ sở y tế với quy mô tương đối lớn có thể làm phức tạp hơn vấn đề quản trị hệ thống Y tế Thủ đô, vốn đã có số lượng cơ sở y tế (cả công lập và tư nhân) rất lớn, thậm chí số bệnh viện hiện có của Hà Nội còn lớn hơn tổng số bệnh viện của Bộ Y tế trên cả nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội cũng đã có hệ thống các bệnh viện chuyên khoa tương tự (như Bệnh viện Tim, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Y học cổ truyền…), việc đưa các bệnh viện chuyên khoa của Bộ Y tế sẽ cần cân nhắc kỹ vì sẽ có sự chồng chéo rất lớn mà rất khó giải quyết.
Về đầu tư phát triển, hiện nay, Hà Nội cũng đang có những đầu tư bệnh viện vùng, bệnh viện khu vực tại một số địa điểm, nên nếu đưa các bệnh viện trung ương về thành phố Hà Nội quản lý sẽ gây ra sự chồng chéo, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc có nên tiếp tục triển khai các dự án của Hà Nội.
Việc chuyển các đơn vị về trực thuộc Hà Nội sẽ làm giảm đầu mối của Bộ, nhưng đồng thời lại làm tăng đầu mối của địa phương. Như vậy số đơn vị, số đầu mối không thay đổi. Bên cạnh đó theo Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có nêu "Thí điểm hình thành chuỗi các bệnh viện", và để thực hiện nhiệm vụ này thì các bệnh viện trung ương giữ vai trò nòng cốt, hạt nhân. Dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trung ương sẽ có điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình chuỗi bệnh viện. Hiện Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai đang hướng đến thực hiện thí điểm mô hình này.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
Một số website lợi dụng hình ảnh bác sĩ, giả mạo giấy tờ để quảng cáo bán sản phẩm Hương Phục Khí
Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm nhận được đơn kiến nghị, phản ánh của PGS.TS. Trần Thị Hồng Phương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Y, Dược cổ truyền Bộ Y tế về việc tại website http://www.huongphuckhi.asia/, facebook https://www.facebook.com/100089719672293/posts/1166493740905296/?vh=e&extid=MSG-UNK-UNK-UNK-IOS_GK0T-GK1C và một số trang mạng xã hội đã lợi dụng hình ảnh và danh tính của bà quảng cáo cho sản phẩm Hương Phục Khí để bán hàng lừa đảo người tiêu dùng, trên thực tế bà không có công trình này.
Tại các đường link nêu trên có đăng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 204/2019/ĐKSP ngày 08/01/2019 và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 1312/2020/XNQC-ATTP ngày 13/4/2019. Cục An toàn thực phẩm khẳng định các giấy tờ này là giấy tờ giả mạo, không có sản phẩm tên Hương Phục Khí đăng ký tại Cục An toàn thực phẩm.
Trong khi Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm Hương Phục Khí được quảng cáo vi phạm nêu trên, tránh thiệt hại về kinh tế và sức khỏe.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
Cứu sống trẻ sơ sinh mắc bệnh xoắn nghẹt ruột non hiếm gặp
Sáng 1/8, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Sơ sinh - Nhi Sơ sinh, Bệnh viện Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, đã điều trị thành công trẻ sơ sinh mắc bệnh hiếm gặp xoắn nghẹt ruột non do thoát vị nội qua khiếm khuyết tự nhiên ở mạc treo kèm tắc ruột phân su.
Bệnh nhi sơ sinh sinh non tháng 34 tuần 4 ngày, cân nặng chỉ 2,1kg, sinh mổ vì thai suy.
Sau sinh ghi nhận da bụng trẻ bị tái, phản ứng thành bụng dương tính, bụng sờ cứng toàn bụng.
Các bác sĩ đã kết hợp với kết quả siêu âm trước sinh ghi nhận thai có dạ dày và đại tràng giãn, đặt ra chẩn đoán theo dõi viêm phúc mạc bào thai, dị tật đường tiêu hóa.
Từ đó, bệnh nhi được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực Sơ sinh - Nhi Sơ sinh để điều trị.
Qua thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng kịp thời, hội chẩn đa chuyên khoa cùng khoa Chẩn đoán hình ảnh và khoa Ngoại Nhi - Cấp cứu bụng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột và chỉ định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi.
TS.BS. Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Xoắn ruột là bệnh lý gây tắc nghẽn đường ruột và ứ đọng thức ăn, làm giảm lưu lượng máu đến ruột, gây viêm, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Có rất nhiều nguyên nhân gây xoắn ruột, trong đó thoát vị nội qua khiếm khuyết tự nhiên ở lỗ mạc treo ruột non là một nguyên nhân hiếm gặp ở trẻ sơ sinh nhưng hay gặp ở các trẻ có tắc ruột phân su.
Cần chẩn đoán, xử trí phẫu thuật sớm để bảo tồn ruột tối đa.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, đoạn ruột tổn thương có thể bị hoại tử không thể phục hồi, từ đó gây nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng dẫn tới tử vong”.
(Báo Giáo dục và thời đại)