Huy động nguồn nhân lực y tế chất lượng cao phục vụ khám, chữa bệnh
Trong lĩnh vực y tế, việc sửa đổi Luật Thủ đô cần quán triệt các quan điểm, định hướng Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Việc sửa đổi Luật Thủ đô trong lĩnh vực y tế phải xuất phát từ thực trạng, tính đặc thù, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô qua từng giai đoạn cụ thể.
Trên thực tế, chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn chưa xứng tầm với vị thế là cơ sở y tế tuyến cuối của Thủ đô Hà Nội. Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở còn thiếu và xuống cấp. Nguồn nhân lực y tế còn thiếu về số lượng khi tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân của thành phố chưa cao.
Bên cạnh đó, sự mất cân đối nghiêm trọng về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học dự phòng; giữa các chuyên khoa trong từng lĩnh vực với nhau là vấn đề tồn tại nhiều năm nay mà vẫn chưa có những giải pháp chính sách để giải quyết hiệu quả.
Theo ông Tạ Thành Văn, chất lượng cán bộ y tế của Hà Nội còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Một minh chứng cho thấy, trước năm 2013, khi Hà Nội ký kết dự án đào tạo đội ngũ bác sĩ nội trú với Trường Đại học Y Hà Nội thì số bác sĩ nội trú tốt nghiệp làm việc cho các bệnh viện trực thuộc Hà Nội trong vòng 40 năm chỉ là 60 người (giai đoạn 1974-2012).
Khắc phục điều này, giai đoạn 2013-2020, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã ký kết hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú cho Hà Nội với Trường Đại học Y Hà Nội và chỉ trong 8 năm, đơn vị đã cung cấp cho Hà Nội 182 bác sĩ nội trú thuộc các chuyên ngành khác nhau. Nếu tính đến sự cân đối về chất lượng nguồn nhân lực y tế giữa các chuyên khoa thì bức tranh còn “ảm đạm” hơn nhiều.
“Hãy tạm so sánh danh mục chuyên môn mà các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội làm được với các bệnh viện tuyến trung ương đóng ngay trên địa bàn thì sẽ thấy rõ. Sự thiếu vắng các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế chất lượng cao ở ngay các bệnh viện của Hà Nội như giải phẫu bệnh, lao, truyền nhiễm, xét nghiệm... Nếu tính đến các bệnh viện ở các quận/huyện ngoại thành thì tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều”, đại biểu nêu thực trạng.
Từ thực tế trên, đại biểu đã góp ý một số nội dung tập trung vào lĩnh vực y tế được quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cụ thể, trong điều 27 của dự thảo Luật về “Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân”, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi này tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và có trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bởi lẽ Thủ đô Hà Nội mặc nhiên được “tận hưởng” nguồn nhân lực chất lượng cao nhất của đất nước, thuộc các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội, trong các lĩnh vực như quy hoạch quản lý đô thị, giao thông đô thị và quản lý xử lý môi trường, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ...
Hà Nội cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Các chính sách này không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí.
Ngoài ra, Luật sửa đổi cần bổ sung cơ chế, chính sách cho việc chuyển vượt tuyến thuận lợi khi tuyến dưới không thực hiện được các nhiệm vụ chuyên môn. Cơ chế tính toán chi phí và phân bổ tài chính cũng không nên tập trung vào các cơ sở y tế tuyến trên. Việc đầu tư cho tuyến y tế cơ sở kết hợp với phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình không chỉ góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên mà còn bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Vì vậy, dự thảo cần làm rõ hơn việc xây dựng hệ thống y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế gia đình gắn với cơ chế đặc thù cho y tế Hà Nội.
Trong dự thảo Luật cũng cần đề cập vai trò của y tế tư nhân với chính sách ưu đãi đặc thù trong việc thực thi nhiệm vụ trong chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô. Bài học về công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy sự tham gia rất khiêm tốn của các cơ sở y tế ngoài công lập trong khi toàn bộ hệ thống y tế công lập từ trung ương xuống cơ sở đều quá tải. Do vậy, dự thảo Luật cần thiết đưa ra chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư các cơ sở y tế tư nhân trong lĩnh vực y học dự phòng.
(Báo Hà Nội mới)
Người dân lơ là chủ quan, bệnh sốt xuất huyết có thể tăng mạnh
Tại Việt Nam, mỗi năm trung bình có khoảng 100.000 đến 300.000 người mắc bệnh, khoảng trên 100 trường hợp tử vong. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 46.000 ca mắc, 11 trường hợp tử vong tại hầu hết các tỉnh, thành phố phía Nam.
Tại Hà Nội, sốt xuất huyết lưu hành hàng năm, thời gian gần đây trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 14.000 trường hợp mắc. Năm 2017, số mắc cao với 35.665 trường hợp, năm 2022 ghi nhận 19.668 trường hợp.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - dịch sốt xuất huyết gia tăng có nhiều nguyên nhân, có cả yếu tố khách quan và chủ quan, với những nguyên nhân chính sau đây, dịch sốt xuất huyết gia tăng trong bối cảnh chung của tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam.
Hiện tại, chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng, chống có khó khăn hơn so với các dịch bệnh khác. Sự biến đổi của thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng tới sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh.
Bên cạnh đó, các yếu tố tự nhiên tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; quá trình đô thị hóa diễn ra, nhiều phế liệu, phế thải do con người tạo ra không được thu gom xử lý kịp thời tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và phát triển.
Mặt khác, do lượng dân cư di biến động lớn, nhiều học sinh sinh viên, người lao động nhập cư, điều kiện sống tập trung đông đúc tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát.
Người dân còn lơ là, chủ quan
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, người dân còn chủ quan lơ là, xem thường dịch, đánh giá nhẹ tầm quan trọng của việc phòng chống dịch bệnh.
Trước tình hình đó, ngành y tế đã chủ động các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh; các dấu hiệu nhận biết, cách phòng bệnh để người dân biết và tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình mình.
Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch; thực hiện tốt hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường; triển khai hoạt động phun hóa chất tại các khu vực ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức về điều trị bệnh; tổ chức phân tầng, phân tuyến điều trị tùy theo mức độ nặng, nhẹ của người bệnh; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền đáp ứng đầy đủ khi số bệnh nhân gia tăng.
(Báo Lao động)
Chuyên gia chỉ cách nhận diện rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Theo bác sĩ Vũ Thị Lan - Phòng điều trị các rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, tác động của sang chấn tâm lý, stress trong cuộc sống cũng là yếu tố góp phần vào việc khởi phát, tăng nặng, kéo dài dai dẳng rối loạn lo âu trầm cảm.
Chia sẻ về cách nhận diện rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm, bác sĩ Vũ Thị Lan cho biết, lo âu là một cảm giác bất an và lo lắng quá mức, không kiểm soát được. Đi kèm với cảm xúc đó là sự căng cơ, bồn chồn, mệt mỏi, khó tập trung.
Lo âu cũng là một trạng thái cảm xúc lo lắng kéo dài, tập trung vào tương lai hoặc các mối đe dọa không xác định. Điều đó khiến người mắc rối loạn lo âu thận trọng quá mức khi tiếp cận mối đe dọa tiềm ẩn và cản trở việc đối phó mang tính phù hợp.
Trầm cảm là quá trình hoạt động tâm thần bị ức chế, trong đó, triệu chứng cơ bản là cảm xúc bị ức chế, tư duy bị ức chế và hoạt động bị ức chế.
Ở góc nhìn khoa học, bác sĩ Vũ Thị Lan cho biết, trong Bảng phân loại bệnh Quốc tế lần thứ mười (ICD-10), rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm được xếp vào mã bệnh F41.2, thuộc các rối loạn bệnh tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể.
Về tỷ lệ mắc, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là một rối loạn khá thường gặp trong quần thể dân số chung với tỷ lệ dao động từ 0,8% - 2,5% và từ 5% - 15% người bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nữ giới có nguy cơ mắc rối loạn này cao hơn so với nam giới.
Bàn về nguyên nhân sinh bệnh, bác sĩ Vũ Thị Lan cho hay, có sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, các yếu tố môi trường như các trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu, bệnh lý cơ thể kết hợp với việc sử dụng rượu và chất gây nghiện khác.
Các tác động của sang chấn tâm lý, stress trong cuộc sống cũng là yếu tố góp phần vào việc khởi phát, tăng nặng và kéo dài dai dẳng rối loạn lo âu trầm cảm trong suốt cuộc đời người bệnh.
Để nhận diện và có giải pháp điều trị sớm, bác sĩ Vũ Thị Lan chia sẻ, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm đồng thời có các biểu hiện của lo âu và các triệu chứng của trầm cảm. Trong đó, các triệu chứng cơ thể của lo âu rất phong phú.
Đơn cử như: Khó thở, khó chịu ở ngực hoặc bụng, cảm giác nghẹn có cảm giác có khối trong họng hoặc khó nuốt; buồn nôn, đi ngoài, đi tiểu nhiều lần, các cơn đỏ mặt, ớn lạnh, tê bì, tê cóng hoặc cảm giác kim châm, yếu, căng cơ hoặc đau đớn, không đứng vững và cảm giác sắp ngất.
Về mặt hành vi người mắc lo âu thường biểu cảm trạng thái sợ hãi, thu mình, né tránh, dễ cáu bẳn, thở nhanh, khó nói; tăng nhạy cảm, giảm tập trung chú ý, sợ mất kiểm soát. Người bệnh thường suy nghĩ mọi việc theo hướng trầm trọng hóa, thảm họa hóa vấn đề…
(Báo Kinh tế và đô thị)
Đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm tinh dầu hoa bưởi
Thông tin từ Cục Quản lý Dược cho biết, Cục vừa thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Tinh dầu hoa bưởi - Hộp 1 chai 80ml; trên nhãn ghi thông tin: Số lô: 03; NSX: 13/9/2022; HD: 13/9/2024; Số CBMP 24/17/CBMP-TG; Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận sản xuất; địa chỉ: Ấp Mỹ Thạch, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Mẫu mỹ phẩm trên do Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm TP.HCM lấy mẫu tại Nhà thuốc Hồng Phúc (Địa chỉ: 533-535 Sư Vạn Hạnh, phường 13, quận 10, TP.HCM) để kiểm tra chất lượng.
Lý do thu hồi: Mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Tinh dầu hoa bưởi - Hộp 1 chai 80ml nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm.
(Báo Đời sống và pháp luật)
Phòng khám đa khoa Nam Việt quảng cáo mình là "nhất" để hoạt động quá chuyên môn, "vẽ bệnh, moi tiền"
Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa xử phạt Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Nam Việt (Phòng khám đa khoa Nam Việt, số 202 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TP. Hồ Chí Minh) 36 triệu đồng.
Theo Thanh tra Sở Y tế, Phòng khám đa khoa Nam Việt có hành vi: Lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định.
Ngoài bị phạt tiền, Phòng khám đa khoa Nam Việt còn bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định.
Thanh tra Sở Y tễ cũng xử phạt 3 bác sĩ làm việc tại Phòng khám đa khoa Nam Việt, gồm: Trương Quang Thái (Bác sĩ chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh), Ngô Quang Huy (Bác sĩ chuyên khoa Ngoại), Phạm Anh Tuấn (Bác sĩ chuyên khoa Sản). Mỗi bác sĩ bị phạt 2 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 2 tháng, vì hành vì: Lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật.
(Báo Đại biểu nhân dân)
Nhóm bác sỹ và điều dưỡng câu kết lập khống 153 hồ sơ bệnh án, trục lợi tiền bảo hiểm
Ngày 1/8, Công an TP Vinh (Nghệ An) vừa khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can là các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Thái An về tội gian lận bảo hiểm y tế.
Trước đó, công an phát hiện một nhóm người liên kết với bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện Thái An để lập khống hồ sơ bệnh án, nhằm trục lợi bảo hiểm thương mại (BHTM) và bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo điều tra, những người tham gia BHTM, BHYT mặc dù không có nhu cầu khám, chữa bệnh nhưng vẫn được điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng (SN 1991), Đặng Thị Anh Tú (SN 1984) làm thủ tục nhập viện.
Sau khi nhập viện, “bệnh nhân” được đưa đến Khoa Liên chuyên khoa để gặp bác sĩ Hoàng Đăng Thanh (SN 1986), Đinh Thị Mỹ Dung (SN 1959) ký hợp thức hóa thủ tục khám và điều trị.
Hằng ngày, mặc dù những người này không điều trị tại bệnh viện nhưng 2 bác sĩ và các điều dưỡng Hằng, Tú, Lê Thị Thanh Tâm (SN 1986), Lương Thị Bé (SN 1982), Trần Thị Huệ (SN 1988) đều tham gia ký khống vào hồ sơ bệnh án. Khi đủ số ngày điều trị, điều dưỡng gọi bệnh nhân đến làm thủ tục thanh toán viện phí.
Bước đầu, Công an TP Vinh làm rõ, từ năm 2011 - 2023, Bệnh viện Đa khoa Thái An đã lập khống 153 hồ sơ bệnh án. Trong đó, 59 hồ sơ có BHYT và được Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An thanh toán hơn 100 triệu đồng. Những người có tên trong hồ sơ bệnh án đã nộp tiền viện phí cho bệnh viện Thái An hơn 200 triệu đồng.
Từ những hồ sơ bệnh án giả, nhóm người này còn được các công ty BHTM thanh toán hơn 2 tỷ đồng (chi phí nằm viện).
Tại cơ quan điều tra, những người này khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hiện, Công an TP Vinh đang tiếp tục làm rõ hành vi của các đối tượng khác có liên quan.
(Báo điện tử Afamily)
Mỹ: Thử nghiệm thành công "thần dược" tiêu diệt 70 loại ung thư
Các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện City of Hope (Los Angeles - Mỹ) tin tưởng rằng loại thuốc mới mà họ phát triển có thể tiêu diệt tất cả các khối u rắn trong bệnh ung thư.
Theo Daily Mail, "thần dược" này được các nhà khoa học tạo ra bằng cách nhắm thẳng vào PCNA, một loại protein được coi là "bất tử", có trong hầu hết các loại ung thư, giúp các khối u phát triển và nhân lên trong cơ thể.
Nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện City of Hope đã dành ra 20 năm để nghiên cứu loại thuốc này, thử nghiệm chúng trên 70 tế bào ung thư khác nhau, bao gồm tế bào ung thư vú, tuyến tiền liệt, não, buồng trứng, cổ tử cung, da, phổi....
Thuốc đã thành công ngoạn mục trong các thử nghiệm nói trên và được sản xuất dưới dạng viên để tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người.
Thuốc mang tên AOH1996, theo tên cô bé Anna Olivia Healy, đã qua đời năm 2005 vì ung thư ở tuổi lên 9. Bé gái này đã truyền nhiều cảm hứng cho bệnh nhân ung thư trước khi qua đời và tiến sĩ Linda Malkas, trưởng nhóm nghiên cứu, cũng lấy cảm hứng cho viên thuốc từ cuộc gặp với cha của Anna.
thí nghiệm thuốc này tiêu diệt tế bào ung thư một cách có chọn lọc bằng cách phá vỡ chu kỳ sinh sản của chúng, ngăn không cho các tế bào có DNA bị hỏng phân chia và ngăn chặn sự sao chép của DNA lỗi.
Sự kết hợp này khiến các tế bào ung thư chết mà không gây hại cho các tế bào khỏe mạnh lân cận.
Các nhà nghiên cứu đã khởi động chuỗi thử nghiệm lâm sàng (trên người). Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đang được tiến hành ngay tại Bệnh viện City of Hope.
(Báo Người lao động)