Nguy cơ rối loạn chỉ đạo tuyến trong hệ thống y tế nếu Hà Nội "quản" bệnh viện trung ương
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập việc chuyển các bệnh viện trung ương Bộ Y tế quản lý về Hà Nội. Nhiều lãnh đạo các bệnh viện đầu ngành, chuyên khoa bày tỏ quan điểm thống nhất: Bộ Y tế cần tiếp tục quản lý.
Ông Trần Cao Bính - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương phân tích: vai trò của Bộ Y tế là quản trị ngành y tế cả nước. Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều là các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành, có cả hạng đặc biệt, là bệnh viện tuyến cuối, có tầm ảnh hưởng quốc tế và quan hệ quốc tế, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.
"Chúng tôi không chỉ làm công tác khám chữa bệnh tuyến cuối, mà còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, chỉ đạo tuyến; cập nhật các kỹ thuật tiên tiến của thế giới về thực hiện nhuần nhuyễn trước khi chuyển giao cho tuyến dưới… Đặc biệt các bệnh viện này giữ vai trò dẫn dắt của ngành y trong việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tuyến dưới, như Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương chỉ đạo cho các cơ sở y tế trên cả nước chứ không riêng gì Hà Nội. Nếu chuyển về Hà Nội quản lý thì việc phát triển chuyên môn và chỉ đạo tuyến dưới sẽ ra sao?"- ông Bính phân tích.
Đồng quan điểm, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ nêu thực trạng: sau khi đi khảo sát, tham gia trực tiếp công tác phòng chống dịch COVID-19 ở phía Nam và Tây Nguyên cho thấy, ngay chỉ một chuyên ngành hồi sức tích cực cả vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên gần như 'trắng', do đó nếu không có các bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt, đầu ngành của Bộ Y tế chỉ đạo tuyến, sẽ khó cho công tác chỉ đạo tuyến cũng như công tác bảo vệ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo ông Cơ, trên thế giới, hầu hết các nước phát triển có nhiều bệnh viện tư, nhưng họ vẫn có 20-30% bệnh viện công do chính phủ trực tiếp quản lý để làm công tác an sinh xã hội.
"Với vai trò là giám đốc Câu lạc bộ các bệnh viện phía Bắc, qua trao đổi với nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh, tôi đều nhận được thông tin đề nghị các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành vẫn tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương.
Đồng thời các tỉnh cũng băn khoăn nếu bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuyển về Hà Nội quản lý, lúc đó công tác chỉ đạo tuyến sẽ thế nào? Rồi mối quan hệ giữa bệnh viện các tỉnh với bệnh viện của Hà Nội sẽ thế nào?"- ông Đào Xuân Cơ nói thêm.
Nói riêng về Bệnh viện Bạch Mai, ông Cơ phân tích: "Ngoài các nhiệm vụ khám chữa bệnh, chỉ đạo tuyến, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học hỏi, ứng dụng và triển khai các kỹ thuật cao, mới tiên tiến của thế giới vào Việt Nam... chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ Bộ Y tế giao về xây dựng danh mục định mức kinh tế kỹ thuật. Với sự đồng hành của các cục/vụ liên quan của Bộ Y tế, chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng được hơn 5.000 danh mục. Vậy nếu trực thuộc Hà Nội quản lý, việc này sẽ thực hiện thế nào"?
Giám đốc Bệnh viện E Nguyễn Công Hựu và và Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TW Vũ Nam đều cho biết mỗi bệnh viện đang làm công tác chỉ đạo tuyến cho vài chục bệnh viện tuyến huyện và tỉnh. Do đó nếu thuộc Hà Nội quản lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác này.
Vai trò của các bệnh viện tuyến cuối, chuyên khoa do Bộ Y tế quản lý trong công tác đào tạo nhân lực y tế cũng được các lãnh đạo bệnh viện trung ương đề cấp đến. Từ nhiều năm nay, tại các Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K, Tai mũi họng Trung ương, Bệnh viện E... đều là các cơ sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong đó có nhiều cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng như Trường Đại học Y Hà Nội.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
Bộ Y tế phạt công ty TNHH dược phẩm FitoPharma 120 triệu
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa có quyết định xử phạt Công ty TNHH dược phẩm FitoPharma 120 triệu đồng vì có các vi phạm liên quan đến các thuốc Kim tiền thảo – f, Thuốc Diệp hạ châu, Thuốc Hoạt huyết dưỡng não, Thuốc Gừng, Thuốc Xuyên tâm liên.
Theo quyết định do Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Thành Lâm ký ban hành ngày 1/8, Công ty TNHH dược phẩm FitoPharma ((Địa chỉ trụ sở chính: 26Bis/1 Khu phố Trung, phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính và bị áp dụng các hình thức xử phạt
(Báo Sức khỏe và đời sống)
Chuyển bệnh viện trung ương cho Hà Nội quản lý, lo ngại làn sóng y bác sĩ nghỉ việc
Theo bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, nếu chuyển bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý sẽ xảy ra làn sóng y bác sĩ nghỉ việc, người chịu thiệt thòi là bệnh nhân.
Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô sẽ được chuyển cho TP Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học y. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải nhiều sự phản đối.
Theo tôi đây là quyết định cảm tính, chủ quan và lợi bất cập hại, vì những lý do dưới đây.
Thứ nhất, những bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế như K, Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương là những bệnh viện có đội ngũ bác sĩ và chuyên gia rất giỏi. Những đơn vị này không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám và điều trị bệnh cho 10 triệu dân Hà Nội, mà còn cho hàng chục triệu người dân của các tỉnh phía Bắc và miền Trung, chủ yếu là những ca bệnh khó. Do đó, dù cơ sở nằm trên địa bàn Hà Nội nhưng các bệnh viện này phục vụ cho nhiều địa phương.
Việc đưa các bệnh viện đầu ngành về trực thuộc Hà Nội sẽ thu hẹp tầm hoạt động của bệnh viện. Khi đó, đối tượng bị thiệt thòi là nhân dân.
Nếu các bệnh viện trên vẫn nhận điều trị cho bệnh nhân ở các tỉnh, thì không tránh khỏi tình trạng người mắc bệnh hiểm nghèo bị "chuyển trả" về địa phương với lý do đây là bệnh viện của Hà Nội. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bệnh nhân có thể bị chết oan vì không được điều trị kịp thời.
Đồng thời, tâm lý bệnh nhân ở các tỉnh sẽ có cảm giác mình là công dân hạng hai khi đi khám và điều trị. Một số bác sĩ y tá ở những bệnh viện đôi khi cũng có cảm giác phân biệt đối xử.
Nếu quá tải, các viện này sẽ ưu tiên cho người dân Hà Nội, còn người ở các tỉnh sẽ bị từ chối, vì đây là bệnh viện của Hà Nội, nhất là với người bệnh ở các tỉnh miền núi, miền quê nghèo.
Thứ hai, bệnh viện tuyến trung ương còn có nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn và đỡ đầu về chuyên môn cho bệnh viện các tỉnh. Đây là nhiệm vụ Bộ Y tế phân công. Khi giao các bệnh viện đầu ngành về Hà Nội quản lý, nhiệm vụ này sẽ bị biến thể.
Bệnh viện thuộc Hà Nội có nhiệm vụ chăm sóc cho người Hà Nội. Bộ Y tế muốn làm điều này phải được sự đồng ý của thành phố. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc, vùng sâu vùng xa.
Thứ ba, các bệnh viện đầu ngành còn là nơi thực hành của các trường đại học y khoa. Sự kết hợp viện - trường là đặc thù của ngành y. Các giáo sư, bác sĩ của trường tham gia lãnh đạo các khoa phòng và lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc và ngược lại.
Đồng thời, các giáo sư, bác sĩ của trường là nguồn nhân lực chất lượng cao với các bệnh viện. Nếu các bệnh viện này do Hà Nội quản lý, sự kết hợp này sẽ dễ bị gẫy đổ, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đào tạo bác sĩ và hoạt động của bệnh viện.
Các bệnh viện tuyến cuối, hạng đặc biệt còn là nơi làm việc của nhiều chuyên gia, nếu việc quản lý không được thực hiện tốt có thể dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám.
Thứ tư, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế còn tham gia hợp tác quốc tế, phòng chống dịch bệnh, thiên tai lũ lụt trong cả nước. Nếu Hà Nội quản lý các bệnh viện tuyến trung ương giống như "người mặc bộ đồ quá dài và quá rộng, cứ quấn vào nhau, không bước được".
Sở Y tế Hà Nội đang quản lý mấy chục bệnh viện, hàng nghìn bệnh viện tư và phòng khám tư nhân. Đưa thêm hàng chục bệnh viện đầu ngành, tuyến trung ương, nơi khám chữa bệnh cho hàng chục triệu dân thì không quản lý nổi.
Nhiều giáo sư, chuyên gia giỏi ở các bệnh viện đầu ngành trực thuộc Bộ sở dĩ người ta còn gắn bó với bệnh viện vì đây là những bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối, có truyền thống và thương hiệu, niềm tự hào của nền y học nước nhà.
Nếu đề xuất trên được thực hiện, chắc chắn nhiều tinh hoa, bác sĩ xin nghỉ. Điều này làm chảy máu chất xám ở bệnh viện công. Người bệnh, nhất là người nghèo sẽ bị thiệt thòi nhất.
(Báo điện tử Soha)
Một người ở Hà Nội xuất hiện nhiều mảng tím đen sau khi ăn lòng lợn
Sáng 3-8, theo tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, tại đây vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân (59 tuổi ở Hà Nội) nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn lòng lợn.
Trước đó, ngày 2-8, nữ bệnh nhân này được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) trong tình trạng thở ô xy mask 15l/ph. Bệnh nhân thở gắng sức, sau đó phải chuyển sang thở ô xy lưu lượng cao (HFNC).
Được biết, thời gian gần đây, tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục tiếp nhận bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 13 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có 1 ca tử vong. Trong khi cùng kỳ năm 2022, toàn thành phố mới có 1 ca mắc liên cầu lợn.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm được nấu chín kỹ.
Do đó, để phòng tránh nhiễm bệnh, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
(Báo Hà Nội mới)
Hội chứng khiến cô bé 13 tuổi suýt đột tử
Bệnh nhân liên tiếp gặp các cơn co gồng, tím môi chỉ trong vài ngày. Khi đang nằm viện, em lên cơn ngưng tim, phải sốc điện và hồi sức tim phổi.
Ngày 3/8, bác sĩ Trương Nhật Vi, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, cho biết nơi đây vừa cứu sống một cô bé mắc hội chứng hiếm gặp.
Bệnh nhân là em N.B.T (13 tuổi, Bình Dương), được phát hiện có hai cơn co gồng, tím môi khi đang ngủ. Người bố đã thao tác nhấn tim và đưa con đến bệnh viện tỉnh để cấp cứu. Lúc này, cơn co gồng tiếp tục xuất hiện. Các bác sĩ đã xử trí cấp cứu ban đầu cho T. và đo điện tim, chẩn đoán mắc hội chứng QT dài (hội chứng rối loạn hoạt động điện của tim.)
Sau đó, T. được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Quá trình theo dõi, em lại có thêm các cơn co gồng, tím môi trong khoảng 1-2 phút và tự hết.
Nguy hiểm hơn, sau 5 ngày nhập viện, T. xuất hiện ngưng tim. Các bác sĩ nhanh chóng thực hiện hồi sức tim phổi, kết hợp sốc điện. Khoảng 30 phút sau hồi sức, em có nhịp xoang (nhịp đập sinh lý ở tim), tỉnh táo. Trẻ được điều trị với thuốc chống rối loạn nhịp.
Trước tình huống trên, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Trí Việt, Trưởng Khoa tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn với Trưởng khoa nhịp tim của Bệnh viện Thống Nhất về vấn đề đặt máy khử rung nhằm có phương án tốt nhất cho bệnh nhân. Sau gần 3 tuần tích cực điều trị, T. đã ổn định, giao tiếp tốt, sinh hiệu và nhịp tim ổn. Em được xuất viện.
Theo bác sĩ Vi, hội chứng QT dài bẩm sinh mà T. mắc phải là chứng rối loạn hoạt động điện của tim. Biểu hiện lâm sàng của bệnh có thể từ không triệu chứng đến hồi hộp, co giật, ngất, cuối cùng là tử vong. Yếu tố khởi phát cơn nhịp nhanh có thể do gắng sức, căng thẳng, áp lực, tiếng ồn, cũng có thể xảy ra khi ngủ hoặc nghỉ ngơi.
Mặc dù hiếm gặp, nhưng hội chứng QT dài là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ em. Bác sĩ lưu ý khi trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng trên, phụ huynh cần giúp tránh các yếu tố khởi phát, trang bị kỹ năng hồi sức tim phổi cơ bản khi trẻ trở nặng.
(Báo điện tử Vietnamnet)
Trừ điểm quận huyện có phòng khám tư hoạt động 'chui'
Sở Y tế TP HCM sẽ trừ điểm địa phương không phát hiện kịp thời cơ sở y dược tư nhân hoạt động không phép, hoặc đã bị đình chỉ nhưng vẫn mở lén lút.
Nội dung này vừa được Sở Y tế xây dựng trong dự thảo Bảng điểm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ về hoạt động chăm sóc sức khỏe của địa phương. Các quận huyện, TP Thủ Đức còn bị trừ điểm nếu không phát hiện kịp thời người không chứng chỉ hành nghề hoạt động tại các cơ sở y, dược tư nhân.
Đây là lần đầu ngành y tế triển khai hoạt động này, trong bối cảnh nhiều cơ sở, cá nhân hoạt động khám chữa bệnh, y dược không phép, trái phép tại thành phố, gây ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng người dân. Gần một năm nay, mỗi tuần, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đều có hoạt động kiểm tra, xử phạt từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi cá nhân và đơn vị vi phạm.
Ngoài đánh giá về công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân, bảng điểm còn tập trung 7 lĩnh vực khác, gồm công tác phòng chống dịch, y tế cộng đồng, dân số, thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, chuyển đổi số y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe, mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế địa phương.
Tổng điểm tối đa của các tiêu chí là 100, với điểm cộng và điểm trừ trong từng tình huống cụ thể. Địa phương đạt từ 90 điểm trở lên được xếp hoàn thành xuất sắc, từ 75 đến dưới 90 điểm là hoàn thành tốt, từ 50 đến dưới 75 điểm là hoàn thành và dưới 50 điểm là không hoàn thành.
Sở Y tế nhận định bảng đánh giá giúp lãnh đạo địa phương phát huy những mặt tích cực, nhận diện những vấn đề ưu tiên cần được quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn, cần đầu tư nguồn lực hay cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn.
Dự kiến, sau khi lấy ý kiến đóng góp từ UBND các quận huyện và TP Thủ Đức, Sở Y tế sẽ điều chỉnh, báo cáo UBND TP HCM cho phép áp dụng đánh giá hàng năm, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.