Bệnh viện tuyến trung ương cần được đặt vị trí như "sư đoàn chủ lực" của Bộ Y tế
TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho rằng, các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành cần tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương.
Phóng viên: Thưa ông, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có điều khoản đưa một số bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế về cho Hà Nội quản lý, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
TS.BS Mai Văn Mười: Chúng ta cần hiểu, vai trò của các bệnh viện trung ương thuộc Bộ Y tế phải được coi là những sư đoàn quân chủ lực, tinh nhuệ, được đầu tư mạnh về trang thiết bị y tế hiện đại, có giáo sư - tiến sĩ giỏi, bác sĩ đầu ngành ở nhiều chuyên khoa mũi nhọn. Họ vừa làm tốt công tác khám, điều trị, vừa làm công tác nghiên cứu chuyên sâu, hợp tác quốc tế...
Ngoài làm tốt những điều trên, bệnh viện tuyến trung ương còn có trách nhiệm đào tạo, huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới (bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa tỉnh...).
Khi có dịch xảy ra, bệnh viện tuyến trung ương – nơi tập trung các chuyên gia giỏi khi nhận được "lệnh" của Bộ Y tế phải sẵn sàng lên đường đến bất cứ địa phương nào của cả nước, thậm chí họ sẽ lại ở xã để trực tiếp thăm khám, điều trị cho người bệnh. Nếu vượt quá khả năng trang thiết bị tại chỗ, người bệnh sẽ được đưa về bệnh viện trung ương điều trị cho đến khi hết bệnh đồng thời phục vụ nghiên cứu khoa học lâu dài. Bởi y học không chỉ chữa hết bệnh là xong nhiệm vụ. Nghiên cứu khoa học trong y tế là nghiên cứu dựa trên mỗi cá thể, nghiên cứu chuyên sâu về bệnh tật để dự báo và đưa ra phác đồ điều trị đúng.
Tôi còn nhớ, cách đây vài năm khi có "bệnh lạ" xảy ra ở tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Y tế và trực tiếp đồng chí Bộ trưởng khi đó là PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các chuyên gia đầu ngành của Bộ, các thầy thuốc giỏi của một số bệnh viện chuyên khoa thuộc Bộ đã đến trực tiếp thăm khám, điều trị, tìm ra nguyên nhân.
Người bệnh của Quảng Ngãi được điều trị bởi chuyên gia da liễu giỏi của Bộ Y tế đã khỏi bệnh. Và quan trọng nhất là các chuyên gia của Bộ đã tìm ra nguyên nhân, trị tận gốc căn bệnh, đem lại bình yên cho người dân Quảng Ngãi.
PV: Tỉnh Quảng Nam đã đón nhận được hỗ trợ như thế nào từ các bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế thời gian vừa qua, thưa ông?
TS.BS Mai Văn Mười: Thay mặt ngành y tế Quảng Nam, người bệnh Quảng Nam tôi cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế và các đơn vị, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trong nhiều năm qua.
Đơn cử như đợt dịch COVID-19 cách đây 3 năm ở tỉnh, chúng tôi đã nhận được sự chi viện kịp thời từ sở chỉ huy tiền phương Bộ Y tế đóng tại Đà Nẵng, do nguyên Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng bộ phận. BV Bạch Mai đã cử đoàn cán bộ y tế hùng hậu vào chống dịch, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tỉnh Quảng Nam.
Tỉnh Quảng Nam chúng tôi cũng đã đón nhận nhiều đoàn chuyên gia giỏi ở các bệnh viện chuyên khoa thuộc Bộ Y tế đến chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực, hỗ trợ chuyên môn.
Mới đây nhất khi xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc do cá ủ chua, chuyên gia của BV Chợ Rẫy đã bay ra, đem theo thuốc đặc trị, đào tạo, hướng dẫn bác sĩ Quảng Nam sử dụng thuốc và điều trị cho bệnh nhân.
Chỉ đơn cử những ví dụ nhỏ kể trên có thể thấy các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành cần tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương.
Tuyến tỉnh của chúng tôi rất mong muốn và đợi chờ ở vai trò dẫn dắt của bệnh viện thuộc Bộ Y tế trong việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tuyến dưới. Điều này luôn đúng và nhất là trong thời điểm hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
Cậu bé có lòng bàn chân không chạm đất đã có thể tự đi
Từ khi sinh ra, hai bàn chân và hai bàn tay của bé B.M (6 tuổi) đã bị biến dạng. Đặc biệt, bàn chân bị ngoẹo sang một bên, lòng bàn chân không thể chạm được xuống đất khiến bé chỉ có thể di chuyển bằng cách bò.
Chị G, mẹ của bé B.M, chia sẻ, vào năm 2017, chị sinh bé thuận lợi. Thế nhưng, khi con chào đời, các bác sĩ phát hiện hai chân và hai tay của bé không được bình thường. Lúc đó, các bác sĩ chẩn đoán, bé bị mắc cứng đa khớp và không thể cứu chữa.
Chị G đã đưa con đi khắp các bệnh viện kiểm tra và đều nhận được những cái lắc đầu của các bác sĩ. Tuy vậy, chị G vẫn quyết cho con tập phục hồi chức năng và chờ cơ hội.
Điều kỳ diệu cũng đến. Khi nhận được tin đoàn chuyên gia chấn thương chỉnh hình từ châu Âu thuộc Tổ chức nhân đạo quốc tế Children Action sang thăm và làm việc tại khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), chị G đã đưa con đến viện để nhờ các bác sĩ khám và chẩn đoán.
Tại đây, bé M được xác định nguyên nhân dị tật là do yếu tố thần kinh chứ không đơn giản chỉ là cứng đa khớp. Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho bé M. Kết quả, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp.
“Con mất 2 tháng bó bột, 1 tháng phục hồi. Sau đó M được tháo bột và tập phục hồi chức năng. Lần đầu tiên con đi được, cảm giác hai vợ chồng như vỡ òa sau 6 năm chờ đợi mỏi mòn”, chị G xúc động kể.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) - người trực tiếp điều trị cho M chia sẻ, cuộc phẫu thuật đã diễn ra thành công. Bệnh nhi được nẹp chân và tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn. Hiện nay, 7 tháng sau mổ, M đã có thể tự đi không cần người dắt tay.
“Tuy nhiên, để giúp bệnh nhi trở về cuộc sống bình thường, cần một hành trình dài. Bệnh nhi cần được đánh giá theo từng giai đoạn và phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật khác”, bác sĩ Nguyễn Thành Trung cho hay.
Từ trường hợp này, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) khuyến cáo, có hàng chục dị tật xương khớp bẩm sinh, hầu hết đều ảnh hưởng nhiều tới khả năng vận động, tâm lý và phát triển của trẻ sau này. Do đó, nên cho trẻ thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình nhi. Nhờ đó, trẻ sẽ được các bác sĩ tư vấn phác đồ thực hiện các biện pháp can thiệp hoặc phẫu thuật kịp thời, mang lại hiệu quả thẩm mỹ và chức năng vận động cao nhất.
(Báo Hà Nội mới)
Bệnh phong lan rộng tại Mexico
Bộ Y tế Mexico thông báo, 300 người mắc bệnh phong tại 28 bang đang trong quá trình điều trị. Trong đó, 234 bệnh nhân xuất hiện nhiều tổn thương khác nhau trên da, trong khi 66 trường hợp còn lại ở tình trạng nhẹ hơn.
Báo cáo dịch tễ học của Bộ Y tế Mexico cho thấy, 12 thành phố ở 7 bang ghi nhận nhiều hơn 1 trường hợp mắc bệnh phong trên 10.000 cư dân. Số người mắc bệnh tăng cao nên quá trình can thiệp y tế ở các thành phố này nhằm làm gián đoạn chuỗi lây nhiễm được ưu tiên hàng đầu.
Các trường hợp mắc bệnh phong ở Mexico đã giảm 98% giai đoạn từ năm 1989 đến 2022. Quốc gia này vẫn đang trong quá trình loại bỏ căn bệnh được đánh giá là vấn đề đối với sức khỏe cộng đồng.
Từ năm 1989 đến 1992, hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh phong đã được báo cáo trong mỗi 4 năm, trước khi tỷ lệ mắc giảm đáng kể trong những năm cuối của thập niên 1990. Số bệnh nhân giảm xuống dưới 1.000 trường hợp vào năm 2004 và vẫn ở dưới mức này kể từ đó. Cuối năm 2022, Mexico ghi nhận 618 trường hợp mắc bệnh phong tại 24 bang.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (USCDC), quá trình tiếp xúc gần gũi, kéo dài với người mắc bệnh phong không được điều trị trong nhiều tháng là yếu tố dẫn đến sự lây nhiễm.
Tuy nhiên, căn bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm do vi khuẩn phát triển chậm Mycobacterium Leprae gây ra có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Quá trình lây nhiễm sẽ không xảy ra một khi người mắc bệnh được điều trị. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây tổn thương thần kinh, có thể dẫn đến tình trạng tê liệt và mù lòa.
USCDC cũng cho biết, Mỹ ghi nhận 159 người mắc bệnh phong vào năm 2020. Gần 70% trường hợp được báo cáo ở các bang Florida, California, Louisiana, Hawaii, New York và Texas.
(Báo Hà Nội mới)
Tp.HCM tăng cường kiểm soát dịch tay chân miệng
Tại Tp.HCM, số trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nên các bệnh viện phải tăng cường nhân lực, thêm giường bệnh.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM cho biết, trong tuần 30 (tính từ 24/7 đến ngày 30/7) số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh với 2.665 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,4 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.862 ca.
Tại 21/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức (trừ huyện Cần Giờ) đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 30 tăng so với trung bình 4 tuần trước. Cụ thể, các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân tăng cao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.
Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM chia sẻ: “Mùa dịch tay chân miệng năm nay đã bắt đầu được 2 tháng và theo như mùa dịch của những năm xuất hiện chủng virus EV71, chúng ta phải tiếp tục chuẩn bị những biện pháp phòng dịch tay chân miệng trong khoảng 3 - 4 tháng nữa thì dịch mới có thể giảm xuống”.
Còn báo cáo của Sở Y tế Tp.HCM đầu tháng 8/2023 chỉ ra, với nguyên nhân gây bệnh là Enterovirus (EV71) - chủng virus có độc lực cao, dịch tay chân miệng năm nay rất dễ làm bệnh diễn tiến nặng và có thể gây tử vong. Cụ thể, đã có 6 trẻ tử vong tại các bệnh viện của Tp.HCM, tuy nhiên đều có hộ khẩu từ các tỉnh, thành khác đến.
Đại diện HCDC khẳng định, số ca mắc tay chân miệng có giảm được hay không là do sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của mỗi cá nhân và tập thể. Đặc biệt, sắp tới học sinh sẽ quay lại trường học, trùng với đỉnh thứ hai của dịch tay chân miệng (theo hằng năm) nên việc kiểm soát và phòng, chống tay chân miệng là rất cần thiết.
(Báo Người đưa tin)
Bác sĩ giỏi phải dành ít nhất 70% thời gian cho người bệnh BHYT
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT (gọi tắt là Thông tư 13/2023) quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước cung cấp, có hiệu lực áp dụng từ 15.8.2023.
ại Thông tư 13/2023, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực theo quy định của pháp luật về KCB khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn chất lượng.
Cụ thể: Đối với dịch vụ khám bệnh, diện tích cho 1 chỗ khám bệnh tối thiểu phải bằng diện tích khám bệnh quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4470:2012; bảo đảm mỗi bác sĩ, chuyên gia khám, tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 8 giờ.
Đối với dịch vụ giường điều trị, một phòng điều trị theo yêu cầu tối đa không quá 4 giường và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng/giường theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4470:2012.
Thông tư 13/2023 cũng quy định, các cơ sở KCB có trách nhiệm xây dựng danh mục và giá dịch vụ KCB theo yêu cầu để phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định về chuyên môn y tế, đặc biệt là việc chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú; chuyển tuyến, chỉ định sử dụng dịch vụ, thuốc, trang thiết bị y tế theo đúng phác đồ điều trị, phù hợp với tình trạng của người bệnh.
Các cơ sở phải đảm bảo số giường bệnh để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20% so với tổng số giường bệnh thực hiện bình quân của năm trước liền kề (trừ số giường bệnh theo yêu cầu do đơn vị vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo quy định để đầu tư khu vực KCB theo yêu cầu độc lập với khu vực KCB thông thường).
Bảo đảm các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành một tỷ lệ thời gian nhất định (tối thiểu 70%) để KCB cho người bệnh BHYT, người không có thẻ BHYT nhưng không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và hỗ trợ tuyến dưới.