* Bị trì hoãn tiêm chủng do thiếu vaccine, còn cách nào khác bảo vệ trẻ?
TP.HCM đã “cạn” vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Hà Nội cũng đã hết một số vaccine. Chuyên gia chỉ ra một số cách bảo vệ con trẻ trong tình huống “bất khả kháng” này.
Theo ghi nhận của phóng viên Đài TNVN thường trú tại TP.HCM, Trạm y tế phường Hiệp Bình Phước (TP. Thủ Đức) đã 5 tháng qua không còn vaccine 5 trong 1 miễn phí để tiêm cho trẻ vì đã hết từ ngày 20/12/2022. Từ cuối tháng 4/2023, vaccine PDT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiêm cho các trẻ từ 18-24 tháng tuổi cũng đã hết.
Do thời gian chờ đợi dài mà vẫn chưa có, trạm đã tư vấn phụ huynh đưa con em đi tiêm dịch vụ, dù tốn kém nhưng không để lỡ các mũi tiêm cho trẻ. Phần lớn phụ huynh cũng chấp nhận tiêm dịch vụ cho con.
Tình trạng hết vaccine cũng xảy ra ở Trạm y tế phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức. Bà Nguyễn Ngọc Mỹ, trưởng trạm y tế cho biết: trạm có 2 phương án tư vấn cho các trường hợp tiêm vaccine 5 trong 1, tùy theo tình hình kinh tế gia đình có thể đáp ứng được hay không.
“Những trường hợp các cháu mà gia đình không có điều kiện thì mình sẽ cho uống vaccine OPV trước để ngừa bệnh bại liệt. Trong thời gian chờ đợi, nếu có thuốc và các cháu vẫn trong thời gian độ tuổi thì sẽ tiến hành tiêm”, bác sỹ Ngọc Mỹ bày tỏ.
Còn tại Hà Nội, bà Trần Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, một số loại vaccine trong đó có vaccine 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay cũng đã hết.
Sở Y tế đã kiến nghị Bộ Y tế có kế hoạch phân bổ vaccine đến các địa phương trong đó có Hà Nội để đảm bảo tỷ lệ bao phủ tiêm chủng.
Tìm hiểu tại các trạm Y tế trên địa bàn các xã, phường của Hà Nội cho thấy, tình trạng hết vaccine xảy ra ở các xã, phường đông dân cư và không thực hiện dự trù từ năm ngoái, còn lại thì cũng đang cầm chừng. Và nếu Bộ Y tế không cấp thì chỉ trong khoảng 3 tháng nữa Hà Nội cũng “cạn kiệt” vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã cho rà soát nhu cầu các mũi tiêm chủng của nhân dân và lên danh sách. Khi có vaccine, những trẻ bị hoãn, bị trễ sẽ được ưu tiên tiêm phòng sớm nhất có thể.
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương để phòng các dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm phòng vaccine là biện pháp tối ưu nhất, tuy nhiên, trong trường hợp “bất khả kháng” hiện nay vẫn có những cách khác.
Cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để có được một nền sức khỏe tốt, hệ thống miễn dịch khỏe thì khả năng mắc bệnh sẽ thấp và nếu có mắc, việc điều trị cũng dễ dàng hơn.
(Báo Điện tử VOV)
* Dịch chuyển Covid-19 sang nhóm B: Cần quan tâm đối tượng yếu thế
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Việt Nam chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B là điều tất yếu khi bệnh này không còn quá nguy hiểm với xã hội.
Theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, đối với các vấn đề sức khỏe của cộng đồng, nhà nước có các mức can thiệp khác nhau từ thấp lên cao. Với bệnh truyền nhiễm nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao, thì Quốc hội đã cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp hạn chế quyền.
Hiện nay, khi số ca mắc Covid-19 mỗi ngày vẫn còn nhưng thấp hơn ngưỡng lây lan của dịch vẫn chỉ dừng ở cấp độ 1, số người tử vong do Covid-19 rất thấp (thấp hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm như lao phổi, cúm mùa…) thì việc công bố bệnh Covid-19 không còn thuộc nhóm A và công bố hết dịch là điều cần thiết.
Hiện đã có nhiều loại thuốc điều trị đặc hiệu (như Paxlovid, Molnupiravir, các thuốc là kháng thể đơn dòng kháng virus) và không đặc hiệu đã được phát triển trong thời gian vừa qua.
Do đó, theo ông Dũng, ở thời điểm này, chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, Việt Nam có nhiều thuận lợi. Covid-19 không còn là bệnh lây lan nhanh và gây tử vong cao do toàn bộ người dân đã được tiếp cận vaccine Covid-19 và đa số người dân đã được tiêm chủng đầy đủ.
Mặc dù còn có một số rất ít người dân còn quan ngại về Covid-19 nhưng đa số người dân đã hiểu rõ về bệnh này nên dù không chủ quan nhưng người dân không còn quá e ngại về Covid-19 và mong muốn Chính phủ chuyển Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A để tiến tới phục hồi hoàn toàn nền kinh tế đất nước.
Ngành y tế và nhân viên y tế trong nước đã có kinh nghiệm trong phòng ngừa, điều trị bệnh Covid-19 và đã nâng cao năng lực kỹ thuật trong giám sát dịch tễ về sự xuất hiện các biến chủng Covid-19 mới.
Ở bình diện quốc tế, bệnh Covid-19 đã được khống chế, tỷ lệ tử vong do Covid-19 từ đầu năm 2023 đã giảm ít nhất 20 lần so với trước đây. Covid-19 đang được giám sát chặt chẽ trên toàn thế giới nên ít có khả năng gây bất ngờ.
Tác nhân gây bệnh hiện nay chủ yếu là biến chủng Omicron - biến chủng có mức độ gây bệnh chuyển nặng thấp hơn so với các biến chủng trước đây. Các giám sát dịch tễ học phân tử cho thấy dường như biến chủng này có rất ít khả năng tạo ra biến chủng có quan ngại.
Do đó, mới đây, Tổ chức Y tế thế giới công bố Covid-19 không còn là là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp có quan ngại toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới cũng ủng hộ các quốc gia dựa vào tình hình dịch tễ trong nước để công bố hết dịch nhằm cải thiện vấn đề đi lại và giao thương quốc tế.
Tổ chức Y tế thế giới cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế quan tâm các vấn đề như tiếp cận nguồn vaccine, hỗ trợ về kỹ thuật phát hiện các biến chủng virus mới, thực hiện biện pháp kiểm dịch quốc tế,... cho từng quốc gia, dù quốc gia đó có công bố dịch hay không.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, việc chuyển Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A cũng có một số thách thức. Trên bình diện thế giới, dù khả năng Covid-19 tạo ra biến chủng mới là rất thấp nhưng trên lý thuyết vẫn có thể xảy ra, vì vậy vẫn cần phải giám sát dịch tễ và sinh học phân tử của sự xuất hiện biến chủng mới. Từng quốc gia vẫn tiếp tục kiểm soát các ca bệnh Covid-19.
Dù đa số người dân đã được tiêm chủng nhưng một số người do bệnh lý (như ung thư đang hóa trị, do phản vệ khi tiêm vaccine) nên chưa có được miễn dịch đầy đủ với Covid-19.
Do đó, đối tượng này cần phải quan tâm và ngành y tế cần giúp những người này có thể tiếp cận với dịch vụ phòng bệnh Covid-19 và thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ.
Những bệnh nhân cao tuổi, người mắc bệnh nền dù rằng đã được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 nhưng miễn dịch ở những người này không bền vững. Để tiếp tục bảo vệ các đối tượng này, nhà nước cần tìm cơ chế để tiêm chủng miễn phí các mũi tiêm nhắc Covid-19 cho đối tượng này.
Xã hội cần quan tâm thực hiện biện pháp phòng, tránh Covid-19 để bảo vệ người cao tuổi và người có bệnh nền, phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu có mắc bệnh Covid-19.
Sự thiếu hụt nhân viên y tế ở tuyến cơ sở là một vấn đề cũ nhưng vẫn chưa được giải quyết đầy đủ. Vì vậy, một thách thức hiện nay là cần nhanh chóng củng cố hệ thống y tế cơ sở.
Ngoài ra, hiện có thiểu số nhất định cán bộ y tế có tâm lý e dè với các quy định chặt chẽ phòng chống tham nhũng. Để nhanh chóng phục hồi nhiệt huyết muốn cống hiến trong ngành thì cần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng nhưng nên nhanh chóng giải quyết và bỏ qua những sai sót không do cố ý của nhân viên y tế xảy ra trong thời gian Covid-19 lan rộng.
(Báo Nhân dân)
* Thiếu vaccine: Bệnh truyền nhiễm mùa hè có thể gây quá tải y tế
Thời tiết mùa Hè hiện nay, với nắng nóng, nhiệt độ thay đổi thất thường sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn phát triển, gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa… và dễ bùng thành dịch.
Theo các chuyên gia, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, với nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều trẻ em đã không được tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine phòng bệnh cần thiết, dẫn đến có thể mắc bệnh trong thời gian tới nếu không tiêm bù các vaccine đó. Trong đó, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây quá tải y tế nếu lây lan mạnh như sởi, cúm, thủy đậu, Rotavirus…
Thực tế đáng lo ngại là tình trạng “cạn kiệt” một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều địa phương trên cả nước. Ngay ở thành phố lớn như TP.HCM, cụ thể, Trạm y tế phường Hiệp Bình Phước đã hết vaccine 5 trong 1 miễn phí để tiêm cho trẻ từ ngày 20/12/2022. Từ cuối tháng 4/2023, vaccine PDT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiêm cho các trẻ từ 18-24 tháng tuổi cũng đã không còn.
Nhiều bậc phụ huynh đã không thể chờ đợi và buộc phải lựa chọn tiêm dịch vụ đắt đỏ cho con. Song chính các bác sĩ cũng phải trăn trở khi việc thiếu vaccine miễn phí sẽ ảnh hưởng lớn tới những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ em, cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và cả những vaccine chưa có trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc tiêm chủng phòng bệnh không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Do đó, việc thiếu một số loại vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng do vướng thủ tục, cần sớm được giải quyết để mọi trẻ em được tiêm chủng đầy đủ.
Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ cần được tiêm phòng một số bệnh truyền nhiễm cơ bản như: Vaccine cúm; vaccine phòng sởi; vaccine phòng bệnh quai bị; vaccine phòng thuỷ đậu; vaccine phòng tiêu chảy do Rota virus; vaccine phòng viêm não Nhật Bản; vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu; vaccine phòng viêm phổi, hội chứng nhiễm trùng, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa cấp tính do phế cầu khuẩn…
“Nhiều bệnh truyền nhiễm hiện đã có thể phòng ngừa bằng việc tiêm chủng. Với một số bệnh, nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ khiến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh và biến chứng nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ”, TS.BS Lê Kiến Ngãi nhấn mạnh.
Trước thực trạng vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng đang thiếu trầm trọng hiện nay, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Y tế trên cơ sở cân đối nguồn vaccine viện trợ, tìm phương án đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán về giá. Các địa phương căn cứ vào đó để mua sắm; chấm dứt tình trạng thiếu vaccine đang diễn ra.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng vừa có hướng dẫn về đối tượng, lịch tiêm chủng vaccine bắt buộc trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Cụ thể: Trẻ sơ sinh tiêm vaccine viêm gan B; trẻ dưới 1 tuổi tiêm vaccine: BCG, bOPV, DPT-VGB-Hib, IPV, Sởi; trẻ từ 1- 5 tuổi tiêm viêm não Nhật Bản B; trẻ 18 - 24 tháng tiêm vaccine sởi - rubella, DPT; phụ nữ có thai tiêm vaccine uốn ván.
Thời gian tới, một số vaccine khác cũng sẽ được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm: Vaccine IPV mũi 2 (tiếp tục được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ từ 9 tháng tuổi trên toàn quốc) cho trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi; vaccine phòng bạch hầu, uốn ván sẽ được triển khai cho trẻ từ 7 tuổi tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố; vaccine Rota cho trẻ dưới 1 tuổi.
Riêng với vaccine phòng COVID-19, PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng chống dịch trong đó có việc tiêm vaccine phòng COVID-19, tiêm nhắc cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Căn cứ số đối tượng cần tiêm chủng và lịch tiêm tiêm nhắc, các địa phương sẽ tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo đợt hoặc định kỳ, tiến tới đưa vào tiêm chủng thường xuyên để đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng, đồng thời tiết kiệm nguồn lực mà vẫn đạt được độ bao phủ vaccine cho nhóm đối tượng nguy cơ cao.
(Báo Điện tử VOV)
* Một loại kem chống nắng bị thu hồi và đình chỉ lưu hành
Cục Quản lý dược - Bộ Y tế vừa có văn bản đình chỉ lưu thông, yêu cầu thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm kem chống nắng COVERDERM FILTERAY FACE PLUS SPF 50+ NORMAL TINTED (COOL BEIGE) - hộp 1 tuýp 50ml của công ty FARMECO S.A.
Thông tin cụ thể về sản phẩm trên gồm: số CB: 174957/22/CBMP-QLD, số lô: 261025 và hạn sử dụng: 25/5/2024.
Kem chống nắng COVERDERM FILTERAY FACE PLUS SPF 50+ NORMAL TINTED (COOL BEIGE) được sản xuất bởi doanh nghiệp FARMECO S.A – Hy Lạp. Tại Việt Nam, sản phẩm được phân phối bởi Công ty cổ phần thương mại dược mỹ phẩm Đào Tiến (địa chỉ: 138 đường số 3, KDC Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM).
Cục Quản lý dược cho biết, mẫu thử của kem chống nắng COVERDERM FILTERAY FACE PLUS SPF 50+ NORMAL TINTED (COOL BEIGE) không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu pH, nên vi phạm về quy định về quản lý mỹ phẩm và vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Mẫu mỹ phẩm trên do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội lấy mẫu tại chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại dược mỹ phẩm Đào Tiến (địa chỉ: tầng 3, tòa nhà 81-83 phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) để kiểm tra chất lượng.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty cổ phần thương mại dược mỹ phẩm Đào Tiến phối hợp gửi thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc sử dụng sản phẩm kem chống nắng COVERDERM FILTERAY FACE PLUS SPF 50+ NORMAL TINTED (COOL BEIGE) nêu trên. Đồng thời Công ty Cổ phần Thương mại dược mỹ phẩm Đào Tiến phải tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh; thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định.
(Báo Kinh tế & đô thị)