Biến thể phụ EG.5 Omicron khiến ca COVID-19 tăng, Bộ Y tế và chuyên gia khuyến cáo gì?
Theo thông tin cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, biến thể mới EG.5 của virus SARS-CoV-2 có tỷ lệ lưu hành trên toàn cầu là 17,4% trong tuần từ 17-23/7/2023, tăng hơn 02 lần so với trong tuần từ 19-25/6/2023.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá biến thể phụ EG.5 Omicron thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm, hiện đang lây lan ở nhiều gia và có thể tạo ra làn sóng lây nhiễm mới.
Ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, tuy nhiên không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa hay COVID-19 ít nguy hiểm hơn.
Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai công tác phòng chống dịch. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, cụ thể như sau:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng... không để dịch bùng phát trở lại và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch.
Chỉ đạo tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch và triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Đồng thời chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur và các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế để lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và kịp thời báo cáo về Bộ Y tế khi phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tiếp tục tổ chức tốt và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị; tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Trao đổi với phóng viên Sức khoẻ & Đời sống sáng 14/8, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát các thông tin của Tổ chức Y tế thế giới về tính lây lan và độc lực của các biến thể mới, trong đó có biến thể phụ EG.5 Omicron.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang ở khu vực nguy cơ, khi tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ, khử khuẩn tay thường xuyên, tiêm vaccine phòng bệnh...
"Đặc biệt lưu ý với nhóm người nguy cơ cao, người có bệnh nền, người có suy giảm hệ miễn dịch…"- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
Thẩm mỹ viện dùng nhân viên lao công làm phẫu thuật cho khách
Ngày 14/8, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, đơn vị vừa kiểm tra, phát hiện một cơ sở thẩm mỹ hoạt động "chui", sử dụng nhiều loại hóa chất để làm đẹp không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Từ thông tin trinh sát, cơ quan công an đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại cơ sở Thẩm mỹ Kangzin (Viện Thẩm mỹ 175 Sài Gòn), địa chỉ tại 368 Hùng Vương (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) thì phát hiện hàng loạt các lỗi vi phạm.
Cụ thể tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở Thẩm mỹ Kangzin không xuất trình được các loại giấy tờ pháp lý đảm bảo đủ điều kiện hoạt động của cơ sở thẩm mỹ như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh; Văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ do Sở Y tế cấp; Hợp đồng thu gom rác thải nguy hại và sổ giao nhận rác thải nguy hại với công ty thu gom; Chứng chỉ hành nghề của nhân viên làm việc tại cơ sở…
Lực lượng chức năng còn phát hiện cơ sở này không trang bị thùng rác chuyên dụng có nắp đậy tại khu vực cung cấp dịch vụ; không trang bị, bố trí thùng rác chuyên dụng (cỡ lớn) để thu gom, lưu trữ rác thải nguy hại tại cơ sở; vứt rác thải y tế cùng rác thải sinh hoạt trên vỉa hè trước cơ sở kinh doanh.
Tại thời điểm kiểm tra cơ sở thẩm mỹ này đang thực hiện cung cấp dịch vụ phẫu thuật can thiệp làm căng da mặt cho một khách hàng và do nhân viên Trần Thị Th. thực hiện. Qua làm việc, bà Th. không xuất trình được bất cứ chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nào và cho biết bà là nhân viên lao công dọn dẹp tại cơ sở.
Ngoài ra, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của 206 sản phẩm là vật tư y tế, dung dịch chất làm đầy (filler, botox), sụn mũi, dụng cụ cắt bao quy đầu…
Công an quận Thanh Khê đã tiến hành lập biên bản ghi nhận toàn bộ hành vi vi phạm của cơ sở và tiếp tục xác minh làm rõ.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
Hà Nội có thêm 762 ca sốt xuất huyết và 59 ổ dịch chỉ trong một tuần
Sáng 14-8, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 4 đến 11-8), thành phố đã ghi nhận 762 ca mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã (tăng 121 ca so với tuần trước đó). Trong số các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân, dẫn đầu là Thanh Trì với 160 ca, tiếp đến là Thạch Thất (54 ca), Hoàng Mai (51 ca), Bắc Từ Liêm (47 ca), Hà Đông (45 ca).
Ngoài ra, các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân là xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (102 ca); xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (29 ca); xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (22 ca); phường Định Công, quận Hoàng Mai (19 ca), xã Văn Tự, huyện Thường Tín (15 ca).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, trên địa bàn thành phố có 3.512 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn.
Cũng trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 59 ổ dịch sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện, thị xã, trong đó, Hoài Đức có 10 ổ dịch; Bắc Từ Liêm (7 ổ dịch); Đống Đa (6 ổ dịch); Thanh Trì (4 ổ dịch); Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Quốc Oai, Cầu Giấy mỗi quận, huyện có 3 ổ dịch; Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Hai Bà Trưng, Ba Đình mỗi nơi có 2 ổ dịch; còn lại các quận, huyện: Ba Vì, Thường Tín, Thạch Thất, Phú Xuyên, Tây Hồ, Phúc Thọ, Thanh Oai, Hà Đông, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Sơn Tây, Long Biên mỗi nơi có 1 ổ dịch.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố có 255 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 114 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất (324 bệnh nhân), thôn Vĩnh Ninh - xã Vĩnh Quỳnh - huyện Thanh Trì (188 bệnh nhân), xã Hữu Bằng - huyện Thạch Thất (151 bệnh nhân), thôn Nguyên Hanh - xã Văn Tự - huyện Thường Tín (69 bệnh nhân), xã Dị Nậu - huyện Thạch Thất (30 bệnh nhân), thôn Xuân La - xã Phượng Dực - huyện Phú Xuyên (29 bệnh nhân).
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tập trung thành lập ngay đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thành phố Hà Nội về chuyên môn kỹ thuật phòng, chống sốt xuất huyết. Đồng thời, phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết tại Hà Nội và chủ động tham mưu Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.
Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hướng dẫn địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, bảo đảm phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng. Mặt khác, tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế dự phòng thuộc khu vực phụ trách.
(Báo Hà Nội mới)
Đề phòng biến chứng của tay chân miệng
Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 49.006 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM); 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc TCM gia tăng.
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công cho bệnh nhi bị suy hô hấp nặng do biến chứng của bệnh TCM. Bệnh nhi là bé P.M.N. (1 tuổi, trú tại Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng viêm phổi có suy hô hấp, kèm theo biểu hiện TCM không điển hình.
Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu chuyển độ nặng của bệnh TCM, mạch nhanh 200 lần/phút, sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, suy hô hấp tiến triển, huyết áp tăng. Bệnh nhi được thở máy hỗ trợ hô hấp và điều trị theo phác đồ bệnh TCM độ 3, được dùng các thuốc hỗ trợ tim mạch, hạ áp... Sau 5 ngày điều trị, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cải thiện, không sốt, nhịp tim giảm, huyết áp trong giới hạn bình thường, đỡ suy hô hấp.
BS Hoàng Văn Kết - Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) cho biết, đây là ca bệnh TCM có dấu hiệu không điển hình, diễn biến nhanh và nặng, ngoài điều trị bằng những phương pháp thông thường còn cần dùng thêm các thuốc đặc biệt như IVIG, Milrinone, kết hợp sử dụng máy móc hỗ trợ hô hấp, kiểm soát động mạch liên tục, kiểm soát nhịp tim.
TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước. Các nốt phỏng nước này xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng, đầu gối và mông của trẻ. Thủ phạm gây bệnh này là nhóm virus đường ruột, điển hình là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71).
Trong đó, virus A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng, thường tự khỏi. Còn EV71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm tới thần kinh, tim mạch, phổi; thậm chí có thể gây tử vong.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Hầu hết các ca bệnh TCM đều diễn biến nhẹ. Đây là căn bệnh do virus nên đa phần tự khỏi sau thời gian chăm sóc tại nhà, chỉ cần điều trị nâng đỡ (ăn uống, dinh dưỡng) và điều trị triệu chứng (hạ sốt, giảm đau...). Tuy nhiên, nhiều trường hợp, bệnh diễn biến nhanh, chỉ nửa ngày đã chuyển sang cấp độ nặng hơn, làm tăng nguy cơ suy hô hấp và biến chứng. Chính vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ mắc TCM và có những dấu hiệu như sốt cao khó hạ hoặc sốt liên tục trên 2 ngày, nôn ói nhiều, khoảng 1 tiếng nôn ói trên 3 lần, có những dấu hiệu tổn thương thần kinh như run tay chân, đi đứng loạng choạng, giật mình chới với, da nổi mẩn, thở nhanh, thở rít, khàn tiếng… cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
Để chủ động phòng, chống bệnh TCM, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và vệ sinh cho trẻ.
Ngoài ra, cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
(Báo Đại đoàn kết)
Người bệnh hát trong lúc các bác sĩ dùng robot AI mổ não
14h ngày 10/8, ông Hải (TPHCM) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM trong tình trạng tri giác lơ mơ, chân tay yếu liệt.
Kết quả chụp MRI 3 Tesla khẩn cấp xác định ông Hải có khối xuất huyết não lớn đến 4cm.
Khối máu tụ chèn ép các cơ quan thần kinh xung quanh, là vùng não chịu trách nhiệm chức năng vận động, ngôn ngữ.
Nếu không mổ khẩn cấp, người bệnh đối mặt liệt nửa người, nói khó, nhìn mờ, thậm chí tử vong.
ThS.BSCKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Thần kinh và các bác sĩ nhiều chuyên khoa đã hội chẩn và quyết định chọn kỹ thuật mổ não tỉnh thức mới với sự trợ giúp đắc lực của Robot AI Modus V Synaptive và hệ thống định vị Neuro-Navigation AI thế hệ mới nhất.
Mổ lấy máu tụ, cầm máu bằng phương pháp mổ tỉnh thức sẽ giúp người bệnh thoát khỏi nguy hiểm nhanh chóng, đánh giá hiệu quả mổ thuận lợi khi người bệnh có thể tương tác với bác sĩ, cử động, hỏi đáp…
Tuy nhiên, độ khó và nguy hiểm của mổ não tỉnh thức cao hơn gấp nhiều lần so với mổ có gây mê toàn thân, bệnh nhân được thở máy và nằm im, kiểm soát bằng thuốc dễ dàng.
Tuy nhiên, do gây mê hoàn toàn nên bác sĩ không thể yêu cầu người bệnh nói hay cử động để trực tiếp đánh giá chức năng ngay trong lúc tác động vào vùng não tương ứng.
"Trường hợp khẩn cấp này, chúng tôi quyết định mổ tỉnh thức 2 trong 1. Lý do giúp chúng tôi tự tin để quyết định là có sẵn robot AI mổ não hiện đại bậc nhất hiện nay và chúng tôi có ekip gây tê, hồi sức tích cực cấp cao ngay tại Bệnh viện.
"Nếu không có bác sĩ gây tê cục bộ và hồi sức tích cực đỉnh cao, cuộc mổ tỉnh thức không thể nào thực hiện được", bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.
17h cùng ngày, chỉ sau 2 giờ bệnh nhân nhập viện, ca mổ đầy cam go bắt đầu.
BS.CKII Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, tỉ mỉ lên chiến lược kiểm soát đường thở, huyết áp, chức năng thần kinh cho người bệnh.
Máy siêu âm được bố trí ngay tại chỗ để xác định chính xác 4 nhánh thần kinh lên đỉnh đầu (nơi vết mổ diễn ra), gây tê phong tỏa.
Các loại thuốc dùng với liều lượng được tính toán kỹ, đảm bảo người bệnh tỉnh táo trong lúc mổ nhưng không cảm thấy đau, không nôn ói, không động kinh, cơ thể và thần kinh sẽ ổn định nhất trong và sau mổ.
Vừa mổ, bác sĩ Tấn Sĩ vừa nói với bệnh nhân: "Tôi đang lấy máu tụ trong não ra, anh thấy dễ chịu hơn không?". Ông Hải trả lời: "Nhẹ hơn rất nhiều rồi, cảm ơn bác sĩ".
Êkíp liên tục trò chuyện với người bệnh, đề nghị ông co chân trái, chân phải… để chắc chắn các chức năng thần kinh liên quan được bảo tồn tối đa.
Vui mừng khi loại bỏ hết máu tụ trong não, cảm giác thoải mái, cả bác sĩ Chu Tấn Sĩ và ông Hải hát "nghêu ngao" trong khi êkip tiếp tục vá màng cứng, đặt lại nắp sọ và khâu da.
Chỉ hơn 30 phút từ lúc mở hộp sọ và đóng lại, êkíp bác sĩ phẫu thuật, gây mê, điều dưỡng và người bệnh cùng muốn reo lên và vui mừng khi bác sĩ Chu Tấn Sĩ thông báo "ca mổ đã thành công, chúc mừng anh Hải và cảm ơn tất cả các bạn".
Sau mổ 30 phút, người bệnh gặp người thân, gọi điện thoại về cho gia đình. Nửa ngày sau, kết quả chụp CT 768 lát cắt cho thấy không còn máu tụ trong não, vận động, thị giác và nhận thức của người bệnh hoàn toàn bình thường.
Ông Hải cười thoải mái nhưng không khỏi xúc động cho biết: "Đây là lần đầu tiên trong đời tôi bước vào phòng mổ. Bác sĩ khoan sọ, lấy máu tụ khi tôi vẫn tỉnh táo. Đến giờ, tôi vẫn nghĩ đây là giấc mơ".
(Báo Giáo dục và thời đại)