Cấp bách phòng ngừa sốt xuất huyết bùng phát
Hà Nội đang trở thành điểm “nóng” về sốt xuất huyết với số ca mắc tăng nhanh, nhiều ổ dịch mới được ghi nhận. Một số ổ dịch diễn biến phức tạp, kéo dài. Kết quả giám sát cho thấy, chỉ số côn trùng sau khi xử lý vẫn cao vượt ngưỡng nguy cơ. Cùng với đó, thời tiết nắng, mưa thất thường hiện nay đang làm dấy lên lo ngại dịch bùng phát diện rộng.
Ngăn ngừa nguy cơ này, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm không để dịch bùng phát mạnh. Chung tay với nỗ lực của thành phố, người dân cần nâng cao nhận thức trong việc vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, vào cuối tháng 7-2023, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố bắt đầu gia tăng, với hơn 480 ca/tuần. Chưa dừng lại ở đó, trong hai tuần đầu tháng 8-2023 (tính từ ngày 1 đến 11-8), số ca bệnh tiếp tục tăng gấp 1,5 lần so với tháng 7, vào khoảng từ 640 đến 760 ca/tuần. Đặc biệt, số ổ dịch sốt xuất huyết cũng tăng gấp 2-3 lần, từ 16 đến 20 ổ dịch/tuần trong tháng 7 lên tới 59 ổ dịch/tuần (từ ngày 4 đến 11-8).
Như vậy, tính từ đầu năm 2023 cho đến ngày 11-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.512 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) và 255 ổ dịch. Hiện, còn 114 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã, trong đó có nhiều ổ dịch diễn biến phức tạp, kéo dài.
Để triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn đề nghị, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đáp ứng kịp thời, đầy đủ hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết, máy phun, bảo đảm sẵn sàng cho công tác xử lý ổ dịch. Các cơ quan chức năng cần thực hiện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định và kịp thời, hạn chế thấp nhất để ổ dịch lan rộng, diễn biến kéo dài. Mặt khác, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
(Báo Hà Nội mới)
Long Biên- Khoanh vùng, xử lý kịp thời không để lan ổ dịch sốt xuất huyết
Từ đầu năm 2023 đến nay, quận Long Biên đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo, tập trung chính vào biện pháp tuyên truyền và công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy chủ động; hoạt động giám sát dịch tễ, đánh giá nguy cơ dịch bệnh.
Quận đã triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường đợt I/2023 từ giữa tháng 4/2023 và duy trì hàng tuần.
Trước đó, theo số liệu thống kê, tính đến ngày 11/8/2023, quận Long Biên có 58 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 14/14 phường. Số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong những tuần gần đây, chỉ riêng trong tuần 31 đã ghi nhận 18 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Bồ Đề với 6 ca mắc.
Từ thực tế diễn biến phức tạp của dịch, ngày 12/8, quận đã chỉ đạo phát động triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết đợt II/2023 trên phạm vi toàn quận và sẽ đảm bảo duy trì thường xuyên hàng tuần cho đến hết tháng 10/2023. UBND 14/14 phường đã tổ chức triển khai thực hiện, có lịch thông báo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố, tổ xung kích diệt bọ gậy tham gia.
Đồng thời quận tiếp tục tập trung trọng tâm vào công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh phường, đăng tải trên cổng thông tin điện tử, cổng Zalo chính quyền điện tử và các nhóm các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber...
Theo số liệu thống kê mới nhất, quận đã cấp phát 54.217 tờ rơi đến từng hộ gia đình; tổ chức 26 lớp tuyên truyền tại 14/14 phường với 3.168 người tham dự; thực hiện duy trì thường xuyên chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với kết quả đạt được: Số lượt hộ gia đình được kiểm tra việc thực hiện vệ sinh môi trường là 192.518/196.712 hộ đạt 97,8% với 285 khu vực, địa điểm trọng điểm, nguy cơ có nhiều dụng cụ, phế liệu, phế thải chứa nước, bọ gậy.
Huy động số lượt người tham gia chiến dịch và các đợt duy trì là 11.796 lượt người. Công tác giám sát dịch tễ, đánh giá nguy cơ dịch bệnh được thực hiện thường xuyên; kịp thời can thiệp, xử lý môi trường, phun thuốc diệt muỗi chủ động tại các khu vực nguy cơ cao; kịp thời phát hiện và xử lý ổ dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế. Vì vậy đã giải quyết được phần lớn các ổ bọ gậy, muỗi truyền bệnh, giúp hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng…
(Báo Kinh tế và đô thị)
Khám chữa bệnh theo yêu cầu áp khung giá mới
Từ hôm nay 15-8, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu được thu tối đa 500.000 đồng/lượt, cùng giá tối đa giường bệnh yêu cầu tại bệnh viện công là 4 triệu đồng/ngày
Mức giá trên được quy định tại Thông tư 13/2023/TT- BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp được Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ hôm nay, 15-8.
Cụ thể, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/ lượt. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác, giá tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt. Khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế
Bộ Y tế cũng nêu rõ riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khoẻ: đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.
Theo Thông tư 13, phẫu thuật nội soi robot là dịch vụ có giá cao nhất. Trong đó, cao nhất là phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực, giá tối đa hơn 134 triệu đồng; tối thiểu là hơn 91 triệu đồng.
Phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng, giá cao nhất hơn 124 triệu đồng, thấp nhất là hơn 96,6 triệu đồng.
Trong danh mục các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ có mức giá cao nhất là chụp PET/CT mô phỏng xạ trị có mức giá tối đa là hơn 28,7 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 20,5 triệu đồng, chưa bao gồm thuốc cản quang. Với chụp PET/CT, mức giá tối đa là hơn 27,8 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 19,7 triệu đồng.
Giá một số dịch vụ y tế có giá lớn khác như: Siêu âm Doppler màu tim 4D giá không vượt quá 826.000 đồng/lượt; Chụp CT 32 dãy có thuốc cản quang giá không vượt quá 1.584.000 đồng/lượt; chụp CT Scanertừ 262 dãy trở lên có thuốc cản quang giá không vượt quá 5.250.000 đồng/lượt; chụp động mạch vành hoặc thông tim chụp buồng tim dưới DSA giá không vượt quá 10.150.000 đồng/lượt; chụp nút dị dạng và can thiệp các bệnh lý mạch thần kinh dưới DSA giá không vượt quá 23.111.000 đồng/lượt; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang giá không vượt quá 3.701.000 đồng/lượt;...
Bộ Y tế cho biết việc áp khung giá mới này không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chiếm tỉ lệ từ 5-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương...).
(Báo Người lao động)
Thẩm mỹ viện ở TP HCM bị phạt 135 triệu đồng
Thanh tra Sở Y tế TP HCM vừa đình chỉ, phạt Thẩm mỹ JW By Asian Luxury Beauty Clinic, quận 10, 135 triệu đồng vì hoạt động không phép.
Thẩm mỹ JW By Asian Luxury Beauty Clinic tại số 57 đường Ba Tháng Hai, còn vi phạm quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung trước khi thực hiện, bị buộc tháo gỡ toàn bộ quảng cáo này.
Ngoài ra, tại cơ sở nha khoa địa chỉ 158 Nguyễn Văn Nghi, phường 5, quận Gò Vấp, Thanh tra Sở phát hiện y sĩ Trần Quốc Khánh khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Ông Khánh bị phạt 46,2 triệu đồng, nộp lại số tiền 11,2 triệu đồng do thực hiện hành vi vi phạm. Cơ sở này bị phạt 90 triệu đồng, đình chỉ hoạt động đến khi đầy đủ hồ sơ pháp lý khám chữa bệnh.
Thời gian qua, Sở liên tiếp xử phạt, đình chỉ hoạt động nhiều cá nhân và cơ sở thẩm mỹ, phòng khám sai phạm, không phép, gây ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng người dân. Ngành y tế thiết lập đường dây nóng 0989 401 155, ứng dụng Y tế trực tuyến tiếp nhận phản ánh của người dân.
Sở Y tế TP HCM vừa lần đầu xây dựng dự thảo Bảng điểm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ về hoạt động chăm sóc sức khỏe của địa phương, trừ điểm địa phương không phát hiện kịp thời cơ sở y dược tư nhân hoạt động không phép, hoặc đã bị đình chỉ nhưng vẫn mở lén lút.
(Báo điện tử Vnexpress)
Mỹ sắp triển khai vaccine Covid-19 thế hệ hai
Mỹ dự kiến triển khai loại vaccine Covid-19 thế hệ mới vào tháng 9, có thể bảo vệ người dùng giảm nguy cơ mắc biến chủng mới.
Vaccine mới được gọi là vaccine "hai giá trị", đã được điều chỉnh để phù hợp với chủng virus ban đầu cũng như biến chủng phụ của Omicron là BA.1. Thử nghiệm cho thấy vaccine khi sử dụng làm liều tăng cường có thể kích hoạt "phản ứng miễn dịch mạnh mẽ", chống lại cả BA.1 và virus gốc năm 2020.
Báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy vaccine thế hệ mới cũng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm biến chủng phụ XBB. Vaccine giúp giảm 48% nguy cơ mắc triệu chứng nhẹ ở người 18 đến 49 tuổi từ hai đến ba tháng sau tiêm. Tỷ lệ hiệu quả ở người từ 50 đến 64 tuổi là 38%, người 65 tuổi trở lên là 42%.
Các chuyên gia của CDC bày tỏ sự hài lòng đối với kết quả nghiên cứu. Họ cho rằng người dùng vaccine sẽ được bảo vệ hiệu quả hơn trước các biến chủng mới, trong đó có cả chủng EG.5, một dòng phụ của Omicron.
"Vaccine giúp giảm một nửa nguy cơ nhiễm bệnh ở cấp độ dân số. Kinh nghiệm từ các đợt lây nhiễm cho thấy vaccine sẽ bảo vệ người dùng khỏi triệu chứng nghiêm trọng. Đây là nghiên cứu liên quan đến các ca nhiễm có triệu chứng. Chúng tôi phỏng đoán tỷ lệ ngăn ngừa ca nhập viện sẽ tương tự, khả năng ngăn ngừa ca tử vong cao hơn", tiến sĩ Ruth Link-Gelles, chuyên gia của CDC, cho biết.
Đối tượng ưu tiên tiêm chủng vẫn là người già, người có bệnh nền, nguy cơ cao mắc Covid-19. CDC cũng khuyến nghị trẻ từ 6 tuổi trở lên tiêm một liều vaccine thế hệ hai.
Một số chuyên gia y tế công cộng kỳ vọng người Mỹ sẽ tiếp nhận vaccine mới như vaccine phòng cúm. Tuy nhiên, ngay cả khi biến chủng EG.5 đang lan rộng, sẽ trở thành chủng chủ đạo, nhu cầu tiêm phòng đã giảm mạnh kể từ năm 2021, sau khi 73% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine loại cũ…
(Báo điện tử Vnexpress)
Hà Nội:Nhiều biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả, không để dịch bùng phát
Theo ghi nhận tình hình dịch tuần qua, quận Bắc Từ Liêm có 52 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc giảm 2 trường hợp so với tuần trước. Các phường ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần gồm: Phú Diễn (9 ca), Tây Tựu (8 ca), Phúc Diễn (7 ca), Cổ Nhuế 1 (7 ca). Trong tuần, ghi nhận 10 ổ dịch tại các phường: Phú Diễn (3 ổ); Cổ Nhuế 1 (2 ổ); Liên Mạc, Tây Tựu, Phúc Diễn, Xuân Đỉnh và Xuân Tảo (mỗi phường 1 ổ).
Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) quận Bắc Từ Liêm Đinh Thị Thanh cho biết, tính từ đầu năm đến hết ngày 13/8, quận Bắc Từ Liêm ghi nhận 291 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các phường ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Minh Khai (98 ca), Phúc Diễn (50 ca), Phú Diễn (30 ca), Cổ Nhuế 1 (20 ca), Tây Tựu (20 ca), Cổ Nhuế 2 (17 ca).
Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, trước tình hình dịch, bệnh sốt xuất huyết Dengue, quận đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm không để dịch bùng phát mạnh. Chung tay với nỗ lực của quận cũng như TP Hà Nội, người dân cần nâng cao nhận thức trong việc vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh.
Từ tình hình diễn biến phức tạp của dịch, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo phát động triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết. Đặc biệt, tập trung nguồn lực để khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát.
Tuần qua, huyện Hoài Đức ghi nhận 10 ổ dịch sốt xuất huyết. Lãnh đạo huyện yêu cầu các địa phương đẩy mạnh biện pháp phòng, chống dịch, bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều biện pháp thiết thực. Trong đó, sử dụng hình thức thông tin, tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình tại từng thôn, xóm, khu dân cư… nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong vấn đề vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.
Tại quận Long Biên, tính đến ngày 11/8, quận có 58 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 14/14 phường. Số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong những tuần gần đây, chỉ riêng trong tuần trước, quận Long Biên đã ghi nhận 18 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Bồ Đề với 6 ca mắc.
Qua kiểm tra thực tế khu vực ổ dịch và một số địa điểm nguy cơ tại 4 phường trong hai ngày 12/8 và 14/8, Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện các ổ bọ gậy vẫn chưa được xử lý, chỉ số Breteau vẫn còn ở mức cao (20%).
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương đã yêu cầu UBND các phường tăng cường biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tập trung trọng tâm vào công tác tuyên truyền và vệ sinh môi trường, xử lý ổ bọ gậy…
(Báo Kinh tế và đô thị)
Dịch sốt xuất huyết "đảo chiều", Hà Nội thêm 59 ổ dịch trong 1 tuần
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, cho biết tuần qua Hà Nội đã ghi nhận thêm 762 ca sốt xuất huyết mới (tăng 121 ca so với tuần trước đó). Các ca bệnh được phát hiện tại 29 quận, huyện, thị xã. Thanh Trì là địa bàn ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết mới nhất với 160 ca.
Cũng trong tuần qua, TP Hà Nội có thêm 59 ổ dịch sốt xuất huyết mới được phát hiện trên địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, chỉ tính riêng Hoài Đức đã ghi nhận thêm 10 ổ dịch mới.
Từ đầu năm đến nay, TP Hà Nội đã phát hiện 3.512 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Các bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn. Hà Nội cũng đã phát hiện tổng cộng 255 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 114 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết trước đây, đúng là dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm. Tuy nhiên, hiện nay quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ.
"Dịch sốt xuất huyết hiện cũng đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó ở miền Bắc có dấu hiệu gia tăng"- bác sĩ Dũng nhận định…
(Báo điện tử Soha)
Hà Nội: Dịch bệnh "nóng nhất" ghi nhận hơn 400 ca trong một tuần
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã phát hiện tổng cộng 1.556 bệnh nhân sốt xuất huyết, chưa ghi nhận ca tử vong. Con số này cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết ghi nhận được trong 7 tháng đầu năm cũng lên đến con số 91. Hiện tại, Thủ đô có 40 ổ dịch đang hoạt động.
Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây; một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.
Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy, một số tồn tại như xử lý chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỷ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu...
Kết quả giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một ổ dịch trong tuần qua cho thấy, chỉ số muỗi, bọ gậy (chỉ số BI) cao vượt ngưỡng như: đường An Thắng, phường Biên Giang, quận Hà Đông (BI=55); xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (BI=44)…
CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng gia tăng, xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại khu vực ổ dịch cũ, xã phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Thời gian tới, CDC Hà Nội tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, điều tra, xử lý dịch kịp thời các ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bùng phát.
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, trước đây, dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm. Tuy nhiên, hiện nay quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ.
"Dịch sốt xuất huyết hiện cũng đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó ở miền Bắc có dấu hiệu gia tăng", TS Dũng phân tích…
(Báo điện tử Dân trí)