Phát hiện lô thuốc kháng sinh giả tại “chợ thuốc” Hapulico
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 9032/QLD-CL gửi Sở Y tế Hà Nội về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra thuốc giả Cefixim 200.
Theo đó, lực lượng chức năng đã lấy mẫu viên nén bao phim Cefixim 200 (Cefixim dưới dạng Cefixim trihydrat 200 mg) bán tại Công ty TNHH Linh Chi (quầy 304, Trung tâm Hapulico số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trên thuốc ghi nhãn: Giấy đăng ký lưu hành VD-28887-18, số lô: 14270123, ngày sản xuất 27-1-23, hạn dùng 27-1-25, nơi sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội cho biết, mẫu sản phẩm có các thông tin ghi nhãn trên không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính cefixim theo TCCS. Cụ thể: Mẫu thuốc có phản ứng định tính của paracetamol; hàm lượng paracetamol trong chế phẩm là 105,5mg/viên.
Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra Công ty TNHH Linh Chi, truy tìm nguồn gốc lô sản phẩm thuốc giả trên.
Để ngăn chặn, kịp thời phát hiện thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, Cục Quản lý dược cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc mua bán không có hoá đơn, chứng từ hợp lệ.
Được biết, viên nén bao phim Cefixime 200 được Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long giới thiệu là thuốc kháng sinh, dùng đường uống, bán theo đơn, điều trị các nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm như: Viêm tai giữa, viêm họng và amidan, viêm phế quản, viêm phổi; một số trường hợp viêm thận - bể thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Trước đó, vào tháng 4-2023, công ty này cũng từng phát đi cảnh báo người tiêu dùng nên mua thuốc Cefixime 200 tại các chi nhánh, đại lý, nhà phân phối chính thức của công ty, sau khi mẫu thuốc Cefixim 200 (Cefixim 200mg) mà doanh nghiệp và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội nhận được có khả năng bị làm giả, làm nhái với chất lượng kém.
(Báo Hà Nội mới)
Hà Nội yêu cầu sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản để tăng cường, chủ động triển khai công tác phòng, chống các dịch bệnh trên địa bàn.
Văn bản nêu rõ, để chủ động triển khai các các biện pháp phòng, chống dịch, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị không lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng... không để dịch bùng phát trên địa bàn quản lý. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh đặc biệt là dịch sốt xuất huyết Dengue đang có xu hướng gia tăng, trong đó, tập trung vào các thông tin, hướng dẫn các triệu chứng nhận biết sớm mắc bệnh.
Chỉ đạo tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch bệnh và triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Đối với dịch sốt xuất huyết, Hà Nội yêu cầu huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội tham gia triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch bệnh và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế. Kiện toàn các Tổ giám sát, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của Sở Y tế.
Hà Nội cũng giao Sở Y tế theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Tăng cường giám sát dịch tễ bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát.
Tổ chức tốt việc khám, phân độ, phân tuyến, thu dung, điều trị bệnh nhân; chỉ đạo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhân nặng, tử vong. Rà soát, xây dựng kế hoạch bổ sung, đảm bảo đủ giường bệnh, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, máy móc. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Trung ương để lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và kịp thời báo cáo về Bộ Y tế khi phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
Phân bổ 185.000 liều vaccine 5 trong 1 cho 49 tỉnh, thành để tiêm miễn phí cho trẻ
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có quyết định phân bổ 185.000 liều vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1) cho 49 tỉnh/thành phố và sẽ vận chuyển tới các địa phương ngay trong tháng 8.
185.000 liều vaccine 5 trong 1 này do Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc viện trợ Việt Nam để phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Ngay khi về đến Việt Nam, lô vaccine này đã được làm các thủ tục để tiến hành kiểm định. Ngày 14/8 Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế đã có kết quả kiểm định 2 lô vaccine này.
Thông tin với Báo Sức khỏe và Đời sống, đại diện lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, ngày 15/8, Viện đã có quyết định phân bổ 185.000 liều vaccine 5 trong1 cho 49 tỉnh/thành phố và sẽ vận chuyển tới các địa phương ngay trong tháng 8.
Trước đó, 72.300 liều vaccine 5 trong 1 cũng đã được cung ứng cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc từ nguồn tài trợ trong nước để triển khai tiêm chủng trong tháng 8.
Như vậy 63/63 tỉnh/thành phố sẽ được cấp vaccine 5 trong 1 trong tháng 8 và các địa phương sẽ triển khai tiêm chủng vaccine DPT-VGB-Hib trong tiêm chủng thường xuyên tháng 8 và tháng 9 năm 2023.
Vaccine 5 trong 1 sử dụng tiêm chủng cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 18 tháng tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib.
Việc phân bổ để tiêm chủng cho trẻ chưa được tiêm mũi 1, trong đó ưu tiên tiêm cho trẻ có tháng tuổi nhỏ nhất trước sau đó sẽ tới tuổi lớn hơn chưa được tiêm mũi 1.
Vaccine 5 trong 1 giúp bảo vệ trẻ em phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và Haemophilus Influenzae loại B (Hib).
Loại vaccine DTP-VGB-Hib giúp bảo vệ cùng lúc 5 loại bệnh trong một mũi tiêm thuận lợi và an toàn này phải được mua ở nước ngoài từ các nhà cung ứng được phê chuẩn.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
Lần đầu tiên Việt Nam phát hiện thai nhi mang gen hiếm gặp trên thế giới
Tại Hội nghị Sản Phụ khoa Việt - Pháp 2023 vừa diễn ra tại Hà Nội, TS.BS Nguyễn Thị Sim, Giám đốc Trung tâm Can thiệp bào thai, BV Phụ sản Hà Nội thông tin về thai nhi mang đột biến gen đồng hợp tử ACE, là nguyên nhân hiếm gặp của rối loạn phát triển ống thận di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường (ARRTD). Đây là trường hợp đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam, xác định được gen hiếm gây bệnh loạn sản ống thận.
Trước đó, trong một lần khám thai 20 tuần sản phụ O phát hiện thai bị thiểu ối. Các bác sĩ đã cho chị một số lời khuyên để cố gắng tăng lượng nước ối như uống nhiều nước hơn, điều chỉnh chế độ ăn, tuy nhiên các biện pháp này không hiệu quả.
Khi thai được 21 tuần 6 ngày, chị O đã đến Trung tâm Can thiệp bào thai của BV Phụ sản Hà Nội. Tại đây, chị O được trực tiếp TS.BS Nguyễn Thị Sim khám, hội chẩn siêu âm 5D chuyên sâu và cho làm xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Không phát hiện bệnh lý của mẹ, không ra nước, không ra máu âm đạo. Kết quả siêu âm hội chẩn thấy 2 thận, nhưng không quan sát thấy nước tiểu trong bàng quang, hết ối, tử cung bó chặt thai.
Các bác sĩ của Trung tâm đã chẩn đoán chị O bị hết ối nghi do bất thường thận. Bệnh nhân được hội chẩn liên viện cùng các chuyên gia thận tiết niệu và di truyền đã tiên lượng xấu vì nguy cơ thận mất chức năng, nguy cơ bất thường di truyền liên quan đến hệ tiết niệu của thai.
Tuy nhiên, thai phụ không muốn đình chỉ thai nghén và đã xin về theo dõi thêm. Thấy thai vẫn tăng trưởng, chị O đã quay lại Trung tâm Can thiệp bào thai khám lại sau 2 tuần, với mong muốn tìm nguyên nhân rõ ràng, để thai tiếp tục phát triển và xin được áp dụng phương pháp truyền dung dịch vào buồng ối.
Sau khi có đủ các kết quả về di truyền phối hợp với chẩn đoán hình ảnh, thai được kết luận là mất chức năng 2 thận bởi đột biến gen ACE đồng hợp tử di truyền từ bố mẹ, và có biểu hiện trên lâm sàng là tình trạng thai không bài tiết được nước tiểu, hết ối nhanh trở lại sau khi truyền dịch vào buồng ối. Gia đình đã xin đình chỉ thai nghén ở tuần thứ 28.
Tuy không thể duy trì thai kỳ nhưng chị O cùng gia đình cũng đã hiểu được rõ nguyên nhân về đột biến di truyền gây nên tình trạng hết ối của thai, đồng thời cũng được các bác sĩ giải thích cặn kẽ về các phương pháp sàng lọc, chẩn đoán trước sinh có thể áp dụng để tránh lặp lại tình trạng thai bất thường ở những thai kỳ tiếp theo.
Theo bác sĩ sản khoa, thiểu ối, hết ối là một tình trạng rất nghiêm trọng có thể dẫn đến thai chết lưu. Việc này thường được gây ra bởi các rối loạn di truyền như trường hợp của chị O, thai nhi mang đột biến gen đồng hợp tử ACE.
(Báo Giao thông)
Cảnh báo bánh kẹo không nguồn gốc dịp Tết Trung thu
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi cảnh báo về việc bánh kẹo nhập lậu, không rõ xuất xứ dịp Trung thu .
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dịp Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu, tăng đột biến. Một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh/TP HCM, TP Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố….
Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
(Báo Người lao động)
Bệnh viện công đột ngột giảm giá cả nghìn dịch vụ phẫu thuật
Hôm nay 16.8, Bệnh viện hữu nghị Việt đức công bố giá mới nhất các dịch vụ khám, phẫu thuật theo yêu cầu. Hầu hết giá các dịch vụ này được điều chỉnh giảm, dao động trung bình khoảng 10 - 20%; một số dịch vụ kỹ thuật có mức giảm lên đến cả chục triệu đồng/ca mổ.
Cụ thể, với khám theo yêu cầu, khung giá tối đa 1 - 2 triệu đồng/lần khám hiện đã giảm xuống 500.000 đồng/lần. Mức áp dụng hiện tại cũng là mức trần cao nhất Bộ Y tế quy định tại Thông tư 13/2023.
Trong số gần 1.500 dịch vụ kỹ thuật tại bệnh viện, bao gồm các dịch vụ có tỷ lệ được chỉ định lớn với các trường hợp đến khám, cũng giảm giá. Mức giảm trung bình dao động từ 10 - 30%, tùy dịch vụ.
Trong đó, siêu âm doppler màu tim hoặc mạch máu từ 500.000 đồng/lần giảm còn 380.000 đồng/lần; siêu âm dương vật từ 300.000 đồng/lần xuống 196.000 đồng/lần; siêu âm tuyến giáp từ 300.000 đồng/lần xuống 196.000 đồng/lần.
Tiêm, truyền tĩnh mạch giảm từ 100.000 đồng/lần xuống 46.000 đồng/lần; hút dịch khớp dưới hướng dẫn của siêu âm từ 700.000 đồng/lần giảm còn 330.000 đồng/lần.
Với dịch vụ điện não đồ từng có nhiều mức giá từ 1,5 - 5 triệu đồng/lần (áp dụng cho các khung thời gian khác nhau), nay giảm còn 340.000 đồng/lần.
Một số dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán chi phí lớn có mức giảm mạnh như: chụp CT Scaner 64 - 128 dãy không có thuốc cản quang giảm từ 5,6 triệu đồng/lần xuống còn hơn 2,3 triệu đồng/lần.
(Báo Thanh niên)