Hà Nội: Xử lý ổ dịch sốt xuất huyết cấp bách như xử lý đám cháy
Chiều 16-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh trên người với các quận, huyện, thị xã.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà yêu cầu, các địa phương cần tập trung cao điểm các biện pháp phòng, chống, không được chủ quan và việc phòng bệnh phải "đi trước". Nếu làm tốt công tác phòng bệnh sẽ giảm thiểu ca mắc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo Sở Y tế Hà, hiện tại miền Bắc đã có hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó số ca mắc tại Hà Nội chiếm hơn 40%. Cụ thể, tính đến ngày 14-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.512 ca (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn. Bệnh nhân có xu hướng gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây. Trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 500-600 trường hợp mắc mới.
Trong số 776 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại các bệnh viện, có 8 ca nặng. Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức là nơi tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân nhất (100 ca), tiếp đến là Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội điều trị 79 ca, tại Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị 68 ca.
Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương dự báo, đỉnh dịch năm 2023 có thể rơi vào khoảng tháng 9, 10, tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Năm 2015 có 15.412 ca; năm 2019 có 12.255 ca; năm 2022 có 19.771 ca.
Lý giải cho sự gia tăng này, theo ông Vũ Cao Cương, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-32°C, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao. Thậm chí, nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Thêm vào đó, thời điểm này, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học, làm gia tăng đối tượng cảm nhiễm với bệnh.
Hiện, Thạch Thất và Thanh Trì là hai huyện có diễn biến dịch phức tạp, với số ca bệnh nhiều nhất. Riêng tại Thạch Thất có 2 xã có ổ dịch phức tạp, kéo dài, ghi nhận nhiều bệnh nhân là thôn Vĩnh Lộc, thôn Bùng (xã Phùng Xá) và thôn Sen, thôn Bàn (xã Hữu Bằng).
Theo ông Vũ Cao Cương, qua kết quả kiểm tra, giám sát công tác xử lý ổ dịch tại xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) cho thấy, ổ dịch không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu do thiếu lực lượng tham gia diệt bọ gậy. Thêm vào đó, kỹ năng diệt bọ gậy của đội xung kích chưa tốt, để sót nhiều ổ bọ gậy; ý thức người dân chưa cao, không quan tâm đến các hoạt động phòng, chống dịch; chỉ số bọ gậy sau xử lý đều cao vượt ngưỡng nguy cơ. Sau đó, ổ dịch này đã lây lan sang xã Hữu Bằng là xã tiếp giáp với Phùng Xá.
Còn tại ổ dịch thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), Sở Y tế thành phố đã tiến hành kiểm tra, giám sát cho thấy, ổ dịch này cũng không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu. Kết quả kiểm tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội từ 18-7 đến 8-8 đều ghi nhận chỉ số bọ gậy cao vượt ngưỡng nguy cơ.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm, các đội cơ động phòng, chống dịch của ngành Y tế đã trực tiếp đến các địa phương, hướng dẫn thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch. Thế nhưng, qua kiểm tra tại xã Phùng Xá, công tác phòng, chống dịch còn lơ là.
“Vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy - BI từ 20 trở lên. Tại xã Phùng Xá, qua giám sát, chỉ số BI là 85, do đó cần phải khống chế chỉ số BI xuống dưới 20”, bà Hà nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các quận, huyện đều đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong công tác chống dịch, như thiếu nhân lực, ý thức người dân chưa cao trong việc diệt bọ gậy, loăng quăng; khó khăn trong đấu thầu mua hóa chất…
Cụ thể, đại diện lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất cho rằng, hiện toàn huyện có 557 ca bệnh tập trung tại 2 xã Phùng Xá và Hữu Bằng. Đây là địa bàn có làng nghề nên lượng công nhân từ các nơi khác đến đây rất lớn. Riêng tại xã Phùng Xá có 2.000 công nhân ở trọ. Trong khi công tác vệ sinh môi trường ở những khu vực nhà trọ rất phức tạp. Thời gian đầu, khi lực lượng chức năng đến phun vệ sinh khử khuẩn và loại bỏ các vật dụng chứa nước có bọ gậy, nhiều hộ dân đã chống đối, khóa cửa, không cho vào nhà…
(Báo Hà Nội mới)
Giả mạo giấy công bố sản phẩm "Tiểu đường Bà Sáu"
Chiều 16-8, theo tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), qua công tác hậu kiểm, đơn vị này phát hiện trên mạng xã hội xuất hiện quảng cáo sản phẩm "Tiểu đường Bà Sáu" có sử dụng hình ảnh Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo giả mạo.
Cục An toàn thực phẩm khẳng định, không cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 7335/2020/ĐKSP ngày 7-8-2020 và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 3735/2020/XNQC-ATTP ngày 20-11-2020 cho sản phẩm "Tiểu đường Bà Sáu" của nhà thuốc Bà Sáu (địa chỉ: Số 9B tổ 9, phường Thượng Thanh, quận Long Biên Hà Nội).
Cục An toàn thực phẩm đã chuyển thông tin vụ việc đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an thành phố Hà Nội.
Trong thời gian các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, để bảo đảm an toàn sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm đề nghị, người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm "Tiểu đường Bà Sáu" có thông tin theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo giả mạo. Trường hợp phát hiện sản phẩm có thông tin trên, thông báo ngay cho cơ quan chức năng của địa phương để xử lý theo quy định.
Trên website: tieuduongbasau.online, sản phẩm "Tiểu đường bà Sáu" được bán với giá 199.000 đồng/lọ. Thực phẩm chức năng này được quảng cáo có khả năng chữa dứt điểm tiểu đường tuýp 1, tuýp 2, đưa tiểu đường về mức “5 chấm” đơn giản, an toàn. Bệnh nhân sẽ không cần phải sử dụng thuốc Tây.
(Báo Hà Nội mới)
Quy định đăng ký lưu hành thuốc gia công
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 16/2023/TT-BYT quy định việc đăng ký lưu hành đối với thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Thông tư này quy định chung về đăng ký lưu hành thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam; hồ sơ, thủ tục cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung, thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ (thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu) tại Việt Nam.
(Báo Chính phủ)
Toàn cảnh dịch bệnh nóng nhất Hà Nội: Hơn 500 ca/tuần, quy luật bị phá vỡ
Hà Nội đang là trọng điểm về sốt xuất huyết của miền Bắc, với số ca bệnh chiếm 80-85%. Dự báo dịch sẽ tiếp tục leo thang.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 14/8, toàn thành phố ghi nhận 3.512 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 76%).
Bệnh nhân có xu hướng gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 500-600 trường hợp mắc. Số mắc tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (753 ca mắc, 0 ca tử vong).
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết mỗi năm lại có khó khăn riêng do các chủng gây bệnh biến đổi.
Dự báo tình hình dịch, theo ông Tuấn, những năm trước năm 2010, sốt xuất huyết có chu kỳ 5 năm/lần, nhưng kể từ sau năm 2010, sốt xuất huyết không còn quy luật rõ ràng.
"Hà Nội đang là trọng điểm về sốt xuất huyết của miền Bắc, với số ca bệnh chiếm 80-85%", Phó Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định.
Theo thống kê, số bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue hiện tại đang điều trị các bệnh viện là 776 người.
Các bệnh viện có nhiều bệnh nhân điều trị là Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (100 bệnh nhân), Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội (79 bệnh nhân), Bệnh viện Thanh Nhàn (68 bệnh nhân).
BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cảnh báo nếu người mắc sốt xuất huyết chủ quan thì tình trạng có thể trở nên rất đáng báo động.
Những biến chứng nặng có thể xảy ra khi bệnh nhân được phát hiện và điều trị muộn. Chúng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây nguy hiểm tính mạng.
Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, giám sát công tác thu dung, điều trị, đảm bảo giường bệnh để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Tổng số giường kế hoạch tại các bệnh viện phục vụ cho điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là 712 giường và thực kê 1.104 giường.
Phát biểu tại buổi giao ban công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác trên người trên địa bàn thành phố, bà Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các địa phương tổng lực triển khai các phương án chống dịch.
Bà Hà đề nghị các quận, huyện, thị xã; sở, ban, ngành có liên quan rà soát toàn bộ nhiệm vụ và triển khai các phương án trong công tác phòng, chống dịch nói chung và dịch sốt xuất huyết nói riêng theo phương châm "4 tại chỗ", với các nhóm biện pháp cơ bản:
- Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân, từng hộ gia đình các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
- Thực hiện tổng vệ sinh môi trường tại từng khu dân cư, từng hộ gia đình kết hợp tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh diệt bọ gậy là biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất.
- Kiểm tra, giám sát kỹ phát hiện sớm bệnh nhân để khoanh vùng, xử lý kịp thời, dứt điểm ổ dịch, ca bệnh…
(Báo điện tử Dân trí)
Hà Nội khẩn trương phòng chống dịch sốt xuất huyết
Sở Y tế Hà Nội cho biết, miền Bắc hiện ghi nhận hơn 10.000 ca sốt xuất huyết, trong đó số ca mắc tại Hà Nội chiếm hơn 40%, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến ngày 14/8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.512 ca sốt xuất huyết (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn.
Bệnh nhân có xu hướng gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây. Trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 500-600 trường hợp mắc mới.
Trong số 776 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại các bệnh viện có 8 ca nặng. Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức là nơi tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân nhất (100 ca), tiếp đến là Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội điều trị 79 bệnh nhân, tại Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị 68 bệnh nhân.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương dự báo, đỉnh dịch năm 2023 tại Hà Nội có thể rơi vào khoảng tháng 9, tháng 10, tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân như: năm 2015 (có 15.412 ca); năm 2019 (có 12.255 ca); năm 2022 (có 19.771 ca).
Lý giải cho sự gia tăng này, theo ông Vũ Cao Cương, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-32 độ C, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao.
Thậm chí, nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Thời điểm này, sinh viên các trường đại học, cao đẳng từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học làm gia tăng số lượng đối tượng cảm nhiễm với bệnh.
(Báo Đầu tư)
Chuyển bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý: Vỡ kết cấu, kiến trúc hệ thống khám chữa bệnh
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, từ khi có hệ thống khám chữa bệnh tại Việt Nam, đã có các tuyến để phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, các bệnh viện của địa phương cũng đóng vai trò trong công tác khám chữa bệnh vì khi xây dựng mô hình chăm sóc sức khoẻ nhân dân, mỗi tỉnh, thành đều có một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, có địa phương lớn thì 2-3 bệnh viện đa khoa.
Tại tuyến y tế cơ sở (tuyến huyện và xã, phường) cũng đều trung tâm y tế, trạm y tế và y tế dự phòng... Tuy nhiên giữa các bệnh viện tuyến tỉnh, thành với bệnh viện tuyến trung ương vẫn có khoảng cách về chuyên môn.
Các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành thuộc Bộ Y tế tuy đóng trên địa bàn Hà Nội nhưng lại thực hiện cả nhiệm vụ của vùng, khu vực, miền. Thậm chí các bệnh viện này còn giúp về chuyên môn cho cả nước bạn lân cận.
Tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nội dung "Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về TP Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học Y".
Đại diện lãnh đạo Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hệ thống tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập…
(Báo Sức khỏe và đời sống)