Hà Nội kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp bếp ăn tập thể
Ngày 17/8, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cùng Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội đã kiểm tra và truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho bếp ăn tập thể Công ty TNHH Panasonic Việt Nam.
Theo đó, bếp ăn tập thể Công ty TNHH Panasonic Việt Nam (địa chỉ tại Khu công nghiệp Thăng Long, xã Võng La, huyện Đông Anh) do Công ty TNHH Việt Nam EOC phục vụ. Mỗi ngày, bếp ăn cung cấp 6.000 suất ăn/ngày.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, bếp ăn bảo đảm sạch sẽ, tuân thủ đầy đủ các quy trình theo đúng quy định, từ phần nhập nguyên liệu đầu vào bài bản, đúng quy định. Kho hàng khô có giá kệ đầy đủ, gia vị còn hạn sử dụng.
Thêm vào đó, người tham gia chế biến được tập huấn về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và được khám sức khoẻ đầy đủ. Tuy nhiên, xét nghiệm nhanh khay đựng thức ăn cho công nhân cho thấy, vẫn còn bám tinh bột (khoảng 60%).
Do đó, đoàn kiểm tra đã lưu ý đơn vị cần khắc phục ngay quy trình vệ sinh, rửa sấy tốt hơn. Các gia vị chiết xuất từ chai to sang chai nhỏ cần dán tem mác rõ ràng. Sổ kiểm nghiệm 3 bước chưa đúng quy định, Đoàn kiểm tra yêu cầu công ty thực hiện đầy đủ theo quy định.
Đồng thời, công ty cần tăng cường việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm vào bếp ăn công nghiệp và thực hiện sổ kiểm thực 3 bước đầy đủ theo quy định. Ngoài ra, khu vực sàn bếp cần bố trí thêm thảm gai chống trơn trượt.
Qua kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đánh giá, công ty đã quan tâm đến công tác bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, với những vấn đề còn tồn tại qua buổi kiểm tra đề nghị công ty cần khẩn trương khắc phục để làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh, ATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khoẻ cho người lao động.
Đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty TNHH Thế Công bổ sung thêm các bàn sơ chế đóng gói và tiếp tục duy trì các điều kiện bảo đảm vệ sinh, ATTP. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra cũng nhắc nhở, công ty cần có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thực phẩm.
(Báo Kinh tế và đô thị)
Chuyện giờ mới kể về ca bệnh đột biến gene ACE lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam
'Sau khi đi đã đi vòng Hà Nội suốt một tháng liền để khám cho thai nhi hơn 20 tuần tuổi thiểu ối mà vẫn không tìm ra được câu trả lời thoả đáng, chị N.T.O ở Thanh Trì Hà Nội tưởng như không còn hi vọng. Chị O được mách tới Trung tâm can thiệp bào thai, BV Phụ sản Hà Nội.
Bởi theo như bạn bè giới thiệu nơi ấy đã mang lại nhiều niềm vui cho nhiều thai phụ có những hoàn cảnh éo le như chị O.
TS. Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Trung tâm Can thiệp bào thai cho biết, thai phụ đã có tiền sử thai lưu 1 lần. Thai phụ đến Trung tâm khi đang ở tuần thai thứ 20 của thai kỳ, điều đặc biệt là thai phụ không bị ra nước âm đạo, không có dấu hiệu vỡ tử cung nhưng nước ối lại không có. Trên siêu âm, thấy không ối, thai bị bó chặt không kết luận được một cách đầy đủ nhất bất thường về hình thái của thai nhi.
"Chúng tôi đã loại trừ hết nguyên nhân từ mẹ như bánh rau của mẹ, cân nặng thai nhi, tử cung không rách, không vỡ màng ối. Hình thái 2 thận của thai vẫn rõ, không có nang hay loạn sản rõ ràng trên siêu âm, chỉ thấy không có nước tiểu trong bàng quang thai nhi nên nghĩ chức năng thận thai bất thường. Việc sinh thiết thận của thai nhi tìm ra bất thường thì không khả thi. Trong trường hợp này còn phương án là lấy mẫu ối để xét nghiệm di truyền nhưng lại không thể thực hiện được vì tử cung đã bó chặt không còn khe ối. Như vậy, không một ai giải thích được nguyên nhân', TS. Sim chia sẻ.
Nhưng với kinh nghiệm lâu năm bác sĩ Sim đã nghĩ đến 2 tình huống: Thứ nhất là tử cung cạn ối do chế độ ăn uống nghỉ ngơi của người mẹ nhưng tình huống này lập tức bị loại bỏ. Và thứ tình huống thứ 2 là bệnh thận của bào thai gây ra mất nước ối. Và tình huống thứ 2 được nghĩ tới nhiều hơn, bào thai không thấy tiết nước tiểu vào bàng quang dù vẫn có thận và mạch nuôi thận.
'Khi thấy tim thai vẫn đập, thai vẫn còn sự sống, thai phụ rất kỳ vọng có thể tiếp tục giữ thai và đề nghị được truyền ối.
Chúng tôi đã tiến hành can thiệp bào thai bằng việc truyền ối bào thai. Lúc này chúng tôi đặt ra 2 trong 1 nhiệm vụ đó là vừa chẩn đoán vừa điều trị. Em bé được truyền ối để có nước ối giúp cho tăng trưởng dễ dàng. Song song với đó là có đủ ối để siêu âm chẩn đoán đánh giá lại xem bào thai có bất thường về hình thái không, xem thận hoạt động thế nào khi có nước ối. Điều quan trọng hơn nữa là khi tử cung đầy nước ối các bác sĩ có thể lấy tế bào từ dịch ối để làm xét nghiệm khẳng định các bất thường về di truyền cho thai nhờ giải trình tự gene. Với định hướng điều trị đó, thai phụ được tiến hành bơm 500ml dung dịch Ringer lactate vào buồng ối, sau đó hút dịch ối ra để thực hiện xét nghiệm di truyền", TS Sim nói.
(Báo Sức khỏe và đời sống)
Thu hồi khẩn một lô thuốc điều trị dạ dày nhập khẩu do vi phạm chất lượng
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu thu hồi toàn quốc thuốc Viên nang cứng H-inzole, số giấy đăng ký lưu hành VN18555-14, Số lô: HT4-51, sản xuất ngày 18/10/2022, hạn dùng 17/10/2024 do Công ty Lark Laboratories (India) Ltd India sản xuất, Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây nhập khẩu.
Lý do thu hồi vì lô thuốc nêu trên vi phạm chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan (mức độ 3). Thuốc Viên nang cứng H-inzole được chỉ định để điều trị bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản...
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây phối hợp với nhà cung cấp và phân phối thuốc gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng lô Viên nang cứng H-inzole nói trên và tiến hành thu hồi toàn bộ.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội kiểm tra và giám sát Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.
(Báo An ninh thủ đô)
Pháp khởi động lại chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ tháng 10/2023
Trong thông cáo đưa ra, Bộ Y tế Pháp cho biết chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ chính thức được khởi động lại từ ngày 17/10/2023 tại lãnh thổ chính quốc cũng như tại lãnh thổ hải ngoại như Guadeloupe, Martinique và Guyane. Riêng tại quần đảo Mayotte, chiến dịch tiêm phòng sẽ được bắt đầu sớm hơn, ngay từ đầu tháng 9/2023.
Theo Tổng cục Y tế Pháp, việc tiêm thêm mũi tăng cường được khuyến cáo trên cơ sở diễn biến số mắc Covid-19 có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây sau sự xuất hiện của biến thể virus mới EG.5 hay còn có tên gọi khác là Eris.
Dù tỷ lệ lây nhiễm hiện vẫn còn ở mức thấp nhưng số ca bệnh có thể tăng nhanh trở lại khi mùa Đông đến đi kèm các loại bệnh theo mùa như dịch cúm hay viêm tiểu phế quản. Ngoài ra, còn phải kể đến tính hiệu quả của vaccine đã giảm dần theo thời gian. Tổng cục Y tế Pháp cũng khuyến cáo tiêm phòng cùng lúc vaccine ngừa Covid-19 và vaccine phòng bệnh cúm để tránh dịch kép.
Những đối tượng được đặc biệt lưu ý vẫn sẽ là những người trên 65 tuổi, người dễ bị tổn thương, suy giảm hệ miễn dịch hay có các bệnh lý nền như tiểu đường, béo phì, bệnh mãn tính… Mũi vaccine tăng cường phải đảm bảo thời gian cách mũi tiêm hoặc thời gian mắc Covid-19 gần nhất ít nhất 6 tháng.
Hội Y tế cấp cao khuyến nghị người trên 30 tuổi nên sử dụng các vaccine hiệu quả kép như Pfizer hoặc Moderna vừa có khả năng phòng ngừa biến thể Omicron và các biến thể trước đó. Hiện các hãng Pfizer, Moderna và Novavax đang tích cực thử nghiệm, điều chỉnh vaccine hiện hành để có thể đưa các loại vaccine đặc trị biến thể virus mới EG.5 với thời gian công bố dự kiến vào tháng 9/2023.
(Báo điện tử vov.vn)
Gia tăng trẻ nhập viện do sốt xuất huyết
Từ đầu tháng 8 đã có 60 bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi Trung ương do sốt xuất huyết, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội trong hai tuần đầu tháng 8, số ca bệnh tiếp tục tăng gấp 1,5 lần so với tháng 7 (khoảng 640 - 760 ca/tuần). Đáng chú ý, số ổ dịch sốt xuất huyết cũng tăng gấp 2 - 3 lần, từ 16 - 20 ổ dịch/tuần trong tháng 7 lên tới 59 ổ dịch/tuần trong tháng 8. Các bác sĩ cảnh báo, sốt xuất huyết có 4 tuýp và năm nay cùng xuất hiện. Điều lo ngại là một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần và lần sau thường nặng hơn lần trước.
(Theo Truyền hình Quốc hội Việt Nam)
Rút ngắn thủ tục cấp phép, khuyến khích đầu tư, chuyển giao công nghệ dược phẩm
Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký ban hành Thông tư 16/2023/TT-BYT quy định việc đăng ký lưu hành đối với thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ tại VN (hiệu lực thi hành từ ngày 1.10.2023).
Thông tư là căn cứ pháp lý quan trọng để thu hút hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, đặc biệt là các thuốc biệt dược gốc, các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự theo các định hướng tại "Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17.3.2021.
Với các quy định tại Thông tư 16/2023, các doanh nghiệp thực hiện gia công, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc vào VN sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện thủ tục đăng ký lưu hành thuốc, rút ngắn các thủ tục hành chính và thời gian xử lý hồ sơ, đồng thời được xem xét, áp dụng các ưu đãi trong tham gia đấu thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế.
Việc triển khai các quy định tại thông tư này cũng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc của VN được tiếp nhận các quy trình, công nghệ và kỹ thuật sản xuất thuốc tiên tiến, hiện đại, tận dụng tối đa năng lực sản xuất, đồng thời đảm bảo sự chủ động trong việc sản xuất, cung ứng các thuốc, vắc xin, sinh phẩm có chất lượng cao cho công tác khám chữa bệnh của người dân.
(báo Thanh niên)