* Hà Nội: Đỡ đẻ thành công cho sản phụ có phủ tạng đảo ngược, trái tim bên phải rất hiếm gặp
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, các bác sĩ vừa phối hợp liên viện để đỡ đẻ thành công cho một thai phụ bị đảo ngược phủ tạng, có trái tim nằm bên phải, rất hiếm gặp…
Theo thông tin từ Bệnh viện Tim Hà Nội, sản phụ 29 tuổi, ở Yên Bái, mang thai ở tuần 38, đi khám tại Bệnh viện Phụ sản trung ương. Tại đây, bệnh nhân được chỉ định ngưng mang thai do mắc tim bẩm sinh phức tạp và phủ tạng bị đảo ngược. Sau đó, thai phụ được chuyển sang Bệnh viện Tim Hà Nội.
Qua lời kể từ bệnh nhân, khi mang thai ở tuần thứ 12, chị này đi khám thì phát hiện mắc bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp. Các bác sĩ khuyên đình chỉ thai, song chị quyết tâm giữ con.
Các bác sĩ đánh giá, đây là trường hợp sản phụ gặp những bệnh lý rất hiếm gặp. Người bình thường, tim có 4 buồng, 2 thất và 2 nhĩ. Tuy nhiên, nữ bệnh nhân chỉ có một thất và một nhĩ, kèm theo đảo ngược phủ tạng.
Bệnh nhân một thất thường sẽ mắc suy tim khi đến tuổi trưởng thành, nặng hơn nữa là tử vong. Ngoài ra, bệnh nhân này mắc thêm một dị tật nữa là hẹp van động mạch phổi, giúp máu bơm lên tim kém.
Sau khi tiếp nhận ca bệnh, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đã hội chẩn với ê kíp tim mạch, cùng với các bác sĩ sản khoa Bệnh viện Phụ sản trung ương đỡ đẻ thành công cho sản phụ.
Sau khi mổ, em bé được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản trung ương để được chăm sóc. Còn người mẹ ở lại Bệnh viện Tim Hà Nội để hồi sức sau sinh. Đến chiều qua (22-6), sức khoẻ người mẹ đã ổn định và được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản trung ương với con.
(Báo An ninh thủ đô)
* Bộ Y tế thu hồi giấy đăng ký lưu hành của 13 loại thuốc nhập khẩu
13 loại thuốc, trong đó có nhiều thuốc thông dụng như Tamiflu, Tetraspan, miếng dán Norspan... đã được Bộ Y tế thu hồi giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam...
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa có quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam đối với 13 loại thuốc. Lý do thu hồi là do các cơ sở đăng ký thuốc đề nghị tự nguyện thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam. Cụ thể gồm:
1. Thuốc Tetraspan 6% solution for infusion, dạng bào chế tiêm truyền tĩnh mạch, số đăng ký: VN-18497-14 do B. Braun Medical Industries Sdn. Bhd. (Malaysia) là cơ sở đăng ký;
2. Thuốc Spiolto Respimat, dạng bào chế là dung dịch để hít, số đăng ký VN3-361-21 do Boehringer Ingelheim International GmbH (Đức) là cơ sở đăng ký;
3. Thuốc Tamiflu, dạng bào chế viên nang cứng, số đăng ký VN-18299-14, do F.Hoffmann-La Roche Ltd. (Thụy Sỹ) là cơ sở đăng ký.
4. Thuốc MS Contin 10mg, dạng bào chế viên nén phóng thích kéo dài, số đăng ký VN-21318-18;
5. Thuốc 5 MS Contin 30mg, dạng bào chế viên nén phóng thích kéo dài, số đăng ký VN-21319-18;
6. Norspan 10mcg/h, dạng bào chế là miếng dán trị liệu qua da, số đăng ký VN3-266-20;
7. Norspan 20mcg/h, dạng bào chế là miếng dán trị liệu qua da, số đăng ký VN3-267-20;
8. Norspan 5mcg/h, dạng bào chế là miếng dán trị liệu qua da, số đăng ký VN3-268-20;
Cả 5 loại trên (từ số 4 đến số 8) đều có cơ sở đăng ký là Mundipharma Pharmaceuticals Pte. Ltd. (Singapore).
9. Vinorelbin "Ebewe", dạng bào chế là dung dịch đậm đặc pha dung dịch tiêm truyền, số đăng ký VN-20829-17;
10. Calciumfolinat "Ebewe", dạng bào chế là dung dịch tiêm truyền, số đăng ký VN-23089-22;
11. Calciumfolinat "Ebewe", dạng bào chế là dung dịch tiêm truyền, số đăng ký VN-23090-22;
12. Gliclazid Sandoz 30mg, dạng bào chế viên nén phóng thích biến đổi, số đăng ký VN-23041-22;
13. Amoxicillin 250mg, dạng bào chế viên nén phân tán, số đăng ký VN-22180-19.
Cả 5 loại trên (từ số 9 đến 13) có cơ sở đăng ký là Novartis (Singapore).
(Báo An ninh thủ đô)
* Bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường: Tuyệt đối không chủ quan
Do bệnh tay chân miệng do chủng virus EV71 chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị.
Bệnh dễ biến chứng
Bệnh tay chân miệng có hai biến chứng thường gặp là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Năm nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó, điển hình nhất là viêm não.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó có 20% - 30% trường hợp là nhiễm chủng virus EV71.
TS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71).
Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Vào Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng sốt cao không hạ, nhiều nốt ban đỏ ở tay, chân và miệng, giật mình nhiều, bé A.N. (26 tháng, Bắc Giang) được chẩn đoán mắc tay chân miệng, có biến chứng viêm não.
Mẹ bé A.N. chia sẻ, đầu năm con đã mắc tay chân miệng một lần với biểu hiện sốt, lở loét miệng, nhưng điều trị tại nhà vài ngày là khỏi, nên lần này khi bé mắc lại, tôi không nghĩ là con bị nặng như vâỵ, cũng may là được điều trị kịp thời, nên hiện tại con đã tỉnh táo và chuẩn bị được ra viện.
Đang nằm điều trị cùng phòng với bé A.N. là bé M.Q. (12 tháng, Vĩnh Phúc), được biết, trước khi nhập viện 2 ngày, bé M.Q. có biểu hiện sốt cao, quấy khóc, chảy dãi, ăn uống kém.
Nhưng cha mẹ chỉ nghĩ, con sốt mọc răng nên không đưa đi khám. Đến khi trẻ bắt đầu giật mình, nôn trớ nhiều, gia đình mới vội vàng đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương thì được chẩn đoán mắc tay chân miệng chủng virus EV71, có biến chứng viêm não.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Thuý Nga – Phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Tuy nhiên, năm nay khoa tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ và cuối giấc ngủ. Ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi lại loạng choạng,…
Nhận biết dấu hiệu bệnh trở nặng
Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Từ 1 đến 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.
Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1-2 ngày với các tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện ở mông hoặc ở cơ quan sinh dục.
Bệnh nhi cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc có thể chỉ bị phát ban hoặc loét miệng.
Phân loại bệnh theo mức độ nặng: Bệnh nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà.
Khi trẻ có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt. Người chăm trẻ phải được hướng dẫn đầy đủ về cách chăm sóc bệnh nhi tay chân miệng, cách phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Ưu điểm của chăm sóc tại nhà là trẻ được hưởng điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường xung quanh sạch sẽ và đặc biệt là giảm được nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
Bệnh nặng, cần nhập viện điều trị. Bệnh được đánh giá là nặng khi có các biểu hiện sau: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt. Mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ,… Giật mình nhiều (hơn 2 lần trong 30 phút). Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân.
Thở nhanh, thở bất thường: Ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè…. Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.
(Báo Kinh tế & đô thị)
* Phòng ngộ độc thực phẩm từ bữa cỗ đông người
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại những bữa cỗ tập trung đông người.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, nếu thực phẩm được chế biến, bảo quản không hợp lý sẽ dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn. Do đó, để phòng ngừa ngộ độc, những gia đình khi đặt cỗ, hay đồ nấu sẵn cần lựa chọn cơ sở uy tín, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Nguy cơ luôn hiện hữu
Khoảng giữa tháng 6-2023, anh L.N (39 tuổi ở Hà Nội) và con gái 17 tuổi được cấp cứu vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ngay trong đêm do bị đau bụng, nôn, đi ngoài… Khoảng 30 phút sau, vợ và con trai nhỏ của anh N. tiếp tục nhập viện. Trước đó, gia đình anh có ăn cỗ đặt sẵn. Mọi người ăn nhiều món nhưng riêng anh N. chỉ ăn canh cua. Khoảng 3 giờ sau khi ăn, cả gia đình bị đau bụng dữ dội kèm theo tiêu chảy, buồn nôn và nôn…
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thùy Trang, Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, với các triệu chứng trên, khi nhập viện, 4 người trong gia đình anh N. có biểu hiện mất nước và rối loạn điện giải. Đây là các triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm. Sau đó, các bệnh nhân được xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và điều trị phù hợp. Sau 3 ngày được điều trị và chăm sóc tích cực, 4 người đều bình phục, được xuất viện.
Trước đó, vào giữa tháng 5-2023, dư luận xôn xao về vụ ngộ độc tập thể với 48 người mắc tại một đám cưới ở tỉnh Quảng Trị do cơ sở nấu ăn lưu động của bà T.T.C chế biến.
Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, cơ sở nấu ăn cỗ của bà T.T.C không có các giấy tờ cần thiết như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người trực tiếp chế biến, hợp đồng mua bán thực phẩm, không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước (kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu). Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt chủ cơ sở 22,5 triệu đồng vì vi phạm quy định an toàn thực phẩm.
Tương tự, vào đầu tháng 5-2023, sau khi ăn tiệc cưới, hàng chục người ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cũng phải nhập viện điều trị trong tình trạng nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy... Sau đó, chủ cơ sở nấu đồ ăn này đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng và đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm 4 tháng do có những vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hầu hết các vụ ngộ độc thức ăn tại các bữa cỗ, bếp ăn tập thể đều liên quan đến thói quen “đơn giản” trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến khiến thực phẩm bị nhiễm độc, thực phẩm không bảo đảm chất lượng...
Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) Nguyễn Trung Nguyên cũng cho rằng, việc chuẩn bị các bữa cỗ tập trung đông người, phục vụ nhiều người một lúc, tốc độ phục vụ nhanh khiến thức ăn chưa đủ thời gian chín, đồ chín để lẫn đồ sống dễ nhiễm khuẩn, hay việc đồ ăn phải chuẩn bị từ sớm có nguy cơ ôi thiu. Ngoài ra, vào mùa hè, những thực phẩm như hải sản giàu đạm, protein… nhanh chóng bị i thiu nên người ăn có nguy cơ bị ngộ độc.
Nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thùy Trang, Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh), bệnh liên quan đến đường tiêu hóa có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, vào mùa hè với thời tiết nắng nóng làm cho thực phẩm nhanh ôi thiu, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Do đó, nếu thực phẩm được chế biến, bảo quản không hợp lý sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Để phòng ngừa ngộ độc, những gia đình thường xuyên đặt cỗ, đặt đồ ăn nấu sẵn cần lựa chọn những cơ sở uy tín, tuân thủ các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cũng cho rằng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm thường tăng cao trong mùa hè khi thời tiết nắng nóng. Đặc biệt, khi ăn uống tập trung đông người, hay ăn uống ở ngoài trời… dễ có nguy cơ ngộ độc hơn do các điều kiện thuận lợi như: Vi khuẩn phát triển dễ dàng hơn khi thực phẩm không được bảo quản trong vùng nhiệt độ an toàn. Thêm vào đó, thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn từ côn trùng, động vật gây hại, động vật và bụi. Điều đáng nói, các vi khuẩn gây ngộ độc phát triển dễ dàng hơn trên một số loại thực phẩm như: Thịt sống và thịt nấu chưa chín hẳn, hải sản, các sản phẩm từ sữa, các loại salad trộn, bánh pizza…
Các biểu hiện thường gặp khi bị ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, đau bụng quằn quại, tiêu chảy, có thể sốt hoặc không… Đôi khi có kèm theo hoặc không có các triệu chứng phụ như đau đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở... Các dấu hiệu trên thường xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí 1-2 ngày sau khi ăn phải thức ăn nhiễm độc.
Do đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có những biểu hiện ngộ độc, cần bình tĩnh và áp dụng những biện pháp sơ cứu ngay lập tức để giảm thiểu ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe như: Gây nôn, bù nước… Trường hợp người bệnh có những triệu chứng bất thường như: Co giật, rối loạn ý thức, suy hô hấp… cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.
(Báo Hà Nội mới)
* Hà Nội: Kiểm tra các cơ sở hành nghề y đăng quảng cáo không phép
Khi rà soát các hồ sơ thẩm định xin cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội phát hiện một số cơ sở đăng tải hình ảnh quảng cáo khi chưa được cấp giấy phép hoạt động.
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành các văn bản yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra các cơ sở hành nghề không phép và quảng cáo khi chưa được phê duyệt nội dung quảng cáo.
Các đơn vị thông báo kết quả xử lý về Sở Y tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 02/CT-UBND ngày 8/2/2023 của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập.
Các cơ sở gồm: Phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt-Nha khoa Hương Giang (đội 8, thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh); Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Quyền Tâm Đường (số 15 ngõ 168 Kim Giang, phường Đại Kim, Hoàng Mai); Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ BellezzaQT trực thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Viện thẩm mỹ Bellezza Việt Nam (19 Mạc Thái Tổ, phường Yên Hòa, Cầu Giấy); Phòng khám chuyên khoa nội Agrie home trực thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Agrie Việt Nam (120A phố Phan Kế Bính, phường Cống Vị, Ba Đình); Phòng xét nghiệm y khoa Lab Home trực thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn và chăm sóc sức khỏe Lab Home (tầng 1, số 140 ngõ 211 phố Khương Trung, phường Khương Đình, Thanh Xuân).
Bên cạnh đó còn có các cơ sở: Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt thẩm mỹ Xuân Hương trực thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thẩm mỹ Xuân Hương (tầng 2 số 22 Triệu Việt Vương, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng); Phòng khám đa khoa-Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bệnh viện Hồng Ngọc (tầng 3, khối B, Trung tâm Thương mại Savico Megamall, 7-9 Nguyễn Văn Linh, phường Gia Thụy, Long Biên).
Trước đó, trong hai ngày 7-8/6, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi 8 quận, huyện kiểm tra cơ sở hành nghề y, dược quảng cáo không phép.
Các cơ sở này bị phát hiện đăng tải hình ảnh quảng cáo khi chưa được cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt nội dung quảng cáo khi Sở Y tế rà soát các hồ sơ thẩm định xin cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, các quận, huyện thực hiện rà soát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn, chú trọng vào các cơ sở hành nghề không phép, đăng tải quảng cáo trên trang thông tin điện tử hoặc mạng xã hội… khi chưa được cấp phép.
(Báo Vietnamplus)
* Phân loại sớm, chuyển tuyến phù hợp để tránh chuyển nặng, tử vong với tay chân miệng, sốt xuất huyết
Ghi nhận tình trạng bệnh tay chân miệng tăng nhanh từ đầu tháng 5 và có nhiều ca biến chứng nặng, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cần phân loại và chuyển tuyến phù hợp, để không chuyển nặng, tử vong.
Sáng 23/6, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã họp trực tuyến về phòng chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng với 20 tỉnh khu vực phía Nam.
Theo báo cáo của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, tỷ lệ ca mắc trên 100.000 dân cao so với năm trước và so với trung bình 5 năm vừa qua. Đây cũng là những tỉnh có tỷ lệ ca nặng cao.
50% người lớn mắc bệnh không có triệu chứng, dễ lây sang cho trẻ
Báo cáo với Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, bệnh tay chân miệng đang ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới ở khu vực phía Nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có 5 ca từ vong xác định do chủng Enterovirus 71 (EV71), 2 trường hợp tử vong khác.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết, hiện thống kê dựa trên số ca mắc bệnh nặng nhập viện, còn số ca nhẹ chưa thống kê có thể cao hơn nhiều. Trong đó, số ca mắc tay chân miệng chủng EV71 chiếm ưu thế. Đặc biệt phân độ tay chân miệng hiện chưa được báo cáo rõ ràng, 81% ca bệnh ở TP.HCM chưa được phân bổ lâm sàng, gây ảnh hưởng đến đánh giá lâm sàng, xác định xu hướng bệnh tật.
Ngoài ra, PGS.TS Tăng Chí Thượng cũng cho biết có 50% người lớn mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, đây là nguồn lây quan trọng nhưng vì không có triệu chứng nên rất dễ lây sang trẻ em. Nhiều trường hợp khác cũng mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng. Do vậy, cầnlưu ý đưa chẩn đoán quan tâm phát hiện sớm, trẻ nhập viện sớm phòng biến chứng, tử vong.
Tương tự, với bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết hiện cũng đang đầu mùa bệnh. Khu vực phía Nam đã ghi nhận có khoảng 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, so cùng kỳ giảm 39%, so với 2019 giảm 47%, ca tử vong cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.
PGS.TS Tăng Chí Thượng cho rằng tỷ lệ nặng trên tổng số ca mắc vẫn rất cao nếu không phòng chống kỹ dễ dẫn tới khả năng bùng phát dịch, gây quá tải cho các cơ sở y tế.
"Chúng ta đã bắt đầu vào mùa mưa nên phải chống dịch ngay từ bây giờ để giảm tỷ lệ lưu hành virus sốt xuất huyết, giảm các ca mắc và ca chuyển nặng", ông Thượng nhấn mạnh.
Với Đồng Tháp, theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) tỉnh, dịch sốt xuất huyết và tay, chân, miệng cũng đang diễn tiến phức tạp. Đồng Tháp đã ghi nhận 1.447 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, trong đó có 82 trường hợp nặng, 1 trường hợp tử vong.
Còn bệnh tay chân miệng, tính đến tuần 24, Đồng Tháp đã có 902 ca, trong đó ca mắc dưới 3 tuổi chiếm 68%, vừa có 1 trường hợp tử vong.
Đồng Nai cũng ghi nhận 1.694 ca mắc tay chân miệng, giảm 56,37% so với cùng kỳ 2022 (3.883 ca). Không ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, số ca mắc có xu hướng tăng từ đầu tháng 3, đặc biệt từ tháng 5 tăng mạnh, mỗi tuần có 200-300 ca nhập viện.
Cần phân loại bệnh để chuyển tuyến phù hợp
"Nếu không kiểm soát nghiêm ngặt thì số ca nặng sẽ tăng cao", đó là nhận định của GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khi đánh giá về tình hình bệnh hiện nay khi bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết có chiều hướng diễn biến phức tạp.
GS.TS Phan Trọng Lân đề nghị lãnh đạo các Sở Y tế, các trung tâm kiểm dịch phải có biện pháp giám sát, đánh giá các ổ dịch để kiểm soát, không để dịch lan rộng ở từng điểm.
"Phần lớn ca mắc và chuyển nặng đều là trẻ em, nhưng người lớn cũng là nguồn lây quan trọng, trong khi nhiều người không có triệu chứng nên khó lòng kiểm soát. Do vậy, ngoài điều trị thì các địa phương cần phải có biện pháp tuyên truyền, điều trị dự phòng ở các cơ sở y tế tư nhân, địa phương, mở rộng giáo dục cho người dân về ý thức phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm", GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh các tỉnh chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến xã trở lên, đặc biệt các phòng khám tư nhân lưu ý khi tiếp nhận thăm khám. Với những ca mắc ngay khi tiếp nhận cơ sở y tế phải phân loại mức độ.
Với những ca nhẹ có thể điều trị ở tuyến xã, phòng khám tư nhân. Khi bệnh nhân có dấu hiệu bệnh ở độ 2A phải chuyển lên tuyến huyện hoặc tư nhân điều trị ở độ 2A-1. Từ độ 2B phải lên tuyến tỉnh. Còn phân độ 3, độ 4 phải chuyển lên tuyến trên.
Hiện khu vực phía Nam có 4 bệnh viện ở tuyến cuối tiếp nhận điều trị gồm: Bệnh viện Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố.
Cần chủ động phòng, điều trị bệnh
Sau khi nghe các báo cáo, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước đó Bộ đã có những văn bản hướng dẫn cụ thể, kinh phí mua thiết bị y tế, thuốc điều trị cũng đã phân bổ về các địa phương.
Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Khi đã có kế hoạch, nếu chưa hoặc đang trình phê duyệt, đề nghị tham mưu, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương phê duyệt kinh phí để triển khai.
Các tỉnh thành phố cần tăng cường theo dõi, tập trung xử lý đảm bảo chất lượng, phân tích tình hình dịch, có giải pháp kịp thời, tuỳ theo tình hình và địa phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải tổ chức tổ phân tuyến điều trị, phân luồng khám chữa bệnh; tuyến trên phải tăng cường tập huấn, giám sát chặt chẽ, thực hiện phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Phát hiện sớm dịch bệnh, truyền thông tại cộng đồng, tại trường học để phòng dịch.
(Báo Sức khỏe & đời sống)